SỐNG TỈNH THỨC - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

SỐNG TỈNH THỨC

SỐNG TỈNH THỨC
“Sống tỉnh thức là sống trong hiện tại
Tâm thân cùng ẩn trú ở hôm nay.”
Thích thiện Hạnh

          Sống tỉnh thức là duy trì ý thức trong từng giây phút hiện tại trên mỗi công việc mà mình đang trải nghiệm, đang ‘sống’. Không để tâm bận bịu quá khứ, không viển vong chắp cánh mơ tưởng đến tương lai mà từng khắc trong hiện tại, chúng ta cần tỉnh thức và biết rõ những gì đang diễn ra và cuộc sống quanh mình. Để tỉnh thức và nhận biết, chúng ta phải thường xuyên chú ý quán sát.  Luôn biết rõ ta đang làm gì và những gì ta làm sẽ mang lại kết quả như thế nào. Sống trong tỉnh thức còn cho ta sức mạnh để dám làm những gì nên làm và dứt khoát không làm những gì không nên làm.
          Cho nên Ðức Phật dạy: "Người Phật tử phải sống tỉnh thức, an trú trong giờ phút hiện tại để thấy giá trị cuộc sống và những điều mầu nhiệm đang xảy ra với mình". Những bậc đại trượng phu, những vị Thiền sư đã sống đuợc những giây phút đó trong cuộc đời của họ. Họ không để tham đắm lôi kéo. Hai mươi bốn giờ trong một ngày, họ sản xuất ra năng lượng an lạc, năng lượng tỉnh thức, năng lượng của Từ , Bi, Hỷ , Xả. Cho nên trong kinh Pháp Cú dạy rằng: "Thà sống một ngày mà thấy được diệu pháp, còn hơn sống một trăm năm trong khổ đau, thất niệm". Tỉnh thức là một yếu tố có tính quyết định sự thành công trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Những nhà nghiên cứu khoa học chứng minh rằng nếu duy trì và tăng trưởng trạng thái tỉnh thức, cuộc sống chúng ta sẽ có thêm nhiều niềm vui, có khả năng chống đỡ bệnh tật tốt hơn, thân thể tráng kiện hơn và đời sống tinh thần lành mạnh hơn. 
          Tỉnh thức là thần dược trị bệnh căng thẳng và lo lắng một căn bệnh thường gặp trong xã hội hiện đại khi tốc độ cuộc sống ngày càng xoáy vào cơn lốc ngày một nhanh hơn trong vòng tiến hóa của xã hội. Do đó, thực hành tỉnh thức là điều cần thiết để có được cuộc sống cân bằng và hạnh phúc. Đó là việc làm mỗi ngày thức dậy chúng ta kết nối với chính mình và biết trân trọng một cách trọn vẹn mỗi khoảnh khắc của cuộc sống. Đó là "nghệ thuật của lối sống tỉnh thức". Một vài ví dụ: luôn ý thức về lời nói và hành động của bản thân, sống với thái độ biết ơn và lòng từ bi, biết lắng nghe hơn là nói, tránh lên án người khác, hít thở sâu và chậm, cười nhiều hơn. Không có ảo tưởng về bản thân và cuộc đời; không nhầm lẫn mộng tưởng với thức tại; không còn mê muội, mơ hồ, nhưng là người nhận biết mình đang biết: biết về thực trạng của bản thân mình; biết về thực chất của mọi việc trần thế; biết về thực tại của mọi biến chuyển xung quanh, để có thể sống thực tâm với chính mình, thực tình với mọi người, và thực tế trước mọi hoàn cảnh. Tỉnh thức là người sống có lý tưởng, có một định hướng siêu việt, nghĩa là luôn hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, để luôn tư tưởng và hành động trong sự khôn ngoan và đạo đức, cũng chính là người sống đẹp từng giây phút hiện tại, nghĩa là sống toàn tâm, toàn ý trong từng công việc, từng bổn phận, từng mối quan hệ với tâm hồn đầy yêu mến. 
          Tỉnh thức cũng là giác ngộ, vì giác ngộ là tỉnh ra mà thấu rõ chân lý, không còn để mình sống trong sự lầm lạc và tối tăm. Giống như mặt trời ló rạng sau một đêm: ánh sáng bừng lên xua tan bóng tối, khiến mọi vật lộ rõ bộ mặt thật của chúng. Tâm hồn của những người tỉnh thức cũng thế, nhờ Mặt Trời chân lý chiếu soi tự thâm tâm, họ nhìn thấy mọi cái đúng với bản sắc và thực chất của chúng, nên tâm hồn đầy bình an, thanh thản, và ung dung tự tại bước đi trong ánh sáng.
          Điều quan trọng nhất của tỉnh thức là sống trọn vẹn trong giây phút này. Nếu ta cứ bám vào quá khứ hoặc mãi đợi chờ một tương lai, là ta đang đánh mất sự sống đích thực của chính mình. Sống như vậy là để xác một nơi, hồn một nẻo, nên tâm không an, trí không sáng. Cứ mong cho mọi sự được xảy ra theo ý của mình, buồn lòng vì người này, khổ tâm vì người kia, chán nản vì điều nọ, là đặt mình trong tình trạng không tỉnh thức. Những tình trạng đó làm cho nguồn lực trong ta bị phân tán. Những xáo trộn ngổn ngang sẽ kích hoạt tưởng tượng mạnh hơn, các sung năng sôi động hơn, tâm hệ lụy bị lay chuyển nguy hại hơn. Mọi nỗ lực và giải pháp khác đều vô hiệu nếu không tỉnh thức. Tỉnh thức ở đây là tập trung mọi năng lực của tâm, trí, hồn, xác, vào giây phút hiện tại, để thống nhất toàn thể con người mình cho một sự sống đang diễn ra trước mắt. Đừng luyến tiếc một điều gì đã qua, đừng quá ham muốn một điều gì sẽ đến, cũng đừng đòi hỏi nó phải khác đi. Hiện tại là như thế, không thể khác đi. Có thay đổi được gì thì cũng là do mình đã thay đổi cái nhìn và thái độ. Hiện tại không áp đặt lên ta điều gì, nó là một món quà được trao. Nếu ta đón nhận toàn tâm, toàn ý, thì hiện tại mở ra cho ta những khả năng mới đang tiềm ẩn trong chính mình, để thích nghi và hòa hợp, để sáng tạo và làm cho cuộc sống thêm phong phú.
          Tỉnh thức là phải luôn cẩn trọng, vì mọi thứ đều có màu sắc của mắt kính mình mang. Phải để cho mình được nhìn trực tiếp, không qua lăng kính nào khác khiến cho thực tế bị biến dạng. Nếu phải nhìn qua lăng kính nào khác thì phải là lăng kính của đức tin, của lòng thương mến. Hơn nữa, cần phải để cho mình được sinh lại từng ngày với đôi mắt tâm hồn trong sáng, với cái nhìn đã khơi trong gạn đục. Sống tỉnh thức là cứ phải tách mình ra khỏi những quan niệm trần tục, để dám suy nghĩ và hành động theo lương tâm, thì mới sống tỉnh thức một cách cao độ. 
          Sống tỉnh thức giúp ta biết rõ con đường đi của ta khi sống cũng như khi chết. Cho nên Ðức Phật dạy: "Ðừng lo lắng khi chết sẽ đi về đâu? Chỉ cần nhìn quý vị sống bây giờ như thế nào, sẽ biết tương lai của quý vị ra sao !". Lúc còn sống tâm hồn ta rộng mở yêu thương, đối xử nhân hậu với mọi người thì hẳn nhiên lúc chết ta sẽ ra đi theo nẻo chân, thiện, tươi sáng. Ðó là cõi Tịnh độ, Niết bàn hay Cực lạc. Ðể đi vào cõi Tịnh độ chỉ có một cánh cửa duy nhất, đó là thực tập sống tỉnh thức, ý thức rõ ràng và sống trọn vẹn những gì mình đang có, với những gì đang xảy ra trong mỗi giây phút. Trong kinh Ðức Phật dạy: Phải sống đời vô nguyện "nghĩa là không mong cầu gì cả. Ðời sống quanh ta có biết bao điều kỳ diệu. Tiếp xúc với mỗi phút giây mầu nhiệm ấy, ta sẽ có an lạc, Ðức Phật lại dạy rằng: "Duy tâm Tịnh độ" nghĩa là cõi Tịnh độ ở ngay trong tâm của ta. Tâm ta an lạc, không có những lo âu, mong cầu thì tự động cõi Tịnh độ sẽ hiển bày. Trong đời sống, an lạc Niết bàn được ví như mặt trăng. Những phiền muộn lo toan tựa như những đợt sóng. Trăng đẹp như thế đó, nhưng nếu sóng làm cho mặt hồ bị xao động thì mặt trăng không thể nào hiện rõ ra được. Người tu tập giỏi có khả năng làm cho những đợt sóng đó lắng đi. Do đó, năng lượng thảnh thơi , vững chãi toả ra rất là rỏ, món quà mà chúng ta hiến tặng cho mọi người, quý báu nhất là sự bình an của tâm. Món quà lớn nhất mà người mẹ có thể tặng cho con là trái tim thương yêu, bằng sự chăm sóc nhẹ nhàng và sự an lạc thanh thản của mẹ. Ðứa con đi học về mệt nhọc, bước vào nhà, mẹ đón con bằng một nụ cười yêu thương, âu yếm. Người con sẽ cảm nhận sự sung sướng vui tươi liền. Làm bậc cha mẹ, cho dù có lo cho con nhà cửa, quần áo đầy đủ, nhưng nếu ta không có niềm an lạc thì vật chất kia có nghĩa lý gì? Nếu ta truyền cho con có năng lượng của tình yêu thương, của sự hiểu biết, và sự an lạc của chính mình thì con ta sẽ học hành tốt hơn và sẽ trở nên người hữu dụng cho quê hương đất nước.
          Tỉnh thức là bản chất đời sống của ta. Sống một mình trong rừng vắng cũng không hẳn là tỉnh thức. Sống tỉnh thức, không những trong ngồi thiền mà ngay cả trong tương giao với xã hội. Chúng ta không thể chạy trốn mọi cảnh duyên để tìm sự tỉnh thức. Dù ở trong rừng vắng hay thường xuyên tụng đọc kinh điển mà không làm chủ được, thì nhất định không có sự tỉnh thức. Tâm đã không yên dù có lên núi cũng không yên. Thành ra phải tỉnh thức trong lúc đối duyên xúc cảnh. Giá trị thành đạt có hay không là từ bản thân mình đối với tất cả hiện tượng, cảnh duyên ta làm chủ được hay không, buông được hay không. Ngay trong hiện tại, muốn có sự sáng suốt chúng ta phải thường xuyên quán chiếu mọi việc chung quanh. Bất cứ sự sắp xếp nào nếu thiếu sáng suốt, thiếu tỉnh táo, nhất định sẽ dẫn đến sự sai trái, và dẫn đến kết quả xấu. Muốn được sáng suốt phải làm sao? Ví như trong căn nhà, buổi tối muốn thấy được mọi thứ, ta phải đốt đèn và ánh sáng không bị vật gì ngăn che mới tỏa khắp được. Nếu trong nhà ngổn ngang đồ đạc, dù có đốt năm ba ngọn đèn nhất định ánh sáng sẽ lu mờ. Cũng vậy, trong lòng chúng ta muốn yên, muốn sáng, muốn lắng thì tất cả những gì không xứng đáng, không thích hợp phải ném bỏ ra ngoài hết. Đây là cách tu duy nhất để tâm được thanh tịnh. Chúng ta đến với đạo, mỗi lần nhìn thấy dung nhan trang nghiêm, sáng ngời của chư Phật, các bậc đại thánh, nghe sự hướng dẫn đạo lý từ các vị thầy, loại bỏ những gì không cần thiết, không chính đáng trong đời sống trong sinh hoạt của mình, đó chính là từng bước thanh lọc thân tâm của chúng ta, vì vậy sự tỉnh thức ở đây có nghĩa là không luyến tiếc quá khứ vàng son, quên đi những đau buồn và buông bỏ được mọi hy vọng hay lo lắng về tương lai, đồng thời biết quán chiếu mọi sự vật đang diễn biến trong hiện tại một cách đúng đắn, thấu đáo. Đó là chúng ta đã tiến một bước trên lộ trình tu đạo. Cho nên trong cuộc sống, vấn đề tỉnh thức không thể thiếu được. Cuộc đời ngắn ngủi với một thân phận vô thường nhanh chóng, sự chết chóc rình rập bên ta, lúc nào cũng có thể mất mạng. Chúng ta nỡ lòng nào để mất mát thời gian tu tập quý báu, phải tranh thủ phấn đấu với quỷ dữ vô thường. Người tu mà ù lì, lúc nào cũng thấy tăm tối, mệt mỏi thì làm sao tu được. Cho nên bản thân của những người tu học theo Phật, mỗi ngày phải phấn đấu tìm hiểu những gì mình chưa hiểu, phải hiểu cho đúng đắn rồi mới thực hành. Như vậy ta vừa vững vàng, sáng suốt thanh lọc phải trái, vừa không tạo sai lầm cho những người chung quanh nữa. Trong việc làm, trong sự tu hành có sáng suốt, có thanh lọc thì cái nhìn mới sâu sắc, cuộc sống mới thực sự an vui. Mỗi người đều sáng suốt thấy như vậy, sống như vậy thì cuộc sống rất an ổn. Bản thân mình ổn trước rồi mọi người chung quanh ổn theo. Phật dạy: “Cái đã qua, cái ấy được buông bỏ. Cái chưa tới, cái ấy cũng được buông bỏ. Cái đang xảy ra trong hiện tại cần được quán chiếu để không bị vướng kẹt”. Ý này như tôi đã nói ở trên, quá khứ vàng son hay đau buồn đều buông bỏ hết. Tương lai cũng vậy, chỉ có hiện tại cần được quán chiếu để đừng kẹt vào. Nghĩa là đòi hỏi chúng ta phải có sự thức tỉnh đối với tất cả những hiện tượng xảy ra trước mắt. Tu như vậy là chúng ta áp dụng đúng lời Phật dạy.
          Sống tỉnh thức là phương tiện duy nhất giúp chúng ta phóng thích ra khỏi những phiền lụy của cuộc đời. Nhưng muốn có sự tỉnh thức thì chỉ có con đường duy nhất mà Phật đã dạy là phải định tâm có định thì mới có sự tỉnh thức được. Vì vậy nói đến tỉnh thức là nói đến sự tu tập, nói đến phương pháp áp dụng đạo lý một cách sáng suốt, để ta có thể trực diện với tất cả các pháp không sai lầm. Chúng ta phải tỉnh táo trước mọi cảnh duyên thuận cũng như nghịch. Muốn tỉnh táo liên tục thì những gì đã qua cắt đứt hết, những gì chưa đến xin đừng mời đến, những gì trong hiện tại nhìn thật kỹ, để đừng lầm đừng bị kẹt vướng. Người xưa dạy trước khi nói lời gì phải uốn lưỡi bảy lần, nghĩa là dạy chúng ta phải tỉnh táo, xét nét quán chiếu thật chính xác trước khi nói hay làm một việc gì. Chúng ta tu tập được lời dạy của Phật thì Đức Phật trong ta lớn dần lên, đến một ngày nào đó, hạt giống Phật trong ta bắt đầu bừng nở, và có được niềm hạnh phúc tròn đầy,lúc đó ta sẽ là một vị Phật. Mục đích của sự tu tập là làm cho đời sống của ta có an lạc, giải thoát và giúp cho những người xung quanh ta vơi bớt những khổ đau, phiền muộn? Sống như vậy gọi là sống tỉnh thức, sống theo hạnh của Đức Phật. Điều này không phải là mơ hồ, viễn tưởng. Chúng ta có thể thực hiện được ngay trong đời sống hàng ngày của mình.
- Khi ăn cơm, chúng ta khoan thai, ăn trong sự im lặng, ý thức rằng: hạt cơm và thức ăn là tặng phẩm của trời đất, của công sức lao tác đã làm nên và ban tặng cho ta. Ta ăn với tất cả tấm lòng tri ân sâu sắc, với niềm vui trọn vẹn của tâm và thân. Khi đó, ta là con người tỉnh thức trong lúc ăn.
- Khi đi, ta bước những bước chân nhẹ nhàng và vững chải có ý thức, và rũ bỏ được những phiền muộn, thì ta là con người tỉnh thức trong lúc đi.
- Khi đứng, khi ngồi,… ta cũng làm như vậy, thì đời sống của ta là một chuỗi dài tỉnh thức, an lạc. Sống như vậy tức là sống trong tỉnh thức, trong an lạc. Vì vậy tỉnh thức là một yếu tố quan trọng không thể thiếu đối với người học Phật.
Dù chúng ta học pháp môn nào: Thiền, Tịnh, Mật… đều phải có sự tỉnh thức liên tục. Tu thiền lại càng phải tỉnh thức sáng suốt nhiều hơn nữa mới có thể nhận ra ông chủ của chính mình.           
          Tại sao chúng ta không sống được trong tỉnh thức an lạc vì chúng ta bị vọng niệm lôi kéo. Cho nên, tục ngữ Việt Nam có câu: “Túy sinh, mộng tử,” nghĩa là sống như người say, chết như người đi trong mộng. Người đời không biết tu tập, họ sống như người say. Họ không chỉ say vì rượu, mà say vì những tham vọng, những dự tính mong cầu, lúc nào cũng sống trong lo toan, bồn chồn, sống mà không biết rằng mình đã phí hoài một cuộc đời. Của cải vật chất chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích của cuộc sống. Hạnh phúc chân thật không đòi hỏi phải có thật nhiều những điều kiện vật chất, mà nó xuất hiện thật đơn giản và bình lặng trong tâm ta. Lúc nào ta trở về với chính mình, dừng lại những ham muốn, chấm dứt được những cơn say, những cơn mộng, thì ta có được an lạc, nếu không, suốt đời ta chỉ là kẻ đi tìm kiếm.
          Chúng ta áp dụng đạo lý, thực hiện lời Phật dạy sao cho cuộc sống sinh hoạt của mình có lợi lạc thiết thực, để từ đó giúp đỡ cho mọi người chung quanh đều được lợi lạc như mình. Cho nên trong kinh Bhaddekaratta (Người Biết Sống Một Mình), Đức Phật dạy:
“Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới.
Kẻ thức giả an trú
Đêm ngày trong chánh niệm
Vững chải và thảnh thơi
Trong phút giây hiện tại.”
          Điều kiện quan trọng nhất của tỉnh thức là sống trọn vẹn trong giây phút này. Nếu ta cứ bám vào quá khứ hoặc mãi đợi chờ một tương lai, là ta đang đánh mất sự sống đích thực của chính mình. Sống như vậy là để xác một nơi, hồn một nẻo, nên tâm không an, trí không sáng. Cứ mong cho mọi sự được xảy ra theo ý của mình, buồn lòng vì người này, khổ tâm vì người kia, chán nản vì điều nọ, là đặt mình trong tình trạng không tỉnh thức. Những tình trạng đó làm cho nguồn năng lực trong ta bị phân tán. Những xáo trộn ngổn ngang sẽ kích hoạt tưởng tượng mạnh hơn, các sung năng sôi động hơn, tâm hệ lụy bị lay chuyển nguy hại hơn. Mọi nỗ lực và giải pháp khác đều vô hiệu nếu không tỉnh thức.
          Tỉnh thức ở đây là tập trung mọi năng lực của tâm, trí, hồn, xác, vào giây phút hiện tại, để thống nhất toàn thể con người mình cho một sự sống đang diễn ra trước mắt. Đừng luyến tiếc một điều gì đã qua, đừng quá ham muốn một điều gì sẽ đến, cũng đừng đòi hỏi nó phải khác đi. Hiện tại là như thế, không thể khác đi. Có thay đổi được gì thì cũng là do mình đã thay đổi cái nhìn và thái độ. Hiện tại không áp đặt lên ta điều gì, nó là một món quà được trao tặng. Nếu ta đón nhận toàn tâm, toàn ý, thì hiện tại mở ra cho ta những khả năng mới đang tiềm ẩn trong chính mình, để thích nghi và hòa hợp, để sáng tạo và làm cho cuộc sống thêm phong phú. Vì tỉnh thức là pháp môn quan trọng hàng đầu của đạo Phật, Tu tập tỉnh thức có nhiều phương cách khác nhau:
1-Có tỉnh thức mới sáng suốt sống được chánh niệm.
2- Có tỉnh thức mới ở trong chánh niệm và chánh niệm mới hiện tiền.
3- Có tỉnh thức mới phá được hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không, khi cơ thể mệt nhọc và căng thẳng.
4- Có tỉnh thức mới tịnh chỉ ngôn ngữ.
5- Có tỉnh thức mới thấy được nhân quả.
6- Có tỉnh thức mới xa lìa được lòng ham muốn.
7- Có tỉnh thức mới xa lìa các ác pháp.
8- Có tỉnh thức mới giữ được tác ý hướng tâm khắc phục tham ưu.
9- Có tỉnh thức mới tịnh chỉ thân tâm yên lặng, bất động để làm chủ sự vô thường. 
10- Có tỉnh thức mới mới vượt qua mọi trạng thái tưởng.
11- Có tỉnh thức mới xả được mộng tưởng trong giấc ngủ.
12- Có tỉnh thức mới xả được âm thanh.
13- Có tỉnh thức mới tịnh chỉ được hơi thở, xả thọ và các hành.
14- Có tỉnh thức mới tu Tứ Như Ý Túc.
15- Có tỉnh thức mới hướng tâm đến vắng lặng.
Toàn bộ giáo trình của đạo Phật, quan trọng nhất là tập luyện tâm tỉnh thức, có được tâm tỉnh thức mới đạt được Niết Bàn cứu cánh giải thoát.
          Người tu tập theo đạo Phật, lúc mê biết mình mê là tỉnh thức, lúc tỉnh biết mình tỉnh là tỉnh thức. Tâm mình tham, biết tâm mình tham là tỉnh thức; tâm mình sân, biết tâm mình sân là tỉnh thức; tâm mình phiền não, biết tâm mình phiền não là tỉnh thức; tâm mình khởi niệm ác, biết tâm mình khởi niệm ác là tỉnh thức; tâm mình lo rầu, biết tâm mình lo rầu là tỉnh thức. Ði, mình biết mình đi là tỉnh thức. Ăn, biết mình đang ăn là tỉnh thức. Ðó là bước đầu mấu chốt sự tu tập giải thoát của đạo Phật.   Người tỉnh thức là người không có ảo tưởng về bản thân và cuộc đời; không nhầm lẫn mộng tưởng với thức tại; không còn mê muội, mơ hồ, nhưng là người nhận biết mình đang biết: biết về thực trạng của bản thân mình; biết về thực chất của mọi việc trần thế; biết về thực tại của mọi biến chuyển xung quanh, để có thể sống thực tâm, thực tình với mọi người, và thực tế  trước mọi hoàn cảnh.
          Nhưng Tâm trí luôn mệt nhoài, khi thì một ý tưởng tiếc nuối, ân hận trong quá khứ, lúc thì những lo nghĩ, toan tính, dự định cho tương lai. Ít khi chúng ta sống với hiện tại, để có thể đem tâm về sống cùng với thân. Chúng ta đang sống và làm việc với hiện tại, ấy thế mà tâm cứ lăng xăng, không đi ngược về quá khứ đã trở thành dĩ vãng thì cũng vi vu mơ tưởng đến tương lai xa vời ngoài tầm tay với. Hiện tại sống động này, ta lại không quan tâm và trân quý. Kể ra thật là vô lý nhỉ? Để đời sống mình có ý nghĩa hơn, chúng ta cần sống và thể nghiệm từng phút giây hiện tại. Để sống được với hiện tại nhiệm màu, chúng ta cần phải biết nghệ thuật sống tỉnh thức.Một điều không thể tránh khỏi là khi đang thực hành tỉnh thức, những ý tưởng, cảm thọ và cảm xúc ồ ạt dâng trào trong tâm thức. Chúng ta cần có cách đối xử ‘thân thiện’ với những vị ‘khách không mời’ này để không bị ảnh hướng trong việc thực hành và duy trìtỉnh thức. Không đè nén, không phân tích, không ‘bạo động’ với chúng. Việc chúng ta cần làm là hãy ghi nhận những động tĩnh và hành trạng của chúng mà thôi. Khi chúng đến, chúng ta biết chúng đến; khi chúng đi, chúng ta cũng ý thức đầy đủ sự ra đi của chúng rồi quay tâm về với hơi thở. Không cần ‘thết đãi’ hay hiếu khách mời mọc chúng ở lại, cũng không khiếm nhã cộc cằn xua đuổi chúng đi. Thái độ ‘hiếu khách’ hay ‘khiếm nhã’ như vậy đều không đúng và làm tổn thương đến tỉnh thức khi chú tâm vào hơi thở của mình. Nếu đã biết tên những vị ‘khách không mời’ này, ví dụ như ‘suy nghĩ’, ‘cảm giác ngứa’, ‘một ý tưởng buồn’... chúng ta cũng cần biết khi nó ‘đột nhập’ vào tâm mình; nếu không biết tên nó cũng không sao, ví dụ có một cảm giác là lạ, không mô tả được nhưng cảm nhận được, thì việc của chúng ta là cảm nhận chúng. Khi nhận diện được hành trạng của những ý tưởng, cảm thọ và cảm xúc này, chúng sẽ tự động ra đi. Lúc này, chúng ta đang thực hành tỉnh thức về sự đến và đi của chúng. Thế nhưng, mục đích của chúng ta là trụ tâm vào đối tượng là hơi thở, nên duy trì tỉnh thức trên hơi thở càng nhiều càng tốt.
          Để phát triển kỹ năng và nghệ thuật kiểm soát của tâm, chúng ta phải tập chú tâm trên những việc làm một cách có ý thức. Với sự thực hành liên tục, sau một thời gian, chúng ta tạo được một thói quen phản ứng và nó bắt đầu hoạt động một cách tự nhiên trong mọi công việc của chúng ta làm. Ngược lại, nếu không thực hành một cách có ý thức trong thời gian đầu, tâm chúng ta có thói quen gian đầu, tâm chúng ta có thói quen dong ruổi hết chỗ này đến chỗ nọ mà quên trụ ở nơi công việc mình đang làm. Hãy tạo cho mình một thói quen làm việc trong tỉnh thức. Chỉ cần tỉnh thức hơn một chút trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ thấy cuộc đời này dễ chịu và đáng sống hơn nhiều. Sự tỉnh thức nuôi dưỡng lòng tri ân, giúp ta rộng lượng và nhân ái hơn với mọi người, chính điều này sẽ mang lại cho chúng ta hạnh phúc.        
          Người sống tỉnh thức là người sống có lý tưởng, có một định hướng siêu việt, nghĩa là luôn hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, để luôn tư tưởng và hành động trong sự khôn ngoan và đạo đức. Người tỉnh thức cũng chính là người sống đẹp từng giây phút hiện tại, nghĩa là sống toàn tâm, toàn ý trong từng công việc, từng bổn phận, từng mối quan hệ với tâm hồn đầy yêu mến.
          Tỉnh thức cũng là giác ngộ, vì giác ngộ là tỉnh ra mà thấu rõ chân lý, không còn để mình sống trong sự lầm lạc và tối tăm. Giống như mặt trời ló rạng sau một đêm: ánh sáng bừng lên xua tan bóng tối, khiến mọi vật lộ rõ bộ mặt thật của chúng. Tâm hồn của những người tỉnh thức cũng thế, nhờ Mặt Trời chân lý chiếu soi tự thâm tâm, họ nhìn thấy mọi cái đúng với bản sắc và thực chất của chúng, nên tâm hồn đầy bình an, thanh thản, và ung dung tự tại bước đi trong ánh sáng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner