TRẺ EM VỚI TRÒ CHƠI DÂN GIAN - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

TRẺ EM VỚI TRÒ CHƠI DÂN GIAN

Trò chơi dân gian từng là một phần ký ức không thể phai mờ đối với thiếu nhi trong hành trang khôn lớn, thì giờ đây đang ngày một xa dần và có nguy cơ mất đi trong sự hờ hững của chính các em. Thực tế xã hội đã phần nào phản ánh được xu thế vui chơi của trẻ hiện nay, khi mà những đồ chơi hiện đại đang thắng thế. Thật đáng lo ngại khi cả một thế hệ tương lai của quốc gia đang quên đi bản sắc văn hóa dân tộc, quên đi những tinh hoa mà tổ tiên ta đã vun đắp, xây dựng từ hàng nghìn năm.


Trò chơi dân gian của trẻ em
Rất khó nói rõ ràng về một trò chơi dân gian cụ thể, nguồn gốc từ đâu, ai sáng tạo ra chúng... Nhưng, chắc chắn trò chơi dân gian như một nét phản ánh đời sống nhân văn của cộng đồng chủ nhân lưu giữ chúng. Trong hệ thống trò chơi dân gian của Việt Nam, thì trò chơi dành cho thiếu nhi chiếm một vị trí không nhỏ. Đối với trẻ em, trò chơi là một phần của cuộc sống, nó giống cũng quan trọng không kém như thức ăn, nước uống hàng ngày. Vì vậy chơi đối với trẻ nhỏ là một hoạt động bản năng, tự nhiên, mà không thứ gì có thể thay thế được.
Trò chơi của trẻ em có nhiều điểm khác so với các trò diễn ra trong hội hè. Nếu trong hội hè, trò chơi mang một ý nghĩa nào đó liên quan đến các sự tích, thần phả,... được sắp xếp như một mắt xích của nghi thức ngày hội có tính biểu tượng, đại diện cho cộng đồng, thì trò chơi của trẻ em thường mang tính chất giải trí thuần túy, không theo trật tự nào, thời gian không cố định. Trẻ nhỏ chơi theo ngẫu hứng, tự phát, chúng tự ra luật chơi cho nhiều trò và say sưa với những ngẫu hứng đó, và có thể thay đổi luật chơi nếu muốn. Những quy tắc tạo ra sự ngẫu hứng như là yếu tố chính làm cho trò chơi dân gian của trẻ em trở nên vui nhộn, hồn nhiên và hấp dẫn.

 
Trẻ em thường tụ tập thành từng nhóm, tự tổ chức và chơi ở nhiều địa điểm khác nhau. Trong các nhóm chơi thường có nhiều lứa tuổi, nhưng không vì thế mà trò chơi bị gián đoạn hay phải thay đổi. Trẻ em thường hòa nhập rất nhanh vào trò chơi, để rồi quên đi ai là lớn, ai là nhỏ. Tuy nhiên, cũng tùy từng lứa tuổi, trẻ sẽ có những sở thích khác nhau để tìm những trò chơi phù hợp. Trẻ nhỏ thường chơi các trò tập làm người lớn như nấu cơm, ẵm bé, bán hàng... với những đồ chơi là bất cứ thứ gì chúng thấy và gán cho nó một tính năng. Trẻ lớn hơn thường chơi những trò vận động, khéo léo và tìm hiểu về thế giới xung quanh như đánh trận giả, trốn tìm, kéo co, đồng dao, ô ăn quan, nhảy dây, thả diều...
Trẻ em giống như những người thợ, nhà sáng chế tài ba trong việc chế tạo ra nhiều trò chơi, cách chơi độc đáo. Những đồ vật đơn giản tưởng chừng như vô tri vô giác không có tác dụng, trẻ đã khéo léo tưởng tượng để biến thành người bạn cùng chơi. Từ những hòn đá, trẻ nhỏ đã có trò chơi ô ăn quan, vài chiếc que với quả cà, hay trái bưởi là có thể chơi đánh chuyền, một miếng vải nhỏ cũng đủ để chơi bịt mắt bắt dê...

Trong hàng loạt yếu tố tác động đến việc hình thành nhân cách và chuẩn mực văn hóa của thiếu nhi, thì trò chơi dân gian tham gia một cách tích cực và đóng vai trò quan trọng. Trong trò chơi dân gian, trẻ tìm thấy nhiều niềm vui khi được cùng nhau thỏa thích vui đùa, điều này giúp hoàn thiện kỹ năng sống và thể nghiệm về mặt tâm lý cho trẻ vào đời. Thông qua trò chơi, trẻ em có thể phát triển được các giác quan như thị giác, thính giác, khứu giác, trí nhớ, tư duy, trí tưởng tượng, ngôn ngữ. Trò chơi mang đến cho trẻ sự nhanh nhẹn, dẻo dai, khéo léo khi tham gia vào nhiều kỹ năng vận động như chạy, nhảy, lăn... góp phần hình thành phẩm chất nhân cách dũng cảm, kỷ luật, kiên trì, tinh thần đồng đội, ý chí chiến thắng. Đối với trẻ em, trò chơi chính là cách rèn luyện trí tuệ, nhận thức thế giới xung quanh một cách tương đối hào hứng. Trò chơi dạy cho trẻ tính tập thể, cộng đồng cao trong việc phối hợp nhịp nhàng, thống nhất với các thành viên khác để đảm bảo đội chơi không thua, từ đó sẽ hình thành tinh thần đoàn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong tâm thức mỗi em nhỏ. Dù không có ý thức rõ rệt, song chính thông qua những hành động chơi vô tư ấy, các em đã truyền cho nhau một thứ di sản văn hóa dân tộc vô cùng quý giá.

Trẻ em hôm nay chơi gì?
Hiện nay, Những trò chơi như đánh chuyền, đánh bi, đánh đáo, đánh khăng, nặn tò he, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan... đến các trò kết hợp với hát đồng dao như thả đỉa ba ba, nu na nu nống, dung dăn dung dẻ, rồng rắn... ta không còn bắt gặp các em chơi ở sân trường hay ở gia đình nữa. Còn đâu cảnh các em bám vai nhau dưới ánh trăng thu vừa đi vừa hát: Ông giẳng, ông giăng/ xuống chơi với tôi/ có bầu có bạn/ có ván cơm xôi/ có nồi cơm nếp... hoặc Dung dăng dung dẻ/ dắt trẻ đi chơi/ đến cửa nhà trời/ lạy cậu lạy mợ... để cuối cùng là: cho gà bới bếp/ ngồi xệp xuống đây!. Còn đâu các em gái ngồi trên hè tung quả cà lên rồi tay phải vừa bắt cà vừa tóm mấy que chuyền tre đúng với lời bài hát: Đôi tôi/ đôi chị/ đôi cái bị/ đôi cành hoa/ đôi sang ba (1).

Xét về nhiều mặt, trẻ em hôm nay có điều kiện tốt hơn với hàng trăm ngàn sự lựa chọn về vui chơi, đồ ăn thức uống, trang phục... Nhưng thực chất, trẻ em hôm nay có thực sự cảm thấy sung sướng khi phải chịu rất nhiều áp lực từ chính cuộc sống trong thời đại phát triển. Trong quá trình phát triển của trẻ, hoạt động vui chơi đóng vai trò không kém phần quan trọng so với các hoạt động thiết yếu khác như bổ sung dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe... nhưng dường như cái chơi của trẻ vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta quên mất rằng các em còn là những đứa trẻ, nên nhu cầu vui chơi, giải trí là không thể thiếu. Các trò chơi lành mạnh sẽ rèn luyện cho trẻ những phẩm chất về trí tuệ, đạo đức, thể chất theo quy luật của cái đẹp. Cơ hội chơi - học, học - chơi, chơi - tiếp nhận - hòa nhập, vui vẻ nhẹ nhàng sẽ có những tác động mang tính trải nghiệm, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em. Nhưng trên thực tế, trẻ chẳng còn lúc nào để vui chơi khi lịch học của các em quá dày đặc đã. Trẻ em sao có thể hứng thú, vui chơi các trò khi mà bị khóa trong những căn nhà kín cổng cao tường, không có bạn chơi, sự giao tiếp bị giới hạn... Để chơi các trò chơi dân gian cần phải có không gian, trong khi đó xã hội phát triển nhanh chóng, đất chật người đông nên sân chơi cho trẻ ngày càng bị thu hẹp. Ta có thể thấy rất rõ vấn đề này khi nhìn vào thực tế xã hội, nhất là các thành phố lớn, nơi tập trung nhiều dân, với số lượng trẻ em đông. Ví như Hà Nội, số lượng điểm vui chơi dành cho trẻ em cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay như: cung Thiếu nhi, Công viên Nước Hồ Tây, Công viên Thủ Lệ, Công viên Thống Nhất... Cũng vì điểm vui chơi hạn chế như vậy mà vào những dịp nghỉ cuối tuần hay ngày lễ chỗ nào cũng quá tải, không gian trở nên chật chội, khó chịu. Hơn nữa, các trò chơi dành cho trẻ không nhiều, trang thiết bị lại cũ do sử dụng lâu ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Nhưng có lẽ điều làm cho trẻ không hứng thú, đó là việc phải đến quá nhiều lần tại địa điểm quen và chơi những trò cũ, đơn điệu, nhàm chán.

Với xã hội nào, trò chơi dân gian cũng đều có tác động lớn đến đời sống tinh thần của thiếu nhi trên nhiều phương diện, tập trung ở những khía cạnh giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ, xây dựng lối sống lành mạnh hướng tới cái thiện. Trái lại, khi kinh tế ổn định, các gia đình có điều kiện mua sắm nhiều đồ chơi cho con cái, nhưng trong số đó phần lớn là đồ chơi hiện đại. Chúng ta hãy thử nghĩ và tìm hiểu xem những thứ đồ chơi mua cho trẻ liệu có thực sự tốt không? Trên những con phố chuyên bán hàng cho trẻ em, ta thường gặp những đồ chơi hiện đại với màu sắc bắt mắt được bày bán với đầy đủ mẫu mã và chủng loại. Thậm chí, những đồ chơi có tính bạo lực, sát thương lớn như súng, cung, đao, kiếm,... được bày bán công khai. Trong khi đó, thật khó để tìm mua những đồ chơi truyền thống có giá trị giáo dục cao. Đối với trẻ em, do tuổi còn nhỏ, việc nhận diện cuộc sống còn non nớt, chưa có được nhận thức sâu sắc về những tác hại xấu của đồ chơi, do vậy các em lựa chọn dựa trên sở thích. Nhưng còn người lớn thì sao? Khi chọn đồ chơi, người lớn thường không để ý đến tác hại của những món đồ họ mua cho con trẻ. Họ không biết rằng, khi trẻ tiếp xúc với những đồ chơi bạo lực, tính cách sẽ hung hăng, hiếu chiến, gây gổ với nhiều người. Nhưng đó mới là những việc mà ta có thể nhìn thấy, còn nhiều tác hại khác không thể nhận biết được khi chọn đồ chơi cho trẻ. Hiện nay, đồ chơi của trẻ em chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc, và trong những sản phẩm ấy chứa rất nhiều hóa chất độc hại ảnh hưởng đến phát triển thể chất của trẻ. Trong thời gian vừa qua, báo chí, truyền hình đã đưa nhiều thông tin về trẻ em bị ngộ độc chì nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân được xác định là trong những đồ chơi của trẻ chứa rất nhiều chì, do tiếp xúc lâu ngày đã dẫn đến sức khỏe các em suy giảm. Như vậy, công việc chọn đồ chơi cho trẻ đâu phải dễ dàng, mà đòi hỏi phải có sự hiểu biết nhất định về sản phẩm, tránh để trẻ bị tổn thương ảnh hưởng đến tương lai sau này.
Bên cạnh các đồ chơi hiện đại, trẻ em cũng say sưa không kém với những công nghệ mới, mà game, mạng internet là điển hình. Theo thống kê của Internet World Stats, Việt Nam hiện đứng thứ 6 ở châu Á, thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số người kết nối internet. Thực tế này khiến cho mạng internet trở nên có tác động sâu sắc hơn trong đời sống xã hội người Việt (2).

Trên thực tế, không thể phủ nhận vai trò công nghệ thông tin đối với khả năng nhận biết, thích ứng cái mới, khám phá thế giới xung quanh một cách dễ dàng của trẻ. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt của nó. Có thể thấy, bên cạnh những điểm tích cực mà công nghệ mang lại thì nó cũng mang đến nhiều hậu quả đáng lo ngại, buộc xã hội phải chung tay giải quyết. Việc dành nhiều thời gian vào những trò chơi điện tử, trang mạng xã hội... đã lấy đi của trẻ em thời gian cho các hoạt động vui chơi khác, cũng như thời gian dành cho gia đình. Khi trẻ tiếp xúc nhiều với đồ chơi công nghệ, lâu dần chính sự vô tình dẫn đến việc hình thành những thói quen và tác động không tốt đến trẻ nhỏ, dẫn đến trẻ tự cô lập mình trong thế giới của công nghệ, thậm chí nguy hại hơn, trẻ sinh ra những ảo giác và coi mình là một nhân vật của trò chơi. Do không làm chủ được bản thân nên các em dễ gây ra nhiều vấn đề nhức nhối cho xã hội như đánh nhau trong trường, xúc phạm thầy cô, bỏ học hoặc trốn học tụ tập thành băng nhóm...
Trong vài năm trở lại đây, nhiều trường đã đưa một số trò chơi dân gian vào chương trình học. Ở những tiết học ngoại khóa, các thày cô đã lồng ghép trò chơi vào để tạo cho học sinh tự tin, mạnh dạn, hứng thú học tập. Bên cạnh đó, các em cũng được chơi nhiều trò chơi truyền thống ngoài sân vào những giờ ra chơi, sinh hoạt tập thể... tạo sự thoải mái để các em học các tiết học mới. Việc tái hiện những sân chơi, trò chơi dân gian, sẽ giúp cho trẻ tiếp cận với những giá trị văn hóa truyền thống, không những lưu giữ được những giá trị truyền thống mà còn góp phần thúc đẩy nó phát triển, tránh nguy cơ bị mai một.
_______________
1. Giang Quân, Trò chơi dân gian, trong Hội thảo Phát huy di sản văn hóa dân gian, thực trạng và nhu cầu phát triển, Hà Nội, 2012.
2. Phạm Thị Thúy Nguyệt, Sự chuyển dịch văn hóa truyền thống vào đời sống internet ở việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 340, tháng 10-2012.
Tác giả: Tuệ Sam
Nguồn tin: Tạp chí VHNT số 354

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner