Mặt Trời đứng bóng, nắng chớm thu giòn tan nhưng oi nồng khó tả. Trên con đường ngược núi, một kẻ hành khất đang lết thết bước chân đếm từng bậc đá hướng về phía thiền viện Tùng Lâm. Xa kia nơi đỉnh cao chon von ấy, mái tam quan thấp thoáng ẩn hiện giữa mây trời và đại ngàn xanh thẳm. Tiếng chuông chùa ngân nga…
Vị thiền sư mỉm cười đôn hậu, mời kẻ hành khất ghé tạm sảnh thiền viện dùng trà. Ông nhìn khách bằng dáng vẻ trầm tư pha chút nỗi niềm thông cảm. Vừa xong tuần trà, Phương trượng thiền sư bèn dẫn người ăn mày tiến về phía trước sân chùa, ngài trỏ tay vào một đống đá tảng rất lớn và nói:
– Thí chủ có thể giúp lão tăng khuân hết chỗ đá này ra lối sau thiền viện được chăng?
Kẻ khất thực từ sáng đến giờ chưa có được một hạt cơm lót dạ, anh ta cau mày nhăn nhó, hết ngước nhìn ánh nắng chói chang lại đưa cánh tay độc nhất lên xoa xoa bụng, đoạn phân trần mặc cả:
– Bạch phương trượng, con chỉ muốn xin chén cơm chay lót dạ và một chỗ nghỉ qua đêm. Vả lại con có mỗi một cánh tay, thì sao có thể làm được công việc nặng nhọc này kia chứ? Ngài là người tu hành chẳng lẽ không cưu mang được người khốn khổ này chăng?
Vị cao tăng mỉm cười bước tới. Ông thản nhiên chọn một tảng đá to nhất rồi dùng một tay nâng bổng lên và nói:
– Chỉ với một tay bần tăng cũng vẫn có thể làm được việc này. Huống hồ thí chủ còn trẻ khỏe hơn ta…
Thế rồi người ăn mày cũng miễn cưỡng bắt tay vào công việc. Anh nặng nhọc khuân từng tảng đá một. Càng về chiều cái nắng càng gay gắt. Tay đau, chân mỏi và mắt hoa. Tấm áo màu tối thâm rách rưới ướt sũng mồ hôi.
Bóng chiều đã ngả sườn non…
Khi tảng đá cuối cùng được chuyển về phía sau tự viện vị phương trượng vui lắm! Ông tươi cười dúi vào tay người hành khất túi bánh bao còn đang nóng hổi và một xâu tiền xu rồi nói:
– Của thí chủ đây.
Cầm xâu tiền trên tay, vị khách nghèo khổ run run xúc động. Anh lui người cúi thấp đầu thi lễ:
– Xin cảm ơn ngài!
Vị thiền sư già hiền từ vỗ vai anh an ủi:
A Di Đà Phật! Thí chủ không cần cảm ơn lão nạp. Đây là số tiền mà người kiếm được từ chính sức lao động của mình.
Kẻ hành khất nói với giọng đầy thành kính:
– Con sẽ ghi nhớ vĩnh viễn ơn này!
Sáng hôm sau, chàng trai nghèo khổ giã từ phương trượng thiền sư từ rất sớm. Suốt chặng đường rong ruổi anh vừa đi vừa nghĩ: “Chẳng lẽ mình cứ sống thế này mãi sao?” Câu nói của Phương trượng thiền sư cứ vang vọng mãi bên tai người hành khất: “Đây chính là số tiền mà thí chủ kiếm được từ chính sức lao động của mình”…
***
Vài ngày sau lại có một người ăn mày với tứ chi nguyên vẹn tìm đến thiền viện. Phương trượng cũng dắt anh ta ra phía sau thiền viện, chỉ tay vào đống đá và nói:
– Cảm phiền thí chủ chuyển đống đá này ra phía trước sân. Hoàn thành xong ta sẽ gửi cậu tiền.
Nhưng lạ thay, người ăn mày đó phủi tay áo mà đi!
Chú tiểu trong chùa thấy vậy, không hiểu được việc mà vị phương trượng làm nên mới hỏi:
– Bạch sư phụ, lần trước ngài bảo người ăn mày bê đống đá từ trước ra sau, lần này lại bảo người ăn mày khác di chuyển từ sau ra trước! Con không hiểu là rốt cuộc là sư phụ muốn đặt đống đá ấy ở phía trước hay phía sau tự viện ạ?
Vị phương trượng thiền sư mỉm cười nhìn cậu tiểu đệ tử, rồi ân cần giảng giải:
– Đống đá ấy để ở trước hay sau thiền viện cũng đều là như nhau cả thôi. Nhưng việc lựa chọn lao động hay không lao động đối với hai người ăn mày nọ lại không hề giống nhau.
Vài năm trôi qua, có một người tướng mạo phi phàm phăm phăm ngược dốc tiến về phía thiền viện Tùng Lâm. Không phải ai khác mà chính là người ăn mày mất một tay năm xưa. Từ khi giúp phương trượng chuyển đống đá ra phía sau thiền viện, anh ta đã thấm thía được rằng: phải tự mình chăm chỉ làm việc để chủ động nuôi sống bản thân, đó mới là sự an bài tốt nhất. Với sự nỗ lực không ngừng, cuối cùng anh cũng có được thành công ngoài mong đợi, trở thành một doanh nhân giàu có và thành đạt.
Còn người ăn mày với tứ chi lành lặn nọ vẫn lần hồi khất thực qua ngày…
***
Người xưa có nói: “Một người lang bạt lêu lổng mà biết hồi tâm chuyển ý, tu sửa tâm tính cần cù lao động thì rất đáng quý, không vàng bạc nào có thể đánh đổi được”. Dù cho gặp khó khăn thế nào, nếu như thành tâm cải biến, vậy thì cá nhân đó có thể quay về con đường thiện lương chân chính. Như người ăn mày một tay trong câu chuyện, bởi vì anh ta hiểu đạo lý này nên cuối cùng đã thoát khỏi tình cảnh khó khăn.
Người xưa có nói: “Một người lang bạt lêu lổng mà biết hồi tâm chuyển ý, tu sửa tâm tính cần cù lao động thì rất đáng quý, không vàng bạc nào có thể đánh đổi được”. Dù cho gặp khó khăn thế nào, nếu như thành tâm cải biến, vậy thì cá nhân đó có thể quay về con đường thiện lương chân chính. Như người ăn mày một tay trong câu chuyện, bởi vì anh ta hiểu đạo lý này nên cuối cùng đã thoát khỏi tình cảnh khó khăn.
Ngược lại, người ăn mày với đầy đủ tứ chi nọ chưa hiểu rõ đạo lý này, chính là: phải cố gắng chăm chỉ mới có được thành quả, khổ tận cam lai, có mất rồi mới được. Dân gian vẫn có câu:
Có làm thì mới có ăn
Không dưng ai dễ mang phần đến cho
Không dưng ai dễ mang phần đến cho
Cách hành xử của vị thiền sư đối với hai người ăn mày giúp cho ta thấy rằng: để cảm hóa một cá nhân thì trước tiên là cần cảm hóa được cái tâm của họ. Bố thí tiền cho ai đó thì có thể thỏa mãn được nhu cầu của người ta trong chốc lát nhưng không thể đem đến cho họ sự no đủ, hạnh phúc.
Vậy nên bố thí cho một ai đó khi họ gặp khốn khó là điều rất dễ, nhưng cải biến hoàn cảnh và tâm thái của họ để mọi việc trở nên tốt đẹp lại không hề đơn giản chút nào. Cho người khác tiền bạc không bằng khơi dậy thiện tâm trong họ, bởi thiện tâm mới là điều cơ bản nhất quyết định cuộc sống và tương lai của một con người.
Gió Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét