ĐẠO TRỊ QUỐC CHÍNH LÀ YÊU DÂN, KẺ ĐỨC MỎNG CHẲNG THỂ ĐỨNG ĐẦU TRĂM HỌ - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

ĐẠO TRỊ QUỐC CHÍNH LÀ YÊU DÂN, KẺ ĐỨC MỎNG CHẲNG THỂ ĐỨNG ĐẦU TRĂM HỌ

Trong lịch sử không phải lúc nào cũng có vua sáng tôi hiền. Vua tầm thường, hôn quân cũng có khá nhiều, khiến cho xã hội loạn lạc, dân chúng lầm than, thiên tai và nổi loạn không ngừng. Nhưng chỉ cần có một vị quan đầu triều dùng đức lập thân, lấy liêm khiết làm gốc, một lòng trung son sắt vì nước vì dân, thì vẫn có thể khiến quốc gia đang loạn lạc được hóa giải thành bình yên.
Dâng biểu khuyên vua nhận tội, hóa nguy thành an
Lục Chí tự Kính Dư, người Gia Hưng, Chiết Giang đời Đường. Năm 18 tuổi ông đỗ tiến sỹ. Ông là vị tể tướng hiền tài nổi tiếng trong lịch sử. Ông coi việc thiên hạ là trách nhiệm của mình, vì dân thỉnh mệnh, dám quy chính những sai lầm của quân vương, dám vạch trần tội ác của bọn gian thần hại nước. Phẩm đức cao thượng, tầm nhìn xa trông rộng và kiến thức trác việt của ông được người đời vô cùng ngưỡng mộ.
Sau khi Đường Đức Tông kế vị, dùng binh bừa bãi, chiến tranh liên miên khiến mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt. Quân Kinh Nguyên làm phản, Đường Đức Tông chạy trốn đến Phụng Thiên. Quân phiệt Chu Thử dẫn 10 vạn quân bao vây tấn công, hình thế cực kỳ nguy cấp. Lục Chí dâng tấu khuyên can Đức Tông, chỉ ra rằng hoàng đế phải:
  • Tuân thủ theo Đạo trị quốc truyền thống
  • Xa kẻ gian thần, thân cận trung thần
  • Mở rộng cửa cho những lời can gián trung ngôn
Đồng thời khuyên Đức Tông xuống chiếu nhận tội. Lục Chí còn khởi thảo cho Đức Tông chiếu đại xá tội thiên hạ, khiến lòng người cảm động. Chiếu đại xá nói rõ, kể từ khi Đức Tông lên ngôi đến nay, chinh phạt liên miên, binh sỹ mệt mỏi, người dân nhọc nhằn, dẫn đến nổi loạn, nên trách tội ở bản thân vua. Những đồng đảng của Chu Thử, chỉ cần quy thuận triều đình, thì không truy cứu tội trước đây, đều được đại xá. Đối với binh lính bách tính, thực thi thưởng công, giảm thuế, miễn lao dịch. Đồng thời tuyên bố hoàng đế tự mình phải tiết kiệm ăn uống chi tiêu, trở thành hình mẫu cần kiệm chất phác cho toàn quốc. 
Sau khi chiếu thư này công bố ra, các tướng sỹ nơi tiền tuyến cảm động rớt nước mắt, mọi người đều bày tỏ sẽ dốc sức tận trung với triều đình. Các tướng sỹ làm phản tới tấp quay giáo, dâng biểu tạ tội. Triều Đường đang từ nguy cấp chuyển sang an bình. Lục Chí được mọi người ca ngợi là ‘Nội tướng cứu thời’.
Lục Chí. (Ảnh minh họa: 588ku.com)
Trực ngôn cán gián vua, tìm mọi cách lo cho dân
Đức Tông thích tích trữ tích thụ tài vật. Khi tránh nạn ở Phụng Thiên, vua cảm thấy không đủ vật chất sử dụng cho cá nhân, muốn lập một kho bạc riêng cho mình. Lục Chí phát hiện manh nha việc này, đã dâng tấu lên Đức Tông để khuyên can rằng, là Thiên tử thì không nên tích tụ tiền tài. Nếu vua mà có lòng tham thì nền chính trị sẽ xuất hiện các tệ nạn. Nếu vua có tư tâm nặng thì quốc gia sẽ nảy sinh họa hại khó mà dẹp được. 
Lục Chí ca ngợi hành vi tiết kiệm bước đầu được thực thi của Đức Tông, ra sức khuyên Đức Tông ‘kiến thiện tư tề’ (thấy cái hay cái tốt của người khác thì suy nghĩ làm sao để mình cũng hay cũng tốt như họ), sửa chữa lỗi lầm thành tựu đức hạnh. Trong điều kiện tiềm lực quốc gia khó khăn, Đức Tông đã tiếp nhận kiến nghị của Lục Chí.
Lục Chí cả đời vì dân thỉnh mệnh. Năm Trinh Nguyên thứ 8, các vùng Hà Bắc, Hà Nam, Giang Hoài bị thiên tai lụt lội nặng nề, hơn 2 vạn người chết, bách tính không chốn dung thân lưu lạc. Lục Chí vội vàng gặp Đức Tông, yêu cầu triều đình lập tức phát chẩn cứu vùng thiên tai. Nhưng Đức Tông lấy cớ “nghe nói tổn thất rất nhỏ, nếu cứu tế nhiều quá, e sẽ sinh ra gian trá” nên không muốn cứu tế. 
Lục Chí liền viết tấu, kể rõ chi tiết tình hình thiên tai, đồng thời viết rằng: “Đạo của bậc làm vua nên toàn tâm toàn ý vì dân. Tuy ở trong cung sâu 9 tầng, nhưng lòng vẫn luôn lo lắng cho bách tính nghèo khổ khốn cùng. Nay lụt lội ngập khắp nơi, lan rộng mấy chục châu. Nếu nghi ngờ quan lại báo cáo sai tình hình lụt lội, thì cũng nên sai sứ đi tuần tra xem xét, sao có thể cứ để mặc mà không lo liệu xử lý?”.
Đức Tông không phản bác được nên đã nghe theo Lục Chí mở kho triều đình, huy động quan binh cứu tế dân các vùng bị lũ lụt. Nhờ vậy thiệt hại về người và của ở các vùng lụt lội đã được ngăn chặn kịp thời.
Đức Tông không phản bác được nên đã nghe theo Lục Chí mở kho triều đình, huy động quan binh cứu tế dân các vùng bị lũ lụt. (Ảnh minh họa: jianshu.com)
Quan đầu triều đến chức tể tướng mà không đủ tiền thủ hiếu 
Lục Chí làm quan lấy liêm khiết làm gốc, mẫu thân của ông qua đời, Lục Chí theo lệ về quê thủ hiếu bên mộ 3 năm. Quan lại địa phương khắp nơi có ý đến xu nịnh ông, tặng hàng trăm lễ vật hậu hĩ. Lục Chí nói: “Mẫu thân tôi qua đời, đó là việc riêng của tôi. Các vị không phải thân thích của tôi, chỉ là trên quan trường mà quen biết nhau mà thôi. Mẫu thân tôi qua đời không hề có liên quan gì đến các vị, lễ viếng hậu hĩ tôi tuyệt đối không nhận. Xin các vị đem về đi”.
Lục Chí không nhận bất kỳ lễ vật nào. Cuộc sống của ông trong thời gian thủ hiếu rất khó khăn, đành phải sống trong chùa Phong Nhạc núi Tung Sơn ở Lạc Dương, dựa vào tài trợ của người bạn thân là Vi Cao mới sống qua được thời gian thủ hiếu. Thân là quan cao chức tể tướng, đến chi phí tang lễ cho mẫu thân mà cũng không có, phải dựa vào bạn thân tiếp tế. Lục Chí là quan thanh liêm như thế nào thì từ việc này cũng đủ thấy rõ.
Lục Chí giao tiếp với các quan lại, xưa nay không nhiễm mảy may bụi trần, thanh đạm như nước. Các quan lại trách ông không hợp với nhân tình thế thái. Đức Tông biết chuyện có nói với Lục Chí rằng: “Quá thanh cao, cẩn thận, liêm khiết, cự tuyệt quà tặng của mọi người, e rằng sẽ không thuận lợi cho công việc. Không nhận các lễ vật quý giá, nhận các lễ vật nhỏ thì cũng có thể được”.
Lời nói này của Đức Tông khiến Lục Chí dâng liền hai bản tấu chương, nói rõ Thiên tử không nên khuyên bề tôi nhận hối lộ. Lục Chí nói, giao tiếp giữa các công khanh đại thần lẽ nào nhất định phải dựa vào tặng tài vật mới có thể nói là quan hệ tốt? Nếu như thế này trong thời gian dài thì quốc gia sẽ không ra quốc gia.
Lục Chí chỉ ra rằng: “Làm tổn hại phong khí, và chế độ lễ nghi, không gì lớn bằng tư tâm. Làm bại hoại con người, không gì lớn bằng hối lộ”. 
Những lời chính nghĩa nghiêm khắc này của ông khiến Đức Tông không còn lời nào để nói nữa.
Những lời chính nghĩa nghiêm khắc của Lục Chí khiến Đức Tông không còn lời nào để nói nữa. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)
Vì nước vì dân chẳng quản an nguy bản thân
Thị lang Bộ hộ là Bùi Diên Linh giỏi nịnh hót bợ đỡ, kết bè đảng vơ vét của cải làm lợi cá nhân. Ông ta nắm quyền hành lớn về chi tiêu tiền tài lương thảo của quốc khố, đã nghĩ muôn phương ngàn kế để làm vừa lòng hoàng đế. Ông ta khéo bày vẽ ra các mục thu chi, vơ vét bòn rút của cải bách tính, lợi dụng đủ các thủ đoạn để lấy tiền của cất giấu vào một kho khác, chuyên cung cấp cho hoàng đế tiêu xài phung phí. Đức Tông do vậy rất hài lòng và có phần sủng ái Bùi Diên Linh. 
Lục Chí liệt kê ra 7 tội trạng lớn lừa bịp, giả dối làm loạn quốc gia của Bùi Diên Linh, đã liên tiếp dâng 2 tấu chương vạch tội ông ta. Bạn bè thân thích đều khuyên Lục Chí chớ có đùa với lửa mà bị lửa thiêu. Lục Chí vẫn kiên quyết việc nghĩa không lùi bước, quyết tâm ‘một mình chống lại mafia’. Kết quả, ông bị bãi chức tể tướng giáng hạ quan phẩm.
Lục Chí cả đời đã dâng hàng trăm tấu chương, cũng nhiều lần nói chuyện trực tiếp với hoàng đế, nhưng ông chưa bao giờ nói với vua về cha mẹ, anh em của mình. Người thân của ông chưa từng có ai được thơm lây. Con trai ông là Giản Lễ trong suốt thời gian ông làm tể tướng lặng lẽ không ai biết đến. Cho đến sau khi ông qua đời, Giản Lễ mới ra dự thi, dựa vào tài năng của mình đỗ tiến sỹ.
Có câu cổ ngữ rằng: “Đạo trị quốc, chỉ là yêu dân mà thôi”, và “Kẻ đức mỏng chẳng thể sai khiến được dân”. Lục Chí dùng đức lập thân, lấy liêm khiết làm gốc, một lòng trung son sắt vì nước vì dân. Chính khí hạo nhiên và phẩm tiết cao thượng sáng ngời của ông được người các đời sau coi là mẫu mực để noi theo. 
Từ xưa đến nay, những người bất kỳ lúc nào cũng dám kiên trì chính nghĩa, không sợ cường quyền, một lòng vì dân đều là cột sống, thì đó chính là hy vọng và tương lai của dân tộc đó. Ngược lại, dân tộc nào không có những người dám trực ngôn can gián, dám vì dân vì nước không quản an nguy cá nhân, kiên trì chính nghĩa thì dân tộc đó thật đáng buồn, và cũng đáng thương.
Theo mhradio.orgKiến Thiện biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner