Thơ của Mãn Giác thiền sư là phản ánh của tâm hồn lắng đọng, ung dung tự tại, tĩnh lặng nhìn thế sự, đất trời đổi thay, hiểu rõ quy luật của vạn vật: Thành – Trụ – Hoại – Diệt, từ đó thấu triệt đạo lý, đắc Đạo viên mãn, thoát vòng tử sinh.
Nhà Lý kế tục nhà Tiền Lê dựng xây nước Đại Việt (1009–1225) hùng mạnh về quân sự, phát triển về văn hóa. Các vị hoàng đế đều sùng bái Phật giáo, Đạo giáo nhưng ảnh hưởng của Nho giáo cũng rất lớn với việc mở các trường đại học đầu tiên là Văn Miếu (năm 1070) và Quốc Tử Giám (năm 1076), cùng với các khoa thi để chọn người hiền tài không xuất thân từ quý tộc ra giúp nước, yêu cầu thí sinh phải am hiểu cả Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo.
Nhờ chú trọng phát triển tam giáo, thi hành chính sách nhân nghĩa, nhân từ với nhân dân, thậm chí với cả các vương phản loạn và vua chúa các nước thù địch, các vua Lý cũng đều tha mạng và giữ nguyên ngôi vị, khiến các nước Chiêm Thành, Chân Lạp thần phục kính nể, nước Tống e dè, thậm chí nước Kim hùng mạnh xa xôi còn cử sứ giả đến kết giao. Các vua Lý cũng thường miễn tô thuế cho dân khi có thiên tai hoặc chiến tranh, đã tạo nên sức mạnh Đại Việt, liên tiếp đánh bại quân Tống, Chiêm Thành, Chân Lạp.
Phật giáo có vị trí đặc biệt quan trọng trong thời Lý. Ngoài các thiền sư Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Giác Hải thường được các vua hỏi về kế sách, về phép tế thế độ nhân ra, còn có một vị thiền sư khá nổi tiếng tu hành đắc Đạo nữa là Mãn Giác thiền sư, đồng thời là nhân vật quan trọng trong nền văn học Lý Trần.
Thiền sư Mãn Giác (1052-1096), là một thiền sư Việt Nam thuộc đời thứ 8 của dòng thiền Vô Ngôn Thông. Sư nối pháp thiền sư Quảng Trí và truyền tâm ấn lại cho đệ tử là Bản Tịnh.
Đại sư Mãn Giác tên tục là Nguyễn Trường, cha là Hoài Tố làm chức Trung thơ Viên ngoại lang. Thiếu thời, Lý Nhân Tông thường mời con em các danh gia vào hầu hai bên, Nguyễn Trường nhờ nghe nhiều, nhớ kỹ học thông cả Nho, Thích, Đạo nên được dự tuyển. Sau những lúc việc quan, Nguyễn Trường thường chú tâm vào Thiền học. Đến khi vua lên ngôi, vì rất mến chuộng nên vua Lý Nhân Tông ban cho Nguyễn Trường hiệu Hoài Tín.
Khoảng niên hiệu Anh Võ Chiêu Thắng (1076-1084), thiền sư dâng biểu xin xuất gia, theo học với thiền sư Quảng Trí. Sau khi được tâm ấn, thiền sư thường chống gậy mang bát, vân du khắp nơi, để tìm thiện tri thức, hóa độ người hữu duyên. Thiền sư đến nơi nào, nơi ấy đều có đông đảo người theo học.
Vua Lý Nhân Tông và bà Hoàng Thái hậu Cảm Linh Nhân (Ỷ Lan) để tâm học thiền, bèn dựng ngôi chùa bên cạnh cung Cảnh Hưng hiệu là Giáo Nguyên, thỉnh thiền sư trụ trì để tiện việc tới lui học hỏi. Đối với thiền sư chẳng dám gọi danh thường, chỉ xưng là trưởng lão.
Một hôm, nhà vua bảo thiền sư:
“Bậc chí nhân thị hiện, cốt cứu vớt chúng sanh, không hạnh nào chẳng đủ, không việc nào chẳng tu, chẳng phải chỉ sức định huệ, mà cũng có công giúp ích, nên phải kính nhận đó”.
Sư phụng chiếu nhận chức Nhập Nội Đạo Tràng, Tứ Tử Đại Sa-môn, Đồng Tam Ty Công Sự, được quyên 50 hộ.
Niên hiệu Hội Phong thứ năm (1096), cuối tháng 11, thiền sư cáo bệnh để kệ dạy chúng:
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai.
Nguyên văn âm Hán Việt:
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Nói kệ xong, thiền sư ngồi kiết già thị tịch, thọ 45 tuổi, được 19 tuổi hạ.
Vua kính lễ rất hậu, các công khanh đi đưa đều có đốt tín hương, làm lễ hỏa táng thu xá lợi xây tháp thờ tại chùa Sùng Nghiêm làng An Cách. Vua ban thụy là Mãn Giác.
Bài thơ có vị trí cao trong thơ văn Lý Trần, với 4 câu đầu thể ngũ ngôn, 2 câu kết thể thất ngôn, rất giống với bài “Đăng U Châu đài ca” của Trần Tử Ngang đời Đường:
Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Ðộc sảng nhiên nhi thế há.
Dịch thơ:
Người xưa trước chẳng thấy đâu,
Trông lui bóng dáng người sau mịt mùng.
Ngẫm xem trời đất vô cùng,
Một mình đau xót đôi dòng lệ rơi.
Thể thơ thì giống nhau nhưng nội dung, cảnh giới lại là hai thái cực. Trần Tử Ngang là tâm hồn của một trí thức bi thời mẫn thế, cảm thấy nhỏ bé mờ mịt trước thế sự rối ren, bất lực, vô tri trước cái mênh mông của trời đất, cô độc, bi phẫn, thương cảm.
Còn thơ của Mãn Giác thiền sư, là phản ánh của tâm hồn lắng đọng, ung dung tự tại, tĩnh lặng nhìn thế sự, đất trời đổi thay, hiểu rõ quy luật của vạn vật: Thành – Trụ – Hoại – Diệt, từ đó thấu triệt đạo lý, đắc Đạo viên mãn, thoát vòng tử sinh. Đời người như 4 mùa xuân hạ thu đông, hết vòng tuần hoàn, như cây cối, trăm hoa úa tàn, rơi rụng. Nhưng hoa mai vượt trên muôn loài hoa, vượt qua cái giá lạnh đông hàn, để rồi khai nở trong cái thảng thốt của thế nhân: “Trước thềm đêm trước một nhành mai”.
Theo Phật giáo, người tu hành đắc Đạo thì thoát khỏi 6 nẻo luân hồi, đến bờ kia của Niết Bàn, giống như Phật Thích Ca vậy. Điểm nhận dạng tăng nhân đắc Đạo là họ chủ động rời bỏ xác phàm ra đi vào bất kỳ lúc nào họ muốn, nhẹ nhàng như cởi chiếc áo, để cái xác phàm lại rồi nguyên thần đem theo công năng cùng đạo hạnh tu hành cả đời ra đi, đến miền Tịnh Thổ.
Còn có điểm nhận dạng nữa là khi hỏa thiêu các xác phàm đó sẽ có những viên xá lợi, là loại vật chất đặc biệt cứng, sáng óng ánh như ngọc, nhưng búa đập không vỡ, lửa nung không tan, và không giống bất kỳ vật chất, loại đá, loại ngọc nào ở trần thế.
Đây cũng chính là ý nghĩa ẩn chứa trong bài thơ “Cáo tật thị chúng” mà ông để lại dạy cho các đệ tử: Hiểu quy luật thành trụ hoại diệt của vũ trụ, vững tin Phật Pháp, tinh tiến tu hành, kiên trì chính niệm, vượt khổ nạn thì cuối cùng cũng sẽ đắc Đạo viên mãn, như nhành hoa mai tinh khiết vượt qua đông hàn giá rét.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét