Nhường người một phần có hại gì đâu, kém người một phân có gì phải đố kỵ? - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

Nhường người một phần có hại gì đâu, kém người một phân có gì phải đố kỵ?

Chuyện kể rằng, ở ngôi chùa cổ trên ngọn núi nọ có một sư trụ trì già sống cùng hai chú tiểu.


Hàng ngày, họ đều tụng kinh niệm Phật và xuống núi hóa duyên. Buổi sáng hôm ấy, trong bữa cơm chay, chú tiểu phát hiện sư phụ và sư huynh đều có 6 chiếc bánh bao trong bát. Mỗi cậu ta là chỉ được bốn cái mà thôi. Chú tiểu thấy vậy, trong lòng ấm ức, quyết đòi lại công bằng.
Cậu thầm nghĩ bụng: “Sư phụ được 6 chiếc thì rõ ràng rồi, còn sư huynh ngang ta mà cũng được 6 chiếc. Chẳng phải thế là huynh ấy bằng vai với sư phụ rồi sao? Không được! Không được”. Càng nghĩ chú tiểu càng thấy bất bình trong tâm: “Lẽ ra mình cũng phải được 6 chiếc bánh mới phải chứ!”.
Cậu tìm đến sư phụ, mè nheo: “Sư Phụ! Con cũng muốn được ăn 6 chiếc bánh như sư huynh!”.
Sư phụ mỉm cười: “Con có chắc là mình ăn được 6 chiếc bánh không?”.
Chú tiểu lớn tiếng đáp: “Chắc chắn là có chứ ạ! Con muốn có được 6 chiếc bánh!”.
Sư phụ nhìn chú tiểu, vẻ mặt vẫn hiền hòa, đoạn lấy ra 2 chiếc bánh từ bát của mình cho chú. Chú tiểu nhồm nhoàm, ăn loáng một cái đã hết gọn 6 chiếc bánh mà hãy còn thòm thèm. Chú nhìn sư phụ, vẻ mặt tươi tỉnh, vui vẻ, hài lòng.
Chú lại nhìn sang sư huynh với vẻ đắc thắng, hả lòng hả dạ lắm. Chú lại vỗ vào bụng mình, nói với sư phụ: “Sư phụ xem con đã ăn hết số bánh ấy rồi! Con cũng có thể ăn được 6 cái như sư huynh đó! Từ nay con cũng muốn được ăn 6 cái như vậy!”.
Sư phụ mỉm cười, xoa đầu chú tiểu nói: “Chuyện đó để từ từ rồi nói”.
Cơm xong, chẳng bao lâu sau, chú tiểu bắt đầu thấy bụng trướng lên, khát khô cả cổ. Chú uống liền một mạch, hết bát nước to, nhưng vẫn khó chịu. Bụng chú càng ngày càng đau, thậm chí chú không thể đứng lên nổi. Những việc ngày thường quét sân, tưới nước, kiếm củi, đọc kinh, chú đều không làm nổi.
Lúc này, sư phụ nhẹ nhàng đến bên, xoa đầu chú tiểu: “Ngày thường con chỉ ăn 4 chiếc, nay lại ăn thêm. Con thấy rồi đấy, chưa ăn dứt miệng, đã thấy khó nhọc, khổ tâm. Ăn nhiều chẳng thà ăn ít, sướng miệng chẳng bằng thoải mái trong tâm”.
Chú tiểu xấu hổ lắm, ánh mắt như có phần hối hận, có phần van lơn: “Sư phụ ơi, con phải làm sao bây giờ?”.
Sư phụ khẽ mỉm cười, trầm ngâm: “Mấy chiếc bánh đó sẽ tiêu nhanh thôi. Nhưng con phải hiểu được bài học này. Có nhiều thứ trên đời chiếm được rồi nhưng không nhất định là mang lại cho người ta hạnh phúc. Đừng chỉ chăm chăm nhìn vào phần hơn của người khác, phần thiệt của mình. Không tham lam thì tự nhiên biết đủ, chẳng cầu thì tự nhiên sẽ vui vẻ mà thôi”.
Chú tiểu hiểu ra, mừng mừng rỡ rỡ, tươi cười: “Con hiểu rồi ạ! Ngày mai sư phụ lại cho con ăn 4 chiếc bánh như thường nhé!”.
***
Tham lam cũng chẳng lại ý Trời.
Người càng thanh bạch thì cuộc sống càng thuận lợi.
Nhường người khác một phần thì có hại gì đâu?
Kém người khác một phân thì có gì phải đố kỵ?
Nhân sinh như mộng, thoáng chốc vụt tan, ganh ghét làm chi để đời sầu muộn.
Mới hay mọi chuyện ngay từ đầu đã là hợp lý, hợp duyên.
Cưỡng cầu chỉ làm tâm can tổn thương, mỏi mệt mà không cách nào tự gỡ được tơ lòng.
Văn Nhược

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner