LỜI PHẬT DẠY VỀ ĐẠO ĐỨC GIA ĐÌNH - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

LỜI PHẬT DẠY VỀ ĐẠO ĐỨC GIA ĐÌNH

Điểm qua tình hình của đời sống xã hội hiện nay, ngoài những việc chúng ta làm được, cũng không ít những điều đáng đau buồn. 

Ta thấy nhan nhản những tệ nạn xã hội được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ việc phát ngôn vô văn hóa, đến những hành vi trộm cướp, những vụ tai tiếng… chung quy là băng hoại lối sống và đạo đức. Khảo cứu những hiện tượng mất đạo đức trong xã hội, dù gián tiếp hay trực tiếp, người ta thấy có mối quan hệ biện chứng giữa gia đình và xã hội, xem chừng chúng có mầm mống từ gia đình mà ra. Do vậy, phải bắt đầu nghiên cứu từ gia đình.

Gia đình đóng vai trò là tế bào của xã hội, nhưng bản thân nó lại giống như một xã hội thu nhỏ. Do vậy, quan hệ đạo đức trong gia đình là cái khởi đầu cho quan hệ đạo đức trong xã hội. Trong kinh Thi Ca La Việt (Sìgalovàda sùttra), Phật dạy bổn phận làm chồng có 5 điều đối với vợ và làm vợ cũng có 5 điều đối với chồng; bổn phận làm cha mẹ có 5 điều với con cái và con cái cũng có 5 điều với cha mẹ. Chẳng hạn:

“Vợ thờ chồng có năm việc:

Một là chồng đi đâu về phải đứng dậy nghênh tiếp; Hai là khi chồng đi khỏi phải lo mọi việc nấu nướng, quét dọn chờ chồng về; Ba là không được có lòng dâm dục với người khác, chồng có trách mắng cũng không được có thái độ trách mắng lại; Bốn là hãy làm theo lời chồng răn dạy, có nhặt được vật gì cũng không được che giấu; Năm là khi chồng ngủ nghỉ, phải lo sắp xếp xong rồi mới ngủ.

Chồng đối với vợ cũng có năm điều:

Một là đi đâu phải cho vợ biết; Hai là việc ăn uống đúng giờ, cung cấp áo quần cho vợ;Ba là phải cung cấp vàng bạc châu báu; Bốn là những vật ở trong nhà nhiều ít đều phải giao phó cho vợ; Năm là không được ngoại tình, bằng cách nuôi dưỡng, hầu hạ, chuyển tài sản”.

Đây là mối quan hệ hai chiều sòng phẳng, nó khác hẳn với tư tưởng quan hệ một phía: Quân, Thần, Phụ, Tử và coi khinh phụ nữ (không có Mẫu) của Nho giáo. Ngẫm ra, người ta chỉ cần thực hiện đúng những lời dạy của Phật, thì thiết nghĩ gia đình trong thiên hạ hạnh phúc hơn rất nhiều.
Trong gia đình, quan hệ vợ chồng là điểm xuất phát, làm cơ sở cho các mối quan hệ khác, vì thế nó rất quan trọng. Thực tế không ít trường hợp gia đình hạnh phúc, hoặc bất hạnh và điều đó để lại di chứng cho thế hệ sau cũng xuất phát từ mối quan hệ này. Nhân tiện cần nói thêm, ngay những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình bất hạnh thì những thiệt thòi của chúng đã ghi vào tâm khảm – những thiệt thòi ấy, những mặc cảm ấy thường có khi cả đời chúng cũng không thể xóa được và cũng không có gì để bù đắp được! Tác giả đã từng đi tìm hiểu về số phận của những con người hư hỏng… thì thấy rằng, phần lớn đều xuất phát từ những gia đình bất hạnh. Mọi người cũng biết rằng, tình yêu là mơ mộng, nhưng hôn nhân là trách nhiệm và đây thực sự là việc chiến lược của một đời người… Với tầm quan trọng như vậy, nên Phật có dạy về 4 loại sống chung:

“Đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ. Đê tiện nam sống chung với Thiên nữ. Thiên nam sống chung với đê tiện nữ. Thiên nam sống chung với Thiên nữ” (KinhTăng chi I)
Khi đưa ra 4 loại sống chung, Phật giảng cả một đoạn dài về vấn đề này, chủ yếu Ngài lấy Ngũ giới để làm tiêu chí cho chúng. Cuối cùng Ngài khẳng định một cuộc sống lý tưởng (Thiên nam sống chung với Thiên nữ) là cả hai người đều phải có đạo đức tốt và sống lương thiện.

Một điều đặt ra là, không phải ngay từ đầu người ta đã có phẩm chất của một Thiên nam hay Thiên nữ, mà cái này phải tu luyện, nhiều khi phải tu luyện gian khổ để trở thành lối sống và nếp sống. Như vậy, ngay trong một gia đình, tất cả mọi người chí ít cũng phải lấy Ngũ giớilà tiêu chí để giữ mình. Chỉ đơn cử, không ít những trường hợp vì say rượu sinh ra những hậu quả không lường trước được như cha giết con, chồng hại vợ…, anh em chia lìa, kiện cáo lẫn nhau để rồi gia đình tan nát.

Phổ quát hơn, con người nói riêng (không phải là chúng sinh nói chung), phải biết chế ngự và đi đến từ bỏ tập khí sinh tử. Đó là tham, sân, si, nó bắt nguồn từ ái dục, cho nên ái dục là nguồn gốc của mọi đau khổ. Khái quát thì tất cả những hiện tượng gây rắc rối cho xã hội hiện nay, suy cho cùng nó từ cái tâm hữu ngã mà ra.

Từ quan hệ vợ chồng, chúng ta có thể mở rộng đến quan hệ ông bà và cháu chắt, đồng thời nếu giữ được các giới đó thì rõ ràng, ít ra cũng có thể gọi là một gia đình hạnh phúc. Tuy chưa có điều kiện thống kê, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, những gia đình có đạo (bất kể là đạo nào), thường có nếp sống đạo đức, văn hóa tốt hơn, đồng thời những vụ ly hôn, đổ vỡ… (nếu có) cũng ít hơn gấp nhiều lần so với những gia đình không có đạo. Đây là một điều cũng đáng để chúng ta suy ngẫm, phải chăng Trần Tế Xương đã hơn một lần nhận xét: “nhà kia lỗi đạo…”.

Một điều thực tế cho thấy, hiện nay các gia đình Phật tử, ít nhiều người ta đã thực hiện có hiệu quả và thiết thực những điều Phật dạy về hạnh phúc gia đình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner