Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc là một ngày lễ hội mang tính văn hóa và nhân văn ở tầm mức quốc tế của tổ chức Liên Hiệp Quốc. Quá trình hình thành của ngày đại lễ nầy bắt đầu từ năm 2000.
Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc là một ngày lễ hội mang tính văn hóa và nhân văn ở tầm mức quốc tế của tổ chức Liên Hiệp Quốc. Quá trình hình thành của ngày đại lễ nầy bắt đầu từ năm 2000.
Ngày 15-12-1999, tại phiên họp thứ 54 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, sau khi thảo luận Đề mục 174 (resolution 54/115) của chương trình nghị sự, Đại hội đồng đã biểu quyết chính thức thừa nhận và đứng ra tổ chức Đại lễ Phật đản hay còn gọi là đại lễ Tam hợp (kỷ niệm ba ngày đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Nhập niết-bàn, thời gian tương đương vào ngày trăng tròn tháng 5 dương lịch). Ngày này được gọi là Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc và được xem như ngày lễ hội văn hoá tôn giáo thế giới của Liên Hiệp Quốc. Lễ hội được tổ chức tại trụ sở trung ương Liên Hiệp Quốc (thành phố New York, Hoa Kỳ) và các trung tâm Liên Hiệp Quốc ở các khu vực trên khắp thế giới từ năm 2000 trở đi.
Vào năm 2000, lần đầu tiên Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc đã được long trọng tổ chức tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, với sự tham dự của các truyền thống tông môn pháp phái Phật giáo thuộc 34 quốc gia.
2002 – Thông điệp Vesak của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc năm 2002
Tổng Thư ký Kofi Annan
NEW YORK, ngày 6 tháng 5 năm 2002 (Trụ sở Trung ương LHQ).
“Tôi rất vui mừng gửi đến [Tăng Ni và Phật tử] lời chào mừng nồng nhiệt nhất, nhân dịp kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại của đức Phật [Thích-ca] là đản sanh, thành đạo và nhập niết-bàn.
Các lý tưởng đạo đức và nhân đạo thánh thiện của đức Phật đã mở ra truyền thống tâm linh sinh động mà hơn 2500 năm sau, vẫn tiếp tục làm cho đời sống của hàng triệu người trở nên cao cả. Hôm nay Phật tử trên khắp thế giới vui mừng tán dương thông điệp từ bi, hiểu biết và tương kính mà đức Phật đã trao tặng cho nhân loại.
Trong thời đại toàn cầu có nhiều bất trắc như hôm nay, quan niệm về hòa bình và về tiềm năng cao cả của con người được đức Phật chỉ bày, trở nên thích ứng hơn bao giờ hết. Thật vậy, nếu muốn khắc phục những thách đố chúng ta đang đối diện hôm nay trong các lãnh vực hòa bình, an ninh, phát triển và bảo vệ môi trường toàn cầu, thì chúng ta cần thoát khỏi lối tư duy hẹp hòi và thiển cận vì lợi ích nhóm, đồng thời, chúng ta cần nâng lên tầm nhìn phổ quát hơn, trong đó phúc lợi của cộng đồng nhân loại rộng lớn trở nên quan trọng hơn phúc lợi riêng cá nhân. Mỗi người cần chia sẻ niềm hy vọng về một tương lai an lạc, quân bình và bền vững. Hành động của chúng ta hôm nay, dù với tư cách cá nhân hay là thành viên của cộng đồng, phải được hướng dẫn bởi lý tưởng vừa nêu.
Nhân đại lễ Vesak, tôi xin nhắc rằng dù nguồn gốc, chủng tộc, văn hóa và đức tin của chúng ta là gì thì chúng ta trên căn bản là không khác nhau. Hơn bao giờ hết, chúng ta cùng chia sẻ mái ấm gia đình, một hành tinh đang thu nhỏ mà chúng ta phải gắn bó để cộng tồn. Hãy cùng nhau hợp tác làm việc thiện, cho sự sống chung của mọi dân tộc trên thế giới này trở nên hài hòa và an bình.
Tôi xin chúc [quý Tăng Ni và Phật tử] một ngày lễ Vesak an lạc.”
2003 – Thông điệp Vesak của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc năm 2003
Tổng Thư ký Kofi Annan
NEW YORK, 15 tháng 5 năm 2003 (Trụ sở Trung ương LHQ).
“Đại lễ Vesak vừa là dịp an lành mà Phật tử toàn cầu cùng kỷ niệm ngày đản sanh, thành đạo và nhập niết-bàn của đức Phật hơn 2500 năm trước đây, vừa là thời điểm để cùng suy nghiệm về những bài học từ chính cuộc đời của đức Phật, cũng như những lời dạy cao quý của Ngài cho cuộc sống hôm nay.
Thông điệp của đức Phật là thông điệp về hòa bình và từ bi, đồng thời cũng là thông điệp về tỉnh thức, nhận biết bản thân, hành động của mình và nhận biết về thế giới xung quanh. Đây là thông điệp mà bất kỳ ai quan tâm đến khuynh hướng và vận mệnh của nhân loại cần nghiêm túc đón nhận.
Ngoại trừ, chúng ta không còn quan tâm đến thế hệ tương lai nữa, vì tình trạng suy thoái môi trường một cách tàn nhẫn hôm nay sẽ làm tổn thương đến khả năng cung cấp cho nhu cầu của những thế hệ tương lai.
Nếu không hiểu được rằng những chọn lựa của chúng ta với tư cách là người tiêu thụ, công dân hay cử tri sẽ tác động đến các cộng đồng hàng xóm phụ cận, thì ngôi nhà hành tinh này sẽ ngày càng trở nên nguy hiểm hơn hiện nay rất nhiều. Nếu chúng ta không nhận ra rằng dù nghèo đói và chiến tranh có diễn ra ở đâu trên hành tinh này cũng đều có liên hệ đến chúng ta, thì chúng ta sẽ thất bại trong nhiệm vụ phổ quát nhằm xây dựng một thế giới, theo đó, xã hội trở nên hài hòa và phúc lợi phổ quát.
Nhân dịp kỷ niệm đại lễ Vesak, tôi xin được nắm tay mọi người trong niềm hy vọng về một thế giới mà chúng ta cần phấn đấu để tỉnh thức, nhận biết và quan tâm đến đồng loại hơn. Trong tinh thần này, tôi xin gửi đến [quý Tăng Ni và Phật tử] lời chào nồng nhiệt nhất.”
2004 – Thông điệp Vesak của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc năm 2004
Tổng Thư ký Kofi Annan
NEW YORK, 1 tháng 6 năm 2004 (Trụ sở Trung ương LHQ).
“Tôi rất vinh hạnh, gửi lời chào mừng nồng nhiệt nhất của tôi đến [quý Tăng Ni và Phật tử] ngày đại lễ Vesak LHQ.
Mỗi năm, vào ngày này, chúng ta kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại của đức Phật hơn 2500 năm trước: Ngày đản sinh, thành đạo và nhập niết-bàn, để tỏ lòng biết ơn đối với các cống hiến của Phật giáo trong nỗ lực tìm kiếm và xây dựng hòa bình thế giới.
Nhân lễ kỷ niệm năm nay, tôi muốn biểu lộ đặc biệt mối quan tâm của tôi về những biến cố gần đây, bao gồm cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, chiến tranh tại Iraq, và cuộc chiến bi thảm giữa Do Thái và dân tộc Palestine, đã làm cho tình trạng căng thẳng giữa các tín đồ của một số tôn giáo lớn trên thế giới trở nên nghiêm trọng hơn.
Chúng ta phải dứt bỏ thói quen rập khuôn hóa, tổng quát hóa và các định kiến, đồng thời nên cẩn trọng không bôi nhọ cả một dân tộc, một khu vực, hay một tôn giáo chỉ vì tội lỗi của một vài cá nhân thuộc dân tộc, khu vực hay tôn giáo đó. Đạo Phật dạy rằng chúng ta cần ứng xử công bằng và khách quan với đồng loại, đồng thời phải kiềm chế ác tâm, sự hung hãn và ý muốn tổn thương người khác. Dù lòng khoan dung là rất cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Chúng ta phải đi xa hơn nữa, trong nỗ lực tìm hiểu tha nhân và khám phá những giá trị tích cực nhất trong tín ngưỡng và văn hóa của người khác.
Nhân đại lễ Vesak, chúng ta hãy cam kết thực hiện trọn vẹn chiến dịch lâu dài để xây dựng lại niềm tin và sự tin cậy giữa những người khác tín ngưỡng và khác văn hóa. Hãy cùng nhau công nhận tính tương thuộc mật thiết giữa chúng ta như đạo Phật đã dạy. Hãy cùng nhau cất bước như những người bạn đồng hành. Trong tinh thần này, tôi xin chúc tất cả một ngày Vesak thật an lành.”
2005 – Thông điệp Vesak của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc năm 2005
Tổng Thư ký Kofi Annan
“Tôi kính gửi đến quý [Tăng Ni và Phật tử] lời chào mừng nồng nhiệt nhất của tôi nhân đại lễ Vesak. Đây là ngày chúng ta tưởng niệm ba sự kiện trọng đại của đức Phật là đản Sinh, thành đạo và nhập niết bàn.
Lý tưởng kính mừng ngày Vesak năm nay rất gần gũi với lý tưởng của Liên Hợp Quốc, đó là khích lệ sự hiểu biết giữa các dân tộc, theo đuổi sự hòa hợp giữa các quốc gia và cổ súy cho hoà bình [thế giới].
Ngày đại lễ Vesak năm nay trùng với khoảng thời gian đặc biệt của Liên Hợp Quốc. Năm nay đánh dấu kỷ niệm năm thứ 60 ngày thành lập LHQ sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt. Đây cũng là năm chúng ta cần suy tư về tương lai và tham dự thảo luận trong tinh thần xây dựng tương lai: Làm thế nào để chấm dứt sự nghèo khó trên thê giới; làm thế nào để xây dựng hệ thống an ninh công cộng, có thể đối phó với các mối đe dọa chung; làm thế nào để tăng cường sự tôn trọng nhân phẩm trên các lãnh thổ khác nhau. Tôi tin rằng chúng ta có thể đạt được những tiến bộ lịch sử và lâu dài. Tất cả những điều đó tùy thuộc vào sự quyết tâm của các chính phủ, cũng như sự tham gia tích cực của các tổ chức và cá nhân trên toàn cầu.
Khi kính mừng đại lễ Vesak năm nay, chúng ta nên nhớ rằng, bất luận nguồn gốc, chủng tộc, văn hoá hay tín ngưỡng nào, chúng ta đều chia sẻ một quê hương chung, một hành tinh trơ trọi nhỏ bé, nơi chúng ta cần sống gắn bó với nhau. Hãy quyết tâm làm những việc mang lợi ích chung, nhằm xây dựng một đời sống hoà hợp và hoà bình giữa các dân tộc trên thế giới.
Tôi chân thành cảm ơn mọi người đã quyết tâm thực hiện các lý tưởng trên. Kính chúc quý vị một mùa Vesak thật tuyệt vời.”
2006 – Thông điệp Vesak của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc năm 2006
Tổng Thư ký Kofi Annan
NEW YORK, 3 tháng 5 năm 2006 (Trụ sở Trung ương LHQ).
“Tôi rất vui mừng kính gửi đến quý [Tăng Ni và Phật tử] lời chào mừng nồng nhiệt nhất nhân dịp kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại của đức Phật là ngày đản sanh, thành đạo và nhập niết-bàn.
Những lý tưởng mà chúng ta tán dương hôm nay vốn rất gần với lý tưởng của Tổ chức Liên Hợp quốc: Hiểu biết giữa các dân tộc, mưu cầu xã hội hài hòa, đề cao hòa bình thế giới.
Đại lễ Vesak năm nay diễn ra trong thời điểm Liên Hiệp quốc đang tiếp tục nỗ lực thích nghi, nhằm đối diện với những thách thức của thế kỷ thứ XXI, và đặc biệt là triển khai những nghị quyết đã được các nhà lãnh đạo toàn cầu thông qua vào tháng 9 năm 2005 tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới 2005. Khi thực hiện các mục tiêu trên, sự thành công của chúng ta không chỉ tùy thuộc vào các đại diện chính phủ, các quan chức quốc tế mà còn lệ thuộc vào giới cử tri, giới tiêu thụ, các cộng đồng xã hội dân sự và các cá nhân thuộc mọi lứa tuổi, tại các nước nghèo cũng như nước giàu, đã suy nghĩ và hành động như những công dân toàn cầu.
Kỷ niệm ngày Vesak năm nay, như đạo Phật đã dạy, chúng ta hãy cùng công nhận tính tương thuộc mật thiết giữa chúng ta. Cùng nhau quyết tâm hợp tác làm việc thiện và hợp tác cho sự sống chung hài hòa và hòa bình của mọi dân tộc trên thế giới.
Tôi chân thành cảm ơn mọi người đã cam kết sống vì những lý tưởng cao thượng này. Kính chúc mọi người có một đại lễ Vesak tuyệt vời.”
2007 – Thông điệp Vesak của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc năm 2007
Tổng thư ký Ban Ki-moon
“Tôi lấy làm vinh dự được gửi lời chúc mừng nhân dịp vui kỷ niệm ngày Đản sanh –
Hơn 2500 năm qua, những lời dạy minh triết của Phật Thích-ca, bậc Đạo sư Giác ngộ, tiếp tục là kim chỉ nam, mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của hàng triệu người trên thế giới. Việc tổ chức lễ Vesak hằng năm là cơ hội để cộng đồng Phật giáo xác quyết niềm tin vào lời dạy cao quý của đức Phật, đồng thời phát huy tinh thần từ bi, trí tuệ và hoà bình được Phật truyền bá.
Hơn 2500 năm qua, những lời dạy minh triết của Phật Thích-ca, bậc Đạo sư Giác ngộ, tiếp tục là kim chỉ nam, mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của hàng triệu người trên thế giới. Việc tổ chức lễ Vesak hằng năm là cơ hội để cộng đồng Phật giáo xác quyết niềm tin vào lời dạy cao quý của đức Phật, đồng thời phát huy tinh thần từ bi, trí tuệ và hoà bình được Phật truyền bá.
Chân lý của Phật vượt thời gian, nhưng lễ Vesak kỷ niệm hôm nay thì rất cần thiết mỗi năm. Những biến cố xảy ra trên toàn cầu trong những năm gần đây đã tạo ra sự ngăn cách nghiêm trọng giữa những cộng đồng và quốc gia trên thế giới. Những biến cố nầy đã làm gia tăng mối quan ngại về sự không khoan nhượng và về tình hình căng thẳng trong quá trình tương tác giữa các nền văn hoá. Đi ngược lại với xu thế này là chuyện sống còn cho nền hoà bình lâu dài và sự ổn định trên toàn cầu.
Điều này đòi hỏi chúng ta cần có tầm nhìn vượt lên trên các lợi ích nhóm và cá nhân. Đức Phật dạy rằng chúng ta cần tỉnh thức qua lời nói chân chính và nghề nghiệp đạo đức, và có ý thức về những hệ quả của chúng đối với tha nhân đang sống quanh ta. Mọi người nên hiểu thấu tính tương duyên giữa các thành phần trong xã hội, coi trọng hạnh phúc của cộng đồng và nhân loại như chính là hạnh phúc của bản thân.
Nhân dịp đại lễ Vesak, tất cả chúng ta, dù là Phật tử hay không, hãy quyết tâm ứng xử trong tình thần độ lượng và khách quan. Chúng ta hãy cùng nỗ lực mỗi ngày vì sự tiến bộ của bản thân và của thế giới. Trong tinh thần này, tôi kính gửi lời chúc mừng đại lễ Vesak thật phong phú.”
2008 – Thông điệp Vesak của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc năm 2008
Tổng thư ký Ban Ki-moon
Đại lễ Vesak là ngày kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại trong đời đức Phật là đản sinh, thành đạo và nhập niết-bàn. Vào ngày này, hàng triệu người, dù Phật tử hay không Phật tử, cần dành thời gian suy ngẫm về cuộc đời và những lời dạy của đức Phật để rút ra cho mình một định hướng tương lai.
Đại lễ Vesak năm nay diễn ra trong thời điểm thê giới xảy ra những tổn thất nghiêm trọng và đau lòng. Cơn bão Nargis đã tàn phá đất nước Miến Điện và trận động đất cực mạnh đã giày xéo vùng Tây Nam Trung Quốc. Cả hai thiên tai này đã gây ra nỗi đau mất mát khôn tả: hàng vạn người bị thiệt mạng, nhiều người mất đi gia đình, nhà cửa và phương tiện kiếm sống.
Trong bóng tối bao trùm của những thảm kịch to lớn này, thông điệp của đức Phật về hoà bình, tinh thần nhân ái và tình yêu thương đối với muôn loài càng đòi hỏi chúng ta phải hành động năng động và khẩn thiết hơn. Thông điệp của đức Phật thôi thúc chúng ta phải mở rộng lòng từ bi, đùm bọc đồng loại, đặc biệt đối thành phần đang cần sự giúp đỡ. Điều này yêu cầu chúng ta phải thừa nhận rằng về thực chất con người là khối thống nhất không thể chia cách và phải đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của bản thân.
Các giáo huấn vĩnh cửu của Phật phải được xem là kim chỉ nam cho hành động ứng phó của cộng đồng quốc tế đối với tình hình Miến Điện cũng như là nguồn động lực thôi thúc chúng ta giải quyết những thách thức có quy mô rộng lớn hơn mà thế giới đang đối diện trong lĩnh vực hoà bình, an ninh, phát triển và bảo vệ môi trường. Trong mỗi lĩnh vực nêu trên, chúng ta phải vượt lên trên cái “tôi” nhỏ bé để tư duy và hành động với tư cách là thành viên của cộng đồng toàn cầu. Đây chính là con đường đưa tới cực lạc trần gian và cũng là nền tảng xây dựng thế giới tốt đẹp hơn cho nhân loại.
Nhân đại lễ Vesak, hãy cùng nhau khẳng định rằng cuộc sống của chúng ta về thực chất là tương quan và tương thuộc. Hãy cùng nhau cam kết phấn đấu vì lợi ích chung và vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân loại.
Tôi chân thành cảm ơn mọi người về sự cam kết thực hiện những lý tưởng đó. Kính chúc quý vị một ngày Vesak thật an lành.
2009 – Thông điệp Vesak của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc năm 2009
Tổng thư ký Ban Ki-moon
Tôi rất vui mừng, kính gửi đến [quý Tăng Ni và Phật tử ] các lời chúc tốt lành nhân ngày lễ Vesak, nhằm đánh dấu sự đản sinh, thành đạo và nhập niết-bàn của đức Phật.
Cuộc đời và lời dạy của đức Phật đã cảm hóa hàng triệu người trên thế giới. Năm ngoái, bản thân tôi rất xúc động khi thăm viếng nước Nepal và tận mắt nhìn thấy phiến đá tại vườn Lâm-tỳ-ni đánh dấu nơi đản sinh của đức Phật. Tôi rất ấn tượng về các tu viện và di tích tại đây. Tôi sẽ luôn luôn nhớ đến lòng tử tế của các Tăng sĩ tại Chùa Thánh mẫu Maya. Khi tôi từng bước chân thiền hành trong thánh đại này, tôi nghĩ về hành trình cuộc đời của nhân cách vĩ đại của đức Phật, người đã chuyển hóa chính mình từ một đông cung thái tử để trở thành người khai sáng Phật giáo, một trong các tôn giáo lớn của thế giới.
Khi còn là thái tử, ngài rất giàu, có thể sống cuộc đời này không chút phiền lo. Ngài đã động lòng trắc ẩn về khổ đau của tha nhân, đến độ ngài đã quyết định bỏ lại các êm ấm trong cung vàng điện ngọc, giúp mở đồng loại vượt qua các thực tại khổ đau của cuộc sống.
Tất cả chúng ta có thể học từ tinh thần từ bi của đức Phật. Những lời dạy minh triết vượt thời gian của đức Phật có thể giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu mà chúng ta đang đối diện ngày nay.
Khủng hoảng tài chính, biến đổi khí hậu, pandemics,chủ nghĩa khủng bố và các mối đe dọa mang tính quốc tế khác cho chúng ta thấy rằng số phần của nhân loại là liên đới nhau. Vấn nạn của một quốc gia có thể nhanh chóng trở thành mối đe dọa toàn cầu. Tôi thường nhắc các lãnh đạo rằng chúng ta cần hành động cùng nhau, hoặc là chúng ta sẽ thất bại từng cá thể riêng lẻ. Tôi nói với họ rằng chúng ta nối kết sức mạnh trong hài hòa. Đây không chỉ là việc đúng đắn cần hành động, mà còn là mối quan tâm tốt nhất của chúng ta.
Nhu cầu đoàn kết toàn cầu có vẻ như là một khái niệm hiện đại, nhưng không phải vậy. Hơn 2500 năm trước, đức Phật dạy rằng không một cái gì tồn tại biệt lập, tất cả hiện tượng là tùy thuộc nhau. Thật là sâu sắc, như lời đức Phật đã dạy, chúng ta không thể có hạnh phúc đang khi người khác vẫn còn khổ đau. Khi chúng ta hành động vượt lên tất cả, chúng ta khám phá điều tốt đẹp nhất trong chính mình.
Lời Phật dạy trở thành trí tuệ của thời đại chúng ta. Dù ở đâu và làm gì, chúng ta nên mang theo tinh thần này. Nhân ngày lễ Vesak, chúng ta cùng cam kết giúp đỡ người khổ đau để chúng ta có thể đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
2010 – Thông điệp Vesak của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc năm 2010
Tổng thư ký Ban Ki-moon
“Tôi rất hân hoan, kính gửi lời chúc mừng nhân đại lễ Vesak nhằm đánh dấu 3 sự kiện trọng đại của đức Phật là đản Sinh, thành đạo và nhập niết-bàn. Vesak là dịp tất cả chúng ta phản ánh lại những giá trị cơ bản về lòng khoan dung, từ bi và phục vụ vì nhân loại được thể hiện thông qua cuộc đời và lời dạy của đức Phật .
Những giá trị này được lặp lại trong Hiến chương của Liên Hiệp Quốc, cũng là lời hứa của các quốc gia thành viên làm việc trong tinh thần hài hòa vì một thế giới mà tất cả nam nữ đều có thể cùng phát triển và thịnh vượng trong hòa bình và đức hạnh.
Chủ đề của đại lễ Vesak năm nay là: “Quan niệm của Phật giáo về sự phục hồi toàn cầu” đã trùng hợp với những mối quan hệ toàn cầu trọng tâm tại thời điểm thế giơi xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng. Khi nền kinh tế và tài chính bị khủng hoảng, người nghèo là thành phần phải gánh chịu trước nhất và nặng nề nhất. Họ sẽ mất rất nhiều thời gian nhất để phục hồi.
Nhân dịp này, tôi that thiết kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng hành động vì lợi ích chung. Sự hồi đáp đồng bộ của của lãnh đạo thế giới và những nỗ lực của Liên Hiệp Quốc đã giúp chúng ta thoát khỏi sự khủng hoảng tồi tệ nhất. Chúng ta đã học những bài học quý giá nhất, nhất là việc ứng phó kịp thời khi khủng hoảng tiếp tục kéo dài.
Tăng cường sự đoàn kết là rất cần thiết trong thế giới tương quan và tương thuộc. Những điều này này đã được phản ánh trong chương trình của lễ Vesak. Những hành động từ bi vì người bất hạnh vốn là một phần trong những hoạt động của đại lễ Vesak hằng năm.
Cách bày tỏ sự quan tâm đối với tha nhân là sự thành công trong việc đối phó những thách thức trong thời đại này: giảm đói nghèo, vượt qua sự suy thoái môi trường, ngăn chận sự biến đổi khí hậu tàn khốc; đồng thời, tạo ra một thế giới của tự do, hòa bình và công bằng cho mọi người. Khi thực hiện đúng tinh thần của Phật giáo hay các tôn giáo lớn trên thế giới thì những mục tiêu cao quý nêu trên có thể đạt được.
2011 – Thông điệp Vesak của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc năm 2011
Tổng thư ký Ban Ki-moon
Tôi vô cùng hân hoan kính gửi lời chúc mừng nồng hậu đến quý [Tăng Ni và Phật tử] tham dự đại lễ Vesak LHQ lần thứ 8 tại Thái Lan.
Tại lễ Vesak năm nay, Ban Tổ chức đã chọn “sự phát triển kinh tế xã hội” làm chủ đề chính, mang tính hiện đại, với trọng tâm “vấn nạn về khổ đau” của nhân loại mà chính đức Phật Thích Ca đã thấu tỏ và đã nhấn mạnh hơn 25 thế kỷ trước, khi Ngài từ từ bỏ hoàng cung, các sở hữu thế gian, xuất gia tầm đạo.
Ba sự kiện sự đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn của đức Phật được chúng ta kỷ niệm hằng năm nhân dịp lễ Vesak đã để lại cho nhân loại kho tàng minh triết sâu sắc, có khả năng định hướng cho những nỗ lực giải quyết các vấn nạn nghiệm trọng mà chúng ta đang đối diện trong thế giới ngày nay.
Lời dạy của Phật chống lại và vượt qua ba thứ độc hại: “tham lam, sân hận và si mê,” có thể gợi mở các hội đàm đa phương về sự nghèo đói đang ảnh hưởng xấu đến gần một tỷ người trong thế giới giàu có của chúng ta, về sự bạo lực đầy thú tính, cướp đi mạng sống của hàng ngàn người mỗi năm, và về sự tàn phá một trường một cách vô tội vạ, gây ra sự nguy hại cho ngôi nhà duy nhất của chúng ta, trái đất mà chúng ta đang sống.
Nhiều tổ chức Phật giáo thực tập và truyền bá lời dạy minh triết của đức Phật. Tôi vô cùng biết ơn sự ủng hộ của họ đối với những hoạt động của Liên Hiệp Quốc nhằm đạt được “những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ,” nhằm giải quyết những vấn nạn và thách thức về kinh tế, xã hội mà thế giới đang giáp mặt.
Nhân đại lễ Vesak, tôi hy vọng rằng mọi người nương vào những lời dạy có giá trị phổ quát trong đạo Phật để hành động trong tinh thần đoàn kết với những người đang khổ đau, để góp phần xây dựng một thế giới với nhiều tình thương yêu và tỉnh giác hơn cho tất cả chúng ta.
2012 – Thông điệp Vesak của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc năm 2012
Tổng thư ký Ban Ki-moon
Tôi vô cùng hân hoan kính gửi lời chúc mừng nồng hậu nhất đến [quý Tăng Ni và Phật tử] nhân ngày đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc. Tôi chân thành cảm ơn Chính phủ Thái Lan và trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya đã đăng cai tổ chức đại lễ quan trọng này.
Chủ đề cho Vesak năm nay là “Sự giác ngộ của đức Phật và hạnh phúc của nhân loại” là chủ đề chứa đựng tinh thần từ bi và lòng vị tha theo truyền thống Phật giáo trong vài thiên niên kỷ qua.
Liên Hiệp Quốc vẫn tiếp tục lấy nguồn cảm hứng từ những lời dạy sâu sắc của đức Phật. Đức Phật khẳng định rằng: “Con đường thay đổi thế giới thực chất là thay đổi bản chất của con người”. Đây là lời dạy mang lại sự thấu hiểu quan trọng về phương cách mà mọi người trên hành tinh này có thể và phải chung sức cải thiện điều kiện sống cho hành tinh của chúng ta cũng như cho muôn loài sinh sống trên hành tinh này.
Các mối đe dọa lớn mang tính toàn cầu mà chúng ta đang đối diện như sự gia tăng vũ khí giết người hàng loạt, sự tàn ác và bất bình đẳng, là các thách thức lớn, buộc chúng ta phải thay đổi các giả định cố hữu và cởi mở hơn đối với những cách thức suy nghĩ và hành động mới [có giá trị]. Ngay cả những thiên tai, thảm họa cũng xuất phát từ sai lầm của con người, nhất là cái nhìn thiển cận của chúng ta.
Mô hình mới vô cùng cần thiết và cấp thiết với chúng ta ngày nay là mô hình phát triển bền vững. Non hai tháng nữa, cộng đồng quốc tế sẽ nhóm họp tại Rio de Janeiro, tham dự Hội thảo của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững. Đây là cơ hội duy nhất trong một thế hệ, nhằm thiết lập thế giới theo cách thức công bằng và bền vững hơn trong sự phát triển. Phật giáo có nhiều điều có thể cung cấp cho quá trình đó. Tôi hy vọng rằng tiếng nói của các bạn sẽ được lắng nghe.
Trong tinh thần này, tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến quý vị. Cầu chúc đại lễ Vesak thành công mỹ mãn.
2013 – Thông điệp Vesak của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc năm 2013
Tổng thư ký Ban Ki-moon
Ngày Vesak là ngày đại lễ của cộng đồng Phật giáo khắp thế giới, đồng thời là cơ hội theo đó, cộng đồng quốc tế thừa hưởng các lợi lạc từ truyền thống Phật giáo lâu đời này.
Lễ Vesak năm nay diễn ra trong bối cảnh sự nghèo đói và xung đột lan rộng, chính là dịp chúng ta kiểm chứng triết lý đạo Phật giúp chúng ta đối phó với những thách thức hiện tại.
Chấp nhận giáp mặt với những khó khăn mà thế giới chúng ta gặp phải vốn phù hợp với tinh thần đạo Phật. Khi còn là đông cung thái tử, Đức Phật đã từ bỏ sự êm ấm trong cung điện, khám phá bốn thống khổ của nhân sinh là sinh, già, bệnh và chết.
Khi nhận diện được thực trạng của khổ đau, vốn khó tránh khỏi, Phật giáo chỉ chúng ta cách nhìn thâm sâu vào phương pháp vượt qua khổ đau. Lịch sử đạo Phật cung cấp cho chúng ta nhiều ví dụ đầy cảm hứng về khả năng chuyển hóa khổ đau từ triết học Phật giáo.
Đại đế Asoka từng trị vì một chế độ bạo tàn tại Ấn Độ vào khoảng 300 năm sau khi Phật nhập Niết-bàn, từ khi cải đạo theo Phật giáo, đã buông bỏ bạo lực và hướng đến nền hòa bình đích thực. Các giá trị vua Asoka theo đuổi bao gồm nhân quyền, quản trị dân chủ và tôn trọng những giá trị cuộc sống đã trở thành những điều phổ quát trong các tôn giáo lớn. Sự kiện vua Asoka sau nhiều năm tham chiến thảm khốc tiếp nhận các giá trị cao quý của đạo Phật là bằng chứng xác thực cho chúng ta thấy rằng thiện chí của cá nhân có thể kết thúc khổ đau hiện thời. Giờ đây, hơn bao giờ hết, chúng ta cần tinh thần bất bạo động để duy trì hòa bình và giảm thiểu các xung đột.
Tôi kính gửi lời chúc tốt lành nhất đến với toàn thể Tăng Ni, Phật tử đang đón chào đại lễ Phật đản. Đồng thời tôi hy vọng chân thành rằng, chúng ta có thể dựng lên những lý tưởng tâm linh để làm lớn mạnh sự kiên định trong việc cải thiện thế giới.
2014 – Thông điệp Vesak 2014 của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc
Thật là một niềm vui lớn lao được chào đón tất cả mọi người đã đến đây để kỷ niệm Đại lễ Phật đản, ngày đánh dấu sự đản sanh, thành đạo và nhập Niết bàn của Đức Phật. Vào ngày này hàng triệu người, Phật tử hay không Phật tử, đều dành thời gian suy niệm về cuộc đời và giáo pháp của Đức Phật, để từ đó nhận được sự hướng dẫn quý báu.
Tôi đặc biệt hoan nghênh chủ đề của Đại lễ Vesak lần này tại Việt Nam và mong muốn của quý vị trong việc khám phá những quan điểm Phật giáo nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Vì những lời dạy của Đức Phật có giá trị vĩnh cửu, nên trong thời đại ngày nay quan điểm Phật giáo vẫn có giá trị khi chúng ta thúc đẩy nỗ lực để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và đưa thế giới vào một con đường phát triển công bằng và bền vững hơn.
Đại lễ Phật đản năm nay rơi vào thời điểm mà chúng ta vẫn còn thương tiếc cho những nạn nhân của cơn bão Hải Yến, một trong những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất từng được ghi lại và tàn phá nhiều vùng của Đông Nam Á. Tôi thấy bản thân mình vẫn còn những dư âm đau buồn đó và muốn sử dụng cơ hội này để bày tỏ sự đoàn kết của Liên Hiệp Quốc trong việc giúp đỡ người dân khu vực khôi phục hậu quả của thiên tai.
Trong bóng tối của những bi kịch to lớn này, thông điệp của Đức Phật về hòa bình, từ bi và tình yêu dành cho tất cả chúng sinh tạo ra tiếng vang mạnh mẽ. Thông diệp này kêu gọi chúng ta mở rộng trái tim và vòng tay cho đồng loại của mình, đặc biệt là những người đang thiếu thốn. Tại một thời điểm căng thẳng đang gia tăng ở nhiều nơi trên châu Á và các nơi khác, những giáo lý vượt thời gian này có thể giúp hướng dẫn các chính phủ và cộng đồng quốc tế. Giáo lý cao quý này có thể truyền cảm hứng cho những nỗ lực của chúng ta để giải quyết những thách thức lớn hơn đang đối mặt với thế giới của chúng ta – từ xung đột, bất bình đẳng đến sự biến đổi khí hậu. Trong mỗi lĩnh vực này, chúng ta phải vượt lên trên những lợi ích cá nhân hẹp hòi, để suy nghĩ và hành động như những thành viên của một cộng đồng quốc tế.
Vào ngày này của Đại lễ Phật đản, chúng ta hãy cam kết làm việc cùng nhau vì lợi ích chung, và cho sự tiến bộ của toàn thể nhân loại. Xin cảm ơn quý vị đã cam kết cho những lý tưởng này, và kính chúc quý vị một Đại lễ Vesak an lạc và đáng nhớ.
2015 – Thông điệp Vesak 2015 của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc
Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon: “Tinh thần của Đại lễ Vesak luôn gắn liền với sự yêu thương”.
Nhân ngày Đại lễ Vesak năm nay, tôi xin trân trọng chuyển lời cảm thông sâu sắc đến với các nạn nhân của trận động đất vừa qua tại đất nước Nepal, một quốc gia có nhiều đóng góp cho các hoạt động của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc mà tất cả chúng ta cần phải ghi nhận.
Tôi tin hy vọng rằng tất cả người dân Nepal nhân mùa lễ này hãy chuyển hóa những vụn vỡ để có thể làm cho mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn trong cuộc sống giống như thông điệp của Đại lễ về giá trị con người.
Tinh thần của Đại lễ Vesak có thể giúp cổ vũ và khuyến khích một trách nhiệm toàn cầu về những thách thức của thời đại chúng ta ngày nay. Vì thế trong năm 2015 này, Liên Hiệp Quốc đã thực hiện những thay đổi hài hòa của một loạt những mục tiêu phát triển vững bền và đồng thuận mới mang ý nghĩa quan trọng về biến đổi khí hậu.
Chúng ta cần thực hiện thật tốt những lời dạy của Đức Phật rằng cuộc sống và môi trường là những yếu tố căn bản. Và sự quán chiếu của Đức Thế Tôn về ý niệm mọi người đều có mối tương quan lẫn nhau nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của sự thống nhất như một của cộng đồng nhân loại để diễn giải những xung đột dựa trên các giá trị phổ quát.
Tôi cũng đã đề nghị nhiều thành viên và các nhà lãnh đạo của tất cả các cộng đồng tôn giáo trên thế giới tham gia vào những đáp ứng của Liên Hiệp Quốc trước sự gia tăng bất thường và đầy nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan đầy bạo lực hiện nay. Góp phần chấm dứt thực trạng này, chúng ta đã chào đón những nhà lãnh đạo chủ chốt của các tôn giáo lớn toàn cầu hội họp trong 2 ngày tại Liên Hiệp Quốc để khuyến khích tinh thần khoan dung và hòa hợp.
Sự cấp thiết giải quyết những dị biệt cao độ nằm ngay trong những nội dung chủ đạo của lời Đức Phật dạy, đó là những huấn thị về thực hành tình thương không hạn định.
Hãy cùng hân hoan đón mời Đại lễ Vesak với cam kết chăm lo và hỗ trợ tất cả những người khốn khó trong xã hội chúng ta ngày nay và trong tiến trình đó tạo ra những điều tốt đẹp cho tương lai của tất cả chúng ta.
BAN KI MOON
2016 – THÔNG ĐIỆP PHẬT ĐẢN VESAK (*) 2016
CỦA ÔNG TỔNG THƯ KÝ LIÊN HỢP QUỐC
CỦA ÔNG TỔNG THƯ KÝ LIÊN HỢP QUỐC
Vào thời điểm này của các phong trào quần chúng, các cuộc xung đột bạo lực, các vi phạm nhân quyền tàn bạo và những tranh luận đầy hận thù nhằm chia rẽ cộng đồng, ngày lễ Phật Đản cung ứng một cơ hội vô giá để tất cả chúng ta suy nghiệm lại những lời giảng dạy của đạo Phật trong việc giúp cộng đồng thế giới giải quyết những thách thức khẩn cấp.
Sự bình đẳng cơ bản của tất cả mọi người, sự cần thiết để mưu tìm công lý, và sự liên thuộc lẫn nhau giữa đời sống và môi trường là thật sự quan trọng hơn bất cứ một khái niệm trừu tượng nào để các học giả tranh luận; họ đang hướng dẫn cho các Phật tử và những người khác con đường dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Trong một đoạn kinh kể về câu chuyện Thắng Man phu nhân (Srimala) (**), người phụ nữ phát nguyện giúp đỡ tất cả những ai đang khổ đau do bất công, bệnh tật, nghèo khó hoặc thiên tai. Tinh thần kiên cố này có thể đánh thức các nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, thực thi cam kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và cổ súy cho quyền con người với những giá trị phổ quát của thế giới.
Những hành động của Thắng Man phu nhân (Srimala) cũng cho thấy vai trò thiết yếu của người phụ nữ trong việc vận động hòa bình, công lý và nhân quyền. Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vẫn là những ưu tiên cấp bách sẽ thúc đẩy sự tiến bộ qua các chương trình nghị sự quốc tế.
Chỉ trong vài tuần nữa, Liên Hiệp Quốc sẽ triệu tập hội nghị Thượng đỉnh về Nhân đạo Thế giới lần đầu tiên, nơi mà các vị lãnh đạo sẽ cùng với các nhà hoạt động, và các đối tác khác đưa ra cho thế giới biết về nhu cầu cần hỗ trợ của hàng triệu nạn nhân trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Những người Phật tử và các cá nhân thuộc các niềm tin tín ngưỡng khác đang lo ngại về tương lai của nhân loại có thể giúp thúc đẩy thực thi các mục tiêu của Hội nghị thượng đỉnh để duy trì tinh thần nhân đạo, bảo vệ dân thường trong các cuộc xung đột, và cải thiện sự cấp cứu toàn cầu đối với các vấn đề khẩn cấp.
Vào ngày lễ Phật đản này, chúng ta hãy cam kết vượt ra mọi bất đồng dị biệt, xả bỏ tư tưởng chấp giữ, trang trải lòng từ bi trên quy mô toàn cầu vì lợi ích chung cho tương lai của tất cả chúng ta.
Ban Ki-moon
2017 THÔNG ĐIỆP VESAK LHQ 2017
CỦA TỔNG THƯ KÝ LIÊN HIỆP QUỐC ANTÓNIO GUTERRES
Tôi gửi lời cầu chúc trân trọng đến tất cả những ai đang kỷ niệm ngày Vesak nhằm tôn vinh sự đản sinh của đức Phật. Mọi người có thể rút ra cảm hứng từ hành trình của đức Phật. Sinh ra là đông cung thái tử được bảo hộ, đức Thích-ca Mâu-ni đã đến với thế giới này, đối diện và vượt qua các nỗi khổ niềm đau của nhân loại. Như một đoạn Kinh đã viết: “Vì tất cả chúng sinh đều bị bệnh tật, ta [Như Lai] cũng trải qua bệnh tật.”
Thông điệp từ bi này là vô tận. Trong thế giới tương liên của chúng ta, sẽ không thể có hoà bình đích thực trong khi người khác đang gặp nguy khốn; không có an ninh thực sự khi người khác vẫn còn bị tước đoạt; không thể có tương lai bền vững cho đến khi tất cả thành viên của gia đình nhân loại tận hưởng được các quyền con người. Nhân ngày Vesak này, tất cả chúng ta hãy ca tụng trí tuệ của đức Phật bằng cách hành động vì tha nhân với tinh thần đoàn kết mạnh mẽ.
2018 Thông điệp Đại lễ Vesak (PL.2562) của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc
Ngài Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã gửi đến thông điệp Đại lễ Vesak LHQ 2018 (PL.2562).
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres
New York, ngày 01/05/2018
Kính thưa quý Phật giáo đồ,
Kính thưa quý vị quan khách và thân hữu,
Tôi rất hân hạnh tham gia cùng với quý vị trong dịp kỷ niệm lễ Vesak LHQ, một ngày thiêng liêng đối với hàng triệu phật tử trên khắp thế giới.
Như Chủ tịch Hội đồng Liên Hợp Quốc vừa đề cập, chúng tôi đánh dấu ba sự kiện Đản sinh, thành Đạo và nhập Niết bàn của đức Phật. Trong dịp Đại lễ quan trọng này, những người phật tử và không phải phật tử có thể quán chiếu về cuộc đời của Ngài và rút ra những bài học từ những lời dạy của Ngài.
Xuất thân là một Thái tử, người đã vượt lên trên lợi ích cá nhân và mang ánh sáng đạo màu vào cuộc đời để giúp nhân thế hóa giải những khổ đau. Những lời giáo huấn thâm sâu của Ngài dựa trên tinh thần từ bi và trí tuệ.
Và như vậy, bức Thông điệp của Ngài có liên quan mật thiết đến việc phục vụ nhân sinh.
Thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ xung đột đến sự biến đổi khí hậu, từ thành kiến đến việc gia tăng bất bình đẳng. Chúng ta biết mọi người đang hướng về nội tâm và một cuộc khủng hoảng đoàn kết đang hàn gắn lại.
Phật pháp có thể truyền cảm hứng cho chúng ta trở thành công dân toàn cầu (mọi người trên khắp hành tinh đang cùng nhau tu học Phật pháp). Trọng tâm của đạo Phật về các phẩm chất giá trị vốn có của cuộc sống tìm thấy sự cộng hưởng ngày nay trong chương trình nghị sự năm 2030 của chúng tôi cho việc phát triển bền vững.
Thế giới quan Phật giáo hướng dẫn chúng ta nhận chân được chính mình như một phần quan trọng của thế giới, không phải làm chủ nhân của nó. Đạo Phật nhấn mạnh tinh thần khoan dung bất bạo động, giữ vững lập trường mạnh mẽ, kêu gọi hòa bình.
Từ việc kêu gọi hòa bình, chống biến đổi khí hậu, đến việc bảo vệ nhân quyền, chúng ta thấy rõ những giáo lý của đức Phật có liên quan thiết thực đến công việc của Liên Hợp Quốc ngày nay. Hơn bao giờ hết, tất cả chúng ta và các cộng đồng Phật giáo trên thế giới phải thực tập bức thông điệp khoan dung, thiện cảm và nhân bản đến với mọi người và cùng nhau phản đối lại những ai kêu gọi xóa bỏ tình thương thành hận thù.
Nhân dịp Đại lễ Vesak LHQ, chúng ta hãy cùng nhau cam kết làm mới bằng các hành động cụ thể để thu hẹp những sự khác biệt, góp phần chăm lo những mảnh đời bất hạnh, nghèo khó và cam kết không bỏ rơi những hoàn cảnh bất hạnh này, khi chúng ta vạch cho mình một hướng đi rõ ràng, hướng đến một tương lai tươi đẹp đến với tất cả mọi người.
Trân trọng cảm ơn tất cả quý vị!
Tác giả: Dịch: Vân Tuyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét