Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
Ở đây, chúng ta tìm cách học sự hóa giải đối nghịch trong phẩm Đề-bà-đạt-đa, phẩm thứ 12 của kinh Pháp Hoa. Sự đối nghịch, thậm chí đến làm hại, của Đề-bà-đạt-đa được hóa giải như thế nào trong cái thấy biết của Đức Phật?
Đề-bà-đạt-đa vừa là anh em cô chú vừa là em vợ của Đức Phật khi còn là Bồ-tát. Mặc dù là một Tỳ-kheo tu hành có nhiều thành quả nhưng ông luôn luôn làm trái nghịch với Phật cho đến suốt đời: chia rẽ tăng đoàn, xúi thái tử A-xà-thế giết vua cha và mưu sát Đức Phật, xô tảng đá xuống đường Đức Phật đang đi, cho voi say để hại Phật… Sự đối nghịch này đã có trong những đời trước, nhưng cũng có lần ông làm tiên nhân dạy cho Bồ-tát. Trong cái nhìn của Đức Phật, ông là thiện tri thức:
“Do nhờ thiện tri thức Đề-bà-đạt-đa khiến cho ta đầy đủ sáu ba-la-mật, từ bi hỷ xả, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, sắc thân vàng tía, mười lực, bốn vô sở úy, bốn nhiếp pháp, mười tám pháp bất cọng, thần thông đạo lực, thành đẳng chánh giác, rộng độ chúng sanh… đều do thiện tri thức Đề-bà-đạt-đa vậy”.
Đức Phật cũng thọ ký cho Đề-bà-đạt-đa sẽ thành Phật. Theo hệ Pali, sự đối nghịch này đã xảy ra trong nhiều đời, và Đề-bà-đạt-đa sẽ thành Độc giác Phật.
Ở đây, chúng ta chú ý đến cái thấy biết của Phật (Phật tri kiến) để học hạnh Bồ-tát, vượt qua những nghịch cảnh luôn luôn có mặt ở đời.
Trước hết, tại sao chúng ta thấy có những người đối nghịch với mình, có những hoàn cảnh trái nghịch với mình? Bởi vì chúng ta là những phần tử hữu hạn, với những cách sống khác biệt, với những cái nhìn từ những tiêu điểm khác biệt. Cái phần tử thì thấy có cái khác với nó, những cái khác ấy đối nghịch với nó. Cái toàn thể thì không có đối nghịch vì nó bao trùm tất cả mọi cái được gọi là nghịch và thuận.
Chúng ta càng trở thành một phần tử hạn hẹp, kiên cố bao nhiêu thì ngoại cảnh càng chống đối và trái nghịch với chúng ta chừng đó. Cho nên, để thoát khỏi sự giằng co, đối nghịch giữa cái tôi và một cái chẳng phải tôi, người ta phải mở rộng mình để càng trở thành cái toàn thể bao nhiêu thì càng bớt xung đột chừng đó.
Nhưng còn sự đối nghịch, xung đột giữa cái thiện lành và cái xấu ác? Chẳng phải lịch sử của loài người là một cuộc chiến tranh để cái thiện dần dần thắng cái ác, để con người càng ngày càng hoàn thiện hơn sao? Quả là như vậy. Con người phải làm cho cái thiện lành chiến thắng cái xấu ác nơi chính mình và nơi thế giới. Trong trận chiến này, người ta cũng phải mở rộng mình để cho cái thiện lành nơi mình dung nhiếp được cái xấu ác bên trong và bên ngoài. Sự mở rộng tâm thiện lành để thu nhiếp, để chiến thắng này được gọi là bốn tâm vô lượng, từ bi hỷ xả. Khi từ bi hỷ xả trở thành vô lượng chúng trùm khắp chúng sanh và thế giới. Đây là sự chiến thắng rốt ráo của tình thương.
Trí huệ để xóa đi sự phân chia giả tạo chủ thể và đối tượng, ta và người, tôi và thế giới; và từ bi để phổ vào thế giới sự thiện lành. Đức Phật dạy trong phẩm Pháp sư, thứ 10:
“Người thiện nam thiện nữ ấy phải vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai, rồi mới nên vì bốn chúng mà rộng nói kinh này.
Nhà Như Lai là tâm đại từ bi với tất cả chúng sanh. Y Như Lai là tâm nhu hòa nhẫn nhục. Tòa Như Lai là tất cả pháp Không”.
Muốn mở rộng tâm để ôm trùm đời sống, ôm trùm thế giới thì tâm ấy phải từ bi với tất cả chúng sanh, và nhu hòa nhẫn nhục để sống cùng chúng sanh. Tâm ấy muốn mở rộng để ôm trùm thế giới, phải xóa bỏ mọi phân biệt, xung đột do chấp tướng gây nên, tâm ấy phải thấy thật tướng của tất cả các pháp là Một Tướng Vô Tướng.
Tóm lại, đạo Phật là từ bi và trí huệ. Từ bi để ôm trùm, bảo bọc, nhu hòa, nhẫn nhục, để là một với chúng sanh. Trí huệ để xóa bỏ ý thức phân biệt thấy các tướng khác nhau, xung đột nhau, mà tất cả trở lại là Một Tướng Vô Tướng. Với từ bi và trí huệ, tâm Đức Phật trở thành pháp giới Pháp Hoa, tất cả là một, một là tất cả. Chính trong pháp giới Pháp Hoa này, sự đối nghịch của Đề-bà-đạt-đa được hóa giải và chuyển hóa.
Trong pháp giới Pháp Hoa này, chúng sanh và thế giới không còn xa lạ, thậm chí đối nghịch, mà là thân thuộc, như ở “nhà mình”, mặc “áo mình”, ngồi “tòa mình”:
Tất cả các chúng sanh
Đều là con của ta
Hiện nay ba cõi này
Đều là của ta cả.
(Phẩm Thí dụ, thứ 3).
Trí huệ và từ bi “hợp nhất tất cả thế giới thành một cõi Phật” (phẩm Hiện bửu tháp, thứ 11). Đây là pháp giới Pháp Hoa hay pháp giới Nhất Chân. Chính trong cái thấy biết pháp giới Nhất Chân này, cái toàn thể không loại trừ những cái khác biệt, mà Đức Phật đã hóa giải và thành tựu cho Đề-bà-đạt-đa.
Với cái thấy biết này, kinh Pháp Hoa là niềm lạc quan tuyệt đối, và sự lạc quan tuyệt đối này khiến kinh được xem là cao nhất trong các kinh. Lạc quan vì ai cũng sẽ thành Phật dầu xấu ác như Đề-bà-đạt-đa. Đó là nói trên bình diện hiện tượng mà người xưa gọi là Tích môn. Trên bình diện bản thể hay Bổn môn thì ai cũng có Phật tánh nên ai cũng thành Phật từ lâu xa (cửu viễn thành Phật). Đều sẽ thành Phật và thành Phật từ lâu xa, cái thấy biết này đưa cõi sanh tử đối nghịch xung đột khổ đau vào pháp giới Pháp Hoa, nơi đó tất cả đều hiện diện trong sự lạc quan tuyệt đối.
Cũng trong phẩm Đề-bà-đạt-đa nói về sự đối nghịch, có câu chuyện Long nữ thành Phật trong khoảng giây lát.
Khi ngài Xá-lợi-phất thắc mắc tại sao thân nữ mà có thể thành Phật, lại thành Phật chẳng bao lâu thì:
“…Long nữ có một viên ngọc quý, giá trị bằng cõi tam thiên đại thiên đem dâng lên Đức Phật và hỏi với ngài Xá-lợi-phất và Bồ-tát Trí Tích rằng, ‘Tôi hiến ngọc quý, Thế Tôn nhận lấy, việc ấy có nhanh chóng chăng?’. Đáp rằng, ‘Rất nhanh’. Long nữ nói, ‘lấy thần lực của các ngài xem tôi thành Phật thì còn nhanh hơn việc ấy’.
Ngay lúc đó, cả hội chúng đều thấy Long nữ bỗng nhiên biến thành nam tử, đủ cả Bồ-tát hạnh, liền qua cõi Vô Cấu phương Nam, ngồi tòa sen thành Đẳng chánh giác”.
Long nữ thành Phật nhanh chóng như vậy là bởi vì cô thành Phật trên nền tảng “vốn đã thành Phật từ lâu xa”, tức là pháp giới Pháp Hoa vốn đã thành Phật. Trở thành trên cái vốn đã thành nên rất nhanh chóng vậy.
Trong phẩm này, một người thì vì nghiệp xấu riêng của mình nên sẽ thành Phật trong thời gian lâu, và một người vì nghiệp tốt của mình (được ngài Văn-thù-sư-lợi chỉ dạy kinh Pháp Hoa) nên nhanh chóng thành Phật, nhưng cả hai đều thành Phật trên cái nền tảng vốn đã thành Phật từ lâu xa. Nền tảng pháp giới Pháp Hoa vốn đã thành Phật ấy luôn luôn bao bọc chúng ta, chúng ta không thể thoát ra ngoài dù chúng ta có làm gì.
Thế nên, tu Pháp Hoa là dù làm gì, ngồi thiền, tụng kinh, bố thí, nhẫn nhục… thì phải biết rằng chúng ta đang tu trên Quả Phật vốn đã viên thành. Với niềm tin thanh tịnh ấy, có ngày chúng ta sẽ tương ưng được với pháp giới Pháp Hoa, được kinh gọi là Ngộ.
Tu trên cái thấy biết của Phật thì có ngày chúng ta tiếp xúc được với cái thấy biết của Phật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét