Đối với vật chất, trong kinh Phật có một danh từ là ”Vô Biểu Sắc”. Những vật chất mà chúng ta có thể thấy bằng mắt thường là Hữu Biểu, đây là hiện tượng vật chất.
Chúng ta không thể thấy Vô Biểu Sắc, nhưng nó thật sự tồn tại, có thể cảm nhận nó hay không ? Có thể !
Vậy Vô Biểu Sắc là gì ?
Chúng ta đã từng thấy giữa Hương Cảng và Cửu Long là biển [1], là nước biển, chẳng phải là nước ngọt, mà là nước biển, chúng ta đều thấy.
Nay chúng ta ngồi trong nhà, chúng ta nghĩ tới nước trong biển, có thể có khái niệm rõ ràng hay không ? Có ! Chính quý vị cảm nhận rất rõ ràng, nhưng người khác không thấy.
Đó là vật chất, điều này cho thấy trong tinh thần có vật chất.
Tinh thần là gì ?
Tinh thần là Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
Thọ, Tưởng, Hành, Thức do đâu mà có ?
Từ “thấy, nghe, hay, biết” vốn sẵn có trong tự tánh.
Thấy, nghe, hay, biết là Tánh Đức.
Hễ giác ngộ thì Thọ, Tưởng, Hành, Thức không còn nữa, chúng chuyển biến thành thấy, nghe, hay, biết.
Nếu mê thì thấy, nghe, hay, biết biến thành Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
Chuyện là vậy đó, biến chất rồi ! Thọ, Tưởng, Hành, Thức là năm thứ cảm nhận [2] của phàm phu trong lục đạo, chẳng thật !
Do vậy, trong kinh đức Phật đã nói: Thân chúng ta do Ngũ Uẩn hòa hợp, tạo thành thân thể này. Các duyên hòa hợp gọi là chúng sanh. Mỗi cá nhân được gọi là chúng sanh, vì do các duyên hòa hợp mà sanh.
Trong ấy có sắc pháp, sắc pháp là vật chất, là hình;
có Thọ, Tưởng, Hành, Thức là tâm pháp.
Thọ là năm thức đầu (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức), Tưởng là thức thứ sáu (ý thức),
Hành là thức thứ bảy (Mạt Na, còn gọi là Ý Căn),
thức cuối cùng là A Lại Da, đó là hiện tượng tinh thần.
Vì thế, chúng ta nói duy vật hay duy tâm đều trật ! Tâm và vật có cùng một nguồn, là một chuyện, quyết định chẳng tách rời. Chúng ta là động vật có Thọ, Tưởng, Hành, Thức rất rõ ràng, thực vật có hay không ? Có ! Khoáng vật có hay không ? Có !
Tiến sĩ Giang Bổn Thắng của Nhật Bản rất hiếm có ! Nước là khoáng vật, ông ta quan sát nước cẩn thận, [nhận thấy] nước có thể thấy, nghe, hiểu ý nghĩ của con người, nó có thấy, nghe, hay, biết. Đó là khoáng vật có thấy, nghe, hay, biết ! Tôi bảo ông ta: “Không riêng mình nước có thấy, nghe, hay, biết; tất cả khoáng vật đều có thấy, nghe, hay, biết. Hiện thời, ông chỉ thấy được Sắc của nó, thấy được sắc tướng, nhưng nó còn có thanh, hương, vị, ba thứ này, ông vẫn chưa phát hiện được.
Ông hãy gắng tiếp tục nỗ lực, trong bất luận vật chất nào cũng có hương, ông có thể ngửi được, nó có vị, có âm thanh, nay ông chỉ thấy được sắc tướng của nó”.
Từ ba ngàn năm trước, đức Phật đã nói rõ như thế, nay ông ta làm thí nghiệm mới thấy được một điều, ông ta bội phục. Vốn nghĩ Phật giáo là mê tín, không dám tiếp xúc, nay ông ta đã hiểu rõ, tin tưởng.
Chúng tôi giảng kèm thêm một đoạn dông dài vào phần “làm thân Phật ra máu” như thế, những điều này đều thuộc loại kiến thức Phật học thông thường.
H.T. Tịnh Không !
(Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 141)
Phụ chú:
————
[1] Hương Cảng (Hong Kong) gồm ba khu vực chính:
Cửu Long (Kowloon, nằm trên đất liền, thuộc tỉnh Quảng Đông), đảo Hương Cảng và đảo Lạn Đầu (Lantau, Đại Dự Sơn).
Lãnh thổ Hương Cảng có hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ. Ở đây, hòa thượng Tịnh Khôngnói đến cái eo biển thường gọi là vịnh Victoria nằm giữa bán đảo Cửu Long và đảo Hương Cảng.
[2] Vì sao nói Thọ, Tưởng, Hành, Thức là năm thứ cảm nhận ?
Năm thứ cảm nhận chính là khổ, lạc, ưu, hỷ, xả. Năm thứ cảm nhận này do quá trình tâm lý Thọ, Tưởng, Hành, Thức sanh khởi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét