KHÔNG SINH KHÔNG DIỆT TRONG THỀ NON NƯỚC - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

KHÔNG SINH KHÔNG DIỆT TRONG THỀ NON NƯỚC

Bài thơ Thề non nước của nhà thơ Tản Đà là một bài thơ hay và đẹp về lời thề giữa hai người thương nhau (đó có thể là hai cha con, hai mẹ con, hai anh em, hai vợ chồng, hai thầy trò hay thậm chí là giữa con người và quê hương đất nước) với những lý giải hết sự dễ thương của người ra đi với người ở lại. 

khong sinh khong diet trong the non nuoc

Tuy nhiên, dưới cái nhìn Phật pháp, những hình ảnh nên thơ đó cũng mang triết lý về giáo lý “bất sinh bất diệt” vô cùng sâu sắc của Phật giáo đại thừa.

Bài thơ tổng cộng có hai mươi hai câu. Trong đó mười bốn câu đầu nói về tình cảnh chờ đợi đến nỗi “xương mai một nấm hao gầy/ tóc mây một mái đã đầy tuyết sương” cũng như là lời than trách, sầu khổ của non khi bị “nước đi đi mãi không về cùng non”. Tám câu còn lại của bài thơ là lời an ủi và khai thị của nước, rằng thật ra nước không hề xa non chút nào hết mà luôn luôn bên cạnh non, chỉ là dưới những biểu hiện khác nhau mà thôi. Tám câu thơ đó là:

Non xanh đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi lời thề.


Nước đi ra biển nhưng không có nghĩa là vĩnh viễn xa non. Nước trở lại với non với hình thức là những cơn mưa. Nước gặp nắng bốc hơi thành khí. Khí gặp lạnh tụ lại thành mây và mây sẽ hóa thân thành mưa rơi trở xuống mặt đất. Nước mưa ấy có thể sẽ tiếp tục chảy ra biển, nhưng chỉ một phần thôi. Phần còn lại nước thấm vào đất và làm cho “ngàn dâu xanh tốt”.

Nếu không có nước thì không có rừng dâu, dâu sẽ không thể sống, không thể xanh tốt. Và như vậy trong rừng dâu đã có sự hiện diện của nước trong đó. Nước như muốn nói với non rằng: “Non ơi, non hãy nhìn vào rừng dâu để thấy nước trong đó mà đừng có chờ đợi nữa. Xin non đừng có than phiền, đừng có sầu khổ nữa mà hãy vui lên, vì không có sự xa cách đâu”. Nước ở đây biểu hiện dưới ba hình thức là nước, mưa và ngàn dâu. Đây chỉ là 3 hình thức tiêu biểu. Ngoài ra nước còn tồn tại trong không khí, hoặc những giọt sương đêm… Như vậy nước có bao giờ rời xa non đâu. Nước luôn bên cạnh non bằng nhiều biểu hiện khác nhau. Dù nhiều biểu hiện khác nhau nhưng cũng là nước mà thôi.

Theo giáo lý Duyên sinh thì các pháp chưa từng sinh ra cũng như chưa từng mất đi, bởi vì trong một pháp đã chứa đựng, bao hàm tất cả các pháp khác, một là tất cả và tất cả là một. Khi một hiện tượng xuất hiện không có nghĩa là chúng mới có. Những yếu tố làm nên hiện tượng đó đã có sẵn bàng bạc trong không gian và thời gian, chỉ chờ nhân duyên đầy đủ thì biểu hiện ra mà thôi. Cũng vậy, khi chúng mất đi không có nghĩa là chúng không còn gì mà chỉ là biến đổi thành dạng khác, dưới dạng vật thể hay năng lượng.

Đối với con người cũng vậy, chúng ta được sinh ra không có nghĩa là chúng ta mới có mà thật ra đã tồn tại từ lâu rồi, dưới dạng nghiệp thức và các mối quan hệ di truyền của dòng họ tổ tiên. Trong quá trình lớn lên, ta lại tiếp tục tiếp nhận những yếu tố của gia đình và xã hội. Chính vì vậy mà khi cha mẹ chúng ta qua đời, chúng ta không mất họ hoàn toàn mà họ vẫn còn ở bên ta, trong ta dưới dạng gen di truyền và các giá trị tinh thần khác như nhận thức, kinh nghiệm…

Hai câu thơ cuối của bài thơ, Nghìn năm giao ước kết đôi, Non non nước nước không nguôi lời thề, thật đã diễn tả được giáo lý “bất sinh bất diệt” một cách sinh động. Nghìn năm là chỉ cho thời gian vô tận, từ vô thỉ. Điệp từ “non non nước nước” như muốn nói rằng non và nước không còn là hai thực thể riêng biệt tách rời nhau nữa mà chúng đã hòa quyện vào nhau, “tương tức tương nhập” với nhau. Trong non có nước, trong nước có non. Non cũng là nước mà nước cũng là non. Và chúng đã tồn tại như vậy từ vô thỉ rồi. Non tồn tại từ khi có nước và nước tồn tại từ khi có non.

Hòa thượng Nhất Hạnh có viết quyển sách tựa là “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” (*). Tôi không rõ Tản Đà có học Phật và biết giáo lý Duyên khởi của Phật giáo hay không, nhưng những gì ông trình bày trong bài thơ Thề non nước này, khi đọc và chiêm nghiệm, ta cũng có cái cảm giác bình yên, không sợ hãi như vậy.

Bài viết: "Không sinh không diệt trong Thề non nước"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner