Suy nghĩ đôi điều về sự cầu siêu và cúng thí thực - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2018

Suy nghĩ đôi điều về sự cầu siêu và cúng thí thực

Cầu siêu là cầu mong siêu thoát, nghĩa là dùng phương pháp nào đó để giúp vong linh của người đã chết vượt qua khỏi cảnh khổ đau. 


Ý nghĩa thì như vậy, nhưng có siêu thoát được hay không, đây là vấn đề thuộc phương pháp siêu độ hay nói đúng hơn là Pháp thuật vi diệu nào đó mới siêu độ nổi vong linh người quá cố.
Hiện nay, có người cho rằng, cầu siêu là xuất phát của Đạo Lão (Trung Hoa), có ý kiến khác lại nói rằng của Bà la môn giáo lần lần thấm vào đạo Phật. Vậy Phật giáo với vấn đề cầu siêu và cúng thí thực thì sao?
Đứng trên tinh thần vô ngã, chúng ta là phật tử không nên truy cứu vấn đề thuộc "ngã chấp" mà là giáo pháp nào đưa đến hiệu quả vấn đề cứu độ vong linh, đó mới là điều đáng nói.
Đọc kinh Vu Lan chúng ta thấy, ngài Mục Kiền Liên là tôn giả có thần thông đệ nhất và là bậc trong số mười đệ tử lớn của đức Phật. Thần thông của tôn giả Kiền Liền nhìn thấu tam giới (ba cõi). Với khả năng thần thông như vậy, mà tôn giả nhìn thấy bà Thanh Đề  (tức mẹ của mình) bị đọa lạc ngã quỷ, nhưng cũng phải bó tay không cứu được mẹ và phải về bạch đức Phật để Ngài chỉ dẫn phương pháp cứu độ. Kết quả là bà Thanh Đề được cứu độ siêu thoát từ cảnh giới ngã quỷ "thăng hóa" cảnh giới chư Thiên.
Về phương pháp (lễ thức), tại sao đức Phật dạy tôn giả Mục Kiền Liên phải chọn ngày "Tự tứ" mà không là ngày khác, là phật tử chắc chúng ta ai cũng hiểu, nhưng với người chưa hiểu sâu đạo Phật, đặc biệt là giới ngoại đạo (tà đạo) vì cố chấp nên không thể hiểu được ý nghĩa sâu mầu trong ngày tự tứ và ba tháng an cư kiết hạ của Phật giáo.
Vậy, khi chưa hiểu giáo lý đạo Phật sẽ sản sinh ra nhiều tín ngưỡng sai lạc đối với thế giới vô hình. Từ đó dẫn đến không nhiều người biết cách thể hiện tình thương và báo ân đúng nghĩa đối với người đã qua đời nên đã bị ngoại đạo lợi dụng tín ngưỡng này gây ra nhiều não chướng. Vậy bài viết này xin đề cập đôi nét xung quanh vấn đề cầu siêu và cúng thí thực để chúng ta cùng suy ngẫm về chính pháp của Phật giáo trong đời sống hiện nay.
Tâm lượng con người quyết định sự siêu độ
Như trên đã nói, cầu siêu là mong cầu hay còn gọi là siêu thoát, thông qua các phương thức nghi lễ để giúp vong linh thoát khỏi cảnh khổ đau. Đó là quan niệm thông thường của thế gian. Cầu cho vong linh siêu thoát về đâu còn phụ thuộc vào tín ngưỡng và cả mục đích của người cầu nguyện.
Đối với Phật pháp thì kết quả cầu siêu phụ thuộc vào tâm linh và phương pháp siêu độ. Cảnh giới siêu thoát lý tưởng của Phật giáo là niệm Phật nguyện cho vong nhân sinh về Cực lạc. Do vậy, nhận thức về ý nghĩa sống chết giúp cho chúng ta có chánh kiến trong tu học và hiểu thêm về quan niệm cầu siêu.
Theo quan niệm thế gian cho rằng: "Âm dương đồng nhất lý". Lý ở đây là nguyên lý nhân quả, đời sống chúng sinh đó là nghiệp quả của họ đã tạo ra. Cho nên cõi nào còn có sinh, già, bệnh, chết thì còn khổ đau. Cõi âm hay cõi dương cũng thế. Nhưng phải hiểu rộng ra, người sau khi chết sẽ tái sinh vào nhiều cảnh giới khác nhau. Theo giáo lý đạo Phật thì thế giới con người chỉ là một trong mười pháp giới (1) đang hiện hữu. 
Các thế giới tương dung tương nhiếp lẫn nhau. Chúng sinh trong ba cõi chỉ do một tâm này mà tồn tại. "Ba cõi chỉ là nhất tâm"(2). Chính vì lẽ đó mà cõi âm và cõi dương liên hệ với nhau chặt chẽ qua sự chi phối nghiệp lực nhân quả. Tâm thức là nhân duyên, là mối liên hệ con người cùng thế giới chung quanh.
Nghiệp lực làm nhân duyên để người đã khuất lưu luyến đến người thân, đến gia đình, dòng tộc, quốc gia và xã hội nói chung. Cho nên trách nhiệm cầu siêu và báo ân đối với người đã khuất là việc chung của tất cả mọi người trong xã hội (ví dụ cầu siêu cho các hương hồn liệt sĩ và nạn nhân tai nạn giao thông). Nhìn từ góc độ Phật giáo thấy rằng tất cả chúng sinh đã từng có nhân duyên nghiệp lực với nhau nhiều đời, nhiều kiếp trong chốn sinh tử này. 
Đức Phật dạy: "Vô thỉ luân hồi, này các Tỳ kheo, không dễ gì tìm thấy một chúng sinh trong thời gian dài lại không một lần nào làm cha làm mẹ" (3). Từ ý nghĩa này mà Phật giáo nâng lên quan điểm báo ân cha mẹ, ân Tam bảo, ân quốc gia xã hội và ân pháp giới chúng sinh. (Đây là nét đẹp nhân văn chỉ thấy trong giáo lý đạo Phật).
Chúng ta và những người đã qua đời vẫn còn mối quan hệ tương tục với nhau. Sống chết chỉ là tạm gọi, vì thực chất sống hay chết đều đang chuyển biến. Chấm dứt thân thể (vật lý) này gọi là chết, còn tâm thức đang đi trong một thế giới mới. Theo các Tổ thầy dạy, khổ đau hay hạnh phúc do nghiệp quyết định. Tất cả chúng sinh là sản phẩm của nghiệp. Tất cả chúng sinh đều từ nghiệp mà sinh ra, nghiệp ấy do tâm tạo, chuyển nghiệp cũng từ tâm mà chuyển. Do vậy, ý nghĩa siêu độ, giúp người âm thoát khỏi khổ đau có hiệu quả hay không là do tâm lượng con người quyết định. 
Giải thoát khổ đau địa ngục thì cần có cái tâm hướng về đạo đức giải thoát. Như tu tập giới - định - tuệ và tâm tu Lục độ... Bản chất tâm giác ngộ nuôi dưỡng hai yếu tố từ bi và trí tuệ. Từ góc độ tu như thế mà khởi các hạnh lành trong pháp siêu độ thì mới có hiệu quả.
Trong kinh văn Đại thừa, đề cập vấn đề nghi lễ siêu độ để mang lại sự lợi ích cho vong linh như sau: Người phát tâm làm nghi thức cầu siêu phải có tâm thương xót vong linh, âm linh, cô hồn nói chung và lòng thành kính với chư Phật và hiền thánh tăng. Trong kinh dạy rằng, chư Phật và Bồ tát thường ứng thân vào các loại chúng sinh mà cứu độ. Nghi thức chẩn tế hay thí thực, trước thỉnh Phật và Bồ tát chứng minh, sau đó thỉnh các chân linh, vong linh và cô hồn về thọ nhận phẩm vật. 
Chúng sinh do nghiệp lực sai biệt nên thọ dụng thức ăn cũng sai biệt. Hương hoa phẩm vật trần gian nhờ Phật lực gia trì mà biến thành cam lồ khiến cho họ được no đủ. Phương pháp này dùng Du già (yoga) Phật giáo Đại thừa thực hiện. Có nghĩa dù biểu hiện dưới hình thức lễ nghi nào, hành giả (tức người lễ) phải có lòng thành thanh tịnh, tam nghiệp thân, khẩu, ý tương mật mới nhập vào cảnh giới nhất tâm. Tâm cảm được Phật lực mới có lợi ích cho việc siêu độ thân nhân quá vãng, cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp. 
Điều này đức Phật dạy trong kinh điển: "Hãy phát tâm rộng lớn vì cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp đến nay, khắp vì muôn loài chúng sinh ở tinh tú thiên tào, âm ty địa phủ, diêm ma quỷ giới, côn trùng nhỏ nhí máy động, tất cả hàm linh mà bày ra sự cúng dường vô giá quảng đại, mời đến phó hội, để nương oai quang của Phật, gột rửa ruộng thân, được lợi thù thắng, hưởng vui nhân thiên" (4).  
Qua đoạn kinh trên ta thấy, cúng thí thực âm linh, cô hồn, gọi là pháp Vô giá quảng đại, nương oai đức của Phật mà chúng sinh đều lợi lạc, dựa trên cái tâm rộng lớn. Đó là tâm Bồ đề cứu độ chúng sinh. Khi có cái tâm ấy thì âm siêu dương thái, nếu hình thức nghi lễ này mà thiếu cái tâm cao thượng thì đi ngược lại với xu hướng giác ngộ của Phật, Bồ tát dạy.
Trong kinh đức Phật còn dạy các hình thức siêu độ khác nữa. Phát tâm tu học cũng là phương thức siêu độ vong linh có hiệu quả cao. Chúng sinh tin Phật, thờ Phật, mà lại chạy trốn cảnh khổ đau xung quanh thì trái với bản nguyện của đạo Phật. Những người đã khuất hay đang còn sống họ có duyên mới tiếp cận với chúng ta. Trong giáo lý Mật tông và Tịnh độ khuyên người tu niệm Phật, trì chú, tụng kinh để hồi hướng siêu độ cho người âm được siêu thoát.
Giúp đỡ vong nhân chính là tâm từ bi. Từ bi tam muội mới biến thức ăn thành cam lồ. Chính vì điều này, mà đức Phật dạy tôn giả Mục Kiền Liên phải chờ ngày Tự tứ (sau mùa an cư kiết hạ) thỉnh các chư tăng thực hành lễ thức miên mật. Nhờ giới hạnh thanh tịnh và trì chú tâp thể của tăng đoàn mà có năng lực cộng hưởng cứu được bà Thanh Đề khỏi cảnh ngã quỷ.
Cõi âm cũng như cõi dương, chúng sinh đói về lòng bố thí nên bị đắm trong địa ngục đói khổ; họ đang đói về tình thương nên chìm sâu trong cảnh sân hận hành hạ và ăn nuốt lẫn nhau, đang đói về trí tuệ nên sống trong vô minh, thần thức của họ đang vô định nên cần giáo lý thiền định giải thoát. Chúng ta phải hiểu như vậy để y pháp cúng dường bố thí với nhiều phương diện, như tài thí, pháp thí và vô úy thí cho chúng sinh.
Là phật tử tại gia, ngoài vấn đề bố thí tiền tài, cần bố thí pháp thông qua chia sẻ kinh nghiệm tu học cùng đạo bạn, giáo dục con cháu trong gia tộc và thân nhân hiểu được lý lẽ sâu mầu của đạo Phật; theo đó phát tâm ấn tống sách Phật giáo; quy y Tam bảo và ủng hộ Tam bảo trường tồn là điều phước đức lớn để siêu độ thân nhân. Nếu chúng ta không có tiền tài bố thí, thì có thể chia sẻ với người đang đau khổ bằng tình thương và sự hiểu biết, đó cũng là công đức vô lượng. 
Thực tế cuộc sống cho thấy, đời người thường lo âu, sợ hãi, họ sợ mất mát thất bại, sợ khổ đau. Giúp cho họ sống có trí tuệ, sống có đạo lý là cách bố thí rất thiết thực. Người còn sống muốn giúp vong linh thân nhân siêu thoát phải có tâm lực. Tức là đời sống có đạo đức, như phát tâm quy y Tam bảo, thọ trì giới pháp. Vì chúng ta biết, con đường Giới, Định, Tuệ là con đường giải thoát khổ đau chúng sinh. 
Chúng ta sống có đạo đức để làm ngọn đèn soi đường cho người cõi âm đi ra khỏi bóng tối vô minh u ám. Đức Phật dạy địa ngục khổ đau do tâm tạo, giải thoát khổ đau cũng do tâm khởi. Cho nên sống có đạo đức hạnh lành là biểu hiện một phương thức siêu độ rất cao. Cổ đức có câu: "Nhất nhân thành đạo cửu huyền thăng". Tức tu học thành đạo mới cứu giúp được người thân tộc nhiều đời, nhiều kiếp. Có thể bây giờ chúng ta chưa thành đạo vuông tròn, nhưng chúng ta sống đúng chánh pháp, thì mọi hành động biểu hiện trong đời sống này đều là hành trang giải thoát sinh tử, luân hồi.
Cầu siêu phải có tâm thành kính. Trước hết chúng ta phải có tình thương và lòng kính trọng người đã khuất mà thực hành pháp siêu độ. Tình thương chân thành, biết đau xót và rung cảm trước cảnh khổ đau của người đã qua đời. Đó là tiếng chuông giao cảm Phật lực gia trì tâm nguyện của mình. Tình thương ấy chúng ta tìm được qua hình ảnh các Thánh giả đã từng cứu độ vong nhân. 
Ai đã đọc kinh Vu Lan mới thấy giọt nước mắt của ngài Mục Kiền Liên đã khóc vì thương mẹ đến cầu Phật chỉ dạy cứu độ. Giọt nước mắt của Quang Mục và Thánh nữ Bà la môn trong kinh Địa Tạng khóc vì thương mẹ mà phát tâm Bồ đề... Những giọt nước mắt ấy là tình thương, là tâm từ bi. Khi có tâm ấy mà cúng dường Tam bảo, cúng dường trai tăng, hay cúng dường chùa chiền và làm tất cả điều lành khác đều có hiệu ứng thiết thực cho việc siêu độ vong nhân. 
Điển hình là các vị Thánh giả nói trên, vì tình thương mẹ cao tột mà đã chuyển hóa cảnh giới xấu ác của thân nhân mình từ đọa lạc (tam đồ khổ) được siêu thoát cảnh giới an lành. Đây là một lẽ thật rất khoa học, bởi ngày nay các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã không khỏi ngạc nhiên trước câu kinh: "Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức" của Phật giáo, qua thí nghiệm khoa học (hai khe hở) mà họ tìm ra Nguyên lý của Tâm thức (tức tinh thần) dẫn dắt mọi chuyện như câu kinh Hoa Nghiêm đã đề cập từ 2500 năm trước.
Lễ cúng thí thực qua kinh Nikaya
Để nhận thức được vấn đề cầu siêu và cúng thí thực của Phật giáo khác với ngoại đạo ở điểm nào. Trong bài viết có tựa đề: "Cúng thí thực theo tinh thần kinh Nikaya" của tác giả Thích Đức Trí trên trang Điện tử (ĐPNN- 06/8/2016) tác giả cho rằng: 
"Lễ cúng thí thực vốn có nguồn gốc trong hai truyền thống Phật giáo. Nếu không hiểu rõ ý nghĩa tích cực và phương pháp lễ cúng này mà áp dụng lễ cúng theo kiểu Tế Đàn cực đoan của Bà la môn giáo và ngoại đạo thì chắc chắn không có phước báo tốt đẹp. 
Bởi một lễ cúng đầy đủ ý nghĩa cần có thực phẩm hiến cúng và dùng pháp ngữ khai thị hương linh, (ngạ quỷ) nhận thức về đạo lý để họ xả ly chấp thủ, luyến ái và sớm được giải thoát tự tại. Vấn đề ở đây cần nhận thức rõ ràng tinh thần của người hiến cúng và đối tượng được hiến cúng trong pháp thí thực một cách có trí tuệ, mới có sự lợi lạc".
Trong bài viết này, tác giả đã dùng kinh điển dẫn dắt sâu sắc về ý nghĩa khác nhau của lễ cúng thí thực theo tinh thần kinh Nikaya. Đó là người hiến cúng và đối tượng được hiến cúng theo quan điểm tư tưởng của chánh pháp (Phật giáo) và Bà la môn giáo cũng như các ngoại đạo. Bài viết rất hữu ích, giúp chúng ta có cách nhìn và hiểu biết thêm về các nghi thức và phương pháp của lễ cúng thí thực cũng như lễ cầu siêu nói chung. Xin được trích dẫn một phần nội dung dưới đây để chúng ta cùng suy ngẫm về vấn đề nêu trên. 
1. Người hiến cúng 
a) Hiến cúng bằng pháp bất thiện
- Người hiến cúng thí thực bằng pháp bất thiện sẽ mắc nghiệp xấu, vì giết hại sinh linh lấy thịt cúng tế sẽ tạo ba thứ ác nghiệp từ thân, miệng, ý chắc chắn sẽ đưa đến kết quả không như ý muốn. Điều này được ghi lại trong kinh Tăng Chi qua Phẩm Tế Đàn, khi đức Phật đã trả lời cho Bà la môn Uggatasarira. Bởi vị Bà la môn này có ý định đốt lửa, dựng trụ tế đàn, giết hàng trăm con bò, con cừu, con heo làm thực phẩm hiến cúng để cầu mong được quả phước lớn. 
Đức Phật đã thẳng thắn phê phán, cho đó là hành động bất thiện chỉ đưa đến quả khổ trong đời này và đời sau, Ngài dạy như sau: "Này Bà la môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, dựng lên ba cây kiếm này đưa đến chỗ sinh, khổ dị thục" (5). (Dựng lên ba cây kiếm là ẩn dụ cho ba nghiệp xấu ác của thân, miệng và ý, vì đã giết hại sinh linh để làm thực phẩm cúng tế một cách mù quáng). 
Nhân đây, cũng xin đề cập thêm nội dung lời của đức Địa Tạng Vương Bồ tát bạch đức Phật, nói về việc cõi Diêm phù đề (tức cõi thế chúng ta) vì không hiểu giới sát mà bày ra việc giết heo, mổ gà tổ chức cúng lễ người lâm chung và người quá cố chỉ tạo thêm ác nghiệp trong kinh Địa Tạng như sau: 
"Vì không hiểu giới sát đó nên con đối trước đức Phật Thế Tôn, cùng với hàng Trời, Rồng, tám bộ chúng, người với phi nhân v.v… mà có lời khuyên bảo những chúng sinh trong cõi Diêm phù đề. Ngày lâm chung, kẻ thân thuộc phải cẩn thận chớ có giết hại và chớ gây tạo nghiệp duyên chẳng lành, cũng như dùng tế lễ Quỷ, Thần, cầu cúng ma quái".
"Vì sao thế? Vì việc giết hại cho đến tế lễ đó, không có một mảy mún chi lợi ích cho người chết cả, chỉ có kết tội duyên của người đó làm cho càng thêm sâu nặng hơn thôi". (Kinh Địa Tạng, HT.Thích Trí Tịnh dịch, ấn tống 1994, tr.106). Qua đây chúng ta hiểu rằng, trong dân gian Việt Nam nước ta, nếu cá nhân gia đình hay truyền thống làng, dòng họ tổ chức với bất kỳ nghi lễ cúng tế nào mà sát sinh, hại vật đều đưa đến quả khổ chung cho cả người cúng, lẫn đối tượng được cúng.
b) Hiến cúng thí thực bằng pháp thiện
Người hiến cúng bằng thiện pháp sẽ đưa đến phước lành, họ không sát hại sinh linh để lấy thịt hiến cúng, dùng phẩm hạnh thanh tịnh cúng tế. Pháp hiến cúng này thể hiện được phẩm hạnh từ bi giúp các sinh linh thoát khỏi cảnh giới đói khổ. Trong kinh Tăng Chi Đức Phật giải thích rõ cho các người Bà la môn như sau: "Này Bà la môn, tại những tế đàn nào, trong ấy không có bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có gà heo bị giết, không có các loài sinh vật khác bị giết hại. 
Này Bà la môn, Ta tán thán loại tế đàn không có sát sinh như vậy, tức là làm bố thí, tế đàn cầu hạnh phúc cho gia đình. Những loại tế đàn không có sát sinh như vậy, này Bà la môn, các A la hán và những ai đi trên con đường hướng đến A la hán, có đi đến" (6). Qua đoạn kinh trên, nội dung khẳng định rõ ràng, cúng tế không sát hại sinh linh là có quả báo tốt đẹp, đáng được tán thán.
2. Đối tượng được cúng
Hương linh, vong linh theo thuật ngữ chỉ cho người thế tục qua đời. Giác linh cũng chỉ cho người qua đời, nhưng có giới đức và phẩm hạnh. Ở đây, các bậc thánh giả, thoát ly luân hồi chúng ta không bàn tới trong chuyện cúng thí. Theo tuệ giác của Phật thì những hạng người không tu tập thiện pháp, người sát sinh, trộm cắp, tà hạnh và ác khẩu, khi chết không được sinh thiên giới, không được tái sinh làm người, phần đông sinh vào cảnh giới thấp như địa ngục, ngã quỷ và súc sinh. 
Đức Phật dạy: "Này các Tỳ kheo, ít hơn là các chúng sinh sau khi chết từ thân người, được tái sinh làm người lại. Và nhiều hơn là các chúng sinh sau khi chết từ thân người, phải tái sinh vào cõi ngạ quỷ" (7). Những chúng sinh trong loài quỷ này, đa số chịu nhiều sự đói khát và có hình thù quái lạ, phần nhiều cầu mong sự cúng thí thực phẩm của người đời. Phẩm vật hiến cúng và đối tượng thọ nhận phải có sự tương ưng. 
Trong văn hóa cúng bái dân gian ở nước ta, mỗi khi cúng người ta thiết lập bàn gọi là bàn thượng và bàn hạ. Bàn thượng cúng hoa, bông trái và nước trong tinh khiết dành cúng chư thiên và các chúng sinh ở cảnh giới cao, gọi là bàn Thiên. Bàn hạ là cúng thức ăn thông thường như người đang sống thường dùng như cơm, cháo, bánh trái để cúng cho các hương linh, gọi là bàn hương linh. 
Trong nghi thức chẩn tế và siêu độ thì đàn tràng được thiết lập theo triết lý Mật tông. Người cúng thỉnh sư đọc tụng chân ngôn, cầu sự gia trì của Phật và Bồ tát giúp cho chúng hương linh (ngạ quỷ) được thọ dụng no đủ và thoát khổ.
Sự hiến cúng thực phẩm vì sao cần khai thị hương linh trong lễ cúng: theo kinh Phật dạy, các hương linh đó nếu thọ dụng được thức ăn hiến cúng đó, tương ương chúng sinh trong cảnh giới ngạ quỷ. Cho nên hương linh là ngôn ngữ dân gian, có thể thọ nhận được sự hiến cúng phẩm vật. Kinh chép rằng: "Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sinh vào cõi ngạ quỷ. Món ăn của chúng sinh ngạ quỷ như thế nào, tại đấy, vị ấy nuôi sống món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Món ăn nào các bạn bè, hoặc thân hữu, hoặc bà con, hoặc người cùng huyết thống từ đấy muốn hiến cúng cho vị ấy, tại đấy vị ấy sống với món ăn ấy.; tại đấy vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà la môn, đây là tương ưng xứ, trú ở đây vị ấy được lợi của bố thí ấy" (8).
Thực chất cảnh giới chúng sinh trong loài quỷ có nhiều loại, tùy theo phước báo và nghiệp lực sai biệt, nên sinh vào trong loài quỷ cũng có nhiều loại. Thức ăn chúng ta hiến cúng, tương ưng với nghiệp lực loài đó, thì có sự thọ nhận. Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa thường nhắc đến loài quỷ có phước và oai lực, loài quỷ thiếu phước đau khổ và đói khát. Có loài quỷ thường xuất hiện trong không gian, chỉ có người có tuệ nhãn mới thấy. 
Điều này được ghi nhận trong kinh Nikaya ghi rất rõ ràng, khi tôn giả Mục Kiền Liên trông thấy có nhiều loài quỷ quái dị mà người bình thường không thể thấy và điều này đức Phật xác nhận qua đoạn kinh sau: "Xưa kia, này các Tỳ kheo, Ta đã thấy chúng sinh ấy nhưng Ta không có nói. Nếu Ta có nói, các người khác cũng không tin Ta. Và những ai không tin Ta, những người ấy sẽ bị bất hạnh, đau khổ lâu dài" (9).
Phật giáo không phải thiết lập mục đích sự chứng ngộ thông qua nghi lễ cúng tế. Nhưng thực hiện nghi thức cúng thí thực cho người đã khuất bằng phẩm vật thanh tịnh, không giết hại sinh linh làm phẩm vật cúng tế là được đức Phật tán thán. Pháp thí thực như vậy không phải xuất phát từ tín ngưỡng ngoại đạo mà có. Vì thông qua pháp ngữ trong lễ cúng, chư hương linh, ngạ quỷ để nhận chân được chân lý Phật dạy.
Thay lời kết
Đạo Phật lấy con người làm cơ sở chính cho sự tu chứng, chỉ có con người mới đủ điều kiện thuận lợi để đi đến giác ngộ - giải thoát toàn triệt. Chính vì điều này mà Phật giáo lấy quan điểm độ sinh trước khi độ tử. Tại sao vậy? Vì khi con người còn tại thế thì sự huân tập, tu học đạo pháp sẽ dễ dàng hơn khi con người đã chết hoặc bị đọa lạc. Vậy trong kinh điển mới có câu "thân người khó được Phật pháp khó gặp". 
Nói như thế không có nghĩa là Phật giáo xem nhẹ việc lễ cúng cầu siêu các hương linh, vong linh và các loài khác nói chung. Qua kinh điển chúng ta thấy, việc cầu siêu cúng thí không đúng pháp sẽ chẳng mang lại lợi ích gì (nếu không muốn nói pháp tà lợi dụng điều này gây phiền não). Bởi trong một lễ cúng dưới hình thức nào, ngoài vật phẩm cúng thí, điều quan trọng mà ta thấy ở Phật giáo là sự khai thị hương linh trong lễ cúng để (họ) liễu lộ giáo lý đức Phật dạy mà cởi bỏ bám víu, dính mắc tham sân, vọng tưởng để được thoát cảnh giới đọa lạc. Có như vậy, mới gọi là "âm siêu dương thái" và ngược lại, nếu không có trí tuệ chánh Pháp soi sáng thì hiệu quả đem lại sẽ chẳng như mong muốn là điều chắc chắn.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, con người thường chạy theo giá trị vật chất, dễ dàng quên đi cái ân nghĩa đối với người thân thuộc đã qua đời. Thực tế bố thí trong đó có Pháp thí luôn nuôi dưỡng và khơi dậy tinh thần cứu khổ và ban vui của đạo Phật đối với chúng sinh ngay trong đời này và các đời sau. Đây là nét đẹp nhân bản mà ta thấy chỉ có chánh pháp của giáo lý đạo Phật mới có thể đem lại.

Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh
------------------------------
Chú thích:
(1) Mười pháp giới: Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn, Trời, Người, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh.
(2) Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thập địa, HT.Trí Tịnh dịch.
(3) Kinh Trường Bộ, HT.Minh Châu dịch.
(4) Kinh Trung Bộ - số 135, HT.Minh Châu dịch.
(5) Tăng Chi Bộ - kinh Nikaya, HT.Thích Minh Châu dịch Việt chương VII - Bẩy pháp, Phẩm tế đàn.
(6) Kinh Tương Ưng bộ, tập 2 HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo 2015, tr.830.
(7) Kinh Tăng Chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo 2015, tr. 720.
(8) Kinh Tương Ưng bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo, tr.599.

Tài liệu tham khảo:
- Kinh Vu Lan, kinh Địa Tạng, kinh Thủy sám và Lương Hoàng Sám.
- Bài: Lễ cúng thí thực theo tinh thần kinh Nikaya - Thích Đức Trí (Trang Điện tử PGNN - 06/8/2016).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner