ĐẠO ĐỨC LÀ HẠNH PHÚC - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018

ĐẠO ĐỨC LÀ HẠNH PHÚC

Khi đạo đức gắn với cái thiện như một điều tất yếu thì đạo đức cũng đi liền với hạnh phúc vì cái thiện là cái tất yếu đưa đến hạnh phúc. Lấy một ví dụ, khi chúng ta nói lời dịu dàng, thân mến với ai (ái ngữ – một trong bốn nhiếp pháp), chúng ta có ngay hạnh phúc, niềm vui trong lòng, chưa kể đối tượng kia. 
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có cảm giác hạnh phúc này khi làm một việc thiện, nghĩa là làm một hành động đạo đức. Thậm chí chúng ta làm một việc thiện nhỏ, một hành động đạo đức nhỏ với chỉ bản thân chúng ta – chẳng hạn như giữ một giới nào đó trong một thời hạn ngắn – chúng ta cũng có ngay cảm giác hạnh phúc. Và khi chúng ta làm một việc ác (xấu) dù nhỏ với chỉ riêng bản thân mình, chúng ta cũng thấy mình mất đi một phần hạnh phúc.
Cái thiện của đạo Phật rất lớn, bao gồm toàn bộ mọi mặt của đời sống con người. Ví dụ một tâm thức được gọi là thiện theo Phật giáo thì tâm thức ấy không nghĩ đến chuyện làm hại (giới), không lăng xăng, buông lung (định), có tỉnh giác sáng tỏ (tuệ) và còn đủ mọi đức hạnh như từ bi hỷ xả… Với một tâm thức như vậy, hạnh phúc ắt có ở nơi đó. Hoặc hết tham sân si là cái thiện đối với Phật giáo, và tâm thức không tham sân si như vậy ắt phải hạnh phúc. Nói tóm gọn, đạo đức Phật giáo là: “Các điều ác, xấu chớ nên làm. Các việc thiện, tốt hãy vâng làm. Hãy tự làm thanh tịnh tâm ý mình”. (Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý).
Với đạo đức như vậy, bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống, con người tiến trên con đường của hạnh phúc, từ những hạnh phúc nho nhỏ, dần dần đến hạnh phúc tối thượng là An lạc, trạng thái tâm thức tối thượng, mục đích đạt đến của con người. “Các điều ác chớ làm, các việc thiện vâng làm” là sự tích tập công đức và “sự tịnh tâm ý”, lĩnh vực của trí tuệ soi thấy vô ngã và vô pháp, là sự tích tập trí tuệ. Cả hai sự tích tập này được mối kết với nhau trong chỉ một hành động, trong chỉ một tâm.
Hành động đạo dức đưa ngay đến hạnh phúc cho người làm nó. nhưng hành động như thế nào để hạnh phúc đó càng lớn rộng và sâu xa? Về mặt chủ thể, hành động đó được thực hiện không vì một mục tiêu ích kỷ (nếu ích kỷ thì không còn là thiện hay hành động đạo đức theo quan điểm chung của người bình thường) và không bị bó hẹp trong một cái ta và cái của ta. Với một tâm thức rộng mở, không bị chướng ngại bởi những phiền não về ta và cái của ta, thì hành động đạo đức ấy là một hành động thanh tịnh, và như vậy hành động đó đưa ngay đến một hạnh phúc rộng lớn và sâu xa.
Đây là điều mà ai trong chúng ta cũng có thể thể nghiệm được. Và có thể nói thêm, chính sự an lạc càng rộng lớn và sâu xa sẽ làm cho tiêu trừ sự trói buộc trong cái ta và cái của ta. Về mặt đối tượng, theo nguyên lý nhân quả, hành động càng có lợi lạc cho đối tượng (về phẩm cũng như về lượng) thì hạnh phúc càng lớn và sâu. Một hành động đạo đức đem lại lợi lạc cho mình và cho người trên căn bản trí tuệ nghĩa là thoát khỏi cái ta và cái cái của ta, hành động đó được Phật giáo gọi là Hạnh.
Qua quan sát ở trên, chúng ta thấy một hành động đạo đức, một hành động thiện, để được rộng lớn và bao la thì chính người làm hành động đó phải rộng lớn và bao la, hay nói theo ngôn ngữ Phật giáo thì phải càng ít chướng ngại (phiền não chướng và sở tri chướng), càng vô ngã và vô pháp (không có một sự ngã hiện hữu độc lập ở nơi con người và mọi hiện tượng). Ở đây chúng ta thấy sự tương liên giữa đạo đức và trí tuệ, hay nói cách khác là mối tương liên giữa cái thiền và cái chân.
Cái thiện gắn với sự thật vô ngã và vô pháp, và càng vô ngã vô pháp thì càng thiện. Chúng ta thấy công thức gắn hành động đạo đức với trí tuệ là một đặc điểm của Đại thừa, ví dụ như ở trong kinh Kim Cương: “Hãy không trụ sắc thanh hương vị xúc pháp (trí tuệ) mà bố thí (hành động đạo đức)”. Chính sự gắn kết hành động công đức và trí tuệ này, hay còn gọi là hai sự tích tập công đức và trí tuệ, đã làm nên con đường Bồ tát, hay Bồ tát hạnh.
Như vậy, khác với những kiến giải có một viễn cảnh không rộng, cho rằng làm một việc thiện chỉ là tạo một nhân tốt để hưởng quả tốt, nghĩa là chỉ nằm trong lĩnh vực phước báu trời người, Đại thừa dùng việc thiện nối kết với trí tuệ để đạt đến mục đích tối hậu.
Trong mục đích tối hậu đó, cái thiện trở thành cái thiện rốt ráo, tức là không còn sự phân chia ta – người, chủ thể – đối tượng, tâm – cảnh…, mà nói theo kinh Hoa Nghiêm, đó là một trạng thái trong đó “Một là tất cả, tất cả là một”. Trạng thái đó đầy đủ các mặt của trạng tahí Phật, mà chúng ta chỉ kể một số đức tính như Trí tuệ, Từ bi, Hạnh hay hoạt động của một vị Phật (Từ bi và Hạnh có thể xếp vào mặt đạo đức), An lạc (hạnh phúc tối thượng)…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner