ĐẠO ĐỨC VÀ XÃ HỘI - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018

ĐẠO ĐỨC VÀ XÃ HỘI

Suốt trong lịch sử loài người, con người dù ở bất cứ xã hội nào, giai đoạn lịch sử nào cũng đều tìm cách hoàn thiện xã hội mình đang sống, và do đó có nhiều lý thuyết xã hội ra đời. Vì sự tiến hóa của con người là tiến đến Chân – Thiện – Mỹ, nên về mặt xã hội con người cũng mong muốn một xã hội Chân Thiện Mỹ. Trong quan niệm về một xã hội tốt đẹp, Phật giáo cũng cho rằng phương diện Thiện, phương diện đạo đức là không thể thiếu. Hơn thế nữa đạo đức chính là động lực để xây dựng một xã hội hoàn thiện.
Đạo đức, khuynh hướng đam mê cái tốt, cái thiện, sự hoàn thiện nơi con người là sinh khí làm cho xã hội, dù theo bất kỳ hình thức xã hội nào, vận hành, lưu thông và tiến bộ. Đạo đức theo Phật giáo, là tất cả những đức tính của con người; những đức tính ấy cần được khai triển đến chỗ tròn vẹn. Có thể nói nhân loại có bao nhiêu đức tính, và hình dung ra được bao nhiêu đức tính, thì tất cả những đức tính ấy đều có trong Phật giáo. Bất cứ kinh điển nào cũng nêu ra hàng chục, hàng trăm những đức tính cần có, cần trau dồi để trở nên một người toàn thiện.
Chỉ kể sơ lược một số: trí tuệ, từ bi hỷ xả, rộng lượng, tự chế, kiên nhân, cương quyết, nỗ lực chuyên cần, có lý tưởng, tâm thức không tạp loạn, không thành kiến v.v… rồi biết ơn, báo ơn, trung kiên, không sợ hãi, thích học hỏi để tiến bộ, lòng hiếu, tình bạn… cho đến những đức tính nổi bật của thời hiện đại như bén nhạy, dễ thích ứng, tinh thần hợp tác, trách nhiệm phổ quát đối với toàn bộ sự sống…
Hơn nữa, theo Phật giáo Đại thừa, tất cả những đức tính ấy đều nằm trong Như Lai tạng hay Phật tính, nghĩa là không phải từ ngoài nhà vào, không phải là những cái giả tạo và nhân tạo, không phải do xã hội tạo ra để huân tập cho con người, mà những đức tính ấy nằm tiềm ẩn trong mỗi con người và nhờ xã hội và qua xã hội những đức tính ấy được khai triển cho đến khi con người trở thành hoàn thiện.
Như vậy, Đại thừa không có khuynh hướng lánh xa xã hội, mà ngược lại, quan niệm xã hội là môi trường, là hoàn cảnh, hay dùng một thuật ngữ Phật giáo, là đạo tràng cho con người tự hoàn thiện, tự thực hiện mình. Con người cần khai triển, trau dồi những đức tính vốn đã tiềm ẩn nơi mình để thành tựu định mệnh vinh quang của mình. Đó là con đường lợi mình lợi người, hay là sự tự phát triển của cá nhân kéo theo sự phát triển của xã hội, cả hai tương tác lẫn nhau trên con đường tự hoàn thiện.
Sự tiến hóa của con người là biểu lộ cái thiện ra nơi thân tâm của mình, và như vậy xã hội, một cộng đồng nhiều con người, cũng là sự biểu lộ của cái thiện ra trong sinh hoạt của xã hội. Với sự hiển lộ của những điều thiện, xã hội sẽ tốt đẹp, tiến bộ về cả ba mặt Chân, Thiện, Mỹ. Xã hội là môi trường để con người thành tựu đạo đức, tức cái Thiện, của mình, đồng thời xã hội cũng được nâng cấp tiến bộ khi nỗ lực của con người là tự hoàn thiện chính nó. Cái thiện hay đạo đức là sức sống và niềm vui của xã hội, sự sống tốt lành của xã hội. Không có một xã hội nào, trong bất cứ hình thức văn minh nào lại không muốn loại trừ những điều không thiện, không tốt, tức là những tệ nạn xã hội ra khỏi cơ thể xã hội. Cái thiện hay đạo đức như vậy chính là ý nghĩa sống của xã hội, là giá trị sống của xã hội, là sức sống của xã hội.
Tóm lại, khi mỗi cá nhân thấy rằng đạo đức hay cái thiện là nguồn hạnh phúc và sống theo đó, nghĩa là trải rộng đạo đức hay hạnh phúc ra môi trường chung quanh (xã hội), thì lúc đó chúng ta có một xã hội tốt đẹp, tôn vinh cho ý nghĩa của con người và xã hội. Xã hội đó cũng là quan niệm lý tưởng của Nguyễn Trãi khi ông nói về âm nhạc trong một bản tấu với vu Lê: “Ý nghĩa của âm nhạc là hòa. Cho nên khi nào người người, nhà nhà, làng làng hòa thuận với nhau, thì đó là cái gốc của nhạc”.
Nếu có điều cần nói thêm thì đạo Phật không chỉ nêu lên một lý tưởng cho con người, mà đạo Phật là một con đường, nghĩa là có đủ những phương tiện để cho con người có thể đi trên con đường đó, hay nói cách khác, có đủ những phương pháp thực hành để hiện thực hóa đạo đức hay cái thiện, hay hạnh phúc, nơi mỗi con người và xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner