Quý Trát tên thật là Cơ Trát, là con út của vua Ngô vương Thọ Mộng, là người mà Khổng Tử ngưỡng mộ nhất.
Năm 544 trước Công nguyên, Quý Trát phụng mệnh đi viếng thăm nước Lỗ. Ông có mang theo một đoàn tùy tùng và xuất phát từ thủ phủ của nước Ngô. Lúc họ đi qua khu vực nước Từ, chứng kiến cảnh dân chúng nước Từ an cư lạc nghiệp, cuộc sống giàu có yên vui thì trong lòng họ không khỏi ngưỡng mộ: “Vua nước Từ trước tới nay nổi tiếng là dùng nhân nghĩa đối đãi với dân chúng, hôm nay được chứng kiến điều này, quả là danh bất hư truyền!”
Thế là, Quý Trát liền nảy sinh ý muốn tới thăm hỏi vua nước Từ một chút để thổ lộ lòng ngưỡng mộ của mình. Vua nước Từ sớm đã được nghe danh tiếng về tài đức của Quý Trát, hôm nay lại đặc biệt được ông ghé thăm nên trong lòng rất vui mừng phấn khởi. Ông vội vàng sai tôi tớ tổ chức yến tiệc để chiêu đãi. Hai người họ nói chuyện thật vui vẻ, vua nước Từ rất thích thanh bảo kiếm mà Quý Trát đeo trên người, mấy lần ông muốn nói nhưng lại không tiện mở miệng.
Quý Trát là người thông minh nên chỉ liếc mắt đã hiểu thấu lòng vua nước Từ, muốn tặng lại thanh bảo kiếm cho vua nước Từ. Nhưng đột nhiên ông lại nghĩ: “Mình mang theo bảo kiếm đi sứ nước khác, là một sự tôn trọng lại càng là lễ tiết. Nếu bây giờ đem bảo kiếm tặng lại cho vua nước Từ thì chẳng phải là bất kính với vua nước Lỗ sao?” Nghĩ như vậy nên Quý Trát đã từ bỏ ý nghĩ tặng bảo kiếm cho vua nước Từ. Nhưng ông cũng đã tự hứa hẹn trong lòng mình rằng: “Đợi lúc đi nước Lỗ trở về, nhất định ta sẽ tặng lại thanh bảo kiếm này cho vua nước Từ.”
Từ biệt vua nước Từ, Quý Trát lại dẫn đoàn người hướng về nước Lỗ. Sau khi tới nước Lỗ, ông cũng được quốc vương nước Lỗ nhiệt tình đón tiếp và chiêu đãi. Quý Trát cũng dựa vào tài hoa và trí tuệ của mình khiến cho người dân nước Lỗ bội phục và yêu kính.
Sau khi nán lại ở nước Lỗ hơn một năm, Quý Trát bắt đầu trở về nước. Ông cũng không quên lời hứa tặng lại thanh bảo kiếm cho vua nước Từ mà ông đã để trong lòng mình hơn một năm qua. Lúc đi ngang qua biên giới nước Từ, ông quyết định vào thăm vua Từ để thực hiện lời hứa của mình. Nhưng, khi đến nơi ông lại nhận được một tin tức vô cùng bất hạnh, đó là vua nước Từ đã tạ thế.
Lúc này, Quý Trát cảm thấy vô cùng hối hận và đau khổ. Ông cởi thanh bảo kiếm ra và tặng lại cho người kế thừa của vua Từ. Đoàn người tùy tùng đi theo ông vội ngăn cản và nói: “Thanh bảo kiếm là quốc bảo của nước Ngô, sao có thể tùy tiện đem tặng cho người khác? Huống hồ bây giờ vua Từ cũng đã qua đời, thì cần gì phải tặng cho người thừa kế chứ?”
Quý Trát nghe mọi người nói vậy liền trả lời: “Lần trước trong lúc nói chuyện cùng với vua Từ, ta không tặng bảo kiếm cho ngài là vì ta còn phải có nhiệm vụ đi sứ nước Lỗ. Nhưng trong lòng ta sớm đã hứa sẽ tặng nó cho vua Từ rồi. Đã hứa rồi, sao có thể vì vua Từ đã mất mà lừa gạt lương tâm của mình đây? Hơn nữa, ta là công tử và sứ giả của nước Lỗ mà lại không coi trọng chữ tín, nếu như điều này truyền đi thì đâu còn mặt mũi nào mà đối mặt với mọi người? Người khác sẽ nhìn chúng ta như thế nào?”
Lúc ấy, người kế thừa của vua Từ cũng từ chối không nhận mà nói: “Ta không có di mệnh của người đã mất, nên không dám tiếp nhận thanh bảo kiếm này.”
Thế là, Quý Trát liền đem thanh bảo kiếm treo trên cây liễu trước mộ của vua Từ. Hành động này của ông khiến thần dân nước từ ai ai cũng ngợi ca, họ còn sáng tác một ca khúc để ca tụng về ông. Cũng từ đó câu chuyện “Quý Trát treo kiếm” được lưu truyền cho đến thời nay.
Qua câu chuyện này chúng ta có thể nhận thấy ý nghĩa sâu sắc của “thành tín”. Quý Trát đã giữ lời hứa với ngay cả người đã mất. Mặc dù lời hứa này cũng chỉ tồn tại ở trong lòng ông chứ người được hứa hẹn cũng không hề hay biết. Loại cảnh giới cao thượng này thực sự khiến con người phải cảm động.
Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch
Mai Trà biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét