Một đời sống chuẩn mực là một đời sống thấm nhuần về đạo đức; mà muốn có đạo đức thì phải sống theo giới luật. Và, sự hiện hữu của giới luật đã đồng thời xác tín sự xuất hiện của nghi lễ. Với một người cư sĩ nói chung, thì sống và hành xử theo những thiết chế lễ nghi được Đức Phật minh định là một nét đẹp của đời sống và là phương thức sống văn minh tiến bộ.
Những nghi lễ chính yếu trong đời người
Trong di huấn tối hậu của Đức Phật trước khi Niết-bàn, Ngài đã ân cần chỉ dạy: sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là đạo sư của các ngươi(5). Sống theo lễ nghi do Phật thiết định cũng là một trong những cách thức sống đúng theo Pháp và theo Luật. Trong Tam tạng giáo điển, lễ nghi cùng những chuẩn tắc ứng xử được Phật tùy duyên thiết định rất nhiều; tuy nhiên trong cuộc đời bình thường của một người cư sĩ, theo khảo sát hiện tại của chúng tôi, có bốn nghi quy chính yếu:
1- Quy y gieo duyên
Quy y gieo duyên thực chất là sự cầu nguyện của các bậc cha mẹ, hoặc sự chú nguyện của chư Phật, các vị Thánh tăng hay chư Tăng, Ni. Quy y gieo duyên tạo tiền đề ban đầu để con cái thuần thục trên con đường đạo. Xét về lý thì đây chưa đủ điều kiện để cử hành một lễ quy y chính thức nên tạm gọi là quy y gieo duyên. Quy y gieo duyên có thể thực hiện ngay từ khi đứa trẻ còn trong thai hoặc khi đã ra đời nhưng ý thức chưa độc lập.
Câu chuyện sinh động về Vương tử Bồ Đề trao đổi với thanh niên Sanjikaputta được đề cập trong kinh Trung bộ là cơ sở cho lý thuyết quy y gieo duyên. Theo kinh, thân mẫu của vương tử Bồ Đề đang mang thai, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, mẫu thân ta bạch với Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, đứa con này của con, dù là con trai hay con gái, cũng xin quy y với Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỳ-kheo. Mong Thế Tôn nhận nó làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, nó trọn đời quy ngưỡng”(6). Cơ sở của quy y gieo duyên được bổ sung bằng câu chuyện mang thai của nàng Suppavāsā, con gái vua Koliya, được ghi lại trong kinh Phật tự thuyết(7). Chuyện kể rằng, nhờ sự chú nguyện của Đức Phật và chư Tăng, nàng Suppavāsā đã mang thai và sinh nở an toàn nên đã thiết trai cúng dường Phật và Thánh tăng đến bảy ngày đêm. Câu chuyện cảm động về sự chú nguyện của Tôn giả Angulimala(8) đối với người phụ nữ mang thai có cùng ý nghĩa tương tự. Ở đây, có thể thấy rằng, sự duy trì một tâm tưởng trong sạch, thuần thiện, tịnh tín, an lành trong thời gian mang thai của người mẹ cùng năng lực chú nguyện của chư Phật và chúng Tăng sẽ có tác động tích cực đối với thai nhi. Thành tựu của y khoa ngày nay đã xác chứng rằng, những tác động tích cực của môi trường cũng như của người mẹ có những ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển toàn vẹn của thai nhi. Lý thuyết về thai giáo ngày nay đã phần nào xác quyết tính đúng đắn của luận điểm đó(9).
Khi con trẻ chưa khôn lớn, thì sự nâng đỡ, định hướng của người lớn, của các bậc cha mẹ đối với con trẻ là việc cần. Câu chuyện giữa thanh niên Sanjikaputta và Vương tử Bồ Đề được tiếp tục khi bà vú hầu ẵm ta bên hông, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, người vú của ta bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, vương tử Bodhi nay xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỳ-kheo. Mong Thế Tôn nhận vương tử này làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, xin trọn đời quy ngưỡng”. Xin quy y cho con trẻ, bất kể chúng có nhận thức được điều đó hay không, là việc làm đã diễn ra trong thời Đức Phật. Tích truyện Pháp cú cũng đã ghi lại trường hợp này(10). Hiện tượng cha mẹ vốn có truyền thống quy y Tam bảo và con cái vâng theo truyền thống đó nên quy y, được Phật gọi là những người con tùy sanh(11).
Trong những trọng trách của một bậc làm cha mẹ thì trách vụ khuyến khích con làm điều thiện được Phật dạy trong kinh Trường bộ(12), đã cho thấy rằng, hành động hướng con cái quy y Tam bảo, mà ở đây chính là nghi lễ quy y gieo duyên,bất luận chúng có đồng ý hay không là một trong những phương thức hoàn hiện thiên chức của một bậc làm cha mẹ. Vì lẽ, tất cả những nỗ lực đó của các bậc làm cha mẹ, cũng chỉ vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn (đối với đứa trẻ)(13).
2- Tam quy, ngũ giới và đạo lý làm người
Điều kiện cơ bản để trở thành một người cư sĩ là phải thọ trì ba pháp quy y. Đó là sự khẳng định rõ ràng của Đức Phật trong kinh Tăng chi: Này Mahànàma, khi nào quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng, cho đến như vậy, này Mahānāma, là người nam cư sĩ(14). Kinh Tương ưng cũng đưa ra định nghĩa tương tự(15). Một khi đã quy y Tam bảo, người cư sĩ đó tất sẽ không bị đọa lạc vào khổ đau. Đó là sự khuyến tấn mang tính khích lệ của Đức Phật trong kinh văn: Này Mahānāma, một cư sĩ lâu ngày quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng làm sao có thể đi đến đọa xứ được?(16). Quy y lâu ngày được hiểu ở đây chính là sự thuần thục về niềm tin của một người cư sĩ. Theo Đức Phật, ví như nhận chìm một ghè bơ hay một ghè đầy dầu xuống nước và đập cho chúng vỡ ra, những mạnh vụn của ghè ấy sẽ chìm xuống đáy nhưng dầu hay bơ sẽ nổi lên mặt nước(17). Đức Phật còn minh giải bổ sung bằng hình ảnh của một gốc cây khi bị chặt đứt gốc rễ, thì gốc cây sẽ ngã về hướng mà từ trước đến nay nó đã nghiêng về(18). Người quy y Tam bảo lâu ngày cũng như vậy. Tuy nhiên, điều kiện để không bị đọa lạc là phải có niềm tịnh tín bất động đối với ba ngôi Tam bảo, dù bất cứ hoàn cảnh nào, như sự minh giải trong kinh:
“Ngài là Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn”.
“Ðây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu”.
“Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Thiện hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Trực hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Chánh hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Như pháp hạnh, tức là bốn đôi, tám chúng. Chúng Tăng đệ tử này của Thế Tôn đáng được cúng dường, đáng được hiến dâng, đáng được bố thí, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở trên đời”(19).
Có thể nói, nền tảng đầu tiên của một người được xem là đệ tử Phật là phải quy y Tam bảo. Khi niềm tin Tam bảo được khẳng định vững chãi thì tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả mọi điều lành. Chính ở tính chất này nên Tam bảo còn mang nghĩa là ruộng phước. An lạc hay bất an, sự thăng hoa hay đọa lạc cũng như mức độ chuyển hóa nhanh hay chậm của một con người cũng căn cứ vào niềm tịnh tín ở nơi ba ngôi Tam bảo.
Một khi được xem là người đệ tử Phật, người cư sĩ tại gia cần phải phải khẳng định tính chất riêng có của mình trong hành hoạt đời sống. Nói rõ hơn, đệ tử Phật phải sống theo những chuẩn mực đạo đức căn bản, mà kinh văn gọi là giới luật, do Đức Phật thiết định. Theo kinh văn, một người cư sĩ hoàn thiện các chuẩn mực giới pháp bao gồm: từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ đầy đủ giới(20).
Theo khảo sát bước đầu, Đức Phật nói về Ngũ giới có tần suất xuất hiện lên đến hàng trăm lần trong Tam tạng thánh điển, điều đó đã cho thấy ý nghĩa quan trọng của Ngũ giới trong đạo đức căn bản của con người nói chung theo quan điểm của Đức Phật. Trong bài thuyết giảng cho cư sĩ Anathapindika, nam cư sĩ hộ đạo nổi tiếng, Đức Phật dạy rằng, công đức cúng dường cho Đức Phật, cho Tăng chúng, hay xây dựng tu viện không bằng công đức thọ Tam quy và trì Ngũ giới(21). Sự xác quyết đó đã đồng thời nhấn mạnh đến nỗ lực chuyển hóa bản thân của mỗi người, là mục tiêu giáo huấn mà Đức Thế Tôn hướng tới. Đồng thời, qua đoạn kinh vừa dẫn, đã cho thấy Tín và Giới là những chuẩn mực đạo đức cơ bản của đệ tử Phật nói chung và người cư sĩ nói riêng.
Về phương diện lợi ích thiết thực trong việc hành trì Năm giới, trong kinh Tiểu bộ, Đức Phật đã kể lại câu chuyện về vương phụ của Ngài là Suddhodana luôn tin tưởng vững chắc rằng, Thái tử Siddhartha và dòng tộc của Ngài không bao giờ chết trẻ, hoặc vì đói mà chết - trong thời gian Ngài tu khổ hạnh; vì dòng tộc Ngài đã nhiều đời hành trì vững chắc năm giới(22). Nếu lược bỏ đi yếu tính huyền thoại được gắn kết từ câu chuyện, thì ta có thể nhận ra những hạt nhân hợp lý trong mối quan hệ giữa Năm giới và vấn đề trường thọ. Cũng trong kinh Tiểu bộ, Đức Phật kể lại câu chuyện những người giữ Ngũ giới thì không bị nguy hiểm tính mạng(23). Trong liên hệ với đời sống hiện tại, một người biết “từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu… là tiền đề để vượt thoát mọi sự sợ hãi trong cuộc sống hiện tại(24) và sẽ có được một đời sống vật chất vững chãi; danh thơm, tiếng tốt đồn xa; an định và tự chủ trong đám đông; cận tử nghiệp nhẹ nhàng và khi mãn phần sẽ được sanh về cõi Trời(25).
Với những lợi ích thiết thực trong hiện tại cùng những bảo chứng vững chắc về tương lai khi được quy y Tam bảo; ngay từ thời Phật, số lượng đệ tử tại gia của Đức Phật rất đông đảo và con số ấy không ngừng phát triển cho đến hôm nay. Trong tính chất phát triển đó, Đức Phật luôn lưu ý rằng, Ngài chỉ là người hướng dẫn quần chúng và không chủ trương kêu gọi kẻ khác làm đệ tử mình. Vì lẽ giáo pháp Ngài là đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu(26). Sự khẳng định của Bà-la-môn Bhaddiya khi được Đức Phật hỏi, là câu trả lời cho vấn đề then chốt đó: Này Bhaddiya, Ta có nói với ông như sau: “Hãy đến, này Bhaddiya; hãy đến làm đệ tử của Ta, này Bhaddiya! Ta sẽ là đạo sư (của ông)” không? - Thưa không, bạch Thế Tôn(27). Cần phải thấy rõ tính chất quan trọng này trong khi định hướng cho quần chúng quy y Tam bảo.
3- Lễ Hằng thuận - dựng vợ gả chồng
Vấn đề quan trọng để khẳng định sự trưởng thành của một con người đó là thời điểm dựng vợ, gả chồng. Một đôi nam nữ do yêu thương nhau, đến với nhau, muốn sống chung với nhau và nguyện “sẽ thấy mặt nhau trong đời này cũng như sẽ thấy mặt nhau trong đời sau”(28) là khát vọng chính đáng trong đời sống thường tục của một người cư sĩ. Ở đây, muốn có một cuộc sống hạnh phúc bền vững thì ngoài bốn sự tương đồng của lứa đôi theo huấn thị của Phật(29), thì trong không gian nghi lễ của ngày cưới, đòi hỏi phải có sự chứng minh và chú nguyện của chư Phật và chư Tăng.
Theo lịch sử kinh điển, Đức Phật đã được mời dự lễ cưới của người em cùng cha khác mẹ Nanda(30). Từ sự kiện này, Nanda đã xuất gia, nhưng ít ra qua đó đã xác chứng sự có mặt lần đầu tiên về yếu tố Phật giáo trong lễ cưới của thường nhân. Về sau, các đệ tử tại gia thân cận Đức Phật đã chủ động cầu thỉnh Đức Thế Tôn chứng minh và thuyết giảng cho con cái của họ trước và sau ngày cưới. Lời cầu thỉnh của gia chủ Uggaha là một minh chứng sinh động: Những đứa con gái này của con, bạch Thế Tôn, sẽ đi về nhà chồng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giáo giới chúng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy khuyên dạy chúng, để chúng được hạnh phúc an lạc lâu dài(31). Đặc biệt, với nàng con dâu bất trị Sujata của trưởng giả Anathapindika, sau khi nghe Đức Thế Tôn minh giải có bảy loại vợ trên cuộc đời này, Sujata đã hối cải và trở thành một nàng dâu tốt(32). Câu chuyện về lễ cưới của nàng thiện nữ Tỳ Xá Khư đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về yếu tố Phật giáo trong lễ cưới thời xưa(33). Thậm chí một nhà hào phú Bà-la-môn thời xưa còn tham vấn Đức Phật về các tiêu chuẩn để lựa chọn con rể cho con gái cưng của mình(34).
Từ đây có thể thấy, cử hành lễ cưới có sự hiện diện chứng minh của ba ngôi Tam bảo là điều kiện tốt cho hạnh phúc nam nữ đã có lịch sử từ thời Đức Phật. Trước hết, sự chú nguyện, gia trì của chư Tăng sẽ làm cho hạnh phúc của đôi lứa được vững bền. Thứ hai, trong buổi lễ, những trách vụ căn bản của người chồng và người vợ mà Phật dạy trong kinh Giáo thọ thi ca la việt(35) được chư Tăng tuyên thuyết, sẽ là những khế ước quan trọng trong quan hệ hôn nhân của hai người. Có thể, cần có sự giải thích văn kinh cho phù hợp với bối cảnh xã hội, nhưng dù sao những khế ước đó thể hiện tính bình đẳng trong hôn nhân và đây cũng là một trong những điều kiện hạnh phúc. Thứ ba, trong một không gian tâm linh, với sự hiện diện của ba ngôi Tam bảo và các bậc cha mẹ, người thân; sự thệ nguyện sống với nhau trọn đời của đôi nam nữ được bảo chứng ở nhiều phương vị, và đây cũng là một cơ sở bổ sung làm tăng thêm tính hợp pháp cũng như tính bền vững của hôn nhân.
Đã từng có quan niệm cho rằng, thú hướng của đạo Phật là giải thoát, trong khi đó việc tổ chức nghi lễ hôn nhân tức là sự đồng thuận cho dòng luân hồi tiếp diễn. Hơn thế nữa, lại có luận điểm không đồng tình về việc người xuất gia tổ chức cưới hỏi, vì trong kinh, luật Phật cấm. Thật sự, đó là những quan ngại không có cơ sở. Thứ nhất, lộ trình tu đạo theo Đức Phật là thuận thứ, là từ từ(36). Đức Phật vẫn khẳng định rằng ngoài lạc xuất gia cao quý thì còn có lạc tại gia(37), và chủ đích của Ngài định hướng làm sao để người tại gia vẫn có khả năng tu Phật được. Đây cũng là trăn trở của đệ tử cư sĩ tại gia Dighajanu và đã được Phật dạy cho bốn pháp hạnh phúc: “Đầy đủ sự tháo vát, đầy đủ sự phòng hộ, làm bạn với thiện và sống thăng bằng điều hòa”(38). Kế đến, điều Phật cấm người xuất gia tổ chức cưới hỏi liên quan đến việc mai mối, vì đưa mai mối là phạm vào một trong mười ba giới Sanghādisesa; do vì việc làm mai mối không nhằm hướng dẫn người cư sĩ tu tập, tịnh tín mà như là một phương cách kiếm sống, hưởng lợi(39). Ngày nay, việc mai mối dường như đã mất hẳn ý nghĩa ban đầu của chúng vì phần lớn nam nữ tự tìm hiểu và đến với nhau. Trong thực tế, việc cử hành hôn lễ tại chùa, thực chất chỉ mong cầu người xuất gia cầu nguyện, ban phước và xác chứng cho tâm nguyện của lứa đôi. Xét về căn bản giới luật, điều này không vi phạm giới điều Sanghādisesa.
Sanh ra đã làm bạn với thiện, lớn lên và lập gia thất trong sự che chở của Tam bảo, là phước báo cho bất cứ ai khi sống trong đời. Vì lẽ được sống và sống trong hạnh phúc thuần thiện là cửa ngõ dẫn đến nhiều điều lợi lạc an vui, không chỉ trong một đời.
4- Tang lễ và tế tự
Một sự thật không thể tránh né hay chối cãi, đó là cái chết. Đây là thuộc tính tất yếu của chúng sanh. Ẩn dụ sinh động mô tả về cái chết được Phật dạy trong kinh Tương ưng(40): như các vật dụng bằng gốm, tất cả đều phải bị bể, kết thúc bằng tan vỡ, hoặc ở lúc này hay ở khi khác. Sự thật này được Đức Phật khẳng định dứt khoát: Tất cả chúng sanh, thưa Ðại vương, đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết(41).
Nhận thức đúng và chấp nhận thực tại này không phải là điều đơn giản, vì lẽ con người thường không dám đối diện sự thật nghiệt ngã này. Câu chuyện tìm những hạt cải để cứu đứa con đã chết của nàng Kisa Gotami(42) hay dáng vẽ hớt hải với mái tóc đẫm sương của thiện nữ Visakha khi hay tin người cháu mất(43) là thực trạng phổ biến của con người khi đối diện với cái chết. Nhận thức đúng về thực tại này, do đâu mà khổ đau là thái độ sống đúng mực của người đệ tử Phật. Và đây cũng là câu chuyện của vua Pasenadi được Hoàng hậu Malika khéo léo dẫn dụ để cuối cùng nhận ra chân lý: Sầu, bi, khổ, ưu não khởi lên do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái(44).
Từ sự nhận thức đúng đắn này, ngươi đệ tử Phật bình tâm đối diện với sự thật và mong mỏi được sự gia trì của Tam bảo trong phút cuối của đời sống. Trong lịch sử kinh điển, có lẽ một trong những người cư sĩ đầu tiên thỉnh cầu đệ tử của Đức Thế Tôn quang lâm tư gia hộ niệm là thí chủ Anathapindika(45). Đáp lại lời thỉnh cầu, ngài Xá Lợi Phất đã quang lâm tư gia và có một bài pháp quan trọng trước khi thí chủ Anathapindika xả báo thân và được sanh lên cõi Trời. Khảo sát bước đầu từ kinh điển cho thấy, trong những thời pháp hộ niệm cho người sắp lâm chung thì pháp thức quy y Tam bảo, thọ trì Ngũ giới(46), buông xả, không thủ trước bất cứ điều gì(47), giáo nghĩa căn bản của Ba pháp ấn(48), là những nội dung thuyết giảng quan trọng cần đặc biệt nhấn mạnh.
Với Đức Phật, Ngài không hứa hẹn rằng, ai làm đệ tử của Ngài thì khi chết sẽ được người xuất gia hộ niệm. Vì lẽ, nếu như chuyên tâm lo công việc hộ niệm cho tang lễ thì có lẽ Đức Phật đã không còn thời gian hoằng hóa, vì đệ tử của Ngài quá nhiều! Chính vì lẽ này đã khẳng định rằng, đạo Phật không phải là đạo của người chết. Cho nên vấn đề được hộ niệm khi lâm chung cũng tùy duyên và tùy hoàn cảnh. Đọc lại sự hộ niệm lẫn nhau của đôi vợ chồng cha mẹ của Nakula(49) là một bài học lớn về nghĩa vợ chồng và tình bạn đạo mà ở đây là sự hỗ trợ cho nhau trong thời khắc lâm chung. Đức Phật đã tán thán sự hộ niệm cho chồng của bà mẹ Nakula: “Thật lợi ích thay cho ông, này gia chủ! Thật khéo lợi ích thay cho ông, này gia chủ, được nữ gia chủ, mẹ của Nakula với lòng từ mẫn, vì muốn hạnh phúc, đã giáo giới, đã khuyên dạy ông”(50). Và như vậy, từ cơ sở kinh điển đã cho thấy rằng, trong phút cuối của đời sống, được người xuất gia hay tại gia hộ niệm đều được Phật cho phép, và chỉ cần sự định hướng, an trú trong Chánh pháp đối với người đang hấp hối, là điều kiện cần trong căn bản tang lễ.
Về phương diện hình thức, tang nghi của một người đệ tử Phật chỉ nên tiến hành trong thanh sơ, giản tiện, không nên chú trọng hình thức rườm rà. Trong thời Đức Phật và theo văn hóa Ấn Độ, thì thường chú trọng hỏa táng (thiêu xác) hoặc lâm táng (đưa thi thể vào rừng). Ngoài ra, tùy theo các vùng miền văn hóa mà có các hình thức như mai táng (chôn cất), huyền táng (treo lơ lửng trong các hang động), điểu táng (cho chim và thú ăn), thủy táng (thả xuống nước). Phật giáo luôn dung dị trong cách thức xử lý thân tứ đại. Tuy yêu thương con ngập trời như Kisa Gotami, nhưng khi được Phật khai thị, biết rằng không thể cứu vãn đứa con đã chết, nên nàng đã đem đặt con nàng ở nghĩa địa(51) (lâm táng - đem bỏ thi thể trong rừng). Ngay như đại đệ tử Xá Lợi Phất, sau khi ngài nhập Niết-bàn tại làng Nalaka ở Magadhans, thì tang lễ của ngài cũng được tiến hành đơn giản bằng pháp thức hỏa táng và chỉ với vài người thân dự tang lễ, sau đó người em Cunda đã đem xá-lợi đựng trong bát và y về bạch với Đức Phật(52). Tuy chưa phải là tất cả, nhưng từ đây có thể thấy, tang lễ của những cư sĩ hay tu sĩ thời Phật không quá chú trọng vào hình thức lễ nghi.
Trong những trách vụ cơ bản của người cư sĩ là phải cúng tế các vị tiên linh, những người đã khuất, vì lẽ đó là sự thể hiện lòng biết ơn và là sự thể hiện tâm từ bi đối với những người quá vãng. Điều đó được xác tín qua lời huấn thị của Đức Phật: Này gia chủ, vị Thánh đệ tử với tài sản... thâu hoạch đúng pháp. Với tài sản ấy, vị ấy tổ chức năm loại lễ hiến cúng; hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho các vong linh quá khứ, hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên(53). Ở đây, trong năm loại hiến cúng đó, thì việc hiến cúng cho vong linh quá khứ bao gồm từ những người thân thuộc cho đến các loại ngạ quỷ, cô hồn. Bài kinh Ngoài bức tường(54) (Tirokudda Sutta) là một minh chứng về lễ hiến cúng cho các dạng chúng sanh đó.
Trong khi thực hiện các dạng thức tế tự, Đức Phật cũng lưu ý rằng không được giết hại chúng sanh để làm phẩm vật tế tự. Điều đó được thể hiện rất rõ ràng trong kinh Cứu la đàn đầu - Kutadanta: “Này Bà-la-môn, trong lễ tế đàn này, không có trâu bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có gà heo bị giết, không có các loại sinh vật nào khác vị sát thương, không có cây cối bị chặt để làm trụ cột tế lễ, không có loại cỏ dabbha (cỏ cát tường) bị cắt để rải xung quanh đàn tế. Và những người gia bộc hay... người đem tin, hay những người làm thuê không bị dọa nạt bởi hình phạt, không bị dọa nạt bởi sợ hãi và không làm việc trong than khóc với nước mắt tràn đầy mặt mày. Chúng muốn thì chúng làm, chúng làm những gì chúng muốn. Tế đàn nay được hoàn tất chỉ với dầu, sanh tô, thục tô, mật và đường miếng”(55). Trong kinh Tiểu bộ, Đức Phật cũng khẳng định không nên sát hại chúng sanh để cúng tế, vì lẽ cúng đồ ăn như vậy cho người chết không có lợi ích gì. Khi đã sát sanh, làm sao có lợi ích được?(56).Trong liên hệ thực tiễn kinh điển, có thể linh động về các phẩm vật hiến tế, nhưng căn bản phải dựa trên quan điểm không được phương hại hoặc gây đau khổ cho chúng sanh khi thực hiện các nghi thức tế tự.
Một số đề nghị bước đầu về nghi lễ Phật giáo
Mặc dù nhận thức về Phật học của người tại gia ngày nay khá vững vàng, đôi khi hơn hẳn cả người xuất gia, thế nhưng chưa thể ứng dụng những hiểu biết của mình vào thực tiễn đời sống, mà cụ thể là những nghi quy thiết thực mang tính nghi lễ của đời người. Nói rõ hơn, đôi khi tự nhận là Phật tử Việt Nam, thế nhưng những ứng xử nghi lễ quan trọng trong đời người phần lớn bị ảnh hưởng bởi màu sắc Nho gia, thể hiện qua những hướng dẫn mang tính khuôn mẫu từ Thọ mai gia lễ(57). Là Phật tử, thế nhưng ứng xử trong đời sống còn ảnh hưởng bởi đạo đức Nho gia thì chưa phải là Phật tử đúng nghĩa. Muốn vượt thoát khỏi ảnh hưởng của khuôn mẫu này, đòi hỏi phải có sự tổng hòa sức mạnh từ hai chúng đệ tử Phật: tu sĩ và cư sĩ.
Được xem là người hướng dẫn, là chỗ dựa tinh thần, định hướng quần chúng trong những nghi lễ căn bản của đời người, người xuất gia cần được trang bị những hiểu biết cơ bản về nghi lễ của Phật giáo, nhận thức đúng và đầy đủ về tầm quan trọng của nghi lễ trong công cuộc hoằng hóa nói chung. Ở một cách nhìn nào đó; vận dụng tốt nghi lễ là tiềm năng to lớn trong việc hướng người vào đạo. Một khóa lễ cầu an, một tang nghi cho người vừa khuất… là những tiền đề để hướng người thiện tâm quy ngưỡng Tam bảo. Kế đến, cần phải có một sự thống nhất trong đoàn thể Tăng-già về những lễ nghi căn bản của đời người. Từ trước đến nay, đã có nhiều tác phẩm về nghi lễ được trước tác, thế nhưng chưa có một sự thống nhất, ít nhất là những nghi quy căn bản trong một đời người. Trong cách hiểu mặc định, khi nói đến nghi lễ, thì thường ngầm hiểu là những nghi quy dành cho tang lễ, hoặc cầu phước, cầu an… đây là một thực tế đáng buồn về hiện trạng nghi lễ Phật giáo nói chung.
Thiết tưởng, việc xây dựng một bộ khung lễ nghi căn bản đời người không quá khó, nếu như Ban nghi lễ Trung ương tổ chức một cuộc hội thảo có chất lượng, lấy ý kiến chung nhất và tổ chức biên soạn. Thống nhất nghi quy được hiểu ở đây, chính là sự xác nhận những nghi lễ căn bản trong một đời người theo tiêu chuẩn Phật giáo. Từ cơ sở thống nhất chung này, mỗi hệ phái có thể uyển chuyển linh động theo điều kiện nghi lễ của hệ phái mình, để biến những nghi quy cơ bản đó thành lễ nghi cụ thể trong công cuộc hành đạo. Từ thực tế lịch sử Việt Nam, chỉ một danh Nho người Việt như Hồ Sĩ Tân, vẫn có thể định hướng nghi lễ cho cả tầng lớp bình dân vài trăm năm với tác phẩm Thọ mai gia lễ, thì không lý nào với một tập thể Phật giáo có lịch sử phát triển gần hai ngàn năm trên đất nước này, được tổ chức chặt chẽ như hiện nay, lại không thể xây dựng một nghi quy căn bản của đời người, để định hướng ứng dụng đạo đức cho hàng tại gia cư sĩ?
Với hàng cư sĩ nói chung, phải nỗ lực vượt thoát những ảnh hưởng của các chuẩn mực đạo đức không mang dấu ấn của Phật giáo. Cụ thể, phải từ bỏ những hủ tục, những thói quen được truyền lại từ thời trước trong nghi lễ đời người. Cần phải thấy rằng, sở dĩ còn phải vận dụng những nghi lễ mang tính tập tục đó, người cư sĩ chỉ mong mỏi có được một cuộc sống ổn định, hạnh phúc và bình an. Nghi lễ Phật giáo nói chung vẫn đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng đó của người cư sĩ, chỉ có điều người cư sĩ chưa được hướng dẫn, định hướng mà thôi.
Với nghi lễ đầu đời như lễ đầy tháng và thôi nôi của một đứa trẻ; thực chất đó là một nghi lễ mang ảnh hưởng từ tập tục thờ cúng các bà mụ trong tín ngưỡng cổ Trung Hoa(58). Thực ra đây chính là lễ tạ ơn những đối tượng tâm linh và mong mỏi con cái bình an, chóng lớn. Một niềm tin dựa trên những cơ sở không vững vàng nhưng được xem là truyền thống, nên được tiếp nối từ nhiều thế hệ. Người Phật tử cần chiêm nghiệm về lời dạy của Đức Phật về vấn đề ứng xử với tập tục, với truyền thống được Phật dạy trong kinh Tăng chi(59) để ứng xử cho phù hợp. Nếu như trong những dịp này, cũng là một hình thức tạ ơn và mong con hiền ngoan, chóng lớn, thì hàng cư sĩ có thể thực hiện theo nghi thức quy y gieo duyên như người thân của Vương tử Bồ Đề đã từng thực hiện. Có thể nói, các nghi lễ quan trọng của đời sống như quy y Tam bảo, cưới gả cho con, tế tự những người thân, cúng tạ thổ thần, trời đất…cũng nên tham chiếu vào những nghi quy được thiết định trong kinh điển để làm khuôn mẫu cho nghi lễ của một người tin Phật.
Đạo đức của một con người bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất. Tuân hành theo những chuẩn mực Phật dạy thể hiện qua nghi lễ đời người, là một trong những cách hoàn thiện đạo đức theo chuẩn tắc Phật giáo. Ẩn dụ một người trùm một tấm vải trắng được Phật dạy trong kinh Trung bộ, thì chỗ nào cũng được bao trùm bởi một màu trắng cả(60). Người cư sĩ học Phật, tin Phật thì không lý nào những ứng xử đạo đức, thể hiện qua những nghi quy dù nhỏ nhất của đời người, lại bị ảnh hưởng bởi những mặc ước của các tín ngưỡng, tôn giáo khác. Một hạt sạn trong giày tuy nhỏ, nhưng dẫu sao vẫn tốt hơn khi không có nó, nếu như bạn muốn khởi hành một chuyến đi xa.
Chú thích
(1) Kinh Trung bộ, kinh Hạnh con chó, số 57.
(2) Kinh Trung bộ, Đại kinh Malunkyaputta, số 64.
(3) Kinh Trung bộ, kinh Điều ngự địa, số 125.
(4) Kinh Tăng Chi, chương Mười pháp, phẩm Upali và Ananda, kinh Upali và giới bổn.
(5) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Đại bát Niết bàn, Tụng phẩm VI.
(6) Kinh Trung bộ, kinh Bồ đề vương tử, số 85.
(7) Kinh Tiểu bộ, kinh Phật tự thuyết, chương 2, phẩm Mucalinda, Ud 15
(8) Kinh Trung bộ, kinh Angulimala, số 86.
(9) Xem thêm, Phạm Thị Thúy, chủ biên, Thai giáo - Dạy con từ trong bụng mẹ, NXB. Phụ nữ, 2011.
(10) Tích truyện Pháp cú, phẩm XXII, Địa ngục, bản dịch của Viên Chiếu, truyện số 9.
(11) Kinh Tiểu bộ, kinh Phật thuyết như vậy, chương ba pháp, phẩm ba.
(12) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Giáo thọ thi ca la việt, số 31.
(13) Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Sức mạnh hữu học, kinh Dục vọng.
(14) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gia chủ, kinh Thích tử Mahanama.
(15) Kinh Tương ưng, tập V, thiên Đại phẩm, chương XI, Tương ưng dự lưu, phần b, phẩm Phước đức sung mãn, kinh Mahanama. Nguyên văn: Ai quy y Phật, này Mahānāma, quy y Pháp, quy y chúng Tăng. Cho đến như vậy, này Mahānāma, là người cư sĩ.
(16) Kinh Tương ưng, tập V, thiên Đại phẩm, chương XI, Tương ưng dự lưu, phần b, Phẩm Saranàni, kinh Sarakāni, hay Saranāni (1)
(17) Kinh Tương ưng, tập V, thiên Đại phẩm, chương XI, Tương ưng dự lưu, phần b, Phẩm Saranāni, kinh Mahanama 1.
(18) Kinh Tương ưng, tập V, thiên Đại phẩm, chương XI, Tương ưng dự lưu, phần b, Phẩm Saranāni, kinh Mahanama 2.
(19) Kinh Tương ưng, tập 1, chương XI, Tương ưng Sakka, phẩm thứ nhất, kinh Dhajaggam - đầu lá cờ.
(20) Kinh Tương ưng, tập V, thiên Đại phẩm, chương XI, Tương ưng dự lưu, phần b, Phẩm Phước đức sung mãn, kinh Mahanama.
(21) Kinh Tăng chi, chương Chín pháp, phẩm Tiếng rống con sư tử, kinh Velama.
(22) Kinh Tiểu bộ, tập 7, Chuyện Tiền thân Đức Phật, chương Mười, phẩm Mười kệ, chuyện Đại nhân hộ pháp (Tiền thân Dhamma - Pala), số 447.
(23) Kinh Tiểu bộ, tập 4, Chuyện Tiền thân Đức Phật, phẩm Kulavaka, chuyện Tổ chim con, số 31.
(24) Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Nam cư sĩ, kinh Không sợ hãi.
(25) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Đại bát niết bàn, số 16 tụng phẩm 1.
(26) Kinh Tương ưng, tập 1, chương XI, Tương ưng Sakka, phẩm thứ nhất, kinh Dhajaggam - đầu lá cờ.
(27) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, Đại phẩm, kinh Bhaddya.
(28) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nguồn sanh phước, kinh Xứng đôi.
(29) Kinh đã dẫn. Nguyên văn: cả hai người là đồng tín, đồng giới, đồng thí, đồng trí tuệ.
(30) Kinh Tiểu bộ, Trưởng lão Tăng kệ, chương Hai kệ, phẩm hai, Nanda, số 139.
(31) Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Sunana, kinh Uggaha - Người gia chủ.
(32) Kinh Tăng chi, chương Bảy pháp, phẩm Không tuyên bố, kinh Các người vợ.
(33) Tích truyện Pháp cú, Viên Chiếu dịch, phẩm 4, phẩm Hoa, Đám cưới của bà Tỳ xá khư.
(34) Kinh Tiểu bộ, tập 5, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Giới hạnh tốt lành, số 200.
(35) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Giáo thọ thi ca la việt. số 31. Nguyên văn: Này Gia chủ tử, có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương Tây: Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang cho vợ. Này Gia chủ tử, được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc.
(36) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Lớn, kinh A-tu-la Pahārāda.
(37) Kinh Tăng Chi, chương Hai pháp, phẩm Lạc.
(38) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gotami, kinh Dīghajanu, Người Koliya.
(39) Luật Tứ phần, quyển 1, Thích Đỗng Minh dịch - Thích Nguyên Chứng và Thích Đức Thắng hiệu đính và chú thích, NXB TP. HCM 2006, tr. 94.
(40) Kinh Tương ưng, tập 1, chương Ba, Tương ưng Kosala, kinh Tổ mẫu.
(41) Kinh đã dẫn.
(42) Kinh Tiểu bộ, tập 3, Trưởng lão Ni kệ, phẩm Mười, tập Mười kệ, Kisa Gotami
(43) Kinh Tiểu bộ, tập 1, Kinh Phật tự thuyết, chương Tám, phẩm Pataligmya.
(44) Kinh Trung bộ, tập 2, Kinh Ái sanh, số 87.
(45) Kinh Trung bộ, tập 3, Kinh Giáo giới Cấp Cô Độc, số 143.
(46) Chú giải kinh Tương ưng, phần Tương ưng chư Thiên, Kinh Sabbhisutta (S. i. 16f). Tìm lại từ, Tỳ-kheo Hộ pháp, Quy y Tam bảo.
(47) Kinh đã dẫn.
(48) Kinh Tương ưng, tập 4, thiên Sáu xứ, chương 1, Tương ưng sáu xứ, phần b, phẩm Bệnh, kinh Bệnh. Xem thêm: Kinh Tương ưng, tập 3, chương I, tương ưng uẩn, phần e, phẩm Trưởng lão, kinh Vakkali.
(49) Kinh Tăng chi, chương Sáu pháp, phẩm Cần phải nhớ, kinh Cha mẹ của Nakula.
(50) Kinh đã dẫn.
(51) Kinh Tiểu bộ, tập 3, Trưởng lão Ni kệ, phẩm Mười, tập Mười kệ, Kisa Gotami.
(52) Samyutt Nikaya: The grouped discourses, Satipatthana-Samyutta -The Four Frames of Reference (Foundations of Mindfulness) ; SN 47.13: Cunda Sutta - About Cunda. (Source:http://www.accesstoinsight.org).
(53) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Bốn nghiệp công đức.
(54) Kinh Tiểu bộ, Kinh Tiểu tụng - Khuddakapatha, kinh Ngoài bức tường.
(55) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Cứu la đàn đầu, số 5.
(56) Kinh Tiểu bộ, tập 4, chuyện Tiền thân Đức Phật, Chuyện ăn đồ cúng người chết, số 18.
(57) Thọ mai gia lễ do Hồ Sĩ Tân (1690-1760) soạn. Ông hiệu là Thọ Mai người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, đậu tiến sĩ năm 1721 (năm thứ 2 triều Bảo Thái), làm quan đến Hàn lâm Thị chế.
(58) Tục thờ cúng 12 bà mụ là tín ngưỡng người Việt tiếp thu từ Trung Hoa. Theo truyền thuyết, tục này có từ lâu đời và đã từng được giải nghĩa trong tác phẩm Phong thần diễn nghĩa. Theo truyện, Khương Tử Nha phụng chỉ Ngọc Đế phong cho ba vị tiên đào là Vân Tiêu, Quỳnh Tiêu và Bích Tiêu, môn đồ của Quy Linh Thánh Mẫu, nắm giữ “hỗn nguyên kim đẩu”. Đời người trước sau đều chuyển kiếp từ cái “kim đẩu” này. Vân Tiêu, Quỳnh Tiêu, Bích Tiêu gọi chung là “Tam Cô”, hay “Chú Sinh Nương Nương”. Chú Sinh Nương Nương còn gọi là Thụ Tử Thần (thần ban con), và có 12 bà chị (“thập nhị thư bà” hay “thập nhị bảo mẫu”, “thập nhị đình nữ”). Thập nhị thư bà với những tư thế khác nhau, tượng hình người phụ nữ bồng con, cầm tay con dắt, cho con bú v.v…
(59) Kinh Tăng chi, chương Hai pháp, phẩm Lớn, kinh Các vị ở Kesaputta.
(60) Kinh Trung bộ, tập 3, kinh Thân hành niệm, số 119.
Hoằng Quảng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét