Ngày Tết luôn được xem là dịp lễ hội văn hóa lớn nhất, trọng đại nhất của mỗi người Việt mà ở đó những nét đẹp truyền thống văn hóa được thể hiện rõ và đầy đủ.
LỄ NGHĨA TRONG NGÀY TẾT
“Sống nên tạo công đức dày
Cho con cho cháu, sau này hưởng lây”.
Cho con cho cháu, sau này hưởng lây”.
Lễ nghĩa luôn được người Việt chú trọng trong cách ứng xử hằng ngày, trong cách giao tiếp giữa con người với con người, với con người và thiên nhiên cũng như các đấng thần linh. Trong những ngày tết nguyên đán, khi đất trời giao hòa, chồi đâm lộc nở và thời gian để gặp gỡ thì lễ nghĩa lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn cả. Sự đa dạng trong các mối quan hệ, các cách giao tiếp cũng là một phần tạo nên sự đa dạng trong cung cách lễ nghĩa của người Việt.
Ngày Tết luôn được xem là dịp lễ hội văn hóa lớn nhất, trọng đại nhất của mỗi người Việt mà ở đó những nét đẹp truyền thống văn hóa được thể hiện rõ và đầy đủ. Vì thế, đây chính là cơ hội tốt để bố mẹ dạy cho con cháu nhiều hơn nữa về lễ nghĩa, văn hóa hay nét đẹp truyền thống của dân tộc. Trong ngày Tết luôn để lại ấn tượng sâu đậm cho bé và sẽ còn mãi để cùng bé lớn lên. Đó còn là cách tốt nhất để chúng ta dạy con luôn nhớ về tổ tiên, người sinh ra và nuôi dưỡng con nên người. Ý nghĩa của ngày Tết sum vầy vì thế càng thấm rõ hơn trong lòng con trẻ. Trong truyền thống văn hóa dân tộc. Việc chuẩn bị lễ vật dâng lên bàn thờ tổ tiên vì thế trở thành nề nếp chung cho mọi gia đình. Hãy tận dụng thời cơ này để dạy bé về ý nghĩa của việc thờ cúng hay chuẩn bị lễ vật trong ngày Tết vừa làm vừa nói chuyện cùng bé về ý nghĩa của việc đang làm lẫn thái độ trân trọng khi làm việc đó. Chính bằng việc làm này, chúng ta đã gieo vào lòng trẻ những hạt mầm đầu tiên về truyền thống uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc.
Ngày Tết là thời gian sum vầy sau một năm làm việc vất vả mọi người dù có đi đâu cũng cố gắng để về với gia đình, với quê hương, ấy là một nét đẹp truyền thống từ bao đời nay mà người Việt của chúng ta luôn gìn giữ và trân trọng.
“Con người có tổ có tông
Như cây có cội như sông có nguồn”
hành trình trở về quê hương ăn Tết không chỉ là sự góp mặt đầy đủ mà còn hướng về cội nguồn với lòng biết ơn đấng sinh thành dưỡng dục. Ngay từ trước Tết, con cháu thường chuẩn bị quà biếu dành cho cha mẹ, những người cao tuổi, có vai vế trong họ hàng. Còn trong Tết, người cao tuổi trong dòng họ lại được con cháu chúc thọ với lòng thành kính, biết ơn và mong muốn đó là “cây cao bóng cả”để chỉ bảo, truyền lại những kinh nghiệm sống quý báu cho con cháu, là điểm tựa tinh thần cho người đi xa …Còn với người đã khuất, con cái dù có thành danh đến đâu, giàu hay nghèo thì cũng trở về cúi đầu bên ban thờ tổ tiên để tiếp nối truyền thống dòng họ. Dù bận đến mấy thì trước Tết mọi người cũng dành ra thời gian để trang hoàng lại phần mộ. Vào ngày cuối năm, mâm cơm tất niên lại được sửa soạn để các thành viên trong gia đình cung kính thắp nén hương mời những người đã khuất cùng sum họp trở về đón Tết với con cháu. Trong ba ngày Tết, trên bàn thờ mỗi gia đình thường có mâm cỗ cúng gia tiên như một nghi lễ bắt buộc cho đến khi tàn hương thì con cháu mới được thụ hưởng. Quan niệm tâm linh cho rằng vào dịp Tết Nguyên đán, hương hồn của tổ tiên sẽ hiện diện trên bàn thờ gia tiên, nhà thờ họ để chứng kiến lòng thành của con cháu và phù hộ cho con cháu những điều tốt đẹp, may mắn. Ngoài ra ngày Tết người người còn đi lễ đình, chùa, đền… để biết ơn các vị thần linh, người có công gây dựng, mở đất và mong các vị tiếp tục cai quản công việc trần gian, phù hộ cho muôn người.
Tết cũng là dịp để những người quen biết gặp gỡ, trò chuyện, hỏi thăm nhau, cùng trao đổi, cùng gửi gắm những lời chúc tốt đẹp nhất để hướng đến một năm mới an lành, hạnh phúc và no đủ. Đã từ bao đời, những điều ấy luôn như một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân đất Việt ta. Vì vậy chúng ta làm cha mẹ cần phải dạy bảo các con cháu ngay từ khi còn bé ở những điều này.
Ngày đầu năm, cha mẹ dẫn con cháu về nhà nội, nhà ngoại để mừng tuổi, con cháu ngoan ngoãn chúc tết ông bà, cầu mong cho ông bà sống khỏe, sống thọ và vui vầy cùng con, cháu, chắt. Cha mẹ thì cung kính cầu chúc sức khỏe đến ông bà, biếu tặng ông bà quà tết, khơi gợi lại truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu học, vượt khó… Không khí gia đình vì thế thêm rộn rã và vui tươi. Và ngược lại đừng chủ quan rằng mọi đứa trẻ lớn lên đều có thể tự tin chắp tay thành khấn trước ban thờ tổ tiên mà ngay từ khi bé có thể hiểu được, chúng ta cần dạy các con, cháu bài học quan trọng này. Chúng ta cần để bé hiểu vì sao phải thắp hương tưởng niệm hay thờ cúng ông bà. Bé cần được học cả về thái độ trang nghiêm, trang phục chỉnh tề và cả cách chắp tay thành khẩn khi đứng trước bàn lễ vật. Và việc quan trọng chúng ta cần dạy con trẻ.
Tết cũng là ngày đoàn tụ với người đã khuất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giờ giao thừa, các gia đình theo Phật đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên đã qua đời về ăn cơm Tết với các con cháu. Bữa cơm sum vầy trong ngày Tết luôn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp khiến cho những đứa trẻ háo hức mong chờ nhất. Ngày Tết người ta cũng thường hay thực hiện các nghi lễ, để dâng hương lên các vị thần theo huyền thoại là người ban phước cho gia đình chúng ta được nhiều sức khoẻ, nhiều tiền tài, nhiều may mắn và an lành hạnh phúc trong năm vừa qua.
Tết là ngày đầu tiên của năm mới, cũng là ngày sinh nhật của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là chúc nhau thêm một tuổi. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ con và các cụ già để cho các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi; còn các cụ thì sống lâu và mạnh khoẻ để con cháu được nhờ phúc. Bố mẹ không quên dạy các con, cháu phải biết chúc Tết cũng như hiểu được ý nghĩa của mỗi lời chúc Tết. Chính mỗi lời chúc Tết tốt đẹp luôn đọng lại trong tâm của các con, cháu như cách để bố mẹ dạy cho con, cháu biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ lẫn nhau cũng như mong muốn hạnh phúc luôn đến với tất cả mọi người. Đối với người Việt, lễ nghĩa trong ngày tết rất đa dạng và thú vị. Cho nên các con cháu phải học hỏi được những truyền thống tốt đẹp của cha ông, lưu truyền mãi từ đời này sang đời khác càng làm cho lễ nghĩa trong ngày tết của người Việt thêm phần khởi sắc. Vì vậy, câu nói dân gian “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” chính là lịch trình để mọi người đi lại, thăm hỏi nhau trong 3 ngày Tết đầu năm.
Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” là một truyền thống từ bao đời nay để thể hiện sự kính trọng, quan tâm, chăm sóc đối với những người có công sinh thành dưỡng dục trong dịp Tết cổ truyền “uống nước nhớ nguồn” và “tôn sư trọng đạo”. Theo đó, “Mồng một tết cha” là nhắc nhở ngày đầu tiên của năm mới gia đình họ hàng bên nội tập trung để cúng bái gia tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ để tỏ lòng thành kính. “Mồng hai tết mẹ” là họ hàng gia đình nhà ngoại tập trung đông đủ để cúng bái gia tiên và chúc Tết. Riêng với “Mồng ba tết thầy” là dịp học trò đến nhà thầy cô giáo chúc Tết, thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn công lao dạy dỗ nên người. Trên tinh thần đó, ngày mùng 3 là ngày người Việt dành cho thầy cô giáo những người đã dành sự hi sinh lớn lao cho sự nghiệp trồng người không mệt mỏi. Với tinh thần “tôn sư trọng đạo”, người Việt luôn quan niệm “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy).
Chúc Tết đầu xuân là một nét đẹp không thể thiếu mỗi dịp Tết đến. Đây là thời điểm để họ hàng, làng xóm đến thăm hỏi, chúc tụng nhau để mối các quan hệ thêm gắn bó đoàn kết. Nhà nào có thêm thành viên mới vào những dịp chúc Tết đầu năm sẽ được giới thiệu và ra mắt kỹ hơn với họ hàng, làng xóm.
Ngoài ra dịp Tết đến Xuân về, người Việt còn có tục xin chữ đầu năm. Đây là một nét đẹp văn hóa của người Việt từ xưa có truyền thống từ lâu đời thể hiện sự hiếu học, trọng chữ, trọng thầy, cũng là mong muốn xin may mắn, tài lộc trong năm mới, và thờ chữ, rước chữ, chơi chữ, xin chữ. Theo đó, thờ chữ và rước chữ là đối với những chữ của vua, được viết trong các sắc phong; còn dân gian thì chơi chữ và xin chữ nơi các ông đồ vào những dịp lễ tết. Xin chữ ngày Tết, không phải là một việc đơn giản như chúng ta thường nghĩ mà đó là điều thiêng liêng, một việc quan trọng của gia đình. Người xưa, khi đi chợ Tết không quên qua cổng chợ xin chữ thầy đồ, có thể là câu đối hoặc một chữ duy nhất. Người xưa thường xin chữ về thờ với mong muốn con cháu được học con chữ mà thành người. Chữ được yêu thích nhất thường là chữ Tâm, Phúc, Đức, An, Lộc,… Ngày nay tục xin chữ, câu đối đỏ vẫn được duy trì.
Còn có một triết lý ý nghĩa cây nêu bao hàm sự thống nhất tác động qua lại giữa âm và dương hay sự liên kết giữa động và tĩnh, được biết qua hai chữ Càn (Trời) và Khôn (Đất), nằm trong hình ảnh cái nón và cây gậy của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nó bao hàm sự thống nhất và tương trợ giữa Âm và Dương hay sự không tách rời giữa Động và Tĩnh…Cây nêu ở đây là cây tre dài khoảng 5 - 6 mét, được dựng trước sân nhà vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo Quân lên chầu Trời. Trên ngọn cây nêu còn có buộc nhiều thứ (tùy từng địa phương) như cái túi nhỏ đựng trầu cau và ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ. Khi có giỏ thổi chúng chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng như tiếng phong linh, rất vui tai. Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu…Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để Tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không maỵ. Trong phong tục dân gian Việt Nam thông thường cứ đến 23 tháng chạp thì cây nêu được dựng, là ngày Táo quân về trời chính vì từ ngày này cho tới đêm giao thừa vắng mặt Táo quân, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Đến hết ngày mùng Bảy thì cây nêu được hạ xuống.
Nhìn lại một năm đã qua xem những gì đã làm được và chưa làm được để rút kinh nghiệm, cùng nhau tiếp tục phấn đấu. Trong những lời chúc Tết, biết bao lời chúc tốt đẹp luôn được mọi người dành cho nhau trong không khí vui vẻ, hồ hởi... Nhờ chúc Tết đầu năm mọi người biết gia cảnh của nhau, dễ thông cảm, chia sẻ và giúp đỡ nhau. Tết còn là dịp tạo mỹ tục mới với các chương trình từ thiện, quan tâm, san sẻ khó khăn với tinh thần “tương thân tương ái” “lá lành đùm lá rách”tới người nghèo, người khuyết tật… để ai ai cũng có Tết.
Những bài học hiếu, lễ, nghĩa mỗi dịp Tết truyền thống hình thành và được nuôi dưỡng từ bao đời nay, tự nhiên ăn sâu bám rễ đi vào tiềm thức mỗi người, không cần phải cao giọng nhắc nhau, cứ đến dịp Tết Nguyên đán về là những nét đẹp truyền thống lại được khơi dậy, tiếp nối và phát huy.
Tác giả: Tỳ kheo Thích Thiện Hạnh (Đức Hạnh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét