Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) là một vị hoàng đế xuất sắc, có nhiều cống hiến giữ gìn và mở mang cương thổ, phát triển văn hóa, thúc đẩy phát triển Tam Giáo (Nho giáo – Phật giáo – Đạo giáo). Thời vua trị vì đã hai lần đánh tan quân đội của đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh. Vua Trần Nhân Tông còn là thiền sư đắc Đạo, là tổ sư của thiền phái Trúc Lâm. Ngài còn là một nhà văn hóa, thi sĩ với nhiều bài văn thơ tuyệt tác.
Khi nhà Trần mới thành lập cũng là lúc đế quốc Mông Cổ đang tung hoành đánh chiếm hầu hết châu Âu và châu Á, là nỗi kinh hoàng của các nước châu Âu. Từ nhóm các bộ lạc nhỏ trên thảo nguyên Trung Á, đế quốc Mông Cổ đã mở rộng bờ cõi trải dài từ Đông Âu đến biển Nhật Bản, bao gồm nhiều phần rộng lớn của Siberi ở phía Bắc và khuếch trương về phía nam đến Đông Nam Á, tiểu lục địa Ấn Độ, cao nguyên Iran, và Trung Đông. Người châu Âu vô cùng khiếp sợ phải thốt lên rằng: “Vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu, cỏ không mọc được chỗ ấy”. Người Đức thì run rẩy: “Chúa cứu vớt chúng con khỏi cơn thịnh nộ của Tác-ta – Mông Cổ”.
Vậy mà mảnh đất nhỏ bé Đại Việt ở phương Nam, cứ ngỡ giành được dễ như trở bàn tay, thế nhưng thật kỳ lạ, cả 3 lần xuất binh tiến đánh vào các năm 1257, 1285 và 1287, người Mông Cổ đều chuốc lấy bại vong. Thậm chí, trong cuộc chiến năm 1285, hoàng tử Thoát Hoan còn phải chui vào ống đồng bỏ trốn về nước.
Trong hai lần đại phá quân Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, vua Trần Nhân Tông là vị tổng chỉ huy, là người có công đầu, đã lãnh đạo quân dân, đoàn kết dân tộc, đích thân xông pha chiến trận, coi thường hiểm nguy, vượt qua quan ải tử sinh, động viên khích lệ tinh thần tướng sỹ, lập lên kỳ tích sự nghiệp Trùng Hưng (vua Trần Nhân Tông lấy niên hiệu Trùng Hưng) và trận Bạch Đằng chấn động càn khôn. Nhờ đó, uy danh Đại Việt vang xa bốn cõi, được Nguyễn Sưởng, một viên quan và là một nhà thơ thời Trần miêu tả trong bài thơ “Bạch Đằng giang” như sau:
Kinh quán sơn hà thảo mộc xuân,
Hải triều húng húng thạch lân tuân.
Thùy tri vạn cổ Trùng Hưng nghiệp,
Bán tại quan hà bán tại nhân.
Dịch nghĩa:
Mồ chôn quân thù cao như núi, cây cỏ xanh tươi,
Nước thuỷ triều ngoài biển ầm ầm, đá núi lởm chởm.
Mấy ai biết sự nghiệp muôn thuở đời Trùng Hưng,
Một nửa nhờ địa thế núi sông, một nửa do con người.
Dịch thơ (bản dịch của Đào Phương Bình):
Mồ thù như núi cỏ cây tươi,
Sóng biển gầm vang đá ngất trời.
Sự nghiệp Trùng Hưng ai dễ biết,
Nửa do sông núi nửa do người.
Sau khi cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi, Trần Nhân Tông cùng quần thần hành lễ bái yết tại Chiêu Lăng (Lăng vua Trần Thái Tông).
Ô Mã Nhi từng mang quân đến đào mồ mả, đập phá Chiêu Lăng. Hành động ấy của giặc vô cùng dã man, đã xúc phạm quốc thể và danh dự thiêng liêng đối với Trần Nhân Tông và hoàng tộc.
Sau chiến thắng Bạch Đằng, giặc Mông cổ bị quét sạch ra khỏi bờ cõi. Trần Nhân Tông và triều đình đã trọng thể tổ chức lễ hiến tiệp (dâng tù binh lên tổ tiên, báo tin mừng thắng trận). Trong đám tù binh Mông cổ có Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp và nhiều tướng lĩnh cao cấp khác, bị trói và giải đến theo đúng nghi lễ và phong tục.
Sử sách cũ cho biết, tại lễ hiến tiệp ở Chiêu Lăng năm ấy, chợt nhìn thấy chân ngựa đá (thạch mã) có vết bùn, vua Trần Nhân Tông đã ứng khẩu hai câu thơ tức cảnh bằng chữ Hán:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
Dịch thơ:
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng
“Lưỡng hồi” là hai phen, hai lượt, là chỉ cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288) của Đại Việt đánh thắng quân Mông Cổ xâm lược, đã làm nên chiến thắng Tây Kết, Vạn Kiếp, Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng, được thượng tướng thái sư Trần Quang Khải tóm lược trong trong bài thơ “Tụng giá hoàn kinh”:
Đoạt sóc Chương Dương độ,
Cầm hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san.
Dịch nghĩa:
Bến Chương Dương cướp giáo,
Cửa Hàm Tử bắt thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước cũ muôn thu.
Dịch thơ (bản dịch của Trần Trọng Kim):
Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn thu.
“Lao thạch mã” nghĩa là ngựa đá mệt nhọc vất vả. Chỉ với cách dùng từ này đã cho thấy tấm lòng từ bi khoan dung nhân hậu của vua Trần Nhân Tông. Ô Mã Nhi đào mồ phá lăng vua Trần Thái Tông, vết tích vẫn còn trên ngựa đá. Chiến thắng bắt được Ô Mã Nhi và các tướng tá khác, dẫn đến lăng làm lễ báo cáo chiến thắng với tổ tiên, không có hành động giết hại, trả thù để tế lễ như thường thấy trong các cuộc chiến tranh. Vua Trần Nhân Tông chỉ coi đó là ấn chứng cho hai phen khổ nạn của dân tộc, đến ngựa đá cũng phải chịu chung kiếp nạn.
Câu đầu “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã” thật dung dị nhẹ nhàng mà lại miêu tả đầy đủ hai kiếp nạn của dân tộc. Với vai trò người dẫn đầu dân tộc vượt qua hai kiếp nạn vô cùng khó khăn, nguy hiểm trùng trùng, lập lên chiến công chấn động lân bang, nhưng Ngài lại nhìn nó như một câu chuyện nhỏ đã qua, với tâm thái yên bình, tường hòa. Tả về chiến tranh nhưng lại mang tâm thái bình yên, tĩnh lặng của một thiền sư, của bậc chính nhân quân tử đầy nhân nghĩa, như mấy câu thơ trong “Thái căn đàm”:
Phong lai sơ trúc,
phong khứ nhi trúc bất lưu thanh.
Nhạn quá hàn đàm,
nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh.
Thị cố quân tử sự lai nhi tâm thỉ hiện
Sự khứ nhi tâm tùy không.
Dịch thơ (Thiền sư Nhất Hạnh dịch):
Gió qua lay trúc
Gió đi rồi nhưng không lưu luyến âm thanh
Nhạn lướt mặt hồ
Nhạn đi mà hồ không nắm bắt hình ảnh
Người quân tử cũng vậy
Việc xảy ra tâm mới tiếp xử
Việc qua rồi, tâm lại thảnh thơi.
Câu cuối “Sơn hà thiên cổ điện kim âu”, cùng với câu đầu thành vế đối hoàn chỉnh, đối ý, đối chữ, đối thanh. Và hơn hết, nó còn là quan hệ nhân quả. Câu đầu là nhân ‘hai cuộc chiến tranh” để có được kết quả như câu cuối “non nước thái bình ngàn năm”. Hai câu thơ cũng cho thấy tính chính nghĩa của hai cuộc chiến tranh là để ngăn chặn chiến tranh, để thiên hạ vui hưởng thái bình dài lâu.
Chỉ với hai câu thơ đã cho thấy tài thơ văn trác tuyệt và tấm lòng từ bi của vua Trần Nhân Tông. Sự nghiệp, thành tựu dựng nước và giữ nước, thành tựu trong tham thiền ngộ Đạo và Đạo hạnh của Ngài thật xứng danh hậu thế ca ngợi, tôn kính gọi Ngài là Phật Hoàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét