THƯỜNG BẤT KHINH - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

THƯỜNG BẤT KHINH

Thuở quá khứ xa xưa, có Bồ-tát Tỳ-kheo tên là Thường Bất Khinh. “Vì nhân duyên gì có tên là Thường Bất Khinh? Tỳ-kheo ấy mỗi khi thấy Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, đều lễ bái tán thán mà nói rằng: ‘Tôi kính trọng sâu xa các vị, không dám khinh mạn. Vì sao như vậy? Các vị đều hành Bồ-tát đạo, sẽ được làm Phật’. Vị Tỳ-kheo đó chẳng chuyên tụng đọc kinh điển, chỉ thực hành lễ bái tán thán mà nói rằng: Tôi không dám khinh thường quý vị, quý vị đều sẽ làm Phật”. (Phẩm Bồ-tát Thường Bất Khinh, thứ 20).
Vị Tỳ-kheo ấy chẳng dám khinh người mà thường kính trọng sâu xa vì nơi mỗi người đều có Hoa sen Diệu pháp, đều có Phật tánh. Thậm chí đối với người thấp kém, xấu ác, Tỳ-kheo ấy vẫn một lòng kính trọng.

“Trải qua nhiều năm như vậy, thường bị mắng nhiếc, chẳng sanh giận hờn, thường nói: ‘Các vị sẽ làm Phật’. Khi nói như vậy, người ta lấy gậy cây gạch đá để đánh ném. Ông chạy tránh ra xa mà vẫn cao giọng xướng rằng: ‘Tôi chẳng dám khinh các người, các người đều sẽ thành Phật’. Bởi ông thường nói như vậy nên các Tăng, Ni, cư sĩ kiêu mạn quá mức gọi ông là Thường Bất Khinh”.

Nhờ làm hạnh thường chẳng khinh này vị Tỳ-kheo ấy dần dần ngộ nhập kinh Pháp Hoa. Vị Tỳ-kheo ấy chính là Phật Thích-ca Mâu-ni thuở còn là Bồ-tát.

Thấy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đó là cái thấy biết của Phật. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đây là nền tảng của Kinh Pháp Hoa. Tất cả các pháp môn trong Kinh Pháp Hoa đều khởi từ Nền tảng này để thành tựu trong chính Nền tảng Nhất thừa này.

Thấy được như vậy và giữ được cái Thấy ấy không mất, đây là Thiền định. Thực hành cái thấy ấy qua hành động thân khẩu ý, đây gọi là Hạnh. Cái Thấy, Thiền định và Hạnh đã tròn vẹn, đó là Quả.

Bồ-tát Thường Bất Khinh có thái độ như vậy vì ngài thấy chúng sanh có Phật tánh:

“Bồ-tát Thập Trụ, chư Phật mắt thấy chúng sanh có sẵn Phật tánh. Bồ-tát Thập Trụ thấy Phật tánh được một ít phần. Phật thì thấy Phật tánh trọn vẹn. Bồ-tát Thập Trụ thấy Phật tánh như đêm tối thấy hình sắc; Phật thấy Phật tánh như giữa ban ngày thấy hình sắc”. (Kinh Đại Bát Niết-bàn, phẩm Bồ-tát Sư tử hống).

Thấy chúng sanh có sẵn Phật tánh, có sẵn Hoa sen Diệu pháp là cái thấy của bậc Thập Trụ đi dần đến quả Phật. Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) nói trong Thiền tông bản hạnh:

Thuở xưa hội cả Kỳ Viên

Bụt cầm một đóa hoa sen giơ bày

Ca-diếp trí huệ cao tay

Liễu ngộ tự tánh bằng nay mỉm cười

Trần trần sát sát Như Lai

Chúng sanh mỗi người mỗi có hoa sen

Hoa là bản tánh tự nhiên

Bao hàm thiên địa phương viên cùng bằng

Hậu học đã biết hay chăng

Tâm hoa ứng miệng nói năng mọi lời

Thiêng liêng ứng khắp mọi nơi

Lục căn vận dụng trong ngoài thần thông.

Tại sao cái thấy chúng sanh có sẵn Phật tánh đưa hành giả đến giác ngộ? Bởi vì trong cái thấy ấy có Trí huệ và Từ bi, là hai cột trụ của Đại thừa.

Cái thấy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh xóa đi sự phân biệt giả tạo giữa ta và người, xóa đi một cái ta cô lập với người khác và thế giới, đưa hành giả vượt khỏi bốn tướng ta, người, chúng sanh, thọ mạng. Lìa các tướng phân biệt, chia cắt tạo thành sanh tử khổ đau, đó là trí huệ.

Cái thấy chúng sanh đều có Phật tánh khiến cho hành giả mở rộng tâm để hòa nhập với tất cả chúng sanh. Đây được gọi là đồng thể đại bi.

Hạnh lễ bái bằng một cái tâm thường chẳng khinh vì ai cũng có Phật tánh đã chuyển hóa những nghịch duyên giận hờn, khinh bỉ, chia rẽ thành duyên gặp gỡ trong chính Phật tánh khi vị Bồ-tát thành Phật:

“Đắc Đại Thế! Ý ông thế nào? Bốn chúng có lòng giận hờn khinh bỉ vị Bồ-tát thuở đó đâu phải ai xa lạ, chính là các ông Bạt-đà-bà-la năm trăm Bồ-tát, các ông Sư Tử Nguyệt năm trăm Tỳ-kheo, Các ông Ni-tư-phật năm trăm cư sĩ nam, nay đang ở trong hội này, đều là những người không thối chuyển với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đắc Đại Thế! Phải biết kinh Pháp Hoa này rất lợi ích cho các Đại Bồ-tát, có thể làm cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thế nên các Đại Bồ-tát sau khi Như Lai diệt độ phải thường thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép kinh này”. (Phẩm Bồ-tát Thường Bất Khinh,thứ 20).

Bồ-tát Thường Bất Khinh đã thường thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép kinh Pháp Hoa này bằng chỉ một hạnh lễ bái tán thán, “tôi không dám khinh thường các vị, các vị đều sẽ thành Phật” cho nên “có thể mau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Nhờ hạnh thường chẳng khinh ấy mà cuối cùng thấy thật tướng của chúng sanh là Phật tánh. Thấy trọn vẹn Phật tánh tức là thành Phật.

Thấy rõ ràng Phật tánh nghĩa là thấy không có sự vật nào, không có chúng sanh nào ở ngoài Phật tánh. Như thấy rõ ràng tấm gương thì thấy không có một bóng nào ở ngoài tấm gương. Cho nên khi thấy không có sự vật nào, chúng sanh nào ở ngoài Phật tánh, khi ấy chúng ta đang ở trong Phật tánh.

Bất cứ khi nào chúng ta hành hạnh Thường Bất Khinh bằng thân khẩu ý của mình, khi ấy chúng ta đang tập làm theo sự phóng quang của Đức Phật. Phóng quang là phóng ánh sáng của Phật tánh “soi khắp một muôn tám nghìn cõi ở phương Đông, đều thấy sự trang nghiêm của các cõi nước Phật ấy” (Phẩm Tựa), “khiến những cõi nước thông làm một cõi nước Phật” (Phẩm Hiện Bửu tháp), như Đức Phật đã làm nhiều lần trong kinh. Sức mạnh của ánh sáng ấy là trí huệ và từ bi để “thống nhất Phật độ”.

Hành hạnh Thường Bất Khinh bằng thân khẩu ý của mình là phóng quang để thống nhất thành một cõi Phật, tức là thành pháp giới Nhất Chân Pháp Hoa. Hành hạnh Thường Bất Khinh sẽ đưa chúng ta dần dần “nhập” pháp giới Nhất Chân Pháp Hoa ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner