NHẬN DIỆN ĐỂ LOẠI TRỪ NHỮNG MẦM MỐNG NUÔI DƯỠNG SÂN HẬN TRONG TÂM HỒN - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

NHẬN DIỆN ĐỂ LOẠI TRỪ NHỮNG MẦM MỐNG NUÔI DƯỠNG SÂN HẬN TRONG TÂM HỒN

Để làm chủ được sân hận, chúng ta cần phải nhận diện được nguồn gốc nảy sinh sự sân hận.



Lòng sân hận được nuôi dưỡng từ môi trường sống, từ sự giáo dục. Con người có xu hướng bạo lực, vì họ lớn lên trong hoàn cảnh có tính chất bạo lực. Để làm chủ được sân hận, chúng ta cần phải nhận diện được nguồn gốc nảy sinh sự sân hận. Phật giáo cho chúng ta những công cụ hữu hiệu nhất để nhận biết.

Sân hận có thể làm con người hành động mất lý trí (Ảnh minh họa)

Nhận diện mầm mống sân hận
Nếu nhìn nhận thực tế, tất cả chúng ta đều phải công nhận rằng, những giá trị nhân bản trong xã hội đang bị xói mòn. Những mâu thuẫn, xung đột, bạo lực... có xu hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp. Nhìn ở phạm vi hẹp, những vụ án đau lòng xảy ra trong xã hội ngày càng nhiều. Nguyên nhân phần lớn xuất phát từ sự giận dữ. Những người gây ra hậu quả trên thường không có kinh nghiệm, bản lĩnh chế ngự sự sân hận trong tâm.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ (Phó hiệu trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam), đây là vấn đề đang tồn tại trong xã hội chúng ta. Trách nhiệm của mỗi người là chung tay, góp sức để giải quyết vấn đề này. Việc nhận diện, làm chủ và chuyển hóa sân hận của mỗi người phải xem như trách nhiệm. Bởi, xóa tan sân hận sẽ góp phần tạo ra môi trường xã hội nhân văn, hòa bình, con người ứng xử với nhau bằng tình yêu thương. Thượng tọa Thích Nhật Từ phân tích, con người có xu hướng hành động bạo lực là do họ sinh ra và sống trong môi trường tiêu cực, cùng với sự giáo dục nhân cách không đúng đã tạo ra mảnh đất màu mỡ để dưỡng lòng sân hận. Ngày nay, những trò chơi điện tử như bắn súng, khủng bố… các đồ chơi bạo lực khiến trẻ em thích thú. Bản thân chúng chứa đầy hạt giống giết chóc, nuôi lớn lòng sân hận cho chính tâm hồn trẻ nhỏ. Các phương tiện giải trí này đang gieo rắc vào tâm hồn trẻ em những hạt giống rất nguy hiểm cho xã hội.
Còn người lớn thì sao? Chính chúng ta không nhận ra mầm mống của sân hận, nên cũng không có cách giáo dục con em mình rời xa chúng. “Khi xem các phim về chiến tranh, có bên thắng bên thua. Bên mình ủng hộ mà chiến thắng thì hò hét reo vui, cổ vũ, thậm chí quát mắng, đập bàn, đập ghế. Lúc đó, chủng tử của sân hận sẽ lớn dần lên mà không thể kiểm soát được”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nói.
Một trong những gốc rễ khác của sân hận bắt nguồn từ thái độ si mê. Si mê dễ khiến con người mê muội, mất khả năng suy xét và khiến con người hành động theo bản năng. Si mê khiến người ta hành động bất chấp, dùng mọi thủ đoạn để thỏa mãn. Vì si mê, con người có thể làm những việc đảo lộn những giá trị đạo đức, văn hóa. Và vì si mê, trong phút giây sân hận có thể khiến một ai đó hành động mù quáng, đánh đổ những thành quả tốt đẹp khổ công gầy dựng trước đó. Theo quan điểm nhà Phật, si mê được định nghĩa như một nhận thức không sáng suốt, xa rời bản chất nhân quả, duyên khởi, vô thường, vô ngã. Đại đức Thích Nhật Từ dẫn ra câu chuyện si mê dẫn đến sân hận trong điển tích Tam Quốc Diễn Nghĩa (Trung Quốc). Đổng Trác là cha nuôi của Lữ Bố. Đổng Trác vốn háo sắc, muốn chiếm hữu người tình của Lữ Bố là Điêu Thuyền. Và trong lúc cuồng si, Lữ Bố đã quay sang đối đầu và cuối cùng ra tay giết chết cha nuôi. Mối tình tay ba này khiến Lữ Bố trở thành kẻ bất hiếu, giết chết cha nuôi. Câu chuyện lịch sử về sự tranh chấp giữa cha con Đổng Trác có thể được xem là minh họa điển hình cho lòng si mê trở thành đầu mối đấu tranh, bạo loạn và chém giết.
Để hóa giải thù hận từ gốc rễ của si mê, ta phải nuôi dưỡng những hạt giống trí tuệ. Ở câu chuyện tình tay ba giữa Điêu Thuyền, Đổng Trác và Lữ Bố. Nếu Đổng Trác là người hiểu biết về đạo lý nhân quả thì ông đã không biến mình thành tình địch của con nuôi. Nếu Lữ Bố hiểu được đạo lý đã không hạ đao giết chết cha nuôi. Quan niệm “chỉ có cái này” thì mới được hạnh phúc, không có nó thì mọi giá trị hạnh phúc đều mất hết, sẽ tạo ra nhiều rắc rối.
Bài học từ chuyện của một samurai
Nói về sân hận, chúng ta có thể đã từng nghe qua câu chuyện võ sĩ Samurai suýt nữa giết nhầm vợ vì nóng giận. Chuyện rằng, một ngày nọ vị samurai đến thu nợ của người đánh cá. Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài”. Vị Samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức. Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận”. Vị Samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống. “Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Ðôi khi, ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đó chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi”.
Vị Samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo Samurai đang ngủ trên giường. Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai. Nhưng đột nhiên, lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Ðừng hành động khi đang giận dữ”. Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn. Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông. Ông gào lên: “Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa tôi đã giết cả hai người rồi”. Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà, thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng”.
Gốc rễ khác của sân hận còn là thái độ loại trừ. Sự độc đoán dẫn đến loại trừ. Người có thái độ độc đoán sẽ tự đặt mình trên bàn cân nặng hơn những người khác. Họ tự cho mình vai trò mặt trời, còn người khác phải là mặt trăng. Họ là ngày và người khác phải là đêm. Nếu tính độc tôn song hành với sự thành công thì người độc tôn rất ngạo mạn. Người ta có khuynh hướng chinh phục, bành trướng, phủ trùm, khống chế và những gì đi ngược lại đều tạo nên sự đối kháng. Họ sẽ nỗ lực bằng mọi giá tiêu diệt một cách tàn nhẫn.
Thái độ loại trừ là làm cho chủ thể nhận thức, nhìn cuộc đời bằng hai cặp kính sân hận và không tương nhượng. Người độc tôn loại trừ tự xem mình là giá trị chân lý tuyệt đối và tất cả con người, sự việc còn lại đều tùy thuộc vào trục xoay của chủ nghĩa cá nhân. Người độc đoán sẽ xem hạnh phúc của mình là trên hết. Tất cả sự vận hành cuộc đời, vũ trụ, con người, thậm chí người thân của y đều là thứ yếu. Họ muốn hướng nào thì mọi người phải theo hướng đó. Do đó, bạo động, nổi loạn, kháng cự dễ phát sinh đối với người có thái độ cực đoan.
Lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến nhân vật Hitler, con người của sự “độc tôn loại trừ”. Ông có mối thù truyền kiếp với những người Do Thái thông minh. Ông đã ra lệnh mưu sát không biết bao nhiêu ngàn người Do Thái ở nước Đức và khắp nơi trên thế giới. Ông hạ lệnh giết hết tất cả những tướng lĩnh và Đảng viên của các Đảng đối lập. Lịch sử Hitler là lịch sử khổ đau do chính ông gieo rắc cho nhân loại. Nỗi khổ đau Thế chiến thứ hai có gốc rễ từ lòng tham loại trừ.
Cách tân đời sống đạo đức thường được khởi đầu bằng lương tâm hối hận về những điều xấu đã gây ra. Muốn làm mới nhân cách từ quá khứ đen tối, điều trước tiên là phải dẹp bỏ lòng tự ái. Khi lòng tự ái được chuyển hoá thì ý nghĩ, hành động và lời nói sẽ có sự thay đổi tích cực. Để chuyển hoá tâm lý ích kỷ và loại trừ, nên quan niệm sự đa dạng là cần thiết, thái độ khác biệt tạo nên sự phong phú. Đức Phật đã nói đến 84.000 pháp môn, con số tượng trưng cho sự đa dạng.
Theo tinh thần Phật dạy, nên bỏ thái độ loại trừ và độc tôn để có thể nhìn thấy được sự đóng góp và giá trị của người khác. Người khác có thể theo học thuyết mà ta không thích nhưng nếu hành động và sự dấn thân của họ mang lại giá trị lợi lạc thì nên tán thán và học tập.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner