BỐN TƯ TƯỞNG CHUYỂN HƯỚNG TÂM VÀ LÒNG BI
Bốn tư tưởng chuyển hướng tâm có trong các kinh, về sau được các đại sư Ấn Độ đúc kết lại để thành một phần của những thực hành sơ bộ. Hiện giờ bốn tư tưởng này trong Phật giáo Tây Tạng là do Đại sư Ấn Độ Atisha (khoảng 982 – 1054) qua dạy ở Tây Tạng và được viết ra trong Ngọn đèn của con đường giác ngộ và các tác phẩm khác của ngài. Atisha là một trong những vị quan trọng nhất đã đem Phật giáo vào Tây Tạng. Từ phái Kadam do chính ngài lập ra, bốn tư tưởng chuyển hướng tâm được phổ biến trong tất cả bốn phái Tây Tạng hiện nay, là một phần trong những thực hành sơ bộ cho cả bốn phái.
Vô thường và cái chết
Đây là điều chúng ta thấy hàng ngày, trước mắt, nhưng không muốn nhớ, thành thử luôn luôn quên. Khi nghiêm túc suy nghĩ trở lại cuộc đời mình, ai cũng thấy mình có được nhiều thứ sở hữu. Chúng ở với chúng ta một thời gian rồi đi hay hư hoại mất. Được để rồi mất, đó là số phận của mỗi người chúng ta. Như một sự thật mà đạo Phật đã nêu ra, cái gì có sanh thì cái ấy có diệt. Thành thử được nhiều bao nhiêu thì mất nhiều bấy nhiêu. Cho đến cuối cùng, cái chết là sự mất tất cả. Cuộc sống của chúng ta mong manh và ảo tưởng biết bao nhiêu: chúng ta chỉ nhớ cái đang được và quên cái đã mất.
Nhìn lại hôm qua, hôm kia, chúng ta thấy mình đã mất một số điều, của cải có, tình cảm có, sự vật cũng có. Mất vì chẳng có không gian nào thời gian nào lặp lại được. Những cái đó qua đi, không bao giờ trở lại như cũ được, bởi thế con người mới có danh từ “kỷ niệm”.
Thời gian của con người là thời gian hướng về cái chết. Chẳng phải văn chương, triết học, tôn giáo của loài người đều nói đến những cảm xúc như vậy sao? Nhìn sâu xa, tất cả những việc làm của con người để tạo ra văn hóa và văn minh đều nhằm chống lại cái chết. Đó không phải là một quan niệm bi quan, mà là sự thật, một vấn đề lớn nhất mà con người phải đối mặt, dầu có muốn giả lơ, quên đi bằng những hoạt động hay giải trí để xao lãng.
Nhưng không thể nào bỏ qua được. Mỗi ngày xé đi một tờ lịch là mất đi một ngày, mà không có Thượng đế nào, thần linh nào lấy lại được cho chúng ta, dán lại tờ lịch đó cho chúng ta được. Mỗi giây phút qua đi, đối với đời người thì không thể nào lấy lại.
Khi thấy cuộc đời mình cứ trôi đi như một dòng sông không thể nào giữ lại, lúc ấy người ta có thái độ nghiêm túc với cuộc đời mình: chúng ta sinh ra để làm gì, rồi sẽ đi về đâu. Khi ấy Phật pháp sẽ là câu trả lời cho vấn đề này, vì lý do tồn tại của đạo Phật là để giải quyết cho con người về vấn đề sanh tử này. Lúc đó, Phật pháp mới “thiết thực hiện tại”, mới là sự thực hành, là sự sống trong mỗi hơi thở của chúng ta. Lúc đó cuộc đời vô thường này mới tìm lại được ý nghĩa thật sự của nó: nó là phương tiện duy nhất chúng ta đang có để đạt đến cái mà đạo Phật gọi là giải thoát khỏi sanh già bệnh chết, cái bất tử, cái không sanh không diệt.
Vô thường và cái chết là một động cơ lớn để giải thoát. Trong đạo Phật, nhớ nghĩ đến cái chết là một trong Sáu Niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm chư thiên và niệm cái chết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét