Không ai có thể hình dung được một vị Phật, một vị Bồ tát, mẫu người lý tưởng của Phật giáo mà lại thiếu kém về phương diện đạo đức. Trái lại, một con người tiến hóa đến mức độ lý tưởng thì phải đủ “muôn hạnh, muôn đức” như các kinh thường nói về Đức Phật.
Với quan điểm của Đại thừa, “muôn hạnh muôn đức” không phải là cái gì ở ngoài vào, cái gì chưa có mà phải tập luyện mới có, mà chúng đã được chứa đựng và tiềm ẩn nơi Phật tính, là cái đã có sẵn nơi mỗi chúng sinh, và để trở nên hoàn thiện người ta chỉ cần nhận biết sự có mặt của chúng và triển khai chúng đến trọn vẹn.
Như vậy hành động đạo đức của chúng ta chính là làm hiển lộ Phật tính ấy nơi mỗi chúng ta. Với những nhà Đại thừa hậu kỳ ở Ấn Độ, Phật tính được tượng trưng bởi Phật Samantabhadra (Phổ Hiền), tiếng Anh là All food (Toàn thiện). Trong kiến giải như thế, đạo đức là sự trở lại cái Thiện nguyên sơ của mỗi chúng ta. Nhìn ở một phương diện, hành động đạo đức có công năng phá tan những che chướng (vô minh), chúng che lấp Phật tính vốn toàn thiện nơi mỗi chúng ta. Và trong hành động đạo đức như vậy chúng ta đã phần nào (vì vẫn còn nhiều che chướng) tương ưng với Phật tính, cội nguồn của mọi hạnh, mọi cái thiện, mọi hình thức đạo đức.
Khi chúng ta giúp đỡ một người, chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Thậm chí khi chúng ta thấy, chỉ thấy thôi chứ không trực tiếp làm, chẳng hạn một đứa trẻ giúp đỡ một đứa trẻ khác, lòng chúng ta cũng rung lên những tiếng chuông hạnh phúc. Sở dĩ như vậy vì lúc ấy chúng ta đã cảm thông, tương ưng chút gì với Phật tính, cái vốn có sẵn và có rất đổi gần gũi với chúng ta, mà chỉ vì ít khi chúng ta tiếp xúc với nó. Trong ý nghĩa ấy mà kinh Pháp Hoa nói:
Nhẫn đến trẻ em chơi
Nhóm cát thành tháp Phật
Tất cả người như thế
Đều đã thành Phật đạo.
…
Hoặc người lòng hoan hỷ
Hát, ngâm ca ngợi Phật
Nhẫn đến một tiếng nhỏ
Đều đã thành Phật đạo.
…
Nếu người lòng tán loạn
Vào nơi đền chùa tháp
Một xưng Nam mô Phật
Đều đã thành Phật đạo.
Khi người ta làm một hành động đạo đức, dù nhỏ và có vẻ vô tình, ta liền tương ưng với Phật tính Thường – Lạc – Ngã – Tịnh ở nơi chúng ta và nơi tất cả, do đó kinh nói “Đều đã thành Phật đạo” (giai dĩ thành Phật đạo). Và chúng ta có thể suy ra, nếu hành động đạo đức càng lớn thì Thường – Lạc – Ngã – Tịnh càng sâu xa.
Cũng trong một chiều hướng khai triển hạt giống đã có sẵn nơi mỗi người, mặc dù ở đây chúng ta không bàn đến mức độ cao hoặc sâu đến đâu, cái nào ưu thế hơn cái nào, chúng ta thấy trong sáng Đại học của Khổng giáo nói: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện”. Tạm dịch là: Cái đạo của sự học lớn lao, cốt ở làm sáng cái đức sáng ở nơi mình, cốt ở cái cách đổi mới cho người, cốt ở dừng yên nơi chỗ chí thiện. Đạo đức của Khổng giáo chính là “làm sáng cái đức sáng ở nơi mình”, một lần nữa chúng ta thấy chiều hướng chung của Tam giáo đồng nguyên.
Trở lại với cái nhìn Phật giáo, làm một việc thiện không chỉ là tạo một nhân tốt để sau đó được hưởng một quả tốt, rồi quả này cũng biến mất khi hết tác dụng, theo đúng luật nhân quả và vô thường, và chúng ta sẽ trở lại như cũ. Khi thực hiện một việc thiện là khai thác, làm biểu lộ chính cái nguồn Thường – Lạc – Ngã – Tịnh nơi mỗi chúng ta. Đạo đức không phải là kỷ luật, một bổn phận phải tuân thủ, mà là quyền lợi, tài nguyên hạnh phúc vốn có sẵn với mỗi người, sẵn sàng vào bất cứ lúc nào cho chúng ta khai thác và thọ hưởng.
Ngược lại, làm một việc xấu, không thiện, đó là chúng ta tự phá hoại chính gia tài của mình, phá hoại chính mạch nguồn Thường – Lạc – Ngã – Tịnh của mình. Theo kinh Duy Ma Cật cũng như các kinh khác, cõi này là cõi thanh tịnh (Tịnh độ) của Phật Thích Ca, chỉ vì tâm mình bất tịnh mà biến cõi này thành bất tịnh. Theo kiến giải của truyền thống Duy Thức, một trong hai dòng chính của Đại thừa, với một cái nhìn ở một mức độ rất cao, thì tất cả đều là tâm ta, tất cả đều là mình: ba cõi duy chỉ là tâm, muôn pháp duy chỉ là thức – tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức.
Do đó mà khi giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối… nghĩa là làm hại bất cứ một ai tức là chúng ta đang làm hại chính bản tâm của mình; mà bản tâm của mình chính là Phật tâm (Tâm của muôn loài tức Phật tâm, Phật tâm bèn với tâm ta hiệp. Pháp vốn như nhiên suốt cổ kim – Tuệ Trung Thượng Sĩ, Phật Tâm Ca). Khi tạo ra sự phân chia, chia rẻ, tranh chấp, tưởng là ta làm việc với cảnh vật bên ngoài, nhưng thật ra đó là việc làm phân chia, chia rẻ chính tâm thức của mình, tâm thức tự chia rẻ để tranh chấp với chính nó. Làm điều gì trái với đạo đức, làm thương tổn một sinh vật hay thực vật hay loài vô tri nào, đó là chúng ta đang làm thương tổn chính tâm mình, bởi vì tất cả đều là Tâm, nhất như một thể.
Làm trái đạo đức, làm điều xấu như vậy, không chỉ phải chịu lãnh nhân quả mà còn phá hoại chính trí tuệ thấy “Tất cả là một” của mình, tức là nói theo thành ngữ của người xưa, phá đi “tuệ mạng” của mình.
Sơ lược qua một vài kiến giải như vậy, chúng ta thấy đạo đức gần với mỗi người chúng ta hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Và dù những kiến giải ấy có vẻ mang nhiều tính triết học, ít thực tế – chỉ thực tế với những người đã đạt đến một tâm vi tế – với phần đông chúng ta, thì ít ra chúng ta cũng thấy rằng nếu Phật tính hay Phật tâm là cái gì gắn liền với chúng ta trong mỗi phút giây, thì đạo đức, hành động thuận với Phật tính, và không đạo đức, hành động trái với Phật tính, hẳn cũng là ở sát ngay chúng ta trong mỗi phút giây. Từ đó, đời sống là sự tự do để biểu lộ Phật tính hay để che lấp Phật tính tùy theo chúng ta thuận với đạo đức hay nghịch với đạo đức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét