Thiền định, trong vài năm gần đây trở thành liệu pháp tuyệt vời cho sức khỏe và tinh thần. Bạn cũng có thể thiền tại gia với 10 hướng dẫn đơn giản sau đây:
1. Tư thế. Bạn có thể ngồi ghế hoặc xếp bằng trên sàn nhà. Cột sống và đầu giữ thẳng, tạo tư thế cân bằng giúp dòng năng lượng cơ thể và tâm trí hòa quyện nhau. Hãy tưởng tượng đỉnh đầu đang vươn cao, như thể chạm vào bầu trời, bạn sẽ cố định được đầu ở tư thế này trong thời gian dài.
2. Vị trí thoáng mát, tĩnh lặng là yêu cầu cần thiết. Bạn có thể tạo ra không gian thiền, nơi mình thấy an yên khi ngồi xuống, bạn có thể ngồi trước tượng Phật, nơi có nhiều hoa cỏ, sỏi đá hoặc gần gũi với thiên nhiên như thể bạn đang tâm tình cùng chúng.
3. Hơi thở là một trong những nguyên tắc khi thiền. Cảm nhận sự đi ra, đi vào của hơi thở là cách tốt nhất giúp bạn tập trung. Không cần điều chỉnh hơi thở, cứ để nó luân chuyển tự nhiên và cảm nhận.
4. Tập đếm. Nếu vẫn khó tập trung, bạn có thể áp dụng cách đếm nhịp thở 1, 2, 3, 4 rồi lại 1, 2, 3, 4… Con số “1” như lời nhắc đưa bạn trở về hiện tại, không để dòng tư tưởng bị đẩy ra xa.
5. Suy nghĩ. Trong lúc thiền, hình ảnh quá khứ, hiện tại… đủ thứ suy nghĩ sẽ đan xen lất át tâm trí khiến bạn khó tập trung vào hơi thở. Đừng cố dập tắt suy nghĩ vì bạn không thể. Một trong những nguyên tắc khi thiền đó là, hãy tưởng tượng đó là các vị khách không mời, bạn thấy nhưng không bị cuốn theo. Những dòng suy nghĩ sẽ dần tan biến, đưa bạn trở lại tập trung vào hơi thở.
6. Thưởng thức. Hãy xem thiền là những phút giây để thưởng thức, tận hưởng cuộc sống chứ không phải một hoạt động buộc phải làm. Thiền là cách bạn đối đãi, yêu chiều bản thân và vui vì điều đó. Có như vậy, bạn mới thiền hiệu quả và giúp hoạt động này mang lại hiệu quả tốt đối với sức khỏe thể chất, tinh thần.
7. Cảm xúc. Nếu như bạn đang mang trong mình những cảm xúc như giận dữ, xấu hổ, hối hận, sợ hãi… luồng tư tưởng sẽ dồn dập chi phối bạn. Hãy đặt cảm xúc của mình vào cơ thể, ví dụ: “Cho tôi gửi sự giận dữ vào bụng”. Điều đó sẽ khiến bạn tập trung hơn vào cơ thể của mình, nâng niu chứ không xua đuổi những cảm xúc tiêu cực. Mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
8. Thời gian. Ở bước khởi đầu, bạn chỉ nên thiền 10 phút mỗi ngày, có thể vào sáng sớm hoặc tối muộn trước khi ngủ. Chỉ thiền lâu hơn nếu bạn cảm thấy chưa đủ. Khi đã quen, bạn có thể tăng lên 30 phút, 1 giờ… Miễn là bạn thấy thoải mái, đừng cố ép mình ngồi lâu, hãy thuận theo tự nhiên, lắng nghe cơ thể là một trong những nguyên tắc khi thiền định.
9. Mắt nhắm hay mở? Mọi người thường nhắm mắt khi thiền. Nhưng nếu nhắm mắt khiến các dòng suy nghĩ vào đầu nhiều hơn, bạn có thể mở mắt, nhìn tập trung vào một cái gì đó để tư tưởng không bị phân tán. Dù nhắm hay mở, bạn cũng để mắt thả lỏng tự nhiên nhé.
10. Tĩnh lặng. Sự im ắng tuyệt đối giúp bạn bình tâm hơn. Bạn cũng có thể dùng nhạc thiền (tải trên các app điện thoại hoặc mua đĩa nhạc thiền có tại hiệu sách, tiệm đĩa trong thành phố).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét