Trong 10 thiện nghiệp và 10 ác nghiệp, đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta thấy tất cả đều phát xuất từ thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Thân nghiệp có 3, khẩu nghiệp có 4 và ý nghiệp có 3. Ðể xác chứng lại những lời dạy của Thế Tôn chúng tôi xin tuần tự đi vào nội dung từng ác nghiệp và thiện nghiệp.
Việc thực hiện con đường đi ra khỏi tham, sân, si, luôn luôn được đức Phật quan tâm và khuyến khích chư đệ tử của mình hành trì để từ đó các pháp an lạc được tăng trưởng và các pháp khổ đau được diệt trừ.
Nếu không khéo hành trì thì không những các khổ đau tăng trưởng mà các thiện pháp cũng bị tiêu trừ. Ðể giới thiệu cho chúng ta có một phương pháp hướng thượng đó, trong kinh Saleyyaka (Trung bộ, kinh số 41), đức Thế Tôn chỉ dạy cho chúng ta hành mười thiện nghiệp và loại trừ mười ác nghiệp.
Trong mười thiện nghiệp và mười ác nghiệp, đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta thấy tất cả đều phát xuất từ thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Thân nghiệp có 3, khẩu nghiệp có 4 và ý nghiệp có 3. Ðể xác chứng lại những lời dạy của Thế Tôn chúng tôi xin tuần tự đi vào nội dung của từng ác nghiệp và thiện nghiệp.
I. Mười ác nghiệp
A. Ba ác nghiệp của thân:
1) Có người sát sanh, tàn nhẫn , tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình.
2) Người này lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng hoặc tại rừng núi, không cho người ấy, người ấy lấy trộm tài vật ấy.
3) Người ấy sống tà hạnh với các dục lạc, liên hệ đến dục tình với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa.
B. Bốn ác nghiệp của khẩu:
1) Có người vọng ngữ đến chỗ tập hội, chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: "Này người kia, hãy nói những gì Ông biết". Dầu cho người ấy không biết, người ấy vẫn nói: "Tôi biết"; dầu cho người ấy biết, người ấy vẫn nói: "Tôi không biết"; hay dầu cho người ấy không thấy , người ấy vẫn nói: "Tôi thấy"; hay dầu cho người ấy thấy , người ấy vẫn nói: "Tôi không thấy". Như vậy, lời nói của người ấy trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ, hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì.
2) Và người ấy là người nói "hai lưỡi". Nghe điều gì ở chỗ này, đi đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, đi nói với những người này, để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy, người ấy ly gián những kẻ hòa hợp, hay xúi giục những kẻ ly gián, ưa thích phá hoại, vui thích phá hoại, thích thú phá hoại,nói những lời đưa đến phá hoại.
3) Và người ấy là người nói lời thô ác . Bất cứ lời gì thô ác, tàn ác, khiến người đau khổ, khiến người tức giận, liên hệ đến phẫn nộ, không đưa đến Thiền định, người ấy nói những lời như vậy.
4) Và người ấy nói những lời phù phiếm, nói phi thời, nói những lời phi chơn, nói những lời không lợi ích, nói những lời phi pháp,nói những lời phi luật, nói những lời không đáng gìn giữ. Vì nói phi thời, nên lời nói không có thuận lý, không có mạch lạc, hệ thống, không có lợi ích.
C. Ba ác nghiệp của ý:
1) Có người có tham ái, tham lam tài vật kẻ khác, nghĩ rằng: "Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình!".
2) Lại có người có tâm sân, khởi lên hại ý, hại niệm như sau: "Mong rằng những loài hữu tình này bị giết, hay bị tàn sát, hay bị tiêu diệt, hay bị tàn hại, hay mong chúng không còn tồn tại".
3) Lại có người có tà kiến, có tưởng điên đảo như: "Không có bố thí,không có kết quả của bố thí, không có tế lễ, không có cúng dường, các hành vi thiện ác không có kết quả dị thục,không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trong đời không có các Sa-môn, Bà-la-môn chân chính hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng lại tuyên bố cho đời này và cho đời sau".
Ðấy là mười ác nghiệp do thân, khẩu và ý tạo tác nếu không đoạn trừ mười ác nghiệp này thì sẽ đem lại khổ đau ngay trong đời sống hiện tại và sau khi thân này kết thúc phải đọa vào trong cõi dữ , ác thú, đọa xứ,địa ngục.Như đức Thế Tôn đã khẳng định: "Do nhân hành phi pháp, phi chánh đạo, có một số lớn loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung phải đọa vào trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục."
II. Mười thiện nghiệp
A. Ba thiện nghiệp của thân:
1) Có người từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ,sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loại hữu tình.
2) Từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng hoặc tại rừng núi, không cho người ấy, người ấy không lấy trộm tài vật ấy.
3) Từ bỏ sống theo tà hạnh đối với các dục, không liên hệ đến dục tình với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa.
B. Bốn thiện nghiệp của khẩu:
1) Có người từ bỏ vọng ngữ, tránh xa vọng ngữ, đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc,hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: "Này người kia, hãy nói những gì Ông biết". Nếu biết, người ấy nói: "Tôi biết" , nếu không biết, người ấy nói : "Tôi không biết"; hay nếu không thấy, người ấy nói: "Tôi không thấy"; nếu thấy,người ấy nói : "Tôi thấy". Như vậy lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ,hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì.
2) Từ bỏ nói"hai lưỡi", tránh xa nói"hai lưỡi". Nghe điều gì ở chỗ này, không đi nói với những người kia để sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy, người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ hòa hợp, ưa thích hòa hợp, vui thích hòa hợp,thích thú hòa hợp, nói đến những lời đưa đến hòa hợp.
3) Từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, những lời nói nhu hoà, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người, người ấy nói những lời như vậy.
4) Từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, người ấy nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về chánh pháp, nói những lời về Luật, nói những lời đáng được gìn giữ. Vì nói hợp thời, nên lời nói thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có ích lợi.
C. Ba thiện nghiệp của ý:
1) Có người không có tham ái, không tham lam tài vật của kẻ khác, không nghĩ rằng: "Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình!"
2) Lại có người không có tâm sân,không có khởi lên hại ý, hại niệm,nghĩ rằng: "Mong rằng những loài hữu tình này sống không thù hận, không oán thù,không nhiễu loạn,được an lạc,lo nghĩ tự thân!"
3) Người ấy có chánh kiến, không có tư tưởng điên đảo: "Có bố thí, có kết quả của bố thí,có tế lễ, có cúng dường,các hành vi thiện ác có kết qủa dị thục,có đời này,có đời sau, có mẹ,có cha,có các loại hóa sanh,trong đời có các Sa-môn,Bà-la-môn chân chánh hành trì, chân chánh thành tựu,sau khi tự tri,tự chứng lại tuyên bố cho đời này và đời sau".
Ðấy là mười thiện nghiệp, nếu như chúng ta thực hiện mười thiện nghiệp này thì không những trong đời sống hiện tại được hạnh phúc an lạc mà sau khi thân này kết thúc sẽ được sanh vào cảnh giới an lành. Như đức Thế Tôn đã tuyên bố: "Do nhân hành đúng pháp, hành đúng chánh đạo, ở đây, một số lớn loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, Thiên giới, đời này."
Trong kinh Tăng Chi Bộ, tập II, Phẩm Nghiệp đạo, đức Thế Tôn khẳng định rằng đối với ác nghiệp này, Tỳ kheo nào thành tựu bốn pháp: tự mình làm, khích lệ người khác làm, chấp nhận làm và tán thán làm, thì sẽ bị rơi vào địa ngục; nếu Tỳ kheo nào thành tựu bốn pháp: tự mình từ bỏ, khích lệ người khác từ bỏ,chấp nhận từ bỏ và tán thán từ bỏ, thì sẽ sanh lên cõi trời.
Giáo lý duyên khởi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy: "Khi cái này có mặt, cái kia có mặt. Khi cái này không có mặt , cái kia không có mặt". Khi Vô minh xuất hiện thì Ái, Thủ v.v... đều xuất hiện. Khi Vô minh diệt thì Ái, Thủ v.v... cũng theo đó mà diệt.
Như thế, chúng ta có thể xem mười thiện nghiệp là các nhân tố của vô minh đưa con người đến hố sâu tội lỗi, gây ra khổ đau cho bản thân, cho gia đình và làm rối loạn cho xã hội . Hậu quả của mười ác nghiệp ấy sẽ là:
Hoặc khổ thọ khốc liệt,
Thân thể bị thương vong.
Hoặc thọ bệnh kịch liệt,
Hay tán loạn ý tán tâm.
Hoặc tai hại từ vua,
Hay bị vu trọng tội.
Bà con phải ly tán.
Tài sản bị nát tan.
Hoặc phòng ốc nhà cửa,
Bị hỏa tai thiêu đốt.
Khi thân hoại mạng chung
Ác tuệ sanh địa ngục.
(Trích: Pháp cú 138-139-140)
Khi thấy rõ sự nguy hiểm của mười ác nghiệp, đức Phật khuyên chúng ta nên xuất ly chúng và thực hành mười thiện nghiệp để đem lại an lạc cho tự thân,gia đình và góp phần an lạc cho quê hương và thái bình cho xứ sở.
Xã hội ta ngày nay đang trên đà phát triển về mọi mặt, kinh tế, chính trị,văn hoá, giáo dục v.v... thế nhưng sự khủng hoảng về tinh thần không phải là ít. Chẳng hạn như nạn tham nhũng, ma túy, rượu chè, cờ bạc, mãi dâm vẫn luôn luôn là vấn đề nóng bỏng cần được giải quyết. Nếu thật sự thấy được sự nguy hiểm của mười ác nghiệp chắc hẳn rằng con người sẽ hành mười thiện nghiệp, vì sự an lạc của đời này và đời sau. Kinh Pháp cú dạy:
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,
Nói lên hay hành động,
Với tâm ý thanh tịnh
An lạc bước theo sau.
Như bóng không rời hình.
(Trích: Pháp cú: 2)
Làm được như vậy thì các cá nhân sẽ có phần đóng góp ý nghĩa và quan trọng cho sự nghiệp phát triển xã hội ta trong hiện tại.
HT. Thích Minh Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét