Có câu: “Nhân quý tắc ngữ trì”, ý nói rằng, người sang quý thì lời nói thường chậm rãi, hơn nữa còn không dễ dàng tỏ thái độ, thận trọng từ lời nói đến việc làm.
Người ta vẫn thường cho rằng kẻ giỏi hùng biện mới là thông minh. Thường cho rằng một người có thể nói năng lưu loát trước đám đông thường là những người được mọi người yêu mến, cho dù có đi tới đâu cũng sẽ giống như cá gặp nước. Kỳ thực, bậc trí giả lại hiểu rằng, nói là một loại năng lực, còn im lặng là một loại trí huệ.
Người trí tuệ, đối với sự thay đổi không ngừng nghỉ của vạn sự vạn vật, đều giữ trong tâm một thái độ trầm tĩnh, độ lượng, như vậy mới có thể dung nạp được nhiều hơn, xử lý mọi chuyện dễ dàng hơn.
Im lặng đôi khi là lúc mà con người ta đang lao động trí óc. Nhờ đó mà có những kiệt tác, sự cao thượng, hiểu biết, trưởng thành, hồi tâm, giác ngộ… Văn hào W. Goethe từng nói: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”.
Trên mặt nước cho dù gió có thổi làm sóng trào dâng cuồn cuộn nhưng những dòng nước ở bên dưới sâu vẫn luôn duy trì tốc độ chảy chậm rãi, thong dong.
Làm người cũng như thế, gặp phải chuyện lo lắng, việc khó khăn thì đều phải bảo trì một tâm thái bình tĩnh và tường hòa.
“Động” và “tĩnh”, “nhanh” và “chậm” là thuộc về lý tương sinh tương khắc, trời đất cũng vì có chúng mà trở nên cân bằng. “Động” sẽ khiến tiêu vong xảy ra nhanh hơn, “tĩnh” mới có thể lâu dài, cho nên người xưa mới giảng rằng “tĩnh lặng mới có thể đi xa”.
Nhà văn Hải Minh Uy từng nói: “Nước sâu thì dòng chảy chậm, người tôn quý thì ăn nói từ tốn. Chúng ta chỉ mất 2 năm để học nói tuy nhiên phải dùng cả đời để học cách im lặng”. Hai năm học nói, cả đời học cách im lặng, chính là cho dù hiểu hay không cũng không nói nhiều. Nếu đã không có lời gì để nói thì đừng nói.
Tuân Tử từng dạy: “Im lặng, lắng nghe, ghi nhớ, hành động và khôn ngoan là 5 cung bậc khác nhau của trí tuệ”. Học cách im lặng cũng là một loại trí huệ vậy!
Những người tu luyện chuyên nghiệp thời cổ đại đều coi trọng tu khẩu, họ thường ngậm miệng không nói gì vì sợ nói ra sẽ tạo nghiệp và phải hoàn trả. Bậc Thánh nhân, quân vương xưa cũng là ít nói, “miệng vàng lời ngọc”. Lời Hoàng Thượng nói ra là Thánh chỉ, lời nói vô tình có thể khiến đầu của người dân thường rơi xuống, vận mệnh của một người bị đảo lộn.
Cho nên, bình thường, Hoàng Đế đều tự xưng mình là “Quả nhân”, “Cô gia” (có ý nhún mình, tự nhận mình là có ít đức tốt). Ngay cả những người có trí tuệ trong dân gian, người có tu dưỡng, nói chuyện cũng rất chú ý, sợ nói lời ác làm đả thương người khác, thất đức, tổn đức, khó có tiếng nói trong dân chúng.
Mọi thứ đang im lặng trong sự vận động của nó. Vạn vật đang vận động trong im lặng. Dù có nói nhiều bao nhiêu, có bàn cãi bằng mấy, có tô điểm vẽ vời ra sao, thì sự thật vẫn là sự thật – Đó là mọi thứ đều thay đổi theo tính vô thường.
Nước sâu thì dòng chảy chậm, người tôn quý thì ăn nói từ tốn. Muốn suy nghĩ điều gì muốn nói điều gì hãy giống như cổ nhân dạy “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, suy nghĩ kỹ rồi mới có thể đưa ra quyết định lời nào nên nói lời nào không.
Im lặng cũng là một loại bao dung, thật hay giả của sự việc hãy để thời gian là câu trả lời tốt nhất. Bởi vậy bạn chỉ cần cố gắng học cách làm người tốt, làm người lương thiện, học cách im lặng một cách thích hợp thì cuộc sống sẽ được thoải mái bình an.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét