NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2018

NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO

Nói cuộc đời là vô thường nhưng trong tính chất vô thường đó, vẫn có định luật nhân quả vận hành đời sống. Đời sống là vô thường nhưng không phải vì thế mà ngẫu nhiên, may rủi, tùy tiện. Không có cái gì tự nhiên mà có, nó có đó là vì có những nhân đã tạo ra nó. Một cảm xúc vui buồn, thậm chí dai dẳng, không thể tự nhiên từ trên trời rớt xuống, nó có những nguyên nhân trước đó, nhiều khi xa xôi đến không thể nhớ lại được.
Nhân nào có sanh ra rồi cũng có lúc diệt, quả nào đã thành rồi cũng phải hoại. Bởi vì có sự sanh diệt của nhân quả mà có sự vô thường của cuộc đời. Cho nên, đời sống vô thường vì có định luật nhân quả, và vì có định luật nhân quả nên đời sống là vô thường.
Định luật nhân quả nghĩa là hành động nào dù tốt dù xấu cũng là một nhân, và nhân đó sẽ sinh ra quả, dù sớm hay muộn. Thế nên, trong đời sống hàng ngày, chúng ta cần tránh tạo những nhân xấu và cố gắng tạo những nhân tốt, tức là hành động của thân, khẩu, ý tốt để cuộc đời chúng ta được thoải mái, như ý.
Nhưng nhân quả tốt đến đâu cũng chỉ đưa chúng ta đến cao nhất là hưởng những phước báo cao cấp của cõi người hay các cõi trời, mà những cõi này vẫn nằm trong sanh tử, nghĩa là trong vô thường và cái chết. Còn vì mê lầm, tham lam, oán giận, ghen ghét mà tạo ra những nhân xấu thì sẽ phải chịu những quả báo xấu trong những cõi thấp, tối tăm và khổ đau.
Nhân quả nghiệp báo đưa chúng ta đến một xác quyết: có đời trước và đời sau. Có những đời trước mới có quả xấu tốt hưởng trong đời này, và có những đời sau để cho những nhân đời này trổ quả. Khi nhận định rằng có đời trước và đời sau, chúng ta thấy rằng mọi đời của chúng ta đều do sự chọn lựa của chúng ta. Chúng ta trách nhiệm về tất cả đời kiếp của mình.
Sự thực hành của đạo Phật, những tiến bộ tâm linh cũng dựa trên nhân quả. Đạo Phật là sự tích tập trí huệ và công đức, sự tích tập này dựa trên định luật nhân quả.
Định luật nhân quả nghiệp báo tạo ra ba cõi sinh tử. Cho nên còn sống trong ba cõi thì còn chịu sự thống trị của nhân quả, do đó mà vẫn chưa được tự do.
Như vậy mục đích của đời người là đạt đến tự do, giải thoát khỏi ba cõi. Nhưng không phải giải thoát khỏi ba cõi là hủy hoại ba cõi, như một số tôn giáo chờ đợi ngày tận thế. Cũng không phải ra là khỏi ba cõi theo nghĩa đen. Mà giải thoát thực sự khỏi ba cõi, theo đạo Phật, là thấy được bản chất của ba cõi là tánh Không, do đó ở ngay nơi ba cõi mà giải thoát khỏi, tự tại với ba cõi.
Những khuyết điểm và nguy hiểm của sanh tử luân hồi
Khuyết điểm của sanh tử mà ai cũng thấy là sanh già bệnh chết không thể tránh. Càng nguy hiểm hơn là chúng ta không ý thức về điều đó. Khuyết điểm của sanh tử là sự bất toại nguyện. Những niềm vui, hạnh phúc tạm thời rồi sẽ qua đi, chúng ta lại đi tìm niềm vui và hạnh phúc tạm thời khác. Như thế cho đến suốt đời. Nhưng tại sao chúng ta cứ đi tìm mãi hạnh phúc và cả khổ đau, tâm chúng ta cứ loạn lên chẳng bao giờ dừng nghỉ được? Bởi vì thật sự bên trong chúng ta là sự trống rỗng mà tất cả niềm vui nỗi khổ, công ăn việc làm của cả một đời cũng không thể lấp đầy. Bất toại nguyện lớn nhất của chúng ta là sự trống rỗng của chúng ta, trống rỗng đến độ cả thế gian này cũng chẳng thể lấp đầy nó.

Và nguy hiểm là chúng ta không hề biết điều đó, nhọc nhằn, vô ích cả một đời để mong lấp đầy được hư không. Trong quá trình tự lấp đầy này, chúng ta tạo ra bao nhiêu hành động, tốt có xấu có, nghĩa là bao nhiêu nghiệp. Chúng ta có thể nhọc nhằn vô vọng nhiều đời mà không thể lấp đầy chính mình được, cho đến một ngày nào chúng ta bắt đầu nhận ra một sự thật mà đạo Phật đã nói từ hàng ngàn năm nay. Chúng ta không thể lấp đầy mình được, bởi vì chúng ta là trống rỗng, không có một cái tôi nào cả để có thể được lấp đầy. Đây là sự thật rằng không có một cái tôi, sự thật rằng tất cả chúng sanh đều vô ngã.
Cái nguy hiểm là chúng ta không biết sống như thế nào cả, không biết những định luật nào cai quản đời sống cả. Sự không biết này đạo Phật gọi là vô minh. Trong khi chỉ với Tám Chánh Đạo, bao gồm toàn bộ thân khẩu ý, nghĩa là bao gồm toàn bộ cuộc sống, người ta mới biết thế nào là sống đúng, sống đường chánh. Và nếu ứng dụng tám con đường chánh này đến mức tinh vi, thì đó cũng là những con đường đưa đến tự do, giác ngộ.
Thế nên có những khuyết điểm và những nguy hiểm bởi vì chúng ta không biết. Sự không biết này bao trùm toàn bộ cuộc sống của chúng ta, biến nó thành mê lầm, hư hỏng. Chúng ta mù lòa, không thấy gì, vì không có Chánh kiến; chúng ta không suy nghĩ đúng được vì chúng ta không có Chánh tư duy; chúng ta tạo ra những lỗi lầm vì không có Chánh hành động hay Chánh nghiệp… Nhờ có Pháp, là những lời dạy của bậc Giác ngộ, mà tạm thời chúng ta ít lỗi hơn, như người mù có cây gậy dò đường. Nhưng Pháp chỉ thực sự là Pháp khi nhờ nó mà chúng ta sáng mắt, khi nó trở thành chính mạng sống của chúng ta, chính đời sống của chúng ta. Lìa bỏ nó, chúng ta lại rớt vào bóng tối của vô minh, của cái chết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner