Trong dòng suy tư về đóng góp của Phật giáo cho xã hội qua góc nhìn "đời", cả lý luận lẫn thực tiễn, tôi lan man hoài với cặp quan hệ bình đẳng và nhân quả.
Bình đẳng là lý tưởng của vô số cuộc tranh đấu, cách mạng, trải suốt cổ kim đông tây, một giấc mơ lớn của nhân loại. Bình đẳng xã hội giữa người với người trước pháp luật, trong quan hệ dân sự và mọi quan hệ đời sống, xuyên suốt "qui đồng" hết các rào cản giai cấp, địa vị xã hội, văn hóa, sắc tộc, tôn giáo... là chuyện lớn lao, thu hút nhiều góc nhìn- quan điểm, sự tiếp cận và kiến giải khác nhau. Ở Việt Nam cận hiện đại, dân chúng Việt Nam được biết đến quan niệm và thực tiễn bình đẳng xã hội dựa trên học thuyết triết học - chính trị Mác - Lenin, và thực tiễn sống động cuốn cả đất nước vào giải bài toán bình đẳng ấy, trong nông - công nghiệp, thị trường, giáo dục - đào tạo...và mọi mặc.
Có nhiều, song thử nhìn lại chút quan niệm cũng như nỗ lực thực hành theo đường hướng bình đẳng đã nói: có quan niệm về sự cào bằng, chia đều tài sản vật chất và sự thụ hưởng nói chung, không ai hơn ai, na ná quan niệm của cộng sản nguyên thủy. Nỗ lực phát triển sản xuất, tổ chức sản xuất, bồi dưỡng năng lực trình độ giai tầng thấp cũng như ưu đãi giúp họ tiếp cận trình độ phát triển chung, cải tạo và phân phối lại nguồn lực xã hội... Hết thảy đều chăm chú giải bài toán bình đẳng lấp lánh lý tưởng.
Phật giáo, cả về lý luận lẫn thực tiễn, đã đóng góp nhiều, hiệu quả cho nhân loại trong nỗ lực tìm cầu hạnh phúc, chẳng riêng gì hạnh phúc tâm linh- giác ngộ, giải thoát, cả hạnh phúc đời thường trong các xã hội, vì sự tiến bộ.
Phật giáo đã đóng góp như thế nào, xét riêng trong cặp quan hệ bình đẳng & nhân quả?
...Trong tu học, hành tập - giác ngộ, chứng đắc, hành giả nào đặt trình độ nào sẽ chứng đắc tương ứng và vãng sinh về cõi tương ứng - bình đẳng trong sự tu, điều này rất rõ ràng.
Các cơ sở Phật giáo, nỗ lực biến chốn giữa phàm trần thành thành Tam bảo thanh tịnh độ chúng sinh và giúp hành giả tu học tinh tấn, đã diễn ra không ngừng nghỉ. Ở đấy, các tu sĩ Phật giáo đối diện những vấn đề chung của xã hội, từ cơm áo gạo tiền, nhu cầu vật chất đến quan hệ với Nhà nước trong tư cách công dân, không có biệt lệ nào ngoài đặc thù tôn giáo trong sinh hoạt.
Ở đấy, các ngôi Già lam, Tăng đoàn thể hiện đời sống chung minh họa giáo huấn của Đức Phật, thể hiện sự bình đẳng trên nhân quả, nhân quả tu học đạt ngộ và đóng góp, cương vị chức trách theo phân công của Giáo hội ... Chính sự bình đẳng theo và trên nhân quả khiến mọi sự không rơi vào tư tưởng cào bằng vô chính phủ, duy trì được kỷ cương tôn ti.
Đương nhiên, vấn đề lớn và có thể hay càn nói sâu và nhiều hơn, song thử nhìn về quan hệ bình đẳng & nhân quả như cách đóng góp của Phật giáo cho xã hội, hầu mong có cách hiểu về công bằng bình đẳng như thế nào cho sát hợp, lo gich, không ảo vọng, thực tế. Bình đẳng không có nghĩa cào bằng chia đều thành quả chung theo phép cộng trừ số học đơn giản khô cứng, ai cũng như ai, bất luận hay dở, làm nhiều hay ít hay làm hiệu quả tốt hay xấu...
Bình đẳng trên và theo luật nhân quả được hiểu: Anh chị em sẽ nhận được thành quả tương ứng với công sức và sự sáng tạo của chính mình. Nói khác, theo ngôn ngữ đương thời, anh chị em sẽ nhận được giá trị thông qua tiền tệ hay hàng hóa dịch vụ tương ứng giá trị mình đã tạo ra, sau khi trừ thuế và các khoản khác theo luật pháp. Nhân và quả tương ứng, nhân bao nhiều sẽ thọ quả bấy nhiêu.
Bình đẳng trên hay theo nhân quả của nhà Phật - xét cho cùng, tiến bộ, không hề lạc hậu?
Đấy, mới chia sẻ nghĩ bàn chút xíu về Phật giáo. Không dám bàn sâu mang tính học thuật, chỉ nôm na trong dòng suy tư trên đường học Phật.
Phật tử Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét