Tục cây nêu ngày Tết mang một ý nghĩa hết sức cao đẹp, ngày nay tục này dường như bị người ta quên lãng, cây nêu ngày Tết.
Ý NGHĨA THIÊNG LIÊNG CÂY NÊU
TRONG NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Hình ảnh cây nêu được coi là một biểu tượng thiêng liêng nhất trong ngày Tết Nguyên đán ở Việt Nam mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc đối với mỗi người dân Việt. Nó gắn liền với một sự tích huyền thoại mang đậm tính nhân văn sâu sắc.
Từ bao đời nay, trong phong tục tín ngưỡng của người Việt Nam trong ngày Tết Nguyên đán và việc dựng cây nêu trước nhà đã trở thành một nét đẹp trong phong tục ngày Tết đối với con người, dân tộc Việt. Ngày nay, không còn nhiều làng quê Việt Nam giữ tục dựng cây nêu ngày Tết.
Lễ dựng cây nêu ngày Tết được tiến hành vào ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Công ông Táo lên trời. Cây nêu ngày Tết còn mang triết lý âm dương, được biết qua hai chữ Càn (Trời) và Khôn (Đất) nằm trong hình ảnh cái nón và cây gậy của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nó bao hàm sự thống nhất và tương trợ giữa Âm và Dương hay sự không tách rời giữa Động và Tĩnh…Trong phong tục dân gian Việt Nam thông thường cứ xem ngay đến 23 tháng chạp thì dựng nêu bởi đây là ngày Táo quân về trời từ ngày này cho tới đêm giao thừa vắng mặt Táo quân, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn vào nhà quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà.
Đặc biệt, cây nêu còn coi là cây vũ trụ nối liền Đất với Trời. Tán tròn bằng giấy đỏ tượng trưng cho Mặt Trời và ngọn nêu là nơi chim thần (sứ giả của Mặt Trời) đậu. Cuối năm (cuối mùa đông) mới trồng cây nêu để đầu năm ngọn nêu vươn lên đón ánh nắng xuân, sức sống xuân.
Trong các lễ hội, cây nêu là tiêu điểm tập trung, khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động khác đều dừng lại, tạo nên thế cân bình tuyệt đối trong sự vận hành giữa năm cũ và năm mới. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của năm cũ. Vì vậy cây nêu thường là cây tre dài khoảng 5 - 6 mét, được dựng trước sân nhà. Trên ngọn nêu có buộc nhiều thứ (tùy từng địa phương) như cái túi nhỏ đựng trầu cau, bánh kẹo...và ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ. Khi có giỏ thổi chúng chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng như tiếng phong linh, rất vui tai. Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu…Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để Tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không mạy. Vì đêm 30 Tết tối đen như mực, dân gian ví đêm 30 uy lực như “ông hổ” nên gọi là “ông ba mươi”. Thời điểm chuyển tiết giữa năm cũ và năm mới được huyền thoại hóa như quan niệm âm dương giao hòa, phối ngẫu đất trời để từ trong cái chết cũ nảy sinh sự sống. Cùng với cúng tổ tiên ở bàn thờ trong nhà thì nhà nhà bày một mâm cỗ ở ngoài sân cúng đón Ông Công, Ông Táo về lại.
Tết là sự đón mừng năm mới mừng cái mới và hy vọng cái mới nhưng Nguyên Đán lại là ngày đổi mới quan trọng nhất vì là đầu năm mới. Sau 3 ngày Tết người ta làm lễ tiễn tổ tiên từ dương trần người đang sống trở lại chốn âm phần. Từ phút giao thừa sự sống hồi sinh và sau 7 ngày thì được coi là hoàn toàn phục hồi. Và mùng 7 Tết là khai hạ, hạ nêu coi như Tết kết thúc.
Triết lý Tết cổ truyền là cái nhìn tâm linh huyền thoại mang màu sắc biểu tượng. Ngày ấy, không biết từ bao giờ Sự tích cây nêu Việt Nam là một huyền thoại cổ đã được Phật hóa, trên cành tre treo áo cà sa của đức Phật để xua đuổi bầy quỷ (tượng trưng cho thế lực hắc ám, cho bóng tối) lợi dụng lúc cuối năm vô chủ thần linh đã tiến vào đất liền tranh giành lãnh thổ với con người. Việc người xưa dùng vôi trắng (tượng trưng cho ánh sáng) vẽ cung tên trên sân nhà hướng về phía Đông cũng xuất phát từ ý nghĩa là xua tan đêm tối. Và mặt trời đi ngủ nên phải dựng cây nêu đón ánh mặt trời để mặt trời có chỗ đậu. Sự tích phong tục dựng cây nêu trong dân gian Việt Nam được truyền lại rằng: “Ngày xưa Quỷ chiếm toàn bộ đất nước, Người chỉ làm thuê, và nộp phần lớn lúa thu hoạch cho Quỷ. Quỷ ngày càng bóc lột Người quá tay, và cuối cùng Quỷ tự cho mình hưởng quyền "ăn ngọn cho gốc". Người chỉ được hưởng rạ, tuyệt đường sinh nhai nên cầu cứu Đức Phật giúp đỡ. Phật bảo Người đừng trồng lúa mà trồng các loại khoai. Mùa thu hoạch ấy, Người được hưởng không biết bao nhiêu củ khoai, còn Quỷ chỉ hưởng lá và dây khoai, đúng theo phương thức 'ăn ngọn cho gốc'.
Sang mùa khác, Quỷ lại chuyển qua phương thức "ăn gốc cho ngọn". Phật bảo Người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả Quỷ lại không ăn được. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng quỷ tuyên bố "ăn cả gốc lẫn ngọn". Phật trao cho Người giống cây ngô (bắp) để gieo khắp nơi. Quỷ lại không được gì, còn Người thì thu hoạch cơ man là trái ngô. Cuối cùng Quỷ nhất định bắt Người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho làm rẽ nữa. Phật dạy với người điều đình với Quỷ, xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Khi đó Phật dùng phép thuật để bóng chiếc áo cà sa đó che phủ toàn bộ đất đai khiến Quỷ mất đất phải chạy ra biển Đông. Vì mất đất sống nên Quỷ huy động quân vào cướp lại. Trận đánh này bên Quỷ bị thua sau khi bị bên người tấn công một cách kịch liệt, lá dứa, tỏi, vôi bột... và Quỷ lại bị Phật đày ra biển Đông. Trước khi đi, Quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật thương hại nên hứa cho. Do đó, hàng năm, theo phong tuc cứ vào dịp Tết Nguyên đán là những ngày quỷ vào thăm đất liền thì người ta theo tục cũ trồng cây nêu để quỷ không bén mảng đến chỗ người cư ngụ. Trên nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn quỷ nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa... để cho quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để cấm cửa Quỷ”. Cây nêu đã trở thành biểu tượng của sự đấu tranh giữa cái thiện và ác, giữa thiên thần và quỷ dữ, nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho con người. Ngày Tết thần linh về trời, con người cần có những "bửu bối" của thần nhằm đề phòng cảnh giác, chống lại sự xâm nhập của ác quỷ.
Trong truyện cổ tích “Cây nêu ngày Tết” còn chứa đựng một triết lý đạo Phật cao thượng mà Đức Phật đã khuyên dạy loài người. Đó là lòng từ bi, lấy ân trả oán. Hay nói cụ thể hơn là lòng khoan dung, độ lượng. Một khi đối phương đã thất bại, biết đầu hàng thì hãy mở cho họ một con đường sống, hãy khoan thứ cho họ và đừng dồn họ vào bước đường cùng. Có như thế thì cuộc sống mới không có ân oán chồng chất, con người luôn biết yêu thương, tha thứ mọi lỗi lầm cho nhau.
Đến tận ngày nay, hình ảnh của những chiếc bánh chưng xanh, câu đối đỏ, dưa hành và cây nêu ngày tết đã trở thành những phong tục không thể thiếu mỗi dịp tết cổ truyền của dân tộc. Tuy việc thờ cây nêu mang dấu ấn của Phật giáo nhưng chúng ta cũng có thể thấy đây là một nét phong tục riêng biệt chỉ có ở Việt Nam, những nước trong khu vực cũng có tín ngưỡng phật giáo nhưng lại không hề xuất hiện phong tục này. Do đó ta cũng có thể khẳng định đây là một tập tục được hình thành từ đời sống tín ngưỡng và truyền thống văn hóa đầy độc đáo của con người Việt Nam.
Từ đó trải hàng ngàn năm qua mỗi năm khi Tết đến; mỗi gia đình người Việt và một số dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; lại trồng một cây nêu cho đến tận bây giờ. Hình ảnh cây nêu cũng như chiếc bánh chưng; bánh dầy đã cùng lịch sử văn hoá thăng trầm trải hàng thiên niên kỷ và đi vào hồn người dân nước Việt. Truyền thuyết về cây nêu mang dấu ấn của Phật giáo nhưng chúng ta có thể nhận thấy không hề có một nền văn hoá ảnh hưởng Phật giáo nào của các dân tộc khác trên thế giới có cây nêu ngoài Việt Nam. Vì vậy, có thể khẳng định rằng: Cây nêu là di sản văn hoá phi vật thể đặc thù của riêng văn hoá Việt và có cội nguồn thuần Việt. Từ đó có thể nói rằng: Hình ảnh Đức Phật chỉ là sự chuyển hoá của một vị thánh nhân Lạc Việt, sau hàng ngàn năm thăng trầm của lịch sử. Nhưng cũng có thể nói rằng: Chính hình ảnh chiếc áo cà sa của Đức Phật từ bi phủ lên cây nêu cũng là một hình tượng rất độc đáo thể hiện sự che chở bảo vệ nền văn hoá Việt của Phật pháp khi lịch sử Việt ở lúc thăng trầm bi tráng. Cùng với hình tượng “Hạc và Rùa”; tục ăn trầu; bánh chưng bánh dầy…Sự phổ biến của tục trồng nêu trong văn hoá Việt đã chứng tỏ đây là một biểu tượng được lựa chọn có ý thức cho một giá trị minh triết độc đáo của nó.
Về hình tượng cây nêu mà người viết biết được thì có ba hình tượng còn đến bây giờ. Cả ba hình tượng này đều dùng một thân cây tre trồng thẳng trên mặt đất sự khác nhau của hình tượng là phần phía trên cây nêu. Đó là:
Thứ nhất, cây nêu là một thân tre nhỏ, trên thân tre có một vòng tròn được làm bằng tre, đây là cây nêu cổ xưa và xuất hiện sớm nhất. Phía trên ngọn tre là một vòng tròn cũng làm bằng tre; nhỏ bằng cái nia; với 2; 3 hoăc 4 thanh tre buộc ngang qua tâm tạo thành hình 4; 6 hoặc 8 điểm trên vòng tròn. Ở những điểm này; người ta treo nhiều hình tượng; đôi đũa; giải bùa tua; giỏ tre …Còn một hình tượng nữa là phía trên ngọn tre treo một hình vuông hoặc chữ nhật. Hình chữ nhật này được làm bằng bốn thanh tre sổ xuống và năm thanh tre ngang. Bốn thanh tre buông thẳng xuống tượng cho bốn phương; năm thanh ngang tượng cho Ngũ hành. Đây cũng là một loại bùa trừ tà trong Đạo giáo biến thể về sau này.
Thứ hai, hình tượng cây nêu cũng là một thân tre nhỏ nhưng trên thân tre sẽ được mọi người treo thêm một hình vuông hoặc một hình chữ nhật, người ta cũng treo một đôi đũa trời tượng cho Âm Dương; một giỏ tre trong đó có một túi gạo muối được gói trong vải hoặc giấy điều; là hai vật thiết yếu cho đời sống con người và cũng tượng cho sự phú túc. Trong giỏ còn có 12 lá trầu tượng cho 12 tháng, năm nào nhuận thì có 13 lá. Khi hạ nêu vào ngày mùng 7 tháng Giêng những lá trầu được lần lượt lấy ra khỏi giỏ tre. Lá thứ nhất là tháng Giêng, lá thứ hai là tháng 2,…cho đến hết 12 lá. Người ta cho rằng: Lá nào héo là tháng đó trong năm không tốt. Trong giỏ tre còn được bỏ một đòn bánh Tét cũng tượng cho sự phú túc.
Thứ ba, hình thức cuối cùng cây nêu là cây tre nhưng không treo gì trên ngọn cây nêu mà trên thân cây xe được trang trí những giấy màu để trang trí. Như vậy, với những hình tượng cây nêu còn lưu lại có những khác biệt đã cho thấy dấu ấn của những thăng trầm trong lịch sử Việt. Nhưng dù là có sự khác biệt về chi tiết thì bản thân sự phổ biến của cây nêu trong văn hoá Việt; đã chứng tỏ sự lựa chọn có ý thức của tổ tiên cho một biểu tượng văn hoá. Cho nên cây nêu là một hình tượng minh triết của cha ông truyền lại cho đời sau.
Vậy chúng ta hãy suy nghiệm chỉ có một trong hai hình tượng cây nêu có tán phía trên hoặc cả hai đều có sự xuất xứ nguyên thuỷ chứa đựng ý nghĩa minh triết. Nếu không phải cả hai cùng xuất hiện đồng thời thì cây nêu có vòng tròn phía trên có xuất xứ nguyên thuỷ hơn. Hình tượng cây nêu này gần như hoàn toàn trùng khớp với hình tượng một tôn giáo được hình thành trong văn minh Lạc Việt đó chính là chiếc nón và cây gậy của ngài Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung tạo nên vương quốc tâm linh đầy huyễn ảo. Với hình tượng thân cây tre vút cao vươn thẳng lên trời xanh, xuyên tâm vòng tròn phía trên cây tre là hình tượng của sự thăng hoa tư tưởng đạt tới sự viên mãn và trở về với bản thể nguyên thuỷ của vũ trụ tức là “Mẹ tròn” là sự khởi nguyên của vũ trụ. Hình tượng rất minh triết này gần gũi với quan niệm của Phật Giáo là sự giải thoát và trở về với bản tính chân như. Với cây Nêu mà người viết cho rằng là nguyên thuỷ này thể hiện một sự nhận thức sâu sắc bản tính và sự giải thoát, có lẽ đã ra đời trong thời cực thịnh của nền văn hiến Lạc Việt một thời huy hoàng ở miền nam sông Dương Tử.
Cây nêu với hình tượng “bốn phương, Ngũ hành” có thể xuất hiện sau khi Đạo giáo của Ngài Chử Đồng Tử khi bị biến thể trở thành một môn tu luyện với bùa phép huyền bí, nhằm thoả mãn những nhu cầu của đời sống con người nhằm trừ bệnh tật đem lại sự phú túc bình yên. Đó là lý do để chúng ta nghỉ rằng: Cây nêu với hình tượng “bốn phương, Ngũ hoành” có sau. Còn hình tượng cây Nêu chỉ có một thân tre thẳng đứng; vì tính tương tự phổ biến của loại hình này trong đời sống thường ngày một cột mốc ruộng, chiếc cột đèn…vì vậy đây chỉ là dấu ấn còn lại trong ký ức của người Việt về cây nêu nhằm giữ lại di sản văn hoá tâm linh của tổ tiên nhiều hơn là một biểu tượng minh triết nguyên thuỷ của nó. Với hình tượng cây nêu đã trình bày ở trên đã cho thấy một hình tượng được lựa chọn có ý thức làm biểu tượng cho sự minh triết Lạc Việt từ một cội nguồn văn hiến của nước Văn Lang dưới thời các vua Hùng dựng nước. Sự vươn lên đạt tới chân tính hoà nhập với thiên nhiên trong sự an nhiên tự tại và tình yêu con người. Đây chính là thông điệp của tổ tiên truyền lại từ hàng ngàn năm trước cho đời sau có hình tượng của một giá trị minh triết Việt. Chỉ có cây tre đơn sơ và rất phổ biến trong đời sống của người Việt; tổ tiên đã gửi lại đời sau sự nhắn nhủ của cội nguồn lịch sử gần 5000 năm văn hiến. Trải bao thăng trầm bi tráng trong lịch sử giống nòi hình ảnh cây nêu vẫn còn trong tâm tưởng của người Việt như một sự kết nối với cội nguồn một thời oanh liệt vàng son và đầy tính nhân bản.
Tục trồng nêu ngày Tết không chỉ ở dân tộc Kinh mà còn rải rác một số dân tộc khác trên đất Việt hiện nay. Điều này đã chứng tỏ tục trồng nêu đã có từ rất xa xưa trong truyền thống văn hoá Việt qua tính phổ biến của nó trong các dân tộc anh em. Qua sự thay đổi của hình thức cây nêu cho thấy được lịch sử phát triển của văn hóa, tập tục của con người Việt Nam. Đó là sự phát triển có ý thức và có sự điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa của từng thời đại. Đến nay, việc thờ cây nêu ngày Tết phổ biến nhất là ở những vùng quê, người dân thành thị vì có sự hạn chế về diện tích nhà mà đã giản lược đi phong tục này. Tuy nhiên, hình ảnh của những cây nêu ngày Tết đã đi sâu vào tiềm thức văn hóa của mỗi người Việt Nam.
Tết ngày xưa là phải có đủ những vật trên thì mới gọi là Tết. Thiếu một trong những thứ này, hẳn là Tết xưa sẽ thiếu ý nghĩa. Thế nhưng, hầu hết những sự vật này đối với con cháu ngày nay, họ đều không có gì phải quan tâm. Chính phương tiện khoa học và lối sống hưởng thụ tăng trưởng đã cho người ta tôn sùng vật chất nên mọi giá trị xưa, những phong tục xưa được nhét vào đâu đó, đôi khi lại còn cho đó là mê tín. Ngày ngày người ta cứ quẳng vào trong thùng rác những cái ngày xưa cho là giá trị hiển nhiên mà chẳng thương tiếc.
Xưa nay, chịu ảnh hưởng của khoa học thực chứng, chúng ta đã dùng một hệ quy chiếu vô Thần để tìm hiểu một thế giới quan vốn rất tin có Thần của cha ông xưa. Có cả một ngành khoa học dành để nghiên cứu Văn hóa dân gian.
Trong câu chuyện “Sự tích cây nêu ngày Tết” nói trên, dân gian đã hé mở cho ta những điều mà ta cho là hoang tưởng: Con người luôn sống trong sự khống chế của ma quỷ và sự bảo hộ che chở, giúp đỡ của Thần Phật. Cái Thiện và cái Ác luôn tồn tại như bóng với hình. Có Quỷ thì cũng có Phật. Có mưu mô lừa lọc để đoạt tranh danh lợi thì cũng có những giải pháp đầy trí huệ để khống chế, để giải trừ. Quỷ ở đây muốn dành lợi cho mình, bất chấp sinh mạng sống chết của dân. Còn Phật không trực tiếp những đã cung cấp trí tuệ cho người để được hưởng những gì đáng được hưởng. Cuộc vật lộn Thiện – Ác là trường kỳ. Hai nhân tố này là đặc định của không gian Tam giới vốn tương sinh tương khắc. Cái Thiện chỉ chiến thắng khi con người sống đường đường chính chính và tin vào Thần Phật, luôn chính niệm chính hành. Những phép thần thông kỳ lạ của Phật chính là những năng lực, Pháp lực vô tỷ ở thế giới Phật. Nó không hiển hiện ở không gian cõi Mê của con người nên ta gọi đó là trí tưởng tượng ngây thơ chất phác của người xưa. Có thể tham khảo điều này qua phép thuật của Tế Công – một hòa thượng ở Trung Quốc thời Nam Tống. Truyện cổ lưu truyền qua các thời đại. Hiện tượng “tam sao thất bản” là điều thường thấy. Theo tôi, đây không phải là ngẫu nhiên. Chi tiết có thể là yếu tố không làm cho yếu tố Phật Gia bị bóp méo.
Qua câu chuyện này nhiều người cho đó là hủ tục, mê tín dị đoan. Hãy khoan! Chúng ta đừng vội quy kết, mà hãy nhìn sâu vào từng chi tiết bên trong câu chuyện để thấy được tính nhân văn, nhân đạo của nó mà cảm nhận được ý nghĩa cao quý của việc trồng cây nêu ngày Tết như thế nào. Trước hết, cây tre là biểu trưng cho tính chất, bản sắc riêng của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Tre là thể hiện cương nhu phối triển! Tre có thể uốn cong trước gió. Gió bão cực mạnh cũng không làm tre đổ hay bật rễ. Cây tre cũng có thể chẻ mỏng để làm các vật dụng đồng thời có thể dùng để làm khiêng, chống đỡ nhà cửa... Trồng tre vào đầu năm mới để khẳng định tinh thần Việt Nam và trồng tre trước cửa nhà trong bảy ngày đầu năm còn là đánh dấu những ngày vui, hạnh phúc nhất trong năm, những may mắn mới với ước mong nhiều đổi mới hơn, nhiều thành đạt hơn. Không những thế, trên cây nêu, ông cha ta còn treo đèn lòng vào buổi tối với ý nghĩa để soi đường cho hương linh ông bà tổ tiên thấy đường về nhà đón tết cùng con cháu. Đây cũng nói lên ý nghĩa cao quý của dân tộc Việt qua tinh thần hiếu đạo, tưởng nhớ ông bà tổ tiên như thế nào.
Câu chuyện này cho thấy tinh thần nhập thế độ đời của đạo Phật, đức Phật xuất hiện một cách gần gũi trong đời sống của con người, nhất là người nông dân chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà thành quả lao động vẫn còn trong chờ vào trời đất. Đức Phật không những chỉ dạy cho con người về nếp sống đạo đức nhân tâm mà còn dạy con người biết nghề trồng trọt, chăn nuôi hợp thời, hợp thổ nhưỡng. Từ đó hàng năm con người dựng cây nêu treo vật lên cao để ngụ ý làm quỷ nhớ lại giao ước với con người đồng thời treo thêm một vài vật phẩm nhằm ân huệ cho quỷ có vật phẩm mà sống và chứng minh sự giao hảo của con người. Lễ thượng nêu muộn nhất phải được cử hành vào ngày 30 tháng chạp âm lịch, cùng ngày với lễ cúng tất niên tiếp đón những vong linh người quá cố trở về ăn Tết với gia đình. Cây nêu được trồng ngay trước cửa nhà từ ngày đó cho đến ngày mồng 7 Tết là hạ nêu.
Trong sự tích này còn có một triết lý rất nhân đạo đó là lòng bao dung độ lượng. Khi đối phương đã thất bại, đã đầu hàng thì phải mở cho họ một con đường sống, hãy mở rộng lòng thương mà khoan dung, tha thứ cho họ, đừng dồn họ vào con đường cùng, bế tắc. Tính cách này đã được thể hiện trong huyết mạch của lòng người dân Việt. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước tinh thần này đã được thể hiện qua các triều đại của những vị Vua anh minh đã làm cho kẻ thù phải khấu phục, chuyển thù thành bạn. Sự tích này cũng không vượt ra ngoài các đạo thuyết của Phật giáo và Lão giáo, cho rằng ngày Tết phải cắm nêu trước nhà để xua đuổi ma quỷ. Cây nêu trở thành một biểu tượng bảo vệ sự bình yên của con người trong những ngày thánh thần về trời, còn con người vui chơi giải trí.
Tóm lại, tục cây nêu ngày Tết mang một ý nghĩa hết sức cao đẹp, ngày nay tục này dường như bị người ta quên lãng, cây nêu ngày Tết. Trong thời đại hội nhập ngày nay, bên cạnh hội nhập những yếu tố văn hóa mới thì chúng ta cũng cần bảo lưu, giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Trong đó có tập tục thờ cây nêu ngày tết. Trước đây, người dân dựng cây nêu với ý nghĩa tâm linh nhưng ngày nay, các gia đình đa phần dựng nêu chỉ để cho đẹp chứ không hiểu gì về ý nghĩa của nó. Do đó, tục dựng cây nêu cũng mai một dần trong cộng đồng người Việt thời hiện đại. Chỉ còn trong tiềm thức của những người dân Việt trong thời hiện đại mà thôi. Quả thật đây là một mất mát không nhỏ trong văn hoá của người Việt, là một thiệt thòi lớn cho thế hệ con cháu hôm nay và mai sau.
Tác giả: Tỳ kheo Thích Thiện Hạnh (Đức Hạnh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét