Tu trong lúc làm việc bận rộn
Trong cuộc sống, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào ta cũng phải biết tu nhân tích đức để ngày càng hoàn thiện chính mình. Nhiều người nghĩ rằng tu là dành riêng cho người xuất gia hoặc những kẻ rảnh rang nhàn hạ, người thừa tiền nhiều của; còn mình làm lụng vất vả nhọc nhằn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, cuộc sống thiếu thốn khó khăn thì thời giờ đâu mà tu. Hoặc có nhiều người nghĩ tu là việc của những người già, kẻ bất hạnh bần cùng, cô nhi quả phụ, bệnh tật bẩm sinh…; còn ta nhiều tiền lắm của, con đông cháu đầy, quyền cao chức trọng thì tu để làm gì.
Bởi có những quan niệm như vậy nên một số người nghĩ tu làm chi cho khổ, sống vui chơi hưởng thụ không sướng hơn sao. Họ đâu biết rằng nếu chúng ta biết tu thì thế gian sẽ giảm bớt tệ nạn xã hội, con người sẽ đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống với tấm lòng vô ngã, vị tha.
Thế giới loài người có rất nhiều tôn giáo, học thuyết chính trị với những triết lý khác nhau. Nếu chúng ta không biết lựa chọn con đường tốt đẹp thì sẽ rơi vào chỗ tối tăm, mờ mịt. Một số người nói rằng tôn giáo nào cũng tốt, nói như vậy là không đúng. Tôn giáo nào hướng dẫn cho ta biết cách làm chủ bản thân, tin sâu nhân quả, không sát sinh hại vật và thương yêu bình đẳng mọi người mới thật sự là tôn giáo tốt.
Con người lúc nào cũng khởi lên tâm niệm tốt xấu lẫn lộn, nếu chúng ta mặc tình thả trôi theo những tâm niệm xấu ác thì sẽ gây ra đau khổ cho nhiều người. Để hạn chế tâm niệm xấu ác chúng ta phải mở rộng tấm lòng từ bi rộng lớn nhằm chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.
Nếu khéo tu niệm xấu sẽ dần hồi giảm bớt, niệm tốt sẽ tăng trưởng theo thời gian, nhờ vậy ta sẽ ngày càng hoàn thiện và luôn làm tròn bổn phận đối với gia đình, người thân và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.
Nhiều người vì bận lo kế sinh nhai nên tất bật từ sáng sớm đến chiều tối, về đến nhà thì trời đã tối nên còn thì giờ đâu mà tu. Nếu chúng ta khuyên họ phải tụng kinh, sám hối, ngổi thiền thì chắc chắn họ không thể làm được. Nhưng nói như vậy thì những người bộn bề công việc sẽ không tu được sao?
Ta phải hiểu rằng, tu ở đây là buông xả ý nghĩ xấu ác làm tổn thương người và vật, biết nuôi dưỡng những ý nghĩ tốt đẹp để cùng thương yêu san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Tu là chuyển lời nói hung dữ, ác độc thành lời nói hiền hòa, ái kính, dừng ngay những hành động xấu ác làm tổn thương người khác, tạo những hành động thiện ích để cùng san sẻ với mọi người. Như vậy, dù trong bộn bề công việc chúng ta vẫn có thể tu được.
Trong lúc làm việc cũng thế, ta làm việc nào chỉ biết việc đó, chỉ chú tâm vào công việc mình đang làm. Từ anh giám đốc cho đến cán bộ công nhân viên, tất cả đều phải chú tâm vào công việc của mình. Giám đốc sau khi phân công, điều hành xong thì làm nhiệm vụ theo dõi, giám sát để kịp thời giải quyết những khó khăn, bất trắc. Người kế toán chú tâm vào việc đánh máy nên tính toán chính xác, không sai con số. Chị lao công quét dọn chỉ chú tâm vào công việc sẽ nhìn thấy rõ chỗ nào dơ sạch mà lau chùi kỹ càng. Anh bảo vệ thường quán sát người ra vào cơ quan nên biết rõ từng người một, do đó kiểm soát và quản lý chặt chẽ mọi vấn đề. Và tất cả mọi ban nghành đoàn thể, cứ như thế mỗi người đều có trách nhiệm riêng và chỉ chú tâm vào công việc được giao để hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhờ vậy năng suất lao động nâng cao và công việc được hoàn thành đúng thời gian hoặc trước thời hạn.
Tu trong công việc là điều kiện cần thiết mà ai cũng phải ý thức rõ, nhờ chú tâm quan sát rõ ràng nên ta làm việc ít thấy mệt mỏi và không bị thời gian chi phối. Nếu trong công việc ta không biết tập trung sẽ lãng phí thời gian làm thiệt hại cho cơ quan.
Tu trong bộn bề công việc sẽ giúp ta biết cách hóa giải được nhiều thứ bằng kinh nghiệm của bản thân, từ đó ta dễ dàng kiểm soát tâm bất chính phát sinh mà làm tròn trách nhiệm được giao.
Nhiều người không biết nên hay phàn nàn được ở yên trong chùa mới là tu, hoặc ở thâm sơn cùng cốc không có ai mới là tu, hay được nhập thất ở yên một chỗ mới là tu… Nếu chúng ta ai cũng muốn tu như vậy thì xã hội này sẽ bị phế bỏ vì không có ai làm việc, đóng góp nên lấy gì ăn để mà sinh sống. Quan niệm đó chỉ phù hợp với một số người đã già nên mất sức lao động, hoặc dư tiền của để sống, hay chán cảnh phồn hoa phố thị, đua chen giành giựt…
Tu trong lúc mua bán
Người mua bán ngoài chợ cũng phải biết cách tu, trước tiên là ăn nói nhỏ nhẹ, hài hòa, dễ nghe. Khi khách đến không nên nói thách quá, tốt nhất nên nói đúng giá, nếu khách không mua hay trả giá quá thấp cũng nên vui vẻ, cởi mở, đừng nên tỏ thái độ cằn nhằn, bực tức. Nhiều người vì mê tín nên sáng sớm khách mở hàng mà không mua thì đốt phông lông, la ó, chửi rủa um sùm, bán buôn như vậy dần hồi sẽ mất hết khách hàng.
Cuộc sống này vốn thuận mua vừa bán chớ không có gì bắt buộc, người biết tu trong lúc mua bán sẽ biết cách thu hút khách hàng, giữ mối quan hệ mua bán lâu dài nên được nhiều người ưa thích.
Thật ra, chính khi buôn bán làm ăn mà chúng ta có ý nghĩ tốt nên thốt lên lời nói hiền hòa, có thái độ vui vẻ chân thành khiến khách hàng mến thương. Do đó, người đến mua hàng ngày càng đông nên việc mua bán dễ phát đạt.
Một ví dụ điển hình như món hàng đó giá 2000 đồng nhưng khách trả giá chỉ có 1000 ngàn đồng, trả giá như vậy thì làm sao bán? Trong trường hợp này nếu người bán hàng không biết tu sẽ dễ nói lời cộc cằn, thô lỗ làm mất lòng người khách.
Ngược lại, người bán hàng khéo tu chỉ cần vui vẻ nói nhẹ nhàng: “Chị thông cảm, chị trả giá chưa đủ vốn nên em không bán được. Chị tới chỗ khác hỏi thử, nếu bằng giá em bán thì chị quay lại mua giúp em, em cám ơn chị nhiều.” Chúng ta nói như vậy thì mọi việc sẽ êm ái, nghe xuôi tai mà không ai thiệt thòi gì mà còn giữ được mối quan hệ lâu dài trong mua bán.
Trước những điều không được hài lòng như ý chúng ta biết kiềm chế sự nóng giận, nói năng nhỏ nhẹ, lựa lời ôn hòa để giải thích với khách hàng thì đó là ta khéo tu giữa chốn đông người. Ở giữa chợ đời không khi nào ta có thể làm vừa lòng hết thiên hạ với đủ thứ chuyện xảy ra mỗi ngày. Nếu ta không biết tu trong lúc mua bán thì mọi việc sẽ đổ vỡ. Chính vì thế, người xưa nói “nhất tu chợ, nhì tu chùa, ba tu núi” là vì vậy.
Tóm lại, mua bán ngoài chợ phải giữ giới không nói dối, không nói lời hằn học khó nghe, huống hồ là nói lời mắng chửi mà còn phải nói lời ái ngữ nhẹ nhàng. Đó là người biết tu trong chốn đông người.
Tu trong lúc làm ruộng rẫy
Người làm ruộng, trồng hoa màu để cung cấp thức ăn, thực phẩm cho con người cũng phải biết tu. Do phải trải qua nhiều công đoạn từ khâu gieo giống, chăm sóc, cày cuốc, tưới tẩm đến bón phân theo đúng quy trình nên nếu chậm thời gian sẽ không có kết quả tốt, do đó cần phải chú tâm vào công việc để dễ dàng quán sát chặt chẽ, nhờ vậy tính toán làm việc theo đúng quy trình thời gian cho phép.
Người nông dân làm ruộng khi vác cuốc ra đồng phải luôn suy nghĩ “siêng năng, cần mẫn làm đúng kỹ thuật để lúa được trúng mùa mà có cơm ăn cho gia đình, nếu có dư thì chia sẻ cho người khác”. Người nông dân trong lúc cuốc đất, nhổ cỏ, gieo mạ, bón phân cần tập trung và khởi lên ý nghĩ lành, làm việc nào biết việc đó, như vậy là đang tu. Thấy thửa ruộng bên cạnh tốt hơn ruộng của mình thì không sanh tâm đố kỵ mà vui vẻ chúc mừng họ được mùa lúa bội thu và gia đình được cơm no áo ấm. Nhờ vậy, ta không ganh ghét, tật đố nên không bực tức, buồn phiền. Đó là ta khéo biết tu.
Người biết cách tu lúc làm ruộng sẽ ý thức được không nên dùng nhiều hoá chất mà chỉ dùng theo liều lượng cho phép, nhờ vậy hoa màu đến tay người tiêu dùng không bị ảnh hưởng xấu từ các chất độc hại. Nhiều người vì lòng tham lam quá đáng muốn lợi nhuận cao nên bị đồng tiền làm mờ mắt, chiều nay họ xịt thuốc dưỡng mà sáng mai lại đem đi bán liền nên người ăn dễ bị ngộ độc. Người thời nay bệnh hoạn nhiều cũng do con người không biết tin sâu nhân quả, chỉ biết lợi trước mắt cho chính mình mà làm tổn hại rất nhiều người khác.
Trong lúc ta đang nhổ cỏ, bón phân, tưới tẩm cho hoa màu mà khởi tâm niệm xấu làm xao lãng việc làm thì liền quay lại chính mình bằng cách khởi những niệm thiện, nhờ vậy đem lại kết quả tốt đẹp. Đó là ta đang tu.
Tu trong lúc đi học
Trước tiên chúng ta sẽ nói về việc tu của các em đang bận rộn chuyện học hành, thi cử, nếu biết cách tu các em sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp. Khi cắp sách đến trường các em phải quan niệm rằng, “ta cố gắng học cho giỏi để sau này trả ơn cha mẹ, có sự nghiệp và tương lai để làm tròn trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình, người thân, đóng góp lợi ích cho xã hội và hoàn thiện chính mình. Đó là suy nghĩ của người học trò khéo tu.
Muốn tương lai nên sự nghiệp thì ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường các bạn trẻ phải chú tâm vào việc học để tiếp thu nền kiến thức phong phú và đa dạng bằng sự hiểu biết chân chính. Học không có nghĩa là chỉ cần cắp sách đến trường và đọc nhiều sách vở, hay học được một nghề thật giỏi và kiếm thật nhiều tiền để hưởng thụ. Mục đích của việc học là để thành người với đúng ý nghĩa của nó, tức là một con người hoàn thiện về mọi mặt, vừa tài giỏi lại có nhân cách đạo đức, luôn làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, người thân và dấn thân đóng góp lợi ích cho xã hội.
Trước tiên, học là noi gương sáng của các bậc tiền nhân, vĩ nhân, tức là chúng ta bắt chước những việc làm ích nước lợi dân mà các bậc tiền bối xưa đã làm. Chúng ta học để phân biệt được phải trái, tốt xấu, đúng sai, hơn thua, thật giả. Thấy điều tốt đẹp ta phải bắt chước làm theo. Thấy điều xấu ác làm tổn hại đến mình và người thì ta tìm cách tránh xa, hoặc không a dua theo. Người khôn ngoan sáng suốt là người biết học để tiếp thu cái tốt và loại bỏ cái xấu. Đó là ta biết cách tu.
Từ những hiểu biết căn bản qua việc học trên ghế nhà trường thì gia đình là môi trường trực tiếp dạy bảo các em về đạo lý làm người. Chúng ta không thể chỉ học lý thuyết suông mà cần phải tìm tòi, nghiên cứu, suy diễn, nghiệm xét và biết phân biệt tốt xấu, đúng sai. Chúng ta đừng quá tin vào sách vở mà hãy học cách suy ngẫm để tìm ra bản chất thật của nó rồi mới áp dụng vào cuộc sống hằng ngày.
Ngoài ra, chúng ta phải cố gắng và có quyết tâm cao độ trong học hỏi thì mới mong đạt được kết quả tốt đẹp ở tương lai, phải có sự cố gắng học hỏi như thế ngay khi còn nhỏ thì các bậc cha mẹ mới có thể đem hết khả năng và những gì biết được để dạy dỗ con em hầu giúp chúng có ý thức trong việc học mà không phụ lòng cha mẹ.
Các em học sinh hãy nên nhớ rằng, nếu chúng ta không có ý chí tự lập thì sau này khó có cơ hội thành công. Những người như vậy dù cha mẹ có cố gắng quan tâm, lo lắng và giúp đỡ thì cũng không thể giúp họ tiến thân. Cuối cùng, những người này chỉ ăn bám gia đình, người thân bởi tâm ỷ lại mà không giúp ích gì cho xã hội.
Chúng ta học để biết cách làm chủ bản thân nhờ có suy nghĩ tích cực, có tư duy quán chiếu để nhận ra chân lý cuộc đời và học để biết cách chung sống với mọi người mà không làm tổn hại cho nhau. Đa số chúng ta hiện nay chỉ quan niệm học để kiếm tiền, để có công ăn việc làm ổn định. Đó là cách học để làm ăn.
Có một quan điểm khác rất quan trọng về việc học là học để nâng cao trình độ hiểu biết và biết cách hoàn thiện chính mình mà hầu như hiện nay ít người quan tâm đến.
Chúng ta học nhằm phát triển được hết năng lực của bản thân, nhờ vậy ta biết cách làm chủ bản thân, biết được giá trị sống của đời mình. Đó mới là mục đích chính của việc học. Khi chúng ta đã biết cách phát huy tốt năng lực bản thân, thấy được giá trị thiết thực của cuộc sống là phải nương nhờ vào nhau mới phát triển tốt đẹp thì cần phải có trách nhiệm yêu thương đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống.
Chúng ta học làm sao để làm một người con hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ bởi đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây” là đạo lý chân thật không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Cha mẹ là người sinh ra mình, săn sóc, nuôi dưỡng mình rất vất vả, nhọc nhằn và còn lo cho mình từ cái ăn tới việc học, đến khi khôn lớn lại dựng vợ gã chồng và còn chia gia tài cho mình nữa. Cha mẹ cũng chính là người thầy giáo đầu tiên dạy chúng ta nên người. Công ơn cha mẹ được ví như trời cao biển rộng mà không gì có thể sánh bằng. Chính vì vậy mà con cái phải biết thương yêu, kính trọng và biết ơn cha mẹ.
Khi còn nhỏ, chúng ta chỉ cần thể hiện lòng biết ơn cha mẹ bằng cách nghe lời cha mẹ, siêng năng chăm chỉ học hành và yêu kính cha mẹ. Khi khôn lớn trưởng thành chúng ta thể hiện lòng biết ơn cha mẹ bằng cách sống làm tròn trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình, người thân, hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, ân cần săn sóc cha mẹ, kính trọng cha mẹ và giúp đỡ cha mẹ mỗi khi cha mẹ cần đến. Chúng ta làm được như thế thì mới gọi là người con có hiếu và mới được gọi là người có học thức. Nếu chúng ta làm trái các điều này thì ta có thể bị liệt vào hạng người con bất hiếu.
Trong các tội đồ, tội lớn nhất là tội bất hiếu vì cha mẹ là người có ơn nghĩa cao cả mà ta còn không biết ơn và đền ơn thì huống hồ ta có thể giúp đỡ, sẻ chia cùng người khác. Con người một khi đã dính vào tội bất hiếu thì không việc xấu ác nào mà không dám làm.
Qua chương trình tài trợ học bổng với chủ đề “Kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống” của Hội Ấn Tống - Từ Thiện Duyên Lành do chúng tôi làm chủ nhiệm cho các em học sinh khó khăn vùng sâu, vùng xa chúng tôi muốn gửi gắm một thông điệp về việc học. Đó là học để các em nâng cao trình độ hiểu biết mà biết tin sâu nhân quả, biết cách hoàn thiện bản thân để làm tròn bổn phận đối với gia đình, người thân và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.
Chúng ta cần phải chú tâm vào việc học ngay từ khi còn trẻ và tiếp tục học hỏi, trau dồi mãi cho đến khi già chết mới thôi. Việc học phải bao gồm từ khi nghe đọc rồi nghiên cứu, suy ngẫm và biết cách áp dụng, thực hành. Từ ý nghĩ cho đến lời nói, hành động cũng phải học. Đó là các em học đúng cách theo lời Phật dạy là “văn, tư, tu”. Như thế, trong lúc đang học các em học sinh vẫn có thể tu được.
Tu trong lúc nghiên cứu, giảng dạy
Tu trong lúc nghiên cứu, giảng dạy là ta chú tâm soạn bài giảng, tập trung vào nội dung cần triển khai. Khi soạn xong ta nên đọc lại từ 3 đến 5 lần để nắm rõ nội dung khái quát. Trước khi lên giảng trong vòng một tiếng đồng hồ ta không cần nhớ nghĩ gì nữa mà chỉ cần nhiếp tâm theo dõi hơi thở, thở vô ta biết mình thở vô, thở ra ta biết mình thở ra, chỉ cần nhìn lại hơi thở mà không cần đối trị. Nhờ vậy, tâm được định tĩnh, sáng suốt, khi lên giảng những gì cần nhớ ta sẽ nhớ liền nên giúp người nghe nắm bắt rõ ràng.
Về phía người nghe cũng vậy, chỉ cần chú tâm khi nghe mà không khởi niệm phân biệt hay-dở. Ta nghe chỉ để học hỏi mà biết cách tu tập và ứng dụng vào trong cuộc sống.
Người giảng dạy Phật pháp trước tiên cần phải biết căn cơ của mọi người và biết điều họ đang muốn nghe. Nếu ta hướng dẫn pháp thoại mà họ không thể thực hành được thì e rằng không đúng ý Phật.
Phật ngày xưa muốn hướng dẫn cho ai điều gì thì trước tiên Ngài quán sát nhân duyên coi ngày hôm nay có thể độ người nào được, nhờ nắm bắt nhu cầu họ mong muốn nên sau khi giảng rất nhiều người sáng đạo, tỉnh ngộ ra. Chúng ta ngày hôm nay khi giảng pháp không phân biệt được trình độ căn cơ của họ, chỉ một bề nói theo sự hiểu biết của mình nên người nghe không hiểu, không biết gì thì làm sao thực hành được.
Đó là một vấn đề nan giải vì nói pháp cho người xuất gia có sự khác biệt rõ ràng với cư sĩ tại gia, do đó chúng ta không thể đánh đồng chung được. Trong một pháp hội người xuất gia khoảng 100 người mà người tại gia có khoảng 1000 người, như vậy ta phải nói pháp thế nào cho phù hợp.
Tốt nhất là nên phân chia rõ ràng giữa pháp hội dành riêng cho người xuất gia với pháp hội dành cho người tại gia vì nói pháp cho người xuất gia khác với nói pháp cho người tại gia. Nói pháp như thế sẽ giúp người nghe dễ dàng lãnh hội. Đó là ta biết tu trong vấn đề nghiên cứu, giảng dạy.
Tu trong lúc lái xe
Khi lái xe ta dùng tâm biết của mình để điều hành. Mắt nhìn về phía trước để quan sát sự vật, liếc bên phải, bên trái để thấy các phương tiện khác. Tay lái xe, chân đạp thắng, đạp ga, giảm ga. Lỗ tai lắng nghe tiếng kèn của các loại xe khác để biết mà nhường đường.
Trước khi lái xe chúng ta phải tâm niệm mình đang chở biết bao sinh mạng trên xe, do đó ta phải bảo đảm những nguyên tắc sau: Trước khi lái xe không được uống rượu bia. Một người tài xế không được chạy quá 8 tiếng đồng hồ liên tục mà phải đổi ca mới đảm bảo an toàn cho hành khách. Thường thì tai nạn xảy ra do tài xế quá mệt mỏi nên ngủ gật, uống rượu bia hoặc tâm bị dao động, nhớ nghĩ lung tung nên không làm chủ trong lúc lái xe.
Tu trong lúc lái xe đòi hỏi người tài xế phải nhạy bén, tinh thông để ứng biến với những tai nạn bất ngờ. Do đó, ta phải dùng tâm biết quán sát và kết hợp nhuần nhuyễn mọi thao tác, chỉ cần lơ là hay vọng tưởng một chút là xảy ra tai nạn liền.
Dân gian có câu, “làm nghề tài xế một chân ở trong tù, một chân ở ngoài đời”. Vì vậy, tu trong lúc lái xe đòi hỏi người tài xế phải biết quán sát toàn diện, mắt nhìn về phía trước ở tầm xa, giảm ga đạp thắng hay tăng tốc độ đều phải đảm bảo luật an toàn giao thông. Đó là ta khéo biết tu trong lúc lái xe.
Tu trong cảnh nghèo khó
Chúng ta có thể nghèo tiền nghèo bạc, thiếu thốn khó khăn đủ thứ nhưng đâu có nghèo về ý nghĩ, lời nói cho đến hành động. Chính vì thế, chúng ta có thể chuyển hóa những ý nghĩ xấu ác hại mình và người thành những ý nghĩ thiện lành, tốt đẹp.
Khi xưa, ta chưa biết tu nên nói lời hằn học khó nghe, hay mắng chửi người khác, giờ biết tu rồi lời nói nhỏ nhẹ, chân thành, hoặc thay đổi hành động hại người thành giúp đỡ, sẻ chia là ta biết tu trong ý nghĩ, lời nói và hành động. Việc này đâu đòi hỏi chúng ta phải có nhiều tiền của hay nhàn rỗi mới tu được.
Chính ngay nơi cuộc sống vất vả nghèo nàn, thiếu thốn khó khăn ta tự suy nghĩ lại tại sao mình nghèo mà người khác lại giàu có. Nghèo là do không biêt bố thí, cúng dường hoặc giúp đỡ, sẻ chia khi thấy người bất hạnh, khổ đau.
Trong cuộc sống không ai có thể tự mình tồn tại một cách độc lập mà không phụ thuộc vào người khác. Con cái phụ thuộc cha mẹ, vợ chồng phụ thuộc lẫn nhau, gia đình phụ thuộc xã hội. Tất cả đều có sự liên quan mật thiết qua các mối quan hệ đối nhân xử thế và giao dịch làm ăn.
Người được giàu có ngoài việc nhờ vào sự nỗ lực của bản thân còn cần phải có sự giúp đỡ trực tiếp hay gián tiếp của nhiều người khác. Kẻ thất nghiệp, nghèo khó hoặc chỉ làm các công việc nặng nhọc, vất vả mà thu nhập vẫn không đủ sống là do không biết gieo nhân thiện lành trong quá khứ hoặc hiện đời không siêng năng làm việc lại hay sống phóng túng.
Sự tham muốn của con người là không có giới hạn, lòng tham như giếng sâu không đáy. Khi có quyền cao chức trọng chúng ta sẽ tìm cách vơ vét về cho mình, gia đình mình, đất nước mình nên từ đó chiến tranh có mặt khắp mọi nơi vì nhân tranh giành, chiếm đoạt.
Chúng ta sống đơn giản và muốn ít biết đủ chính là bí quyết dẫn đến an vui, hạnh phúc. Hãy bớt đi một chút những khao khát, ham muốn quá đáng để có được thời gian quay lại chính mình mà biết cách làm chủ bản thân.
Nhiều người quan niệm rằng nghèo là do trời sắp đặt, nói như vậy nghe có vẻ bất công quá. Nếu ông trời quyết định được số phận của con người thì tại sao không ban cho tất cả mọi người đều được cơm no, áo ấm và sống đời bình yên, hạnh phúc?
Trong xã hội, nếu ai cũng tin sâu nhân quả, biết quan tâm giúp đỡ người khác bằng trái tim yêu thương và hiểu biết thì chắc chắn sự nghèo khó sẽ dần hồi được chuyển hóa, thay đổi theo thời gian. Như có những người nghèo khó mà lúc nào cũng khởi lên ý nghĩ tốt, lời nói nhỏ nhẹ hiền hòa, hành động lương thiện luôn giúp đỡ người khác nên được mọi người thương mến, thích gần gũi và giúp đỡ. Ngược lại, nếu ở trong cảnh khó khăn mà chúng ta luôn suy nghĩ xấu, ý hay oán trách người khác, lời nói hằn học khó nghe, hành động ngang tàn bạo ngược sẽ khiến mọi người xa lánh.
Người nghèo tuy ít tiền bạc, đời sống khó khăn nhưng vẫn có tấm lòng rộng mở, lời nói hiền hòa, hành động cao thượng thì dù sống trong cảnh nghèo mà vẫn thấy an vui, hạnh phúc vì biết bằng lòng với hiện tại. Vợ chồng biết thương yêu kính trọng lẫn nhau, con cái luôn hiếu thuận với ông bà cha mẹ, anh chị em biết san sẻ giúp đỡ nhau, cha mẹ nuôi dạy con cái theo đúng tinh thần nhân quả “làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau”. Đó là người nghèo khéo biết tu.
Tu trong lúc bệnh hoạn đau yếu
Nhiều người nghĩ mạnh khỏe mới tu được còn khi bệnh hoạn thì rất khó tu. Đây cũng là sự hiểu biết của một số người chưa thật biết rõ cách thức tu hành. Nếu chúng ta nghĩ khi tụng kinh, sám hối hay ngồi thiền mới là tu thì ta đã hiểu sai. Việc tu hành phát xuất từ ý nghĩ, lời nói và hành động nên ngay khi bệnh ta càng phải tinh tấn gắng tu nhiều hơn nữa.
Bệnh có hai dạng là thân bệnh và tâm bệnh, nhưng phần nhiều thân bệnh là do tâm điều hành, sai sử. Vì sao thân chúng ta lại bệnh? Vì tâm quá tham lam nên ta ăn uống vô độ, món nào thích thì ăn thật nhiều mà vô tình đưa nhiều thức ăn uống nhiễm độc vào cơ thể. Do tâm tham muốn quá nhiều nên trở thành tâm bệnh, vì tham nên chúng ta muốn thân sung sướng, không ngờ cái sung sướng trong khoái khẩu lại là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật quay trở lại làm khổ ta.
Việc tu chính yếu là chuyển hóa phiền não tham-sân-si, mà tham-sân-si từ đâu ra? Từ ý nghĩ của ta. Khi khởi ý nghĩ xấu ta liền chế ngự bằng nhiều cách như niệm Phật-Bồ tát, niệm hơi thở hay thấy nó là vọng dối nên không theo. Đó là ta đang tu chứ không phải khi tụng kinh, ngồi thiền mới là tu. Nếu tu như vậy một ngày tu được bao nhiêu tiếng đồng hồ, những giờ khác chẳng lẽ ta không tu hay sao?
Những người bị bệnh bại liệt phải nằm một chỗ thì nên nhiếp tâm vào câu niệm Phật hoặc niệm Bồ tát, lúc này mọi tâm tư lo lắng, bất an phải gạt sang một bên mà chỉ một bề niệm Phật-Bồ tát. Đây là cơ hội tốt để người bệnh chuyên tâm vào việc tu hành, hãy coi như mình đã chết thì việc tu đâu có chướng ngại gì.
Thế giới chúng ta ngày hôm nay có quá nhiều bệnh tật vì ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm và vì con người ăn uống vô độ. Do ta không biết trân quý sức khỏe nên làm tổn thương thân này. Có người suốt cả cuộc đời lúc nào cũng bệnh, khi bị như vậy thì ta phải biết mình đã gieo tạo nghiệp sát sinh hại vật quá nhiều. Ta hãy nên thường xuyên sám hối để dừng nghiệp cũ, không cho tái phạm nữa, mặt khác lại hay giúp người cứu vật, nhờ vậy sẽ giảm bớt được bệnh tật triền miên.
Khi bệnh ta hãy tìm phương cách chữa trị như đi khám bác sĩ, đi bệnh viện theo dõi, uống thuốc và biết kiêng cử, đồng thời phải siêng năng sám hối để nghiệp chướng được tiêu trừ, biết làm thiện để chuyển hoá nghiệp xấu ác thì từ từ bệnh sẽ giảm bớt hoặc hết bệnh.
Rất nhiều bệnh tật phát xuất từ tình trạng máu huyết lưu thông không đều đặn do ít hoạt động chân tay. Do đó, một trong những cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là hay siêng năng hoạt động chân tay, tập thể dục, đi bộ, bơi lội, làm vườn, lau dọn nhà cửa và lạy Phật-Bồ tát mỗi ngày.
Cũng như trường hợp của ông trưởng giả Cấp Cô Độc khi bị bệnh nặng gần chết. Đức Phật đã bảo Ngài Xá Lợi Phất và ngài A Nan đến thăm bệnh cho ông. Trong lúc thăm hỏi ông đã nói: “Thân thể con đau nhức quá, hai thầy có pháp gì dạy cho con để vượt qua cơn đau đớn này hay không?” Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “Cư sĩ hãy quán xét lại 6 giác quan của mình như sau. Con mắt này không phải là tôi, tôi không bị kẹt vào con mắt này, khi thấy chỉ là thấy, thấy tất cả mọi hình ảnh sự vật xanh, vàng, đỏ, trắng đều biết rõ ràng mà không dính mắc vào chúng, tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế.”
Thực tập đến đây, trưởng giả Cấp Cô Độc liền cảm động mà hai hàng lệ rơi, trong lòng hân hoan phấn khởi. Ngài A Nan hỏi ông rằng: “Cư sĩ, vì sao ông lại khóc? Ông có tiếc nuối gì không? Hay là pháp này quá cao, ông không thể tiếp nhân được?” Trưởng giả Cấp Cô Độc trả lời: “Thưa ngài A Nan, con không buồn khổ hay tiếc nuối gì hết. Con khóc là vì con đã có nhiều cơ duyên phụng sự Phật pháp mà tới giờ này mới được nghe giáo pháp vi diệu, nhờ vậy mà thân tâm con cảm thấy an ổn, nhẹ nhàng.” Khi hai thầy Xá Lợi Phất và A Nan từ giã ra về thì cư sĩ Cấp Cô Độc an nhiên tự tại xả bỏ báo thân mà được sinh lên cõi trời thứ ba mươi ba.
Đoạn nhân duyên trên trong kinh giáo hóa người bệnh chúng tôi dẫn chứng ra đây để quý vị cùng học hỏi mà ứng dụng vào trong cuộc sống hằng ngày. Nếu có người bệnh không tu pháp môn niệm Phật-Bồ tát mà thích quán chiếu, nghiệm xét thì hãy quán chiếu thân này là gốc khổ đau, là vô thường bại hoại vì già-bệnh-chết nên không bám chấp, dính mắc vào thân này, nhờ vậy dễ dàng buông xả chấp thân tâm là thật ngã.
Tu trong lúc uống ăn
Trên đà phát triển ngày càng cao của nhân loại giúp cho con người hưởng thụ tiện nghi vật chất đầy đủ nhưng ngược lại làm ô nhiễm môi trường nên thức ăn uống bị nhiễm độc nặng nề. Các bệnh viện quá tải vì người bệnh quá nhiều, nguyên nhân chính là không biết điều hoà trong ăn uống.
Người tại gia với bộn bề công việc nên không biết làm cách nào để điều hoà thân tâm, do đó dễ phiền muộn, khổ đau, bệnh hoạn và bất an, lo lắng, sợ hãi. Tất cả chúng ta vì bị vô minh che lấp nên khi có mặt trên thế gian đều không có nhận thức sáng suốt, do đó ta chỉ lo thụ hưởng sự ăn uống mà nhẫn tâm giết hại các loài vật. Có những việc cần thiết mà chúng ta không lo, chỉ cố tâm lo phần không quan trọng mà lãng quên phần lợi ích lâu dài.
Trong cuộc sống chúng ta thường chỉ lo ăn với uống và cho đó là vấn đề chính yếu. Do đó, chúng ta tối ngày làm việc vất vả, nhọc nhằn chỉ để lo ăn với uống sao cho ngon miệng nên phải giết hại các loài sinh vật rồi tham đắm, dính mắc vào đó mà chịu quả báo xấu khi đủ nhân duyên. Ăn thì phải món ngon vật lạ hoặc cao lương mỹ vị, khi có quyền cao chức trọng thì ăn trên ngồi trước, bắt người khác phải cung phụng cho mình đầy đủ những nhu cầu cần thiết.
Hai bộ phận chủ yếu trong cơ thể chúng ta là thận và gan. Thận điều tiết thải độc tố bằng nước và mồ hôi. Nếu để thận yếu hay thận suy dễ phát sinh bệnh tim mạch và huyết áp cao, tai biến mạch máu não và đột quỵ. Ăn quá nhiều dầu mỡ, đồ nóng từ chiên xào nướng, dùng thức uống kích thích như rượu bia nhiều dẫn đến bệnh nóng gan, sơ gan, viêm gan siêu vi B, C và bệnh ung thư là điều không thể tránh khỏi. Khi bệnh tật đã phát sinh nếu không chết liền thì cũng làm hao tiền tốn của, làm khổ gia đình, người thân và sau khi chết lại dễ bị đoạ lạc vào chỗ xấu ác.
Ăn uống trong thời buổi này phải cao thượng và có ý thức, nếu chấp nhận “muốn ít biết đủ” thì chúng ta sẽ ít bệnh. Trước khi ăn những món hiền lành và bổ dưỡng ta nên nói thầm trong miệng: "Chỉ xin ăn những thức ăn có tác dụng ngăn ngừa tật bệnh và nuôi dưỡng thân tâm sáng suốt." Đó là ta luôn sống trong tỉnh giác khi ăn và khi nấu ăn.
Người cư sĩ tại gia nên ăn nhiều rau và trái cây, ăn ít thịt nhiều cá nhưng phải biết chọn lựa loại nào ít nhiễm độc, vì một số lớn các bệnh tật phát xuất từ việc ăn uống không điều độ hay không biết chọn lựa thức ăn tinh khiết. Chúng ta hạn chế bớt các chất béo sẽ tránh được bệnh tim, huyết áp cao và ung thư gan.
Để quân bình việc ăn uống hằng ngày cơ thể chúng ta cần có đủ chất bổ đến từ thịt, cá và chất xơ trong các thứ rau, đậu và trái cây. Chất xơ giúp tiêu hóa dễ dàng và loại bỏ các thứ mỡ không cần thiết cho cơ thể. Nói chung, thức ăn kho và luộc tốt hơn là chiên, xào, nướng. Ngoài ra, chúng ta nên để ý cách dùng các gia vị âm dương trong nghệ thuật nấu nướng và ăn uống của người Việt Nam. Theo đó, các loại thịt cá thuộc loại âm thường được nấu với các thứ gia vị và rau thuộc loại dương và ngược lại.
Đối với thức ăn vật chất, Đức Phật dạy mọi người không nên ăn nhiều, chỉ ăn vừa đủ giúp cơ thể khỏe mạnh, không nên ăn những gì không thích hợp với cơ thể. Cách thức ăn uống của người Việt tương đối lành mạnh nhưng chế độ ăn uống thường mang tính cách theo thói quen ngon miệng, hợp khẩu vị mà có thể thiếu các chất bổ dưỡng cần thiết hoặc dư chất bổ dưỡng.
Chúng ta vì sự sống mà phải sát sinh để ăn thịt các loài động vật, điều này dẫn đến ác nghiệp thù hằn vay trả nên tất phải thọ báo xấu khi đủ nhân duyên. Sau khi đã lỡ sát sinh chúng ta phải biết ăn năn sám hối, làm nhiều việc thiện mới có thể chuyển được nghiệp xấu ác mà quả báo có thể nhẹ đi đôi phần.
Chỉ có Phật giáo mới có thể nói rõ được nguyên nhân vì sao xảy ra chiến tranh tàn sát, giết hại lẫn nhau. Chúng ta có thể thấy quả thì biết nhân giống như thấy dưa thì biết ngay dưa là từ hạt giống dưa mà có. Hiện tại, sở dĩ loài người bị quả báo chiến tranh dẫn đến đau thương, chết chóc làm nhiều người đau khổ là do nhân sát sinh hại vật mà ra.
Sát sinh có ba nguyên nhân chủ yếu, một là trực tiếp giết và hai là xúi bảo người khác giết và thấy người giết thì vui vẻ đồng tình. Một số người do không tin lý nhân quả, lại còn cho rằng trời sinh ra vạn vật để phục vụ con người nên mặc tình giết hại. Dân gian có câu “oan gia trái chủ”, giả sử có trải qua trăm ngàn kiếp đi nữa thì những nghiệp tốt xấu mỗi người đã tạo cũng sẽ không mất. Nên biết, giữa nhân và quả còn có sự trợ duyên, khi nhân gặp duyên đầy đủ thì quả sẽ trổ.
Trong đạo Phật, vấn đề ăn uống không phải là chuyện quan trọng hàng đầu. Dù ăn mặn hay ăn chay chúng ta cũng nên ăn uống đơn giản, đạm bạc để dành nhiều thời gian cho việc tu học và làm lợi ích cho tất cả mọi người. Con người muốn sống một cuộc đời an nhàn, tự tại không nên lệ thuộc quá nhiều vào việc ăn uống.
Tóm lại, vấn đề ăn mặn và ăn chay còn khá nhiều khía cạnh tế nhị khác, trong phạm vi hạn hẹp và có giới hạn chúng tôi không dám luận bàn nhiều, chỉ nhắc lại lời cổ nhân dạy: “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”. Nghĩa là, con người sinh ra trên trái đất này ngoài chuyện ăn uống để bảo tồn mạng sống thì chúng ta còn phải làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, người thân và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.
Cho nên, người tu theo đạo Phật dù tại gia hay xuất gia cũng phải ý thức được chỗ này mỗi khi ăn uống. Khi ăn chúng ta chỉ biết mình đang ăn, mặn lạt, chua cay, ngọt đắng, ngon dở ta đều biết rõ ràng. Lúc ăn ta quan niệm rằng ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn. Nhờ vậy, ta làm chủ trong khi ăn uống mà không bị lòng tham sai sử, do đó sống đơn giản, đạm bạc.
Tu trong lúc tắm rửa, mặc quần áo
Nhiều người nghe nói tu trong lúc tắm rửa, mặc quần áo thì thấy hơi kỳ lạ, nhưng chúng ta phải tu trong mọi hoàn cảnh thì mới được. Quý vị nghe chúng tôi hướng dẫn sẽ thấy giá trị và lợi ích thiết thực của nó. Khi vào trong nhà tắm và lột bỏ hết lớp quần áo bên ngoài ta mới thấy rõ con người chân thật của mình. Cũng vậy, khi chúng ta buông bỏ hết phiền não tham-sân-si thì Phật tính sáng suốt mới hiện ra ngay nơi thân này.
Người phụ nữ khi tắm mất thời gian lâu hơn so với đàn ông vì họ rất quý trọng thân này, do đó họ chú ý từng làn da thớ thịt của mình nên ngắm nghía, chà rửa kỹ càng, nhất là những người đã có chồng có con. Phụ nữ thì sợ xấu, sợ già, sợ hôi, sợ chồng chê, sợ cô đơn và vô vàn nỗi sợ khác nên khi tắm phải dùng nhiều xà bông, nước thơm. Tắm như vậy là đã đánh mất chính mình vì tham đắm, dính mắc vào thân này quá nhiều.
Người nữ mập quá sẽ rất khốn khổ vì nghĩ mình không còn sức hấp dẫn đối với chồng hay người yêu hoặc người khác phái, đó là nỗi khổ niềm đau của phái đẹp. Ốm quá thì thân hình lòi xương trông giống con khô hố, ai chạm đến tưởng như là gốc cây. Nói chung, người nữ mập quá hay ốm quá đều cảm thấy khổ sở vô cùng.
Chúng ta tắm nhằm mục đích rửa sạch chất dơ bẩn sau một buổi hay một ngày làm việc để tẩy đi các chất ô uế bám dính trong người. Khi tắm nước lạnh ta cảm nhận nước mát khắp toàn thân, khi tắm nước nóng ta cảm nhận sự ấm áp của nó. Tắm như vậy là không bị dính mắc vào thân.
Người biết tu trong cuộc sống khi tắm chỉ biết mình đang tắm mà không ngắm nghía, săm soi thân hình, nhờ vậy trong lúc tắm cảm nhận được an ổn, nhẹ nhàng. Tắm như vậy là ta đang biết tu vì không vướng bận bởi thân hình đẹp xấu hay già nua.
Mặc quần áo mục đích chính là để che thân không bị loã lồ, nhưng ta lại nghĩ mặc quần áo để khoe đẹp với người khác, do đó phải tốn tiền mua sắm quá nhiều. Người phụ nữ Việt Nam trong thời hiện đại đang dần đánh mất chiếc áo bà ba hay áo dài, thay vào đó là váy ngắn, áo hở cổ, khoét ngực để khoe sự hấp dẫn, vô tình làm cho các đấng mày râu mê muội, dính mắc vào đó.
Thường thì phụ nữ nặng về luyến ái, tức tình cảm nặng nề, do đó làm đẹp là bản chất của phái đẹp; nhưng ta phải biết hài hoà cho có chừng mực, vừa phải đỡ tốn thời gian lại ít hao tiền bạc, nhờ vậy cũng giảm bớt lòng tham muốn do sự chấp ngã thấy thân mình là thật.
Ăn mặc giản dị, gọn gàng là nét đẹp văn hoá của người phụ nữ Việt Nam. Cái đẹp của người phụ nữ là đẹp ở tấm lòng, đẹp ở nhân cách đạo đức, đẹp ở tấm lòng vị tha. Cho nên người xưa nói: “Cái nết đánh chết cái đẹp”.
Người nam thì đơn giản hơn trong ăn mặc nhưng lại hay dính mắc vào thuốc lá, rượu bia, gái gú, hưởng thụ thức ăn các loài vật quá nhiều. Người uống rượu bia ăn các loài hải sản tươi sống nhiều nên chắc chắn sẽ thiếu lòng từ bi trong đối nhân xử thế, do đó sẽ gánh lấy hậu quả về sau như bệnh hoạn, mất trí nhớ, thần kinh rối loạn và bị nhân quả vay trả thù hằn không có ngày thôi dứt.
Con người chúng ta do chấp thân này là thật ngã nên làm cái gì cũng để cho ta, vì ta, từ đó mà đam mê say đắm, tham lam muốn chiếm đoạt về cho mình. Chúng ta hãy thường xuyên quán sát sẽ thấy thân này vô thường bại hoại nên ai cũng già-bệnh-chết, nhờ vậy ta bớt tham đắm, dính mắc mà dễ dàng tu hành.
Cho nên, tu trong lúc tắm rửa, mặc quần áo rất quan trọng. Chỉ có ta phải tự mình làm việc đó hằng ngày, nếu biết tỉnh giác trong từng ý nghĩ, hành động thì đó là đang tu.
Tu trong lúc xả chất cặn bả ra bên ngoài
Tu trong việc đi tiểu, đi đại cũng rất quan trọng trong đời sống vì nó gắn liền với chúng ta hằng ngày. Nếu trong ngày ta đưa các thức uống vào quá nhiều cũng khổ, nhất là những tay bợm bia đã đưa vô thì phải xả ra, đó là lẽ đương nhiên. Khi tiểu ta hay nhớ nghĩ lung tung, tiểu trong vội vàng, không có ý thức. Khi tiểu ta biết mình đang tiểu, ta chỉ cần nhìn nước tiểu vàng hay trắng sẽ biết được sức khỏe mình ra sao. Nếu nước tiểu vàng quá thì trong người ta bị nóng nên phải biết điều hoà bằng cách ăn uống hay uống thuốc bổ thận âm. Ngược lại, nếu thấy nước tiểu trắng thì biết người quá yếu, thận bị suy nên hay mắc tiểu đêm, do đó phải dùng thuốc bổ thận dương để điều trị. Thông qua đó ta sẽ biết cách điều hoà để cảm nhận được niềm vui trong cuộc sống.
Đi đại cũng vậy, nếu bị bón rặn không ra ta biết mình đang bị nóng gan hay bị trĩ nên phải dùng thuốc trị hoặc ăn đồ mát vào thì sẽ từ từ hồi phục trở lại. Đi phân đen hay xanh, chảy hay chìm xuống ta biết đường ruột yếu nên phải dùng thức ăn nóng cho có tính cách dương tính. Đây cũng là biết tu trong lúc đi đại.
Mình bệnh mà không biết mình bệnh thì nguy cơ cao. Ăn vô mà không thải ra chỉ trong vài ngày thì bụng sình chướng khó tiêu, người bức rức, nóng nảy, chộn rộn. Thật khổ tâm! Nếu bị đi chảy nhiều quá thì coi chừng tiêu đời nhà ma.
Vậy trong lúc đi tiểu, đi đại mình có tu không? Có chứ, nếu không khi ngồi trong nhà cầu mình sẽ khốn khổ đủ điều bởi mùi cặn bã xả ra hôi hám vô cùng mà tâm cứ nghĩ tưởng lung tung. Do đó, ta phải biết rõ ràng từng trạng thái của nó mà không bám dính vào chỗ nào thì coi như ta đang tu trong lúc đi tiểu hay đi đại.
Thế nên, đã làm người tất nhiên vẫn còn nhiều khiếm khuyết, chưa có ai toàn hảo cả, chính vì vậy mà ta cần phải biết tu để chuyển hóa bớt những điều xấu dở của mình phát sinh từ thân-miệng-ý. Dức ác làm lành là điều mà ai cũng phải cố gắng tích cực để giúp ta ngày càng sống tốt hơn. Không chịu tu hành là thiệt thòi cho chúng ta và làm ảnh hưởng tới mọi người xung quanh, cụ thể nhất là gia đình, người thân. Cho nên, nếu không đủ duyên xuất gia vào chùa để tu thì ta phải biết áp dụng tu trong mọi hoàn cảnh, dù bất cứ trường hợp nào chúng ta cũng phải quyết tâm kiên trì, bền bỉ.
Nói tóm lại, người Phật tử chân chính phải biết ứng dụng tu trong mọi hoàn cảnh, bởi có 5 việc mà ta phải làm hằng ngày không ai có thể thay thế cho ta được. Thứ nhất là thay mặc quần áo, thứ hai là ăn uống, thứ ba là tắm rửa, thứ tư là đi tiểu và thứ năm là đi đại. Vậy cái gì biết để làm 5 việc đó?
Cái biết này không hình tướng nhưng lúc nào cũng có trong ta, tuy không suy nghĩ, nói năng, hành động nhưng ta vẫn biết, cái biết này nương nơi mắt thì thấy chỉ là thấy, nương nơi tai nghe chỉ là nghe, thế nên ta gọi là thấy nghe hay biết mà không dấy tâm động niệm.
Đây chính là mục đích Phật muốn chỉ dạy, mọi người đều phải lãnh hội chỗ này, thấy tức biết, biết tức tâm mà là tâm Phật sáng suốt. Mỗi hành giả không phân biệt người xuất gia hay tại gia, ai lãnh hội được chỗ này thì “dù cho gươm bén kề cổ cũng giống như chém gió xuân”, bởi vì lúc này ta, người, chúng sinh và thọ giả đã không còn. Đó là cốt tủy của Phật pháp, chỉ đơn giản vậy thôi mà có một số vị Thiền sư phải mất đến 50 năm.
Chúng ta ngày hôm nay thật may mắn vì gặp được Phật pháp chân chính. Nên vì vậy, người tại gia với bộn bề công việc phải biết áp dụng tu tập trong 5 điều kiện trên vì nó gắn liền với ta hằng ngày, nếu không ta sẽ đánh mất chính mình mà sống trong đau khổ lầm mê.
Mục đích của việc tu là ta phải biết điều phục từ ý nghĩ, lời nói, hành động trong mọi hoàn cảnh để mình và người khác được an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ với phương châm “tốt đạo đẹp đời”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét