Tâm trẻ thơ không phải là ngốc nghếch, mà đó là sự thông minh khi đã trải qua nhiều chuyện ở đời.
Tấm lòng trẻ thơ là cái gốc của đại Đạo
Lão Tử nói: “Có đức dày đâu thể sánh với con đỏ” (Hàm đức chi hậu, tỷ ư xích tử). Lão Tử coi trẻ thơ là biểu tượng cho trạng thái lý tưởng của sinh mệnh. Bởi lẽ trẻ thơ luôn giữ được sự hồn nhiên, thuần phác, vô tư và chẳng ham muốn. Chúng rất gần với “Đạo”. Tâm trẻ thơ đơn thuần mà ngay thẳng, ăn uống ngủ nghỉ rất tự nhiên, khi ngủ khi cười khi nhõng nhẽo, nhớ đến chuyện này lại có thể quên ngay chuyện khác.
Lão Tử cho rằng: “Diệu dụng của đạo là ôn nhu mềm yếu” (Nhược giả, đạo chi dụng). Trẻ con là sinh mệnh yếu ớt nhưng lại tràn trề sinh lực, ẩn chứa sức sống vô hạn. Trái tim của trẻ thơ xuất phát từ tự nhiên, như một trang giấy trắng, nhưng lại có thể vẽ nên một bức tranh vô cùng diễm lệ và có tiềm năng bất tận.
Trang Tử nói rằng: Trẻ thơ đồng loại với Trời. Ông còn nói rằng: “Người chân thật nên được trời phú”. Nghĩa là trẻ nhỏ sống gần với Đạo, trẻ nhỏ có sự ngây thơ (thiên chân) là do bắt nguồn từ thiên Đạo. Tấm lòng trẻ thơ đơn thuần, thanh tịnh như giọt sương mai, lại phong phú và rộng mở như bầu trời xanh bao la. Vậy nên có người mới nói rằng tâm trẻ thơ trân quý nhất cũng là điều xúc động nhất.
Nếu Lão Tử và Trang Tử cho rằng tâm trẻ thơ vẫn chỉ gần với “Đạo”, thì đến Lý Chí thời nhà Minh, ông đã dứt khoát cho rằng tâm trẻ thơ chính là cội nguồn của đại Đạo: “Tâm trẻ thơ thuần chân, tuyệt đối không chút giả mạo. Đây chính là bản tính nguyên sơ của con người vậy” (Phu đồng tâm giả, tuyệt giả thuần chân, tối sơ nhất nhiệm chi bẩn tâm dã).
Tâm trẻ thơ là sự trở về của sinh mệnh
Lão Tử nói: “Muốn đức thường luôn bên mình hãy quay trở về với hài nhi” (Thường đức bất ly, phục quy ư anh nhi).
Sinh mệnh của con người phải phù hợp với Đạo. Có đức chính là phải thuận theo tự nhiên, trở về với bản tính thuần phác, chân thật của mình, trở về với trạng thái thuần chân của trẻ sơ sinh.
Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Chu Quốc Bình nói: “Sự trưởng thành chân chính xét về bản chất, cuối cùng vẫn luôn bao hàm tâm trẻ thơ”. Sự trưởng thành không phải là một món giao dịch, mà cần chúng ta dùng sự hồn nhiên, thuần phác và thánh khiết như chưa từng trải đời, mà giữ lấy dũng khí khi trưởng thành. Tháng năm luôn trẻ mãi, chúng ta lại dần già đi. Cuối cùng rồi ta cũng sẽ phát hiện ra rằng: Ai có tâm trẻ thơ bất diệt là một điều rất đáng tự hào. Tâm trẻ thơ là vĩnh viễn ngây thơ như xưa, là cái tâm chẳng quên nguồn cội, như vậy mọi chuyện ắt sẽ được vẹn toàn.
Tâm trẻ thơ là con đường giải thoát
Đời người khó tránh khỏi mâu thuẫn, luôn đầy rẫy sự bất biến và những đổi thay. Chúng ta thường bất cẩn biến cuộc sống của mình thành một sự ràng buộc, ràng buộc vào những suy nghĩ về quá khứ và tương lai. Nhưng tâm trẻ thơ lại luôn hướng về hiện tại, là vĩnh hằng mãi mãi.
Chỉ cần được cho một viên kẹo chúng đã có thể cười toe toét như thể chẳng có chuyện gì thú vị hơn. Đây chính là biểu hiện của tâm lý thỏa mãn, luôn sống trong hiện tại. Tâm trẻ thơ là con đường giải thoát. Nó luôn nhắc nhở chúng ta dẫu thực tế cứng cỏi chừng nào thì vẫn luôn ẩn giấu một phần mềm mại. Dẫu sinh mệnh vất vả hơn nữa cũng vẫn luôn ẩn chứa những niềm vui.
Có người còn cho rằng: “Người ngây thơ không có nghĩa là họ chưa từng nhìn thấy cảnh đen tối của thế giới. Kỳ thực là ngược lại, bởi vì đã từng nhìn thấy nên biết rằng ngây thơ mới là điều tốt nhất”.
Cuộc sống đầy rẫy những lo toan vất vả, người lớn thường nhìn đời qua lăng kính có màu sắc ảm đạm, thậm chí là màu đen. Cha mẹ hãy học từ con trẻ những thứ tưởng chừng như đơn giản nhưng đầy ý nghĩa để cùng sống vui vẻ và tận hưởng hạnh phúc an lành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét