CÁI NHÌN NGƯỜI KHÁC VÀ VẬT KHÁC - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

CÁI NHÌN NGƯỜI KHÁC VÀ VẬT KHÁC

Trong tiến trình phát triển của nhân loại theo chiều hướng Tây phương, hẳn đã có trục trặc, hẳn đã có cái nhìn sai lệch về con người và thế giới. Sự sai lệch đó nằm trong văn hóa, nghĩa là trong quan niệm, quan điểm, cái nhìn, về con người và thiên nhiên.
1. Vào đề
Ngày nay, với phương tiện khoa học kỹ thuật tiến bộ đến mức khó tưởng tượng nổi, với những cách tổ chức xã hội siêu đẳng, với sự tiến hóa của ý thức loài người, có thể nói không chuyện gì mà con người làm không được, từ chuyện đưa người lên vũ trụ, biến đổi gen, đến việc mọi sinh hoạt đều thông qua máy điện toán. Trong lịch sử, loài người chưa bao giờ giàu có như vậy; con người rất đáng được hưởng hạnh phúc vật chất lẫn tinh thần.
Thế mà trong sách báo những thông tin làm chúng ta không ngờ. “Cứ 7 người, có 1 người đói ăn”, thống kê Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) thuộc Liên Hiệp Quốc công bố ngày 20/6 (Tuổi Trẻ 21/6/2009).
Nóng, Phẳng, Chật. Tại sao thế giới cần cách mạng xanh và làm thế nào chúng ta thay đổi được tương lai” (Thomas L Friedman 2008, Nguyễn Hằng dịch, Nxb Trẻ, 2009).
Với nhan đề “Biến đổi khí hậu sẽ khiến nền văn minh sụp đổ”: Cảnh báo nghiêm khắc này được đưa ra trong báo cáo lớn nhất từ trước tới nay về tương lai của hành tinh của gần 3.000 chuyên gia do UNESCO, Ngân hàng thế giới, quân đội Mỹ, Quỹ Rockefeller hỗ trợ thực hiện. ‘Quá nhiều quyết định mù quáng và tham lam đã khiến thế giới suy thoái và thể hiện sự phụ thuộc liên thông lẫn nhau giữa kinh tế và đạo đức’. ‘Phải chuyển dịch từ lối cư xử và suy nghĩ ích kỷ, coi mình là trung tâm sang lối ứng xử trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn. Nếu con người muốn tìm kiếm cơ hội sống sót trong biến đổi khí hậu, họ cần phải nỗ lực tương tự như muốn đưa người lên mặt trăng ngày trước’ (Tuổi Trẻ, 13/7/2009).
Quả thật, trong tiến trình phát triển của nhân loại theo chiều hướng Tây phương, hẳn đã có trục trặc, hẳn đã có cái nhìn sai lệch về con người và thế giới. Sự sai lệch đó nằm trong văn hóa, nghĩa là trong quan niệm, quan điểm, cái nhìn, về con người và thiên nhiên. Chúng ta hiểu biết quá ít về con người, do đó có chiến tranh, có giết người. Chúng ta hiểu biết quá ít về thiên nhiên, do đó, phải cứu trái đất trước khi quá muộn. Như nhiều trí thức Tây phương khác, Edgar Morin gọi đó là “khủng hoảng của những nền móng” (Tri thức về tri thức, 1986, trg 27).
Những khuyết điểm trong văn hóa Tây phương là một chủ đề lớn. Ở đây chúng ta chỉ nói đến một phần của nó, logic học. Và chúng ta cũng để cho chính người Tây phương nói về logic học của họ.
Edgar Morin, “một trong các gương mặt hàng đầu của tư tưởng Âu Mỹ”, giám đốc Nghiên cứu danh dự tại Trung tâm quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS), đã có những năm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo ở Hoa Kỳ. Tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Việt khá nhiều: Trái Đất Tổ Quốc Chung, tuyên ngôn cho thiên niên kỷ mới (1993, dịch Việt 2002, Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội); Phương Pháp – Tri Thức về Tri Thức (1986, dịch Việt 2006); Phương Pháp – Tư Tưởng (1991, dịch Việt 2008, ĐHQG Hà Nội)… do Phạm Khiêm Ích dịch và giới thiệu; và Bảy Tri Thức Tất Yếu Cho Nền Giáo Dục Tương Lai (1999, Unesco, dịch Việt, Nguyễn Hồi Thủ, 2008, Nxb Tri Thức).
Hầu như trong tác phẩm nào Morin cũng đều nói đến “những hạn chế của môn logic học”, và ông đề nghị một logic học mở rộng hơn gọi là dialogique (đối hợp logic, đối logic): “Sự kết hợp cọng sinh của hai thứ logic vừa bổ sung vừa hỗ trợ nhau, vừa cạnh tranh vừa đối kháng” (Tri Thức về Tri Thức, trg 42). Ở đây chúng ta chỉ tóm tắt sơ ý kiến của ông trong chương Lý tính với Logic học (Tư Tưởng, trg 351-435).
“Logic học được Aristote xây dựng dựa vào phép đồng nhất, suy diễn và quy nạp. Ba nguyên tắc không tách rời nhau cấu thành trái tim của logic học đồng nhất:
Nguyên tắc đồng nhất: “A là A”
Nguyên tắc phi mâu thuẫn: “A không thể đồng thời vừa là B vừa là phi B”.
Nguyên tắc bài trung: “Giữa hai mệnh đề mâu thuẫn nhau chỉ có một cái có thể coi là đúng: A hoặc là B hoặc là phi B”.
“Được tuyệt đối hóa như vậy, nguyên tắc đồng nhất tạo nên một nền móng bản thể luận/ siêu hình học cho lý trí và khoa học phương Tây; tính đồng nhất của các sự vật với chính bản thân chúng phần nào đã cấu thành hiện hữu đặc thù của chúng. Ba tiêu đề này đã trang bị tầm nhìn về một thế giới nhất quán cố kết, tư duy có thể truy cập trọn vẹn thế giới đó, còn mọi thứ hễ đã chệch ra ngoài tính nhất quán ấy đều trở thành phi logic, vừa nằm ngoài thế giới và ngoài hiện thực” (355).
So sánh “một thế giới nhất quán cố kết” ấy với thế giới quan Đông phương ta thấy chúng khác biệt nhau như thế nào. Chỉ cần so với hệ thống Bát Nhã Phật giáo, mà có thể tóm gọn là: “Tất cả các hiện tượng (các pháp) đều không có bản chất, không có tự tánh”. Và bởi vì tất cả các pháp đều vô tự tánh nên mới có thể có tự do giải thoát. Và phải nói thêm rằng giải thoát đối với Phật giáo, là giải thoát cho cái tâm thức nhị nguyên nhìn thấy chủ thể và khách thể là những thực tại “nhất quán cố kết, luôn luôn đồng nhất với chính bản thân chúng”. Giải thoát với Phật giáo không phải là trốn tránh người khác và vật khác cùng những vấn đề do hai phạm trù đó gây ra, mà là giải thoát khỏi cái thấy sai lầm của con người về hai phạm trù đó. Cái thấy đúng được gọi là Trí huệ Bát nhã.
Morin nói tiếp: “Từ đó, tự khẳng định một kiểu tuyệt đối hóa logic học bản thể: môn logic học suy diễn/ đồng nhất là tương ứng với hiện thực thật sự, với bản thân tố chất của thực tại, nó chính là biểu hiện của thực tại và nhân tố khám phá thực tại… Những công trình làm thuần khiết cho ngôn ngữ, toán học, tư duy đã đạt đến đỉnh cao vào đầu thế kỷ 20 với Wittgenstein, Carnap và Câu lạc bộ Vienne trong việc tìm kiếm một triết thuyết tẩy rửa hết được cái võ đoán, đa ngôn rông dài, vô nghĩa về siêu hình học, để có được chất lượng nghiêm túc chặt chẻ và hiệu lực giá trị của khoa học” (362).
“Sự trổi dậy của mâu thuẫn trong trái tim của hiện thực vật lý Heisenberg, Niels Bohr (trg 369)… trong tương phản trong lý thuyết về các lớp của Bertrand Russell (374), đột phá khẩu, mở cửa của nhà toán học Godel (380-383)…”.
“Cần từ bỏ mọi hy vọng không chỉ về việc hoàn tất việc mô tả logic duy lý về thực tại, mà cả và chủ yếu việc xây dựng lý trí chỉ độc nhất trên logic học” (431).
“Dù thế nào chăng nữa, tư duy vẫn phải là xuyên logic, hiểu theo nghĩa trong đó tiếp đầu ngữ “xuyên” (trans) nghĩa là đi suốt qua, xuyên qua, vượt qua để nâng lên” (430).
“Mọi hệ thống duy lý đều chứa đựng những câu hỏi mà nó không thể giải đáp được. Nếu nó nhất thiết phải tìm kiếm một thứ siêu quan điểm về bản thân, thì cũng không phải vì thế mà thật sự tồn tại một hệ thống siêu duy lý để có thể xử lý được một hiện thực siêu duy lý. Do vậy, hệ thống duy lý ắt phải mở ra một khung cảnh để nhìn nhận cái siêu duy lý (siêu lý tính)” (434). “Lý tính đích thực đủ năng lực dẫn dắt chúng ta đến giới hạn của giác tính (entendement) và bờ mé của tính chất bao la của cái thực tại. Tới chỗ ấy, lý tính có thể đối thoại được với thi ca” (434).
“Từ bây giờ chúng ta sẽ phải thai nghén một thế hệ mới các hệ thống duy lý, mà các hệ này sẽ nhất thiết phải mở và phức hợp” (435).
Đọc những lời trên, người Đông phương chúng ta không lấy làm lạ. Chúng ta cũng không lạ với những từ ‘logic’, ‘biện chứng’ của Tây phương. Chúng ta cũng có logic, biện chứng, có điều logic và biện chứng của Đông phương là logic và biện chứng ba-la-mật (paramita) nghĩa là logic và biện chứng đưa qua, vượt qua đến ‘bờ bên kia’. Chẳng hạn bộ Logic Phật giáo (Buddhist Logic) của Stcherbatsky in năm 1930 ở Nga, bản dịch ở Mỹ 1962. Đọc một bộ kinh phổ biến ở Việt Nam, kinh Kim Cương (bộ kinh này Nguyễn Du đã đọc cả ngàn lần – “Ngã độc Kim Cang thiên biến linh”) chúng ta đều có thể nhận thấy phần nào cái logic của nó, mặc dù cái logic này có vẻ không phải bình thường (phi thường) và siêu việt.
Kinh Dịch là một loại biện chứng, và đã gây ngạc nhiên cho nhà toán học sáng tạo ra toán học tích phân là Leibnitz (1646-1716) như thế nào. Nếu đọc theo ý thức bình thường thì Trung Quán luận của Long Thọ cũng là một loại biện chứng. Nhưng biện chứng của Tây phương là một kết quả của lý tính, một suy luận thành một kết quả có thể viết ra trên mặt giấy: Chánh đề+phản đề=tổng hợp đề. Còn biện chứng của Đông phương, nhất là của Phật giáo, không phải là một loại lý luận, một kết quả suy luận của tâm thức nhị nguyên, mà biện chứng của Phật giáo là sự chuyển hóa của chính tâm thức. Do đó biện chứng của Phật giáo sâu sắc hơn và đem đến một kết quả vô cùng to lớn hơn: chuyển thức thành trí. Nói cách khác, biện chứng của Tây phương là kết quả của ý thức suy luận, nằm trong vòng vận hành của ý  thức. Còn biện chứng của Phật giáo là tìm đường vượt khỏi ý thức: “Lìa tâm, ý, ý thức gọi là Niết-bàn” (Kinh Lăng Già). Một lần nữa, chúng ta thấy để giải quyết triệt để và trọn vẹn những vấn đề của ý thức, chúng ta phải vượt khỏi ý thức, để ở một mức độ cao và rộng hơn ý thức.
Biện chứng chuyển hóa tâm thức của Phật giáo được diễn tả trong một thiền ngữ được nhiều người biết: Ba mươi năm trước, khi chưa thực hành thì sông là sông, núi là núi. Khi đang thực hành  thì sông không là sông, núi không là núi. Còn bây giờ ngộ rồi, thì sông vẫn là sông, núi vẫn là núi.
Chúng ta sẽ không bàn thêm về những vấn đề trên. Chỉ xin lấy một ý kiến của Edgar Morin để kết luận đoạn này:
“Sự phát triển, dù còn giới hạn, của môi trường đa văn hóa nuôi dưỡng này là một nét đáng chú ý của nửa sau thế kỷ XX và nó sẽ phải lớn lên trong thể kỷ XXI, và như vậy sẽ cổ vũ cho tiến trình toàn cầu hóa sự cảm thông nhau. Các văn hóa phương Đông đã khơi dậy ở phương Tây nhiều tò mò và nghi vấn. Phương Tây đã dịch Avesta và các Upanishads vào thế kỷ XVIII, Khổng Tử và Lão Tử ở thế kỷ XIX, nhưng những thông điệp từ châu Á vẫn chỉ là đối tượng nghiên cứu của học giả. Chỉ đến thế kỷ XX, nghệ thuật châu Phi, những triết học và thần bí đạo Hồi, những bản văn thiêng liêng của Ấn Độ, tư duy của đạo Phật và đạo Lão mới trở thành các nguồn tươi mát cho tâm hồn phương Tây đang bị cuốn vào/ trói vào trong thế giới của chủ nghĩa tích cực, chủ nghĩa sản xuất, của năng suất, của tiêu khiển và khao khát sự an bình nội tâm và quan hệ hài hòa với thân xác” (Bảy Tri Thức Tất Yếu cho nền Giáo Dục Tương Lai, trg 141).
  1. Cái nhìn người khác
Chính cái thấy về người khác và thế giới sẽ quyết định cách ứng xử của chúng ta đối với người khác và thế giới, và điều này cũng quyết định cuộc đời chúng ta là hạnh phúc hay khổ đau. Cái thấy của Phật giáo không chỉ là một quan điểm, một cách nhìn của ý thức mà là chánh kiến, cái đầu tiên và cũng là chỗ đến cuối cùng của con đường Tám Chánh Đạo, nghĩa là nó phải dựa vào bảy cái kia để thành tựu. Tóm tắt, cái thấy là một sự thực hành, khởi đầu và kết thúc của sự thực hành đó.
Làm người, chúng ta chia sẻ với nhau một số phận con người. Đó là một số phận căn bản: bắt đầu bằng sự sinh ra và kết thúc bằng cái chết. Dù cuộc đời mỗi người có khác biệt nhau đến mấy – sự khác biệt do những hành động tốt xấu trong những kiếp trước và kiếp này tạo thành kết quả hôm nay, nhân nào quả nấy, đó là sự công bình, bình đẳng của luật nhân quả – chúng ta đều chia sẻ với nhau một điều căn bản: sống và chết.
Cái nhìn sơ khởi là tất cả con người chúng ta đều giống nhau, không chỉ về thân thể căn bản giống nhau, tâm thức căn bản có những phần như nhau (trí nhớ, lý trí, ý chí, tình cảm…), mà còn ở điều căn bản nhất sống chết như nhau. Con người là sinh vật duy nhất biết làm lễ vui mừng khi có một chúng sanh người được sinh ra (đầy tháng, sinh nhật) và biết làm đám tang khi người ấy chết. Giới hạn trong sống chết, chúng ta chia sẻ cho nhau cuộc đời hữu hạn của mình. Gia đình là một minh chứng cho điều này. Mọi thành tựu của khoa học kỹ thuật cho đến văn hóa xã hội đều dựa trên sự chia sẻ một số phận con người: thông tin, thị trường, từ thiện, y học, giáo dục… cho đến tôn giáo.
Ở cấp độ căn bản nhất, sống là chia sẻ. Người khác là sự chia sẻ số phận sống chết của tôi.
Sự cảm nhận về một cái nhìn như vậy, chúng ta có một bằng chứng mới đây: Ngày 6/7/2009, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đã hiến 26 triệu USD, 80% tài sản cá nhân cho quỹ xã hội, “Tôi hiểu rằng cách tốt nhất để trả ơn lòng tốt xã hội đối với tôi là trả lại cho xã hội những gì tôi đã kiếm được” (Wall Street Journal, TTCT 12/7/2009).
Chân lý duyên sanh tương thuộc làm cho cái nhìn này thêm rộng và sâu. Tôi hiện hữu bởi vì tất cả những người khác hiện hữu. Tôi không thể hiện hữu và hiện hữu như thế này nếu không có cha tôi và mẹ tôi hiện hữu và hiện hữu như thế này. Tôi không thể hiện hữu và hiện hữu như thế này nếu không có những người tôi đã gặp, đã được họ giúp đỡ, kể cả những người tôi chưa từng gặp và có thể đã chết đã tác động lên cuộc sống vật chất và tinh thần của tôi. Sự tương thuộc này không chỉ ở thời điểm hiện tại, mà cả từ trong quá khứ cho đến trong tương lai.
Chúng ta đang sống trong một thế giới cho thấy rõ tất cả mọi thứ, nhà cửa, vỉa hè, đường nhựa, ăn uống, cho đến văn hóa và tôn giáo đều là công trình của tất cả những người khác. Tôi không thể hiện hữu như thế này nếu không có mọi người cùng hiện hữu, và nếu chỉ thiếu đi một người, sự hiện hữu, nghĩa là thân tâm tôi, sẽ khác đi. Tôi hiện hữu vì tất cả những người đã từng hiện hữu, và trong tương lai sự hiện hữu của tôi cũng sẽ được quyết định bởi những người trong tương lai sẽ hiện hữu như thế nào.
Tôi là một hữu thể hợp tạo bằng tất cả những người khác, những vật khác. Tôi là tất cả những người khác. Mỗi người chúng ta là tất cả thế giới.
Đi lên thêm nữa, người khác là gì? Đức Phật đã nói: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”. Bồ-tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa nói: “Tôi không dám khinh thường các người, bởi vì các người sẽ thành Phật”. Chương Phổ Nhãn (Con mắt thấy khắp) của kinh Viên Giác nói: “(Khi giác ngộ) mới biết chúng sanh bổn lai thành Phật”.
Một Lạt-ma cao cấp thời hiện đại đã nói: “Bậc Giác Ngộ thấy Phật tánh trong tâm chúng sanh” (Thinley Norbu, White Sail, Shambhala 2001, trg 28). Truyền thống Thiền tông Việt Nam cũng có một cái nhìn như vậy. Chẳng hạn Thiền sư Viên Chiếu (990-1090).
Hỏi: Tất cả chúng sanh đều nói là Phật,
Câu này chưa rõ xin thầy chỉ dạy?
Đáp: Khuyên ông hãy gắng nông tang ấy
Chờ thỏ làm chi đợi nhọc công.
“Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, đó là cái thấy, thiền định và hạnh (tương đương với nền tảng, con đường và quả) của Đại thừa, gồm cả Thiền tông và Kim Cương thừa.
Tuy đây là cái thấy rốt ráo, nhưng mỗi chúng ta tùy theo khả năng của mình đều có quyền làm quen với cái thấy ấy, để tâm và tập trung vào nó (thiền định) và sống theo nó (hạnh). Chẳng hạn, chúng ta đều biết giữ năm giới làm nâng cao nhân cách của chúng ta, nhưng nếu không có cái nhìn rốt ráo này (tất cả chúng sanh đều có Phật tánh), cuộc sống của chúng ta sẽ có nhiều sơ sót. Trong gia đình nếu chồng nhìn vợ, vợ nhìn chồng chỉ như một đối tượng tình dục thì như vậy là đã phạm tà dâm. Hoặc chỉ như một bộ máy kiếm tiền, một thân xác để lao động, một phương tiện để thực hiện những điều gì đó… thì như vậy ít nhất là đã phạm tội trộm cướp: trộm cướp nhân cách cao cả nhất là Phật tánh của người kia.
Tin rằng mỗi người đều có tiềm năng Phật tánh thì đó là sự tôn trọng thật sự, sự không xâm hại thật sự, đó cũng là nền tảng tạo ra sự hài hòa xã hội. Tất cả mọi học thuyết, mọi thực hành xã hội, chính trị, kinh tế đều đã không thể tạo ra một xã hội hài hòa vì tất cả đều thiếu đi cái nhìn nền tảng ‘Tất cả mọi người đều có Phật tánh’, từ đó để cho tham sân si mặc sức hoành hành.
  1. Cái nhìn vật khác và thế giới
Trong đời sống bình thường, hầu như ngoài thân tâm chính mình ra chúng ta không thấy gì cả. Chúng ta chỉ thấy có năng lượng và sự sống trong thân tâm chúng ta mà chúng ta không thấy năng lượng và sự sống của vũ trụ; chúng ta chỉ thấy thân thể chúng ta mà không thấy thân thể vũ trụ; chúng ta chỉ thấy tâm hồn bất an, nhiễu loạn của chúng ta mà không thấy sự bình an và tịch lặng, sự hài hòa hân hoan của vũ trụ.
Chúng ta hãy đi thẳng vào cái thấy trí huệ của Phật giáo:
“Thiện nam tử! Bồ-tát trong hội này và chúng sanh đời sau chứng được các ảnh tượng huyễn hóa diệt mất (chứng ngộ vô tự tánh), bấy giờ liền đắc thanh tịnh toàn khắp mọi phương, tánh giác hiện rõ khắp cả hư không vô biên. Cái giác tròn đầy sáng suốt đã hiện ra nên hiển bày tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì thấy trần thanh tịnh. Cái thấy thanh tịnh thì nhãn căn, nhãn thức thanh tịnh. Như thế cho đến tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều thanh tịnh.
“Thiện nam tử! Căn thanh tịnh thì sắc trần thanh tịnh. Sắc thanh tịnh thì thanh trần thanh tịnh. Hương vị xúc pháp cũng lại như vậy.
“Thiện nam tử! Sắc trần thanh tịnh thì địa đại thanh tịnh. Thủy đại, hỏa đại, phong đại cũng lại như vậy. Bốn đại thanh tịnh thì mười hai xứ, mười tám giới, hai mươi lăm cõi đều thanh tịnh. Bởi tất cả thế gian thanh tịnh nên tất cả pháp Phật đều thanh tịnh.
“Thiện nam tử! Tất cả đều là thật tướng, tánh vốn thanh tịnh, nên một thân thanh tịnh. Vì một thân thanh tịnh nên nhiều thân thanh tịnh. Nhiều thân thanh tịnh như thế cho đến mười phương chúng sanh đều là Viên Giác thanh tịnh.
Thiện nam tử! Một thế giới thanh tịnh thì nhiều thế giới thanh tịnh, cho đến suốt cả hư không, tròn khắp ba đời, tất cả bình đẳng thanh tịnh chẳng động… (chương Bồ-tát Phổ Nhãnkinh Viên Giác).
Cái thấy này, cái Phổ Nhãn (thấy khắp) này đưa chúng ta vào thế giới thanh tịnh của Phật, còn gọi là Tịnh độ của Phật. Sự thanh tịnh này là thật tướng của thế giới và chúng sanh. Đó là cõi Phật hiện hữu ngay ở đây và bây giờ.
Sự thực hành của Thiền tông Việt Nam là đạt được cái thấy ấy. Cái thấy mà trong ngữ lục của Thiền sư Viên Chiếu gọi là “chạm mắt là Bồ Đề”:
“Hỏi: Tâm – pháp đều quên thì tánh tức chân. Thế nào là chân?
Đáp: Hoa núi mưa sa, thần nữ lệ
Trúc sân gió thổi, Bá Nha đàn”.
Tất cả sự vật, tất cả cảnh đều thanh tịnh vì tâm thanh tịnh. Để rõ hơn, chúng ta trích một đoạn của Kinh Phật Thuyết Phật Mẫu Xuất Sanh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa (Pháp sư Thí Hộ dịch, cư sĩ Từ Chiếu chùa Châu Lâm, Huế, dịch ra Việt văn, 2009, nhà sách Văn Thành xuất bản):
“Các thiên tử, vì giống như Chân như Như Lai không đến không đi, nên Chân như Tu Bồ Đề cũng không đến không đi; vì Chân như Như Lai xưa nay không sinh, nên Chân như Tu Bồ Đề cũng xưa nay không sinh. Vì sao? Chân như Như Lai tức là Chân như tất cả các pháp, Chân như tất cả các pháp tức là Chân như Như Lai” (Phẩm Chân Như thứ 16).
Đến đây chúng ta thấy căn nguyên của bệnh khổ, không mãn nguyện của chúng ta, và vì không mãn nguyện, luôn luôn thèm khát, chúng ta đã xài phí, khai thác vô độ thiên nhiên và thậm chí cả người khác. Chúng ta không thỏa mãn vì chúng ta đã không thấy biết thực sự thiên nhiên là gì, người khác là gì. Vì không thấy được thật tướng của tất cả mọi sự (Chân Như của tất cả các pháp), hữu tình cũng như vô tình, của tất cả thế giới là thanh tịnh, nên chúng ta rong ruổi, chạy đua, giành giật những cảm giác của giác quan bề ngoài. Căn bệnh khát khao muốn có nhiều thêm nữa, muốn thống trị thêm nữa, muốn sung sướng vật chất thêm nữa, cả hai phía người tiêu thụ và người sản xuất, đã làm suy hoại thế giới của chúng ta và những mối tương quan giữa người với người của chúng ta. Căn bệnh đó chỉ được chữa trị tận gốc khi nào chúng ta tin được và thấy được như Bồ-tát Phổ Nhãn đã thấy, đã mãn nguyện: “Hết thảy đều thanh tịnh, chẳng động, khắp pháp giới”. Cái tin và cái thấy ấy là tin và thấy “Chân như tất cả các pháp tức là Chân như Như Lai”.
Khi tác giả Thomas Friedman nói rằng thế giới của chúng ta đang càng ngày càng “Nóng, Phẳng, Chật” và mong rằng nhân loại, các nước giàu cũng như các nước nghèo áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để tình hình khỏi tồi tệ hơn nữa, thì người Phật giáo nhìn căn bệnh sâu xa hơn. Thế giới Nóng Phẳng Chật, trước hết vì tâm con người Nóng Phẳng Chật. Thế giới không hài hòa vì tâm con người không hài hòa. Cho nên chúng ta cấp bách cần một cuộc Cách Mạng Xanh ở thế giới bên ngoài, một “Kỷ nguyên Năng lượng và Khí hậu”, chúng ta đồng thời cũng cần hơn một cuộc cách mạng bên trong, một cuộc cách mạng con người, một cuộc cách mạng tâm thức con người. Nếu không, sự việc sẽ như đau gan mà chỉ thoa thuốc cho hết ngứa.
Các bậc thức giả ở Tây phương ngày nay trong hoàn cảnh này đều nhắc đến Đông phương. Hầu như trong bất kỳ cuốn sách nào bàn về những vấn đề thế giới đều nói đến ít nhất là một đường lối của Đông phương.
Giải pháp duy nhất cho thế kỷ XXI, cho thiên niên kỷ thứ 3 là chúng ta hãy thôi chạy đua về kinh tế và quân sự, hãy bớt hướng năng lượng hữu hạn của một đời người vào việc khám phá, khai thác, sản xuất và hưởng thụ vật chất, mà hướng năng lượng đó vào việc khám phá, khai thác, sản xuất và hưởng thụ tâm linh hay tinh thần. Bản tánh của tâm thức thì bao la, vô hạn, sẳn sàng đáp ứng cho tất cả mọi mong muốn của tất cả mọi người. Chúng ta cần đi vào sâu, thật sâu, để khám phá, khai thác, sản xuất và hưởng thụ thế giới bên trong của tâm thức mình.
Nơi đó – Nam tông gọi là Niết-bàn, Bắc tông gọi là bản tánh của tâm thức, thật tướng hay Chân Như của tất cả các pháp… – thì không nóng vì những ngọn lửa tham sân si đã tắt. Nơi đó không chật, vì như các luận đã nói, dù có bao nhiêu người vào thì không vì thế mà trở nên chật chội, mà phải giành nhau đất đai, không khí và nước. Nơi đó không phẳng, không phải là một mặt bằng hai chiều buồn tẻ, mà rất nhiều chiều chứa đựng tất cả những khác biệt phong phú của vũ trụ, tất cả tâm và tất cả vật.
Đó là nơi bình an dập tắt mọi tìm kiếm khát khao, nơi thanh tịnh thỏa mãn mọi tham dục, nơi tự do cho tất cả mọi giới hạn, nơi hạnh phúc cho tất cả mọi lên xuống trầm luân, nơi bất sanh bất diệt cho mọi sanh diệt.
Những ai không tích chứa
Ăn uống biết liễu tri
Tự tại không chỗ hành
Không, vô tướng, giải thoát
Như chim giữa hư không
Lộ trình không thể vẽ.
Người chiến thắng không bại
Người bước đi trên đời
Không dấu vết, vô tận
Phật giới rộng mênh mông
Ai có thể theo dõi
Bậc không in dấu tích?
(Phẩm A-la-hán và phẩm Phật Đà kinh Pháp Cú, theo bản dịch HT. Thích Minh Châu).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner