Từ bao thế kỷ nay, đi chùa lễ Phật, cầu an, cầu phước trong những ngày đầu năm đã trở thành một thông lệ không thể thiếu trong lễ Tết của Việt Nam.
XUÂN NƠI CỬA ĐẠO
Mùa Xuân trong cửa đạo, người ta thường nghỉ và nói rằng mùa Xuân trong nhà Thiền. Nếu mùa Xuân là cái gì tươi đẹp nhất thì đó phải là sự tốt đẹp của tâm hồn chúng ta. Nói cách khác, tìm được nơi an trú của tâm hồn, cảm nhận sự an lành trong khoảnh khắc, hay trong miên viễn; đó là mùa Xuân của đạo. Điển hình như ngài Mãn Giác thiền sư nhìn thấy cành mai khiến ngài nhận ra thật tướng của các pháp và cảm nhận sự an lành. Sự thấy biết tỉnh giác như vậy được coi là mùa Xuân trong cửa đạo, hay mùa Xuân của sự tỉnh thức, của sự yên lặng, không hoạt động bên ngoài, nhưng hiện hữu ngời sáng thế giới tâm linh là nét đẹp của mùa Xuân. Cho nên Đức Phật dạy: “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, an trú trong hiện tại”. An trú trong giờ phút hiện tại là người biết làm chủ bản thân, không để việc làm cuốn trôi. Chúng ta thường tiếc nuối về quá khứ tốt đẹp thích hồi tưởng về những gì đã qua, mà không bao giờ biết bằng lòng với những gì mình đang có trong hoàn cảnh hiện tại.
Năm cũ qua đi, chào đón một năm mới với biết bao mơ ước, hy vọng về một chân trời mới, một cuộc sống an vui hạnh phúc. Ai cũng cố công đi tìm hạnh phúc cho mình, nhưng mấy ai biết được hạnh phúc chân thật là gì, đôi khi lại tự mình chuốc lấy đau khổ. Hạnh phúc vĩnh hằng là sự tự do bình yên nội tại, sự tĩnh lặng nơi tâm thức, không bị khuấy động bởi những tranh đua, nhiễu nhương của cuộc đời. Hạnh phúc đó, chính là mùa xuân vĩnh cửu, mùa xuân trong ánh đạo huy hoàng, mùa xuân của người giác ngộ mãi mãi không phôi phai và không có bóng dáng khổ đau. Sắc xuân như òa vào lòng người, òa vào lòng đời và òa vào lòng dân tộc. Cửa thiền sớm nay, cũng hé mở đón xuân sang. Xuân khứ xuân lai, hòa vào sắc xuân rộn ràng cho nên ngài Lục Tổ có nói lời kệ:
“Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác”.
Tổ nói với mọi người cùng đồng tu chúng ta hãy cùng nhau vui hòa xuân mới trong niềm hỷ lạc. Bởi vì Phật pháp trên thế gian này, không thể tách khỏi thế gian mà có giác ngộ. Tất cả chúng ta đang trưởng thành trong gia tài văn hóa tâm linh của dân tộc, cũng chính là gia tài văn hóa tâm linh của Đạo Phật, được tô đậm từ hơn hai ngàn năm lịch sử. Gia tài đó sẵn có trong mỗi chúng ta, chỉ cần nhìn kỹ để thấy rõ rồi đem ra dùng, như vua Trần Nhân Tông đã nói:
“Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”.
Khởi đầu một năm mới, ai cũng ước mơ mong muốn những gì tốt đẹp và hạnh phúc nhất đến với cá nhân mình, gia đình mình, quê hương mình, đất nước mình. Con người và đất nước hưởng trọn một mùa xuân thanh bình là hạnh phúc lớn lao trong niềm hân hoan tốt đạo đẹp đời.
Xuân đến thể hiện cho sự đổi mới của thiên nhiên vạn vật sau một giấc ngủ dài mùa đông, cây cỏ đang khô cằn héo úa trở nên đẹp đẽ xinh tươi, muôn mầu muôn sắc nở rộ tràn đầy sức sống. Trong khí xuân tưng bừng đó, con người cũng phấn khởi và hi vọng cho một năm mới tốt đẹp hơn. Từ bao thế kỷ nay, đi chùa lễ Phật, cầu an, cầu phước trong những ngày đầu năm đã trở thành một thông lệ không thể thiếu trong lễ Tết của Việt Nam. Ðạo Phật đã đi vào lòng nếp sống văn hóa của dân tộc, như trong câu thơ của ngài Mãn Giác:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tiên”
Giờ phút quan trọng nhất là vào lúc nửa đêm, đúng thời điểm của hai ngày giao nhau đưa năm cũ đi, đón năm mới đến, hay là “tống cựu nghinh tân”. Mọi người đi đến chùa dự lễ giao thừa vừa được hưởng không khí đặc biệt ngày Tết, vừa vun trồng cội gốc tâm linh. Chùa là nơi chốn thanh tịnh, không chỉ ở trong điện thờ Phật, mà còn nơi khuôn viên, với cảnh sắc xanh tươi phối hợp hài hòa đầy ý nghĩa. Ðó là ngày lễ đón nhận Ðức Phật Di Lặc ra đời. Vì thế mồng một Tết đến chùa lễ Phật, không chỉ cầu an cầu phước mà còn phát tâm nguyện noi theo những hạnh nguyện của ngài để một ngày kia cũng được giác ngộ, xa lìa phiền não. Trong đêm khuya, để tâm hồn lắng đọng theo tiếng chuông mõ và những lời kinh, cảm thấy nhẹ nhàng như vừa trút được những gánh nặng tội chướng ưu phiền cho tan theo làn khói hương thanh tịnh. Dường như trong không khí thơm mùi trầm của chùa, người ta cảm nhận được một cái gì thiêng liêng trong giây phút giao hòa của trời và đất, của sự vận hành trong vũ trụ:
“Giao thừa mừng đón Xuân năm mới,
Chúc mọi người phúc lộc đủ đầy,
Đạo đời tốt đẹp vẹn toàn,
Cùng nhau hòa hợp an vui lâu dài.
Người người được cơm no áo ấm,
Nhà nhà thấm nhuần lời Phật dạy,
Nguyện cho đất nước thanh bình,
Ngày càng phát triển cùng nhau làm lành.”
Nguyện cho chánh pháp được lan truyền khắp chốn, lời Phật dạy được phổ biến muôn nơi, người người từ bỏ tham giận, si mê, tưới tẩm từ bi hạnh phúc, thương yêu bình đẳng giúp đỡ lẫn nhau, làm lành lánh dữ, thế giới dứt nghiệp binh đao, muôn loài sống an vui, giải thoát.
Trong những ngày đầu năm người ta thường kiêng cữ, giữ gìn lời ăn tiếng nói, tránh gây gổ giận dữ, đó cũng là một cách để thực hành Tứ Vô Lượng Tâm. Nếu thực hành được như vậy suốt trong năm, không cầu Phật, phước cũng vẫn tự đến. Ngày lễ khánh hỷ Ðức Phật Di Lặc nhằm vào ngày đầu năm phải chăng đã nhắc nhở chúng ta noi theo hạnh của ngài thực hiện từ bi hỷ xả trong cuộc đời, như vậy mọi nghiệp chướng sẽ hóa giải, phiền não chuyển hóa thành Bồ Ðề, thân tâm được an lạc, tràn đầy niềm hạnh phúc.
Xuân đến, xuân đi, rồi xuân lại về. Không có mùa xuân nào là mùa xuân đầu tiên, cũng không có mùa xuân nào là mùa xuân cuối cùng. Trong cái sinh diệt không ngừng ấy, có một cái gì bất sinh bất diệt, một mầm sống vẫn tiếp nối vô cùng vô tận. Mầm sống ấy tiềm tàng trong pháp giới bao la; trong thế giới này tất cả đều do nhân duyên khởi, và những gì theo duyên hợp mà thành cũng theo duyên hoại mà tan, nhưng ở nơi gốc rễ của những hợp tan ấy là một nền tảng không hoại diệt, không thay đổi, kiên cố thường hằng, mênh mông bao trùm khắp các nhân duyên sinh diệt. Mùa xuân tượng trưng cho sự sống tiềm tàng đầy năng lực. Nhận ra cái không sinh diệt nơi chính mình là thấy được bộ mặt thật của Chúa Xuân, và đó cũng là mùa xuân bất tận của ngài Di Lặc, tràn đầy niềm vui và hi vọng trong tương lai.
Đức Phật đã khám phá và Ngài vẽ ra lộ trình tu từ thế giới sinh diệt, chúng ta đi lần vào thế giới Vô sinh, nhận thấy trước tiên trong thế giới sinh diệt hiện ra ngũ ấm, quốc độ và chúng sinh. Và ta nhìn chúng sinh sinh diệt cũng thấy thân ta trong nhiều kiếp sinh diệt và thế giới này cũng biến đổi không ngừng; cho nên có thể nói rằng thế giới sinh diệt cũng đẹp nhờ có sự biến đổi, chứ nó không phải là thế giới chết. Như vậy, đứng ở lập trường Vô sinh mà nhìn sinh diệt mới thấy cuộc sống có cái đẹp. Dưới kiến giải của kinh Hoa Nghiêm, ở Vô sinh nhìn xuống thấy cá bơi, chim hót đều là pháp, đều đẹp; nhưng con người ở Niết bàn rồi mới thấy được cái đẹp đó, cho nên kinh Hoa nghiêm thấy “Chúng hoa”, tức thấy tất cả các loài đều thể hiện nét đẹp. Thật vậy, khi chúng ta an lạc giải thoát rồi mới thấy cuộc đời đẹp, thấy người và vật nào cũng đẹp trong sinh diệt, nên người tu thấy an vui là mùa Xuân nở hoa. Đối với mùa Xuân này, họ không khổ công tạo, cũng không thấy mệt mỏi với nó như người phàm phu chuẩn bị Xuân thì khổ, đón Xuân cũng khổ và sau Xuân, dọn dẹp cũng khổ. Còn bước trên lộ trình kinh Hoa Nghiêm thì ngược lại, khám phá ra ai cũng dễ thương, loài nào cũng đẹp, đó là sự hiện hữu của bức tranh tuyệt mỹ của Pháp giới.
Trong một năm, thời khắc thiêng liêng, xúc cảm mạnh mẽ nhất là đêm giao thừa, thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới, cảm xúc về tâm linh, đạo lý giữa cái cũ và cái mới. Đối với chư Phật, Bồ tát, Thánh Hiền, đối với ông bà, tổ tiên, các bậc tiền hiền, hậu hiền, anh linh chiến sĩ quên mình vì đất nước để bảo vệ non sông gấm vóc và mình dường như có sự giao cảm với nhau vào thời khắc đó. Đây là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa tâm linh của người Đông phương. Đó cũng là lúc gia đình sum vầy, đoàn tụ đầm ấm bên nhau, chào đón một năm mới đã đến. Vì vậy Ngài Di Lặc là vị Bồ Tát được Ðức Phật thọ ký sẽ thành một vị Phật tương lai thị hiện nơi chốn Ta Bà để đem ánh sáng Phật đạo soi sáng, khi chúng sinh đã đến thời sa đọa tới mức tận cùng và thế gian không còn ai biết đến Phật pháp. Nhưng thời điểm tương lai ấy cũng là điều cho chúng ta suy nghĩ. Nếu tâm Phật có sẵn trong tâm chúng sinh, thì Di Lặc có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Bồ tát Di Lặc là tượng trưng cho hạnh phúc tràn đầy nên có nụ cười tươi tắn, dù có bị sáu tên giặc bủa vây với công hạnh hỷ và xả. Hỷ ở đây không phải là cười đùa trêu giỡn như lẽ thường của thế gian, mà là sự vui vẻ hạnh phúc bởi nội tâm trong sáng. Xả ở đây không phải là lãnh đạm quay lưng trước những mãnh đời bất hạnh, mà là hết lòng giúp người, cứu vật khi có nhân duyên. Hình tượng Bồ tát Di Lặc mập tròn, bụng to, khuôn mặt đầy đặn phúc hậu, nụ cười thật thoải mái với những đứa trẻ vây quanh, biểu hiện một niềm hạnh phúc tràn đầy. Người tu hành chân chính biết buông xả mới có thể thương yêu người bình đẳng, mới sẵn sàng tha thứ cho những ai làm hại mình, mới có thể vì lợi ích cho chúng sinh không biết mệt mỏi, nhàm chán bằng trái tim hiểu biết.
Những lời chúc tốt đẹp dành cho nhau trong những ngày đầu năm mới, tuy đơn sơ nhưng thấm đậm tình người mong cho thế nhân luôn gặp điều may mắn và hạnh phúc tràn đầy. Nếu gặp hoàn cảnh thuận lợi suôn sẻ trong năm mới, ta biết mình đã gieo nhân thiện lành nhiều đời, và càng tinh tấn tu hành hơn nữa để mai sau hưởng trọn vẹn niềm an vui hạnh phúc. Nếu gặp chuyện không được hài lòng như ý, ta có thể biết đó là hậu quả của việc làm xấu của mình trong quá khứ. Nên ta chí thành sám hối, đồng thời nỗ lực tu hành, từng bước sẽ chuyển hóa được nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc. Nghiệp tốt hay xấu được hình thành từ thân,miệng, ý nên ta chỉ cần kiễm soát chặt chẽ ý nghĩ của mình. Tin sâu nhân quả, kiểm soát thân miệng ý trong từng phút giây để cho ta và người hưởng trọn vẹn mùa xuân thanh bình nội tâm, do chính ta xây đắp. Vì vậy những tôn tượng của ngài Di Lặc chúng ta thờ ngày nay đều làm theo hình ảnh của một vị sư mập mạp bụng phệ, có vẻ mặt tươi cười mặc dù có sáu đứa trẻ leo lên nghịch phá trên thân mình. Sáu đứa trẻ tượng trưng cho sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý lúc nào cũng quấy nhiễu, lôi cuốn chúng ta theo những trần cảnh trước mắt. Nhưng Ðức Phật Di Lặc vẫn vui vẻ tươi cười, an nhiên bất động vì ngài đã điều phục được sáu căn ấy, chuyển “lục tặc” chướng ngại thành “lục thông ” thấu suốt vô ngại. Xuân còn là sức sống mãnh liệt của con người, từng giai cấp từng thế hệ. Điển hình là những người tu thì phải có phúc có lộc có huệ mạng có an lành, v.v… Tuy nhiên, trong khi chúng ta hưởng xuân an lạc, chúng ta phải nghĩ đến những người bất hạnh quanh ta. Mùa Xuân Di Lặc còn hàm ý cung nghinh một năm mới đầy may mắn dưới nhiều hình thức. Xuân trong đạo Phật là Xuân của tất cả mọi loài chúng sinh ở mười phương pháp giới, muốn được như vậy chỉ có con đường duy nhất là phải tu, phải thực hiện niệm định huệ để mãi mãi có an lạc và còn phải thắp sáng bình an của chính mình cho những người xung quanh ngay bây giờ và hiện tại. “Tâm xuân vũ trụ đều xuân, tâm bình thế giới đâu đâu cũng bình”, là bức thông điệp bất hủ về một thế giới hoà bình hạnh phúc mà đức Phật đã long trọng gởi đến toàn thể nhân loại cách đây trên 2500 năm. Điều này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, làm nền tảng vững chắc trong việc xây dựng thiết lập trật tự hoà bình dài lâu vững chắc cho nhân loại. Nói đến mùa xuân, hầu như ai cũng nghĩ đến sự tốt đẹp, an vui, mới mẻ. Mùa xuân cũng khiến lòng ta dịu lại, trải rộng ra, hòa nhập với đất trời và đồng cảm với mọi người.
Người học Phật chúng ta cũng chúc nhau bằng những lời đạo lý để nương đó tu tập trong năm mới được tinh tấn, dõng mãnh hơn, bớt những mê mờ tăm tối, không tạo nghiệp dữ, sống có lợi cho mình, cho người, xây dựng xã hội hướng về chân-thiện-mỹ. Kính chúc tất cả chúng ta an trú vững vàng trong đại dương chánh pháp, trưởng thành trong đạo lý, ngay nơi thường tục mà khuếch đại tự do, ở trong thói thường mà tìm ra lẽ sống đích thực, trong ánh sáng giác ngộ của mười phương chư Phật.
Tác giả: Tỳ kheo Thích Thiện Hạnh (Đức Hạnh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét