Ý NGHĨA VÀ NGUỒN GỐC NGÀY TẾT NGUYÊN TIÊU - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

Ý NGHĨA VÀ NGUỒN GỐC NGÀY TẾT NGUYÊN TIÊU

Ngày rằm tháng Giêng là ngày trăng tròn đầu tiên của một năm. Ngoài tên Tết Nguyên tiêu còn gọi là Nguyên Tịch; Nguyên Dạ, Tết Trạng Nguyên; Tết Đoàn Viên; Tết Hoa Đăng

Đàn Tràng Dược Sư Chùa Vinh Phúc, Quan Độ, Bắc Ninh (Rằm Tháng Giêng năm Mậu Tuất - 2018)
Ý NGHĨA VÀ NGUỒN GỐC NGÀY TẾT NGUYÊN TIÊU
 Thế là lại thêm một lần Tết. Lẽ đời đã biết được gì đâu.
Thời gian lừng lững đi mải miết. Một đời tha thiết chỉ bắt đầu
.”       
          Tết Nguyên Tiêu là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, cho nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng. Vì vậy có câu Thành ngữ “Lễ Phật quanh năm không bằng lễ rằm tháng Giêng” đã nói lên tầm quan trọng của hội rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt.
          Nhịp mùa xuân, tết nguyên tiêu giống như một vệ tinh. Mùa xuân là tầng đáy nơi chất đầy nguyên liệu tràn trề sức sống của càn khôn. Và Tết Nguyên tiêu giống như vô vàn các thành phố và thôn quê ở phương Đông đang nhấp nháy muôn vàn chiếc đèn lồng để đội vành nguyệt quế ánh sáng lên sức sống mùa xuân đó. Vệ tinh bùng ra một tiếng nổ mãnh liệt ở tầng một, bắn lên một vệt sáng thăng thiên lên tầng hai; tầng hai lấp lánh chói lòa tuôn ra những pháo hoa rụng xuống từ một tốc độ siêu phàm; Đó là hình ảnh toàn thể cho Tết nguyên tiêu diễn ra ngày rằm tháng giêng.
          Tết Nguyên Tiêu trở thành một sinh hoạt tao nhã mang nhiều ý nghĩa trong khung cảnh tuyệt vời thơ mộng. Trong ngày tết Nguyên Tiêu, ngoài ngắm đèn, ăn bánh trôi, còn có rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác như diễu hành, múa lân sư rồng…Rằm Tháng Giêng ở Việt Nam xa dần điển tích nguyên thủy của Trung Hoa mà nhập vào Phật giáo. Rằm tháng giêng không phải là một ngoại lệ, từ một ngày lễ hội xa lạ có nguồn gốc từ Trung Hoa đã biến đổi thành một ngày Tết mang bản sắc rất riêng của người dân Việt thấm nhuần Phật pháp.
          Vào ngày này, mọi nhà đều chuẩn bị làm lễ cúng rất tươm tất, chu đáo với mong muốn cầu một năm mới bình an, may mắn. Đây là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Tuy nhiên hiểu đúng về lễ cúng Rằm và ý nghĩa thực sự của nó thì không phải ai cũng biết.
          Ngày rằm tháng Giêng là ngày trăng tròn đầu tiên của một năm. Ngoài tên Tết Nguyên tiêu còn gọi là Nguyên Tịch; Nguyên Dạ, Tết Trạng Nguyên; Tết Đoàn Viên; Tết Hoa Đăng. Đây là ngày lễ lớn trong phong tục của người Việt Nam và Trung Quốc.
          Tết Nguyên Tiêu là đêm trăng sáng đầu tiên của một chu kỳ xuân mới, ánh trăng chiếu rạng khắp miền hạ giới sau một mùa đông dài tối tăm, lạnh lẽo. Theo các nhà phong thủy, đêm này âm dương giao hòa đầy vượng khí, càn khôn thịnh phát nhất tại cực điểm, cây trái thuận thời thi nhau trổi dậy đâm chồi nẩy lộc, vạn vật hóa sinh. Trăng Nguyên tiêu thanh bình, gió lành mơn man thổi nhẹ, không gian lãng đãng làm cho tâm hồn mọi người thêm phấn chấn trước những thay đổi của cảnh sắc mây trời, hương thơm của cỏ cây hoa trái lan tỏa khắp chốn nhân gian. Tết Nguyên Tiêu là men tố, là thời khắc gây nguồn cảm hứng thi ca bất tận. Vào dịp này, vua chúa có lệ ban lấy ngày Nguyên Tiêu là dịp để triệu tập các Trạng nguyên và những người đỗ đạt cao trong nước về kinh hội họp, đãi yến tiệc trong vườn Thượng Uyển. Tại đây, các ông Trạng cùng nhau xem hoa thưởng nguyệt, làm thơ xướng họa, ứng đáp câu đối, thổi sáo chơi đàn, ca ngợi tạo hóa và triều đại, bởi vậy nên về sau người ta gọi là Tết Trạng nguyên; một ngày tết dành riêng để tôn vinh việc học hành. Nước ta vào thời Lý - Trần, triều đình có tổ chức Tết Trạng nguyên; đặc biệt dưới thời vua Lê Thánh Tông, Tết Trạng nguyên được tổ chức một cách trọng thể ở kinh thành Thăng Long, khắp cả trong cung ngoài phố múa hát đàn ca tưng bừng, cờ hoa trang hoàng rực rỡ.
          Rằm tháng Giêng Tết Nguyên Tiêu cũng là ngày lễ lớn của người Việt, là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng mười).
          Về cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu, dân gian có nhiều giải thích. Nhiều tài liệu viết phong tục này bắt nguồn từ thời Tây Hán ở Trung Quốc với lễ hội rước đèn lồng long trọng. Thời ấy, các cung nữ sau Tết Nguyên Đán đến Tết Nguyên Tiêu đều nhớ nhà và nhớ cha mẹ, nhưng cung vua canh phòng cẩn mật không làm thế nào để ra gặp mặt cha mẹ được. Một cung nữ tên là Nguyên Tiêu cũng đã qua nhiều cái Tết mà không được đoàn tụ với gia đình, buồn cho số phận nên đã tìm đến một cái giếng để toan kết liễu cuộc đời. May thay, cô gái được Đông Phương Sóc, viên sủng thần của Hán Vũ Đế cứu sống. Để giúp cô cung nữ thỏa lòng nhớ thương cha mẹ, Đông Phương Sóc nghĩ ra một kế: Ông bày một bàn bói quẻ trên phố Tràng An, tất cả những người đến bói đều nhận được một quẻ ghi dòng chữ "mười sáu tháng giêng bị lửa thiêu". Sau đó, ông tiết lộ thêm: Tối ngày mười ba tháng giêng Ngọc Hoàng sẽ sai một tiên nữ áo đỏ giáng trần để hỏa thiêu Tràng An, mọi người muốn sống, hãy tâu lên nhà vua để tìm cách thoát nạn. Được tin thần hỏa sẽ đốt thành Tràng An, Hán Vũ Đế vội triệu mưu sĩ Đông Phương Sóc đến để bàn cách đối phó.
          Đông Phương Sóc giả vờ suy nghĩ một lúc rồi tâu với vua: Nghe nói thần lửa rất thích ăn bánh trôi, trong cung có Nguyên Tiêu khéo tay, có thể giao cho cô làm bánh đãi Hỏa Thần. Đồng thời ban lệnh cho dân chúng Tràng An đến ngày đó mỗi nhà phải treo trước cửa một chiếc đèn lồng đỏ để Ngọc Hoàng tưởng lầm thành Trường An dưới trần đang bị lửa thiêu. Để tặng công làm bánh dụ Hỏa Thần, nhà vua đã cho Nguyên Tiêu về đoàn tụ với gia đình, còn người đời ghi ơn "dẹp nạn lửa" của cô gái nên đặt cho chiếc bánh trôi và ngày rằm tháng giêng cái tên "Nguyên Tiêu". Họ quan niệm ngày Tết Nguyên Tiêu đồng nghĩa với "Tết đoàn viên" hay "Tết tình yêu".
          Ngoài ra, dân gian còn lưu truyền một sự tích Tết Nguyên Tiêu khác như sau: vào năm 180 trước Công nguyên, vua Hán Văn là nhà vua đời Tây Hán của Trung quốc được lên ngôi đúng vào ngày rằng tháng giêng. Để chúc mừng, nhà vua Hán Văn quyết định lấy ngày rằm tháng giêng là ngày hội Hoa Đăng. Hàng năm vào tối ngày rằm tháng giêng, nhà vùa đều ra khỏi cung để đi dạo cùng chung vui với người dân. Ngày hôm đó, nhà nào nhà nấy, trên khắp các ngả đường, thôn xóm đều treo đủ các loại đèn với muôn hình nghìn kiểu lồng đèn đẹp để mọi người thưởng thức. Đến năm 104 trước công nguyên, tết Nguyên Tiêu đã chính thức trở thành ngày tết lớn của nhà nước. Quyết định này, khiến quy mô của ngày tết Nguyên Tiêu được mở rộng hơn nữa. Theo quy định, ở những nơi công cộng và nhà nào nhà nấy đều phải chăng đèn kết hoa, nhất là những khu phố đông đúc và trung tâm văn hóa phải tổ chức hội Hoa Đăng, triển lảm Hoa Đăng rất long trọng; Già trẻ gái trai đi xem hoa Đăng, đoán câu đối trên Hoa đăng, múa đèn Rồng thâu đêm v,v, về sau năm nào cũng vậy, dần dần thành thói quen và truyền từ đời này sang đời khác. Theo ghi chép, năm 713 trước công nguyên, ở kinh thành Trường An trong đời nhà Đường đã làm “núi đèn” rất lớn cao khoảng 7 mét, với hơn 50 nghìn các loại đèn màu. Những đèn màu trong ngày tết Nguyên Tiêu, thường làm bằng giấy màu sặc sỡ, với đủ các tạo hình như non nước, các kiến trúc, các nhân vật, Hoa cỏ, chim muông vv, trong đó đèn ngựa bay là đặc sắc của người Trung Quốc. Đèn ngựa bay là một trò chơi, đã hơn một nghìn năm lịch sử. Trong đèn này có lắp một bánh xe, khi thắp chiếc nến trong đèn, thì nhiệt độ lên cao khiến cho bánh xe quay, qua đó đẩy con ngựa giấy trên bánh xe chạy. Bóng ngựa hiện lên chụp đèn, nhìn từ bên ngoài như thấy ngựa đang phi trông rất sống động.
          Tết Nguyên Tiêu còn có bánh trôi cũng là một tập tục lớn. Vào khoảng đời nhà Tống (năm 960 công nguyên cho đến năm 1279 công nguyên), khi ăn tết này, trong dân gian bắt đầu thịnh hành một loại thức ăn mới lạ. Nhân bằng các loại hoa quả, bên ngoài lấy bột gạo nếp gói thành từng viên tròn, rồi nấu chín, ăn thơm ngon, ngon miệng. Về sau gọi là “bánh trôi”. Bánh trôi phát triển đến tận ngày nay, phong vị bánh trôi của mỗi địa phương cũng không giống nhau.
          Tuy nhiên, cả hai câu chuyện trên chỉ là truyền thuyết, còn theo các học giả Trung Quốc thì Lễ hội đèn lồng xuất phát từ truyền thống sử dụng lửa để kỷ niêm ngày lễ hội và xua đi những điều không may của người dân nước này. Nhưng kể từ khi đạo Phật du nhập vào Trung Quốc vào thời Hán thì Lễ hội đèn lồng đã khoác lên mình những màu sắc tôn giáo khác nhau. Những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ Đức Phật, trong khi những người theo Đạo giáo khác thì dùng ngày này để kỷ niệm sinh nhật của Hoả thần.
          Tại Việt Nam, theo quan niệm của người Việt thì “đầu xuôi đuôi lọt”. Thời khắc đầu tiên trong năm là rất quan trọng. Vì vậy, ngày mùng Một tháng Giêng là Tết Nguyên đán, ngày Rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu…Còn Tết Nguyên tiêu ở Việt Nam lại bắt nguồn từ việc đồng áng của cư dân nông nghiệp lúa nước và văn hóa Phật giáo. Tối ngày 15/1 âm lịch là thời điểm người dân ra đồng, tập trung cỏ khô, lá khô, châm lửa tiêu hủy sâu bọ. "Lễ cúng Rằm tháng Giêng gắn liền với nền nông nghiệp nguyên thủy xa xưa của nước ta, là ngày bắt đầu làm việc trở lại. Điều này mang ý nghĩa thúc đẩy mọi người hăng say lao động, góp phần phát triển đất nước. 
          Theo quan niệm dân gian, vào ngày rằm tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu), các gia đình thường đi lễ chùa đồng thời làm lễ cúng Phật và gia tiên để cầu mong những điều tốt lành cho bản thân và gia đình trong năm mới. Vì vậy, trong ba tạng Thánh Điển, đức Phật lấy con người làm tiêu chuẩn để giải quyết. Cho nên, có thể nói rằng khi đề cập đến Phật giáo là đề cập đến con người qua quá khứ, hiện tại và vị lai. Phật giáo gần ba ngàn năm du nhập vào Việt Nam đã gắn kết các phong tục văn hóa của người Việt. Cho nên Rằm tháng giêng không phải là một ngoại lệ, từ một ngày lễ hội xa lạ có nguồn gốc từ Trung Hoa đã biến đổi thành một ngày Tết mang bản sắc rất riêng của người dân Việt thấm nhuần Phật pháp. Rằm tháng giêng là một trong 3 ngày rằm lớn trong năm người Việt đó là: (rằm tháng giêng, rằm tháng bảy và rằm tháng mười), đặc biệt là những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ đến đức Phật. Rằm tháng Giêng tuy không phải là lễ quan trọng của Phật giáo so với rằm tháng Tư (Phật đản) và rằm tháng Bảy (Vu lan) nhưng trùng hợp với lễ Thượng Nguyên và Tết Nguyên Đán trong dân gian, đồng thời ngày này là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng thường viếng chùa lễ Phật cầu gia đạo bình an, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an.
          Trọng tâm của hội rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho nhân dân và đất nước. Vì thế, ngày càng đông người đến chùa, lễ Phật, cầu nguyện trong hội rằm tháng Giêng là một tín hiệu tốt, thể hiện rõ nét tinh thần “Đạo pháp và Dân tộc”. Khi chùa chiền được tự do sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, được sửa chữa trùng tu to đẹp khang trang cùng với sự quan tâm khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống dân tộc của các cấp chính quyền và nhất là ý thức tìm về những giá trị sống của tổ tiên thông qua các lễ hội văn hóa của nhân dân được đánh thức, thì việc tham dự đông đảo các lễ hội như hội rằm tháng Giêng là điều bình thường. Khá nhiều chùa nhân dịp tết Nguyên Tiêu đã lập đàn Dược Sư, tụng kinh Dược Sư trong suốt tháng Giêng (hoặc từ mùng 8 đến rằm tháng Giêng), khuyến khích Phật tử tham gia tụng niệm rồi phục nguyện hồi hướng công đức an lành cho Phật tử. Thiết nghĩ, đây cũng là một cách tu tập, cầu nguyện có hiệu quả nhất để đem lại phúc báo an lành như mong cầu của mọi người trước thềm năm mới. Ngày nay, đêm Rằm tháng Giêng đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc, thấm đẫm chất nhân văn ở cả thành thị lẫn nông thôn, đâu đâu cũng treo đèn, kết hoa, ngâm thơ, bình thơ. 
          Ngày rằm tháng Giêng ở Việt Nam ngày càng xa dần điển tích nguyên thủy và sinh hoạt của Trung Hoa mà hòa nhập vào sinh hoạt Phật Giáo. Dù kinh điển Phật không nói đến ngày rằm tháng Giêng nhưng trong đại đa số dân chúng (truyền thống Tam Giáo: Phật, Khổng, Lão) thì đây là dịp lên chùa lạy Phật, ước nguyện điềm lành. Còn với Phật Tử thuần thành, ngày rằm đầu năm mới để lễ bái chư Phật, Bồ tát, cúng dường Tăng Ni, phóng sanh, làm những việc phước thiện nhằm cầu nguyện cho gia đình, cho cộng đồng tha nhân, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, chúng sanh an lạc. Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là để ước nguyên, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Về nơi cửa phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói hương, sắc màu của đèn hoa, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Khi đi lễ chùa, người Phật tử có thể ngồi trước bàn thờ Phật tụng một thời kinh Phổ Môn, hoặc kinh Dược Sư để cầu bình an cho gia đạo. Nếu không tụng kinh được thì có thể dâng hương và đọc bài ca tụng công đức của Đức Phật dưới đây để thể hiện tấm lòng thành tâm của mình tới đức Phật:
Phật thân rực rỡ tựa kim sáng
Thanh tịnh không gì thể sánh ngang
Vô Thượng Chí Tôn công đức mãn
Cúi đầu con lạy Phật Sơn Vương.
Phật đức bao la như đại dương
Bảo châu tàng chứa đủ bên trong
Trí tuệ vô biên vô lượng đức
Đại định uy linh giác vẹn toàn.
Phật tại chân như pháp giới tàng
Không sắc không hình chẳng bụi mang
Chúng sinh bái vọng muôn hình Phật
Bỗng thấy tai nàn tận hóa tan.
Nam mô Thâp phương Thường trụ Tam Bảo.
Bên cạnh đó người Việt xem lễ Rằm tháng Giêng như là Tết muộn bỏi nhiều lý do khác nhau: Do gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; nhưng ngày này tại miền bắc người dân còn thưởng thức hoa lê trắng của rừng sapa sau ngày mùng 8 tháng giêng, hoặc những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày Rằm tháng Giêng mới lên đường. Những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết, sau Tết đã khỏe mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp Tết Nguyên Đán, được ăn Tết bù... Vì vậy là lễ rằm tháng giêng rất quan trọng trong năm nên dịp này, nhiều người không tiếc tiền mua sắm đồ lễ, ai cũng mua thật nhiều vàng mã, vàng hương để đốt.
          Tục đốt vàng mã ở nước ta chịu ảnh hưởng từ văn hóa cuả người Trung Quốc, trong đạo Phật không dạy đốt vàng mã cho người đã khuất. Người Việt xưa nếu có đốt cũng chỉ ở chừng mực nhất định, người ta gọi là "làm phép", chứ không đốt bừa phứa, lãng phí như bây giờ. Tôi nghĩ việc này cần phải hạn chế".
          Hằng năm, cứ vào dịp đầu năm Âm Lịch, nhất là tuần lễ thứ hai trong tháng Giêng mà cao điểm là ngày Rằm, người Phật tử Việt Nam và Trung Hoa thường có lệ đi chùa dâng sớ cầu an cúng sao giải hạn. Vì là ngày Rằm đầu năm nên các chùa ở trong nước cũng như hải ngọai thường tổ chức lễ rất long trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của quần chúng nhân dân Phật tử. Hầu như chùa nào cũng có chương trình cầu an đầu năm. Tuy nhiên vẫn còn một số chùa nhận ghi danh Phật tử cúng sao giải hạn vào ngày Rằm tháng Giêng. Hiện nay có phong tục cúng sao “Giải hạn đầu năm” vào ngày mồng 8 tháng Giêng tại các chùa là do tự phát chứ trong kinh điển Phật giáo không có. Quan niệm “Đi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” là quan niệm riêng thuộc về văn hóa truyền thống của người Việt chứ không phải của đạo Phật.
          Phong tục cúng sao giải hạn đầu năm vào tháng Giêng có nguồn gốc từ Trung quốc. Phong tục này đã tồn tại lâu đời trong dân gian. Do người dân thường đến chùa cúng giải hạn đầu năm ngày càng nhiều nên khiến cho một số chùa đã mở dịch vụ đáp ứng nhu cầu này. Hiện nay, cứ đến mồng 8 tháng Giêng âm lịch, nhiều chùa mở cúng sao giải hạn đầu năm rất to, người dân tham gia đông như lễ hội. Tập tục cúng sao giải hạn vào nơi chốn già lam biến chốn thiền môn nghiêm tịnh thành nơi thờ cúng Thần Tiên, cầu hên xui may rủi cho con người và cũng thương thay cho những ai đặt lòng tin không đúng chỗ, trao phận mình cho người khác sử lý qua việc khấn sao xin giải trừ hạn xấu.

Đàn Tràng Dược Sư Chùa Vinh Phúc, Quan Độ, Bắc Ninh (Rằm Tháng Giêng năm Mậu Tuất - 2018)
          
Thật ra, lễ Rằm Tháng Giêng, còn gọi là lễ Thượng Nguyên là lễ hội dân gian ở Việt Nam, được du nhập từ nước láng giềng Trung Hoa phương Bắc. Gọi thượng nguyên là cách phân chia theo Âm lịch: thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), trung nguyên (Rằm tháng Bảy) và hạ nguyên (Rằm tháng Mười) của hệ thống lịch tính theo mặt trăng. Theo một số sách Trung Hoa, như Đường Thư Lịch Chí, quyển 18 thì có chín ngôi sao phát sáng trên trời. Có sách nói là bảy sao, rồi về sau có sách thêm vào hai sao đó là La Hầu và Kế Đô. Chín vì sao đó là Nhật Diệu, Nguyệt Diệu, Hỏa Diệu, Thủy Diệu, Mộc Diệu, Kim Diệu, Thổ Diệu, La Hầu và Kế Đô. Có sách thêm sao Thái Bạch nữa thành mười sao. Chín vì sao này hay còn gọi là Cửu Diệu là các sao phối trí theo các phương, sắp xếp theo mười hai chi và ngũ hành. Theo sách này cho rằng hàng năm mỗi tuổi âm lịch chịu ảnh hưởng của một vì sao gọi nôm na là sao chiếu mạng. Do đó có năm gặp sao tốt, có năm gặp sao xấu. Hai sao La Hầu và Kế Đô là sao xấu, là loại ám hư tinh vì hai sao này chẳng thấy được mặt trời. Đó là theo tập tục dân gian vốn có từ thời xa xưa mông muội, khi mà con người cảm thấy quá bé nhỏ trước thiên nhiên, bị đủ loại bệnh hoạn mà chưa tìm ra thuốc chữa, cho là vì các vị Thần trừng phạt, nên sợ sệt trước đủ mọi loại Thần mà họ có thể tưởng tượng ra được, từ thần Sấm, thần Sét, thần Cây Đa, cây Đề, thần Hổ, thần Rắn, thần Núi, thần Sông (Hà Bá) v.v… Nhưng căn cứ vào kinh sách liễu nghĩa của nhà Phật, theo lời Phật dạy trong Pháp Tứ Y : "y cứ theo kinh liễu nghĩa, chẳng y cứ theo kinh không liễu nghĩa", thì chúng tôi thấy không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho Phật tử cả. Tuy vậy, vẫn có một số ít chùa, ở những vùng địa dư còn chịu nhiều ảnh hưởng truyền thống tín ngưỡng dân gian đa thần, thì các vị tu sĩ Phật giáo cũng đành phải, gọi là tùy duyên hóa độ, tùy theo niềm tin của đa số quần chúng sơ cơ học đạo giải thoát, mà tổ chức các buổi lễ lạc, bên cạnh những nghi thức thuần túy Phật giáo, mục tiêu cũng vẫn là dùng phương tiện để hóa độ chúng sinh, từ từ chuyển tâm họ quay về bờ Giác. Ngoài ra, cũng có một số chùa ở chốn thị thành, mặc dầu biết việc cúng sao giải hạn là không phù hợp với chánh pháp nhưng vẫn duy trì, hoặc do nhu cầu phát triển chùa cần sự trợ giúp của thí chủ, hoặc vì lo ngại Phật tử sẽ đi nơi khác hay theo thầy bùa, thầy cúng mà tội nghiệp cho họ phải xa dần Phật đạo. Tại sao chúng tôi nói là không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho Phật tử cả. Bởi vì tất cả họa và phúc mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên. Bảy ngôi sao, chín ngôi sao hay mười ngôi sao nói ở trên là do chính con người đặt tên và vẽ cho mỗi ngôi sao mang một đặc tính, chứ đức Phật không hề nói. Ngài dạy chúng ta về nhân quả. Ngài dạy rằng không có quả nào từ trên trời rơi xuống, hoặc dưới đất hiện lên, mà đều do các hành động thông qua tâm, khẩu và ý của con người tạo ra. Con người tạo nhân tốt lành thì quả tốt lành nhất định đến. Thí dụ như chúng ta muốn có cam ngọt thì chúng ta phải chọn giống hay chiết cành từ cây cam ngọt, như cam canh chẳng hạn. Thêm vào đó chúng ta phải chăm sóc, bón phân, tưới nước đúng thời kỳ, thì thế nào chúng ta cũng sẽ hái được cam ngọt. Tương tự như vậy, mọi sự thành công hay thất bại trong đời của mỗi người không phải do ai ban phát cho, mà do những cái nhân chúng ta tạo nên từ trước, khi nhân duyên đầy đủ thì quả thành. Những nhân duyên xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ qủa tốt. Nhà Phật có câu “muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại”; Tuy nhiên, nhân quả không đơn thuần mà rất đa dạng, trùng trùng, chẳng phải chỉ do trực tiếp ở đời hiện tại mà lại có thể do ảnh hưởng từ nhiều đời trong quá khứ, ngoại trừ những người tu hành liễu đạo tới được trạng thái "Tâm Không" thì: "Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không" Chúng ta cầu xin quả tốt lành mà không chịu gieo nhân tốt lành, sợ hãi quả xấu, sợ hãi tai họa xảy đến, mà không dừng tay tạo nhân xấu, sự cầu xin ấy chỉ là việc hoang tưởng. Phật giáo dạy rằng bất luận việc gì xảy đến cho chúng ta, đều do một hay nhiều nguyên nhân, chứ không do ngẫu nhiên, thời vận hên xui hay số mạng an bài.
          Đối với Phật giáo, không có ngày nào xấu, mà cũng không có ngày nào tốt, mà cũng không có sao hạn xấu tốt. Nếu ta đi coi xăm, bói quẻ, coi sao, coi hạn, thầy nói ngày ấy tốt mà lại đi làm những chuyện không tốt lành, như ăn trộm, gây gỗ, đánh nhau, giết người, chắc chắn chúng ta sẽ bị pháp luật trừng trị và ngày tốt do ông thầy nói ấy trở thành ngày xấu ngay. Như vậy ngày tốt, ngày xấu không có cơ sở, chỉ là do con người bày ra mà thôi. Lại thí dụ có hai đạo quân giao tranh, đều chọn ngày tốt và giờ hoàng đạo ra quân, vậy mà chỉ có một bên thắng, và cả hai bên, dù thắng dù thua, cũng đều có tử sĩ và thương binh. Chọn ngày tốt mà làm việc giết người thì quả trổ ra sẽ có chết chóc là vậy. Đối với sự cúng sao giải hạn, nếu chỉ mua sắm lễ vật mang lên chùa để xin thầy cúng sao La Hầu, Kế Đô hay Thái Bạch gì đó để giải hạn xấu giùm thì nghịch lại lý Nhân Qủa. Nếu vị thầy cầu xin đức Thái Bạch Tinh Quân, đức La Hầu Tinh Quân, … tha tội, giải hạn xấu được thì những người giầu có cứ tạo ác rồi sau đó xin thầy cúng sao giải hạn cho tai qua nạn khỏi, cho khỏi bị tù tội, tạo nhân ác mà hưởng được quả thiện, thì toàn bộ nền đạo lý xây dựng trên quan điểm về lý Nhân Quả mà nhà Phật rao giảng phải sụp đổ sao?
          Cúng sao giải hạn mà các chùa thường làm lâu nay bây giờ nên tổ chức gọn lại theo chủ trương cầu an. Nếu cứ thực hiện việc cúng sao như hàng năm (lập đàn sao hội, cúng sao giải hạn...) thì không đúng theo tinh thần lời Phật dạy, không an mà trái lại làm cho Phật tử hoang mang, sợ hãi, bất an trong cuộc sống, không chánh kiến, xa rời giáo lý nhân quả. Giáo lý đức Phật dạy mình tạo nghiệp và cũng chính mình phải tự giải nghiệp, không nên mê tín, tin vào tà thuyết ngoại đạo, tha lực siêu nhiên... vì vậy Trong những buổi lễ cầu an như thế, không chỉ có đơn thuần là phần lễ mà chư tôn đức Tăng Ni còn có những  thời pháp thoại về ý nghĩa của việc cầu phước, đề tài nhân duyên, nhân quả và nghiệp báo cũng thường xuyên được diễn ra trong những buổi lễ cầu an cầu phúc đầu năm cho Phật tử một cách trang nghiêm và long trọng. Như vậy nhân dân Phật tử thấy rằng nghi thức lễ cầu an sẽ có lợi ích hơn nhiều so với cúng sao giải hạn. Bên cạnh đó, chư tôn đức Tăng Ni còn hướng dẫn quần chúng Phật tử phải "cầu an" bằng tấm lòng thực tế; như hướng dẫn giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, khó khăn hoạn nạn, thiếu thốn trong cuộc sống thông qua những phần quà động viên, sự chăm sóc chia sẻ về tài chính... Được như vậy, chắc chắn sẽ tăng trưởng phước đức, mọi tai ương, tật ách sẽ được tiêu trừ, tai qua nạn khỏi, gia đạo bình an, thân tâm an lạc, đó là những việc làm thực tế, đúng tinh thân nhân quả, thay vì chỉ có đến chùa cầu nguyện (tôn vinh cho chủ nghĩa cực đoan hình thức xin cho) xa rời Chánh pháp... Nếu được, những người yêu mến đạo Phật trong dịp đầu xuân nên phát tâm quy y Tam bảo, lễ Phật sám hối, tụng kinh trì chú, siêng năng học kinh đọc sách thánh hiền, công phu công quả vun bồi phước đức, làm lành lánh dữ, ấn tống kinh sách, phóng sanh, bố thí, cúng dường Tam bảo, giúp đỡ người nghèo, thương già giúp trẻ, ôn hòa nhẫn nhịn, siêng năng lao động và sản xuất trong cuộc sống, biết tin và biết sợ nhân quả, am tường và luôn thực hiện tốt những oai nghi tế hạnh, những bài học ban đầu dành cho người Phật tử tại gia. Tuyệt đối không nói những lời sai trái, hành vi trái với luân thường đạo lý. Đó chính là lời khuyên răn và hướng thiện con người. Chỉ khi làm việc thiện ta mới chuyển được nghiệp của mình, ngoài ra không có sự trợ giúp nào khác. Và “ Đừng có nghĩ rằng, vật chất có thể đổi được cái giải hạn của chúng ta. Mình chỉ biết lễ bái mà không biết cải thiện cá nhân, tu sửa đạo đức thì dù chúng ta có giải hạn bao nhiêu chăng nữa vẫn không tránh khỏi những điều không hay trong cuộc sống.
          Chùa là cõi thiêng, cõi thiêng thì phải thanh tịnh. Đến chùa dâng sao, chen lấn, xô đẩy, tụ tập huyên náo thì còn gì là thanh tịnh? Các cụ xưa đã dạy ‘Linh tại ngã, bất linh tại ngã’ tức là linh nghiệm hay không linh nghiệm đều ở bản thân mình. Dù chỉ 1 bát nước, 1 nén nhang thơm cũng là sự thành kính. Chủ yếu ta phải làm việc thiện, không tham - sân - si, tức là không động lòng trước những thứ không phải của mình, không gây khẩu nghiệp, thị phi, không làm điều ác…". Qua đó khuyên răn mọi người làm điều tốt đẹp, tích đức hành thiện, tạo nên sự đoàn kết, hòa thuận.            
          Đức Phật là vị đạo sư, Ngài không làm chuyện bất công là ban phước hoặc giáng họa cho ai, ngài đã dạy chúng ta rằng phải tạo nhân lành để hưởng quả tốt trong Nhân Thừa. Rồi Ngài dạy chúng ta con đường để thăng tiến trong năm Thừa của nhà Phật, (đó là: Nhân Thừa, Thiên Thừa, Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa và Bồ Tát Thừa) rồi đi tới giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.
          Quý thầy là người tu sĩ trong đạo Phật cũng là Trưởng Tử của Như Lai, hiển nhiên là phải nối tiếp bước chân của Đức Phật mà soi chiếu Ánh Đạo Vàng cho Phật tử, dạy Phật tử những điều Phật dạy trong kinh. Quý thầy tu sĩ Phật giáo không phải là những người môi giới giữa Thần Thánh và tín đồ như tu sĩ của một số tôn giáo khác, tự nhận là có thể cầu xin Thần Thánh ban ơn giáng họa được. Chúng ta cần dùng trí tuệ để hiểu rõ con đường Giải Thoát của nhà Phật.
          Trong kinh Phật Giáo Nguyên Thuỷ (kinh Trường Bộ) Đức Phật đã khuyên các thầy Tỳ Kheo, những người đã thọ dụng sự cúng dường của tín thí Phật tử, không nên thực hành những tà hạnh như: “chiêm tinh, chiêm tướng, đoán số mạng, xem địa lý, xem mặt trăng, mặt trời, các sao mọc lặn, sáng mờ, … sắp đặt ngày lành để đưa (rước) dâu hay rể về nhà, lựa ngày giờ tốt để hòa giải, lựa ngày giờ tốt để chia rẽ, lựa ngày giờ tốt để đòi nợ, lựa ngày giờ tốt để cho mượn hay tiêu tiền, dùng bùa chú để giúp người được may mắn, dùng bùa chú để khiến người bị rủi ro, dùng bùa chú để phá thai, dùng bùa chú làm cóng lưỡi, dùng bùa chú khiến quai hàm không cử động, dùng bùa chú khiến người phải bỏ tay xuống, dùng bùa chú khiến tai bị điếc, hỏi gương soi, hỏi phù đồng thiếu nữ, hỏi thiên thần để biết họa phước, …” Ngoài ra, cũng trong kinh Nguyên Thuỷ (GiảiThoát Kinh), Đức Phật đã dạy về giáo pháp của chư Phật. Ngài dạy rằng:
“Ai hành trì chánh Pháp
Là cúng dường Đức Phật
Bằng cách cao quí nhất
Trong các sự cúng dường…”
Pháp mà Ngài dạy có thể tóm lược trong ba điều, đã trở thành quen thuộc với mọi người Phật tử:
“Không làm các việc ác
Siêng làm các việc lành
Thanh tịnh hoá tâm ý…”
Như vậy, nếu mỗi Phật tử đều hành trì ba điều Đức Phật dạy kể trên thì giờ nào, ngày nào, tháng nào hay năm nào cũng đều là giờ hoàng đạo, là ngày tốt, tháng tốt và năm tốt cả; đâu cần phải đi nhờ thầy cúng sao giải hạn nữa. Và hành trì như thế mới là cách cúng dường cao quý nhất trong các cách cúng dường Đức Phật. “Phật giáo luôn đề cao chữ tâm, chữ thiện nên việc dâng hương cúng Phật là cốt yếu ở tâm thành và hướng thiện. Đã là Phật tử khi vào chùa lễ Phật nên hiểu qua nghi thức và giáo lý đạo Phật để hướng thiện, sống đẹp đạo tốt đời. Đây là việc nên làm của một người Phật tử chân chính”.

          Vì vậy, ngày rằm tháng giêng là 1 ngày trọng đại và vô cùng đặc sắc, theo truyền thống Phật giáo thì ngày rằm tháng giêng mang ý nghĩa rất lớn. Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam và truyền thống văn hóa này được tiếp nhận vào nước ta, trở nên sự hài hòa văn hóa giữa 2 bản sắc du nhập và bản địa. Nói đến Phật giáo là nói đến sức mạnh vô biên của tâm mình do con người đầy dũng cảm, Phật giáo đã dạy con người dám nhìn thẳng sự thật và nói thẳng sự thật. Có thể nói, rằm tháng giêng không chỉ mang tính đậm chất tín ngưỡng Phật giáo, mà đó còn là sự dung hòa giữa các bản sắc văn hóa bản địa và du nhập để trở thành 1 truyền thống lễ hội đặc sắc, trọng đại. Tin rằng, hiểu đúng ý nghĩa tốt đẹp ngày rằm tháng Giêng, mỗi người Phật tử sẽ khởi sự một năm an lạc bằng cách thực hiện những lời Phật dạy “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” để có 365 ngày vạn sự như ý!

Tác giả: Tỳ kheo Thích Thiện Hạnh (Đức Hạnh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner