Trong một cuộc hội thảo gần đây, PGS. Nguyễn Trọng Phúc đã nêu lên tầm quan trọng của việc thành lập Viện Đạo đức học để dạy cán bộ đạo đức và chuẩn mực đạo đức của đảng viên. Rất nhiều người đã bình luận rằng, người ta uốn măng non chứ chẳng ai lại đi uốn tre già. Nhưng cũng lại có ý kiến rằng môi trường và hoàn cảnh có thể làm biến chất người có đạo đức, nên cần uốn nắn thường xuyên.
Người hiền tài mới được làm quan
Nói về việc cất nhắc hiền tài vào các vị trí trong chính quyền, người xưa có câu rằng: “Tài giả đức chi tư, đức giả tài chi soái”, nghĩa là người có tài chỉ là phụ, người có đức mới quan trọng. Cũng lại có câu: “Người tài chọn Nhân, người hiền chọn Nghĩa”. Đã là tài giỏi rồi thì phải chọn lấy người có đạo đức mà dùng, người có đạo đức mà chưa đủ tài thì chọn người nhân nghĩa mà dùng, bởi người có Nghĩa sẽ đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích bản thân, làm việc gì cũng đều là vì người, tất yếu sẽ hết lòng vì dân vì nước.
Dân gian cũng có câu: “Thanh gỗ nóc nhà đặt không chính, thì xà ở dưới cũng bị hỏng”. Người làm quan không tự mình ngay chính thì sao giáo hoá dân chúng, sao yêu cầu dân thực hành theo pháp lệnh, sao ngăn nổi người dân cũng biến chất mà “làm hư” ngược lại quan? Thế nên, ngay từ bước chọn người, tiến cử người vào làm quan đã là phải xét Đức trước tiên vậy.
Xưa Tấn Điếu Công hỏi Kỳ Hề: “Theo khanh thì ai có thể thay thế chức vụ của khanh?”. Kỳ Hề trả lời một cách dứt khoát: “Giải Hồ là một nhân tài xuất chúng. Kính xin đức vua hãy tuyển dụng ông ta”. Vua nghe thế không giấu vẻ kinh ngạc: “Theo chỗ ta biết, thì Giải Hồ chính là kẻ thù của khanh, tại sao khanh lại tiến cử ông ta?”. Kỳ Hề trả lời rằng: “Đức vua chỉ hỏi ai là người có thể kế thừa cương vị của thần, đâu có hỏi ai là kẻ thù của thần?” – (Trích: Trí tuệ Khổng Tử).
Đó chính là cái lý khi bổ nhiệm thì phải tôn trọng nguyên tắc “nhất hiền tài” chứ không phải “nhất thân quen”.
Lựa chọn được người hiền tài làm quan rồi, cũng lại phải thường xuyên kiểm tra đánh giá lại năng lực, phẩm chất của người làm quan. Và tiêu chuẩn để đánh giá cũng phải rất rõ ràng và thực chất.
Dưới thời vua Lê Thánh Tông, chế độ khảo khoá (sách hạch quan lại) được định khá rõ ràng, với ba tiêu chuẩn quan trọng nhất để xét người làm quan có xứng với chức vị hay không. Đó là: Có yêu thương và chăm lo cho dân hay không, có được nhân dân yêu mến hay không, và dân trong hạt cai quản có trốn đi nơi khác hay không. Thế nên, cái tài đức của quan đến đâu, cứ nhìn ba điều này là biết.
Nhưng càng về sau, những nguyên tắc cũ ngày càng bị bỏ qua nhiều. Tiêu chuẩn của người làm quan cũng ngày càng mông lung hơn nữa. Thế nên, rất có thể việc đi học ở Viện Đạo đức nào đó cũng sẽ trở thành hình thức. Bởi ai cũng nghĩ là mình không thuộc diện cần phải học lại đạo đức.
Trách nhiệm của người dùng người
Cái gốc của việc lập người làm quan là ở Đức – Tài – Nghĩa, có thể không cần vẹn toàn tất cả, nhưng phải biết dùng đúng người với đúng phẩm chất của họ vào đúng vị trí. Và cái gốc của việc duy trì phẩm chất nghiêm chính của người làm quan lại ở cái tài đức của người làm quan cao hơn.
Trong tiết “Đức biểu” của Trí tuệ Trường đoản kinh viết: “Phó Tử nói: ‘Cái gốc của việc lập đức là trước hết phải chính tâm’. Tâm chính thì thân chính, thân chính thì người tả hữu cũng chính, người tả hữu chính thì triều đình chính, triều đình chính thì nước nhà mới chính, nước nhà chính thì thiên hạ chính”.
Vào thời kỳ được gọi là phong kiến ở Việt Nam xưa, người có quyền lực tuyệt đối hoá cũng rất thường tự trách, nhìn lại việc dùng người của mình. Đó là bài học còn luôn đúng cho những người làm “công bộc của dân” ngày nay.
Vua Lê Thái Tông đã từng xuống chiếu tự trách tội sau một loạt thiên tai: “…Cứ nghiệm xét việc xảy ra tai họa, nhất định là có duyên do trong đó. Có phải do trẫm không lo sửa đức để mọi việc bê trễ hay là do quản tể phụ bất tài xếp đặt không điều hòa? Hay là dùng người không đúng, để người tốt kẻ xấu lẫn lộn?…” – (Trích: Đại Việt sử ký toàn thư)
Lê Nhân Tông lên ngôi báu khi tuổi còn rất trẻ nhưng là người sớm hiểu trọng trách nặng nề của mình. Vua xuống chiếu tự trách thân, tự vấn liệu có phải trời hiện điềm tai biến như sao sa, động đất một phần là do “…kẻ tiểu nhân được tiến dùng, còn người quân tử phải lui ẩn chăng? Đường nói năng bịt kín mà ơn trên bị che lấp chăng…” – (Trích: Đại Việt sử ký toàn thư)
6 năm sau, vua lại xuống chiếu tự trách khi có gia biến và đại hạn mất mùa. Trong đó cũng lại có lời tự vấn đề việc người dưới được dùng có đúng hay chưa.
“…Có phải trẫm không biết sử dụng nhân tài, những kẻ được dùng đều là loại hèn kém mà đến nỗi thế chăng? Có phải do nạn hối lộ công khai, tệ phi tần lộng hành mà đến nỗi thế chăng?… Hay là các đại thần giúp việc chưa trọn đạo điều hòa âm dương mà đến nỗi thế chăng? Hay là các tướng soái phiên thần không biết yêu thương quân dân, quen thói đục khoét mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì các thú lệnh không biết vỗ nuôi nhân dân, chỉ lo bòn vét mà đến nỗi thế chăng? Hay là quan coi hình ngục không giữ công bằng, chỉ lo xử nặng, kẻ nào đút lót thì tha, để oán khí bốc lên mà đến nỗi thế chăng? Có phải các quan thừa hành chỉ chuộng hư văn, để ân trạch của vua bị tắc lại ở trên, tình của kẻ dưới không thấu lên trên được mà đến nỗi thế chăng?… Có phải vì chọn lựa người hiền, cất nhắc người sót chưa được thi hành, để thói cầu cạnh chạy chọt ngày một tệ hại mà đến nỗi thế chăng? Hay là do chủ tướng, đảo lộn quân công, lấy không làm có, làm hại đạo công mà đến nỗi thế chăng?…” – (Trích: Đại Việt sử ký toàn thư)
Thế nên khi đạo đức người dưới xuống cấp, người làm quan trên cũng phải nhìn lại và tu thân mình.
Khổng Tử nói: “Chính trị tức là chính trực”. Ông còn nói: “Nếu tự mình chính trực thì chẳng cần ra lệnh người ta vẫn làm. Nếu tự mình không ngay thẳng thì dù có ra lệnh người ta vẫn không làm”. Nếu người mang trên thân trọng trách chăm lo cho đời sống dân chúng luôn có ý thức sửa mình, lấy mình làm gương, thì công chức các cấp đều sẽ phải lấy tu thân làm việc thường hằng. Lúc đó, chắc cũng không cần tới Viện Đạo đức, bởi ai ai cũng chính, mình mình bất chính cũng chẳng dễ chút nào.
Để nắn chỉnh lại đạo đức cán bộ phải làm từ gốc, từ giáo dục cơ bản trong nhà trường, nâng cao đạo đức xã hội, tuyển chọn người hiền tài nhân nghĩa. Còn để gạn đục khơi trong thì tất yếu phải sàng lọc chứ chẳng thể mong tới phương thuốc tẩy siêu mạnh được.
“Chính sách yên dân chúng chẳng gì hơn việc chấn chỉnh quan trường. Mà cách chấn chỉnh quan trường tất phải khảo công, để xét rõ người hơn kẻ kém mà thăng giáng cho rõ ràng, thì liêm sỉ riêng đường, chính hoá đi khắp. Việc cốt yếu cho nước thịnh trị của bậc đế vương không vượt qua điều ấy được” – (Phan Huy Chú).
Trương Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét