CHÙA VINH PHÚC, QUAN ĐỘ-BẮC NINH - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

CHÙA VINH PHÚC, QUAN ĐỘ-BẮC NINH

CHÙA VINH PHÚC, QUAN ĐỘ-BẮC NINH

Chùa Vinh Phúc ( Quan Độ) toạ lạc trên một khuôn viên trên 6000 m2 tại thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, là một trong những ngôi chùa nằm trong quần thể chùa nổi tiếng của tỉnh Bắc Ninh với nhiều kiến trúc độc đáo.


"Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhơ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tông”

Chùa Vinh Phúc ( Quan Độ) toạ lạc trên một khuôn viên trên 6000 m2 tại thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, là một trong những ngôi chùa nằm trong quần thể chùa nổi tiếng của tỉnh Bắc Ninh với nhiều kiến trúc độc đáo.
Thôn Quan Độ là nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh Bắc Ninh và thành phố Hà Nội, được xem là cái nôi của Cách mạng Việt Nam. Thôn Quan Độ có một ngôi chùa nổi tiếng từ thời cổ. Theo dấu tích xa xưa còn để lại, chùa có niên đại rất lâu đời.
Theo dòng thời gian, chùa đã bị hư hỏng nặng. Trước nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương, chùa đã nhiều lần được tu bổ, tôn tạo.
Vào năm 2003, nhân dân địa phương trùng tu lại ngôi Tam bảo nhưng cảnh chùa vẫn hoang phế, tiêu điều. Năm 2006, hội đủ duyên lành, nhân dân đã đón được đại đức Thích Thiện Hạnh về chùa. Khi xây dựng các hạng mục những năm gần đây, đai đức Thích Thiện Hạnh cùng chính quyền địa phương đã khai quật được rất nhiều cổ vật có giá trị: tượng Phật cổ, hai con lân, lư hương... tại khuôn viên chùa. Dựa vào dấu tích để tìm hiểu các cổ vật đó có thể xác định chùa Quan Độ có từ thời đại Lý, Trần. Nhìn những cổ vật còn sót lại cũ kỹ, rêu phong ta tưởng như nơi đây xưa kia đã từng nhộn nhịp bước chân các bậc tu hành tiền bối. Họ dựng chùa để tu hành, biến nơi đây thành một chốn tâm linh vùng Kinh Bắc. Những cổ vật tưởng chừng đơn sơ đó là minh chứng tiềm tàng cho hồn thiêng sông núi, là mạch sống, linh hồn cho Phật pháp mãi trường tồn.
Từ mảnh đất này, những bậc tiền nhân đi trước đã gây dựng chùa chiền, chăm lo, phát triển kinh tế, văn hoá cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Khi kẻ thù nhòm ngó nước ta, gót sắt của chúng đặt chân đến mảnh đất Kinh Bắc gieo rắc đau thương, tang tóc cho người dân Quan Độ, họ đã đứng lên chiến đấu chống quân thù không tiếc thân mạng của mình. Họ đã viết lên bản trường ca yêu nước với những âm hưởng hào hùng mà dư âm của bản trường ca ấy vẫn còn vang mãi đến hôm nay. Tuy thời thế thay đổi, biến thiên không ngừng theo quy luật vô thường nhưng những cổ vật còn sót lại đã thay cho ngàn lời muốn nói. Đó là những giá trị phi vật thể, là tinh tuý của Phật pháp một thời. Nó có sức sống bất diệt, vượt qua thời gian, không gian. Nó còn là minh chứng để chúng ta có dịp được ôn lại những trang lịch sử hào hùng của dân tộc với hào khí Đông A thời Trần. Đó cũng là kỉ vật của một thời đại vàng son trong lịch dử dân tộc giúp ta có dịp được trở về cội nguồn của Phật giáo Việt Nam.
Chùa Vinh Phúc ( Quan Độ) đã trải qua những thăng trầm, những biến cố lịch sử lúc thịnh, lúc suy . Trong thời kì chống Pháp, chùa đã bị huỷ hoại chỉ còn là phế tích. Thời gian sau đó, nhân dân đã dựng chùa trên nền cũ, đèn nhang duy trì nguồn tâm linh cho dân làng. Chỉ đến năm 2003, khi đại đức Thích Thiện Hạnh trở về làm thầy trụ trì, chùa Vinh Phúc ( Quan Độ ) mới chính thức hồi sinh trở lại. Các linh vật như được bừng tỉnh sau giấc ngủ dài thiên cổ...
Thầy đã dốc chí tu hành, cuộc sống giản dị, đạm bạc với tâm nguyện duy trì chánh pháp, dẹp bỏ mê tín dị đoan, dạy dân tu thiện, sống thiện để khơi dậy đạo đức chân thật cho con người. Thầy đã thầm lặng gây dựng ngôi chùa, tiếp nối ngọn đèn chánh pháp để nhân dân, phật tử được tắm mình trong ánh sáng chân lý, thoả thích uống những dòng nước pháp ngọt ngào. Thầy đã đem kiến thức Phật Pháp áp dụng để giáo hoá nhân dân với tinh thần uyển chuyển, sống động, nhập thế tích cực. Những bài giảng của Thầy gần gũi với mọi trình độ, căn cơ. Đó là khuyên nhân dân làm lành, lánh dữ, hướng thiện và biết quan tâm, chia sẻ đến những con người bất hạnh hơn mình. Phương pháp của thầy phù hợp với tư duy đại chúng nên việc tu học đã có những chuyển biến quan trọng, nhân dân ít mê tín dị đoan, người với người sống có tình hơn...Thầy đã tiếp bước con đường của người xưa và uyển chuyển vận dụng để phù hợp với cuộc sống hiện đại ngày nay khiến cho tinh thần vô ngã, vị tha của Phật pháp không bị ngủ vùi trong quên lãng.
Sau nhiều năm thi công, tổng thể của ngôi chùa đã được hoàn thành viên mãn, trang nghiêm, tố hảo, xứng đáng là cơ sở tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 
Không giống như cấu trúc của những nơi khác, chúng ta thấy tam quan chùa Vinh Phúc đặt theo kiểu “ Ngũ phúc lâm môn”. Cổng chùa có tất cả năm cửa trong đó ba cánh đặt liền nhau, ở trên đề chữ “Từ bi - Trí tuệ - Hỉ xả” bằng chữ Hán, hai cánh cửa hai bên đề chữ “ Phổ độ chúng sinh” với mong muốn mái chùa này sẽ đem lại cho chúng sinh trí tuệ để giải thoát tất cả phiền não. Trên đỉnh tam quan, tượng Phật Thích Ca trang nghiêm, tĩnh toạ giữa vòng pháp luân mang một ý nghĩa sâu sắc. Đó là hình ảnh tượng trưng cho thập nhị nhân duyên, cho bát chánh đạo. Tượng Phật ở bên trong, vòng pháp luân ở bên ngoài ngụ ý là đức Phật cũng giống như tất cả mọi con người, nhưng đức Phật đã tu, đã giải thoát khỏi lục đạo. Còn chúng sinh, vì chưa thấy được quy luật của sinh tử luân hồi nên vẫn còn luẩn quẩn trong vòng lục đạo, chịu nhiều đau khổ ràng buộc.

Bức tường hai bên cánh cổng có vẽ hình tứ vị kim cương, hai vị bên trong, hai vị bên ngoài để hộ pháp.

Bức tường bên ngoài còn vẽ bức tranh “Thập mục ngưu đồ”. Đây là mười bức tranh thể hiện tinh hoa của Phật giáo Đại Thừa. Cảnh chăn trâu của chú mục đồng diễn xuất ý tưởng và phương pháp chế ngự tâm của con người. Bức tranh có hai biểu tượng chính là con trâu vào người chăn. Con trâu chỉ tâm của chúng sinh, người chăn trâu chỉ ý chí tu tập. Ban đầu con trâu còn dữ tợn, mang màu đen tối. Nó được người chăn kiên trì điều phục bằng việc giáo dục, dần dần trâu trở nên thuần hoá, màu sắc trắng dần. Mười bức tranh vẽ cảnh chăn trâu nhưng qua hình ảnh ấy, bộ tranh còn ngụ ý nói đến bản tính hung hăng, mê mờ của chúng sinh. Tâm con người vốn rất hay loạn động, cần phải tu tập để chế ngự, điều phục làm sao cho cái tâm ấy vắng lặng, thanh tịnh, hình ảnh đó chính là sự nhắc nhở con người cần phải quay về bản lai diện mục của mình. Bên cạnh những bức vẽ của bộ tranh “Thập mục ngưu đồ” bức tường bên ngoài còn vẽ tranh thầy đồ xưa đang ngồi dạy học. Bức tranh nhắc nhở con người phải đề cao vai trò học tập. Có học tập, con người mới tích luỹ được kiến thức sâu rộng. Có học tập, chúng ta mới nên người. Muốn học tập, chúng ta phải tôn sư trọng đạo. Đó là đạo lí muôn thuở mà bao nhiêu thế hệ và chúng ta cùng các con cháu muôn đời sau phải đề cao.
Mặt trong bức tường vẽ những bức tranh dân gian sinh động, gần gũi với con người. Ví dụ: tranh “Vinh quy bái tố”. Bức tranh khơi dậy những truyền thống văn hoá đã nằm sâu trong tiềm thức con người. Dù xã hội văn minh, tiến bộ, chúng ta vẫn chú ý đến mảng văn hoá dân gian, đó chính là vấn đề “Uống nước nhớ nguồn”. Có được thành quả ngày hôm nay, ông cha chúng ta đã phải hi sinh biết bao xương máu. Bức tranh nhắc nhở con người phải biết ơn những thế hệ đi trước để cho chúng ta sống hạnh phúc hôm nay.
Bước vào cổng chùa, chúng ta ngỡ ngàng chiêm ngưỡng một Bảo tháp theo kiến trúc đặc biệt. Đó là “Phật Quang Bảo Tháp”. Toàn bộ Bảo tháp được ốp lát bằng đá xanh, trạm trổ tinh xảo với đường nét chủ đạo là hoa sen khắc chìm. Nhìn tổng thể, Bảo Tháp có ba tầng làm theo kiến trúc vừa cổ kính, vừa hiện đại, có tám trụ đá được khắc hình rồng uốn lượn mềm mại. Xung quanh Bảo tháp có ao thất bảo nước trong xanh, từng đàn cá phóng sinh bơi lượn tung tăng. Đài phun nước phun lên những tia nước trong veo làm lòng người quên hết phiền não. Dưới lòng ao thất bảo, những cụm hoa đủ màu đang khoe sắc.
Đặt chân lên chiếc cầu Giải Thoát bước vào tầng một ngôi Bảo Tháp, chúng ta khám phá và chiêm ngưỡng Đại hồng chung được treo trang trọng ngay chính giữa. Quả chuông được đúc vào ngày 8 tháng 4 năm 2010 là ngày Đức Phật Thích Ca đản sinh. Đây là công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Quả chuông sắc tươi, chất tốt, vang rền tiếng ngân. Mỗi khi chúng ta đến chùa, bao nhiêu phiền não trong lòng trở nên nhẹ nhàng, khi nghe tiếng chuông chùa, tinh thần con người trở lại trạng thái thanh tịnh, tâm trí sáng suốt, an vui, giải thoát:
Nghe tiếng chuông phiền rầu nhẹ
Trí tuệ lớn, Bồ Đề sinh
Lìa địa ngục, khỏi hầm lửa
Nguyện thành Phật độ chúng sanh
Trần tháp chuông được trang trí cầu kì mô tả hình ảnh bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, được sơn son thếp vàng nổi bật. Đường nét chạm khắc tinh xảo bởi bàn tay của những nghệ nhân lão luyện, tài hoa.


Ngắm xong trần tháp chuông, chúng ta lên tầng hai của tháp bằng một cầu thang nhỏ xinh nhưng chắc chắn. Chính giữa tầng hai Bảo tháp là tượng Đức Phật Quán Thế Âm bằng đá ngọc trắng kim cương với phong thái ung dung tự tại. Ngắm nhìn chân dung Ngài, bao nhiêu đau khổ, phiền muộn của chúng sinh như tan biến. Chúng ta có cảm giác đang được ánh mắt trìu mến của mẹ hiền Quán Thế Âm xoa dịu những nỗi đau nhân tình thế thái. Giọt nước Cam Lồ của Mẹ đem đến an vui, dứt sạch não phiền. Bức tượng Đức Phật Quán Thế Âm đặt ngay ngắn trên một toà sen, xung quanh tượng Ngài, ở trên bức tường đá của Bảo tháp đặt bảy bức tượng Phật trong những tư thế khác nhau. Mỗi vị đều có ánh mắt từ bi soi thấu những đau khổ của chúng sinh, giúp mọi người được giải thoát. Trần tháp trang trí hình ảnh “hoa sen đua nở” nhắc nhở mỗi người con Phật hãy luôn tu tập tinh tấn để bông sen của mình ở thế giới Cực Lạc ngày càng lớn hơn. Hết báo thân này, nhờ tu tập, niệm Phật, buông bỏ tham sân si, con người sẽ sinh ra từ một bông sen thật lớn ở thế giới Tây phương Cực Lạc, nơi có đức Phật A Di Đà làm giáo chủ, có Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí cùng Thánh chúng Bồ Tát đang ngày đêm tiếp dẫn.
Lên tầng ba Bảo tháp ta được chiêm ngưỡng tượng Đức Phật Thích Ca. Pho tượng này làm bằng đá Ngọc Bích đổi màu rất quý. Bức tượng được chế tác công phu, tỉ mỉ bằng bàn tay của những nghệ nhân điêu luyện. Chúng ta có thể cảm nhận điều đó khi tận mắt chiêm bái tượng Ngài. Ấn tượng của chúng ta về Ngài chính là ánh mắt từ bi như thấu hiểu tất cả những tâm trạng của chúng sinh với dáng điệu, phong thái ung dung, trang nhã. Xung quanh bức tường tầng ba Bảo tháp cũng đặt những bức tượng đức Phật trong tư thế ung dung, thoát tục.
Ngôi Bảo tháp có tổng số mười sáu bức tượng trong đó mười bốn bức tượng nhỏ đặt trên tường tháp nhìn sang các phía, đứng ở vị trí nào ta cũng có thể chiêm bái hình ảnh các Ngài. Trên trần tầng ba Bảo tháp chạm khắc hình ảnh chín Rồng đang phun nước tắm Phật. Ngày Đức Phật đản sinh, nhân loại hân hoan đón chào vị cha lành của muôn loài xuất hiện, chín Rồng phun nước Cam Lồ mát mẻ để mừng đón Phật ra đời. 
Sau khi thăm hết ba tầng Bảo tháp, chúng ta tiến vào bên trong sân chùa qua chiếc cầu Giải Thoát cong cong, xinh xắn. Trước mặt chúng ta là hình ảnh Đức Phật Địa Tạng bằng đá trắng. Ngài đang lắng nghe, đón nhận và xoa dịu những nỗi niềm đau khổ của chúng sinh. Chúng ta cúi đầu đảnh lễ Ngài rồi đi xung quanh ao Thất Bảo để chiêm ngưỡng toàn cảnh Phật Quang Bảo Tháp. Trên bức tường ốp đá xung quanh hồ Bảo tháp còn đặt mười hai con vật tượng trưng cho tuổi của con người. Mười hai con giáp được chế tác từ đá trắng với những tư thế rất sinh động, hồn nhiên. Bạn có thể tìm đến con vật tượng trưng cho tuổi của mình để chụp những bức hình lưu niệm, dù bạn chụp ở vị trí nào, bức ảnh của bạn cũng có hình ảnh Bảo tháp với những bức tượng Phật rất đẹp và cây cầu Giải Thoát xinh xắn làm nền. Bên cạnh đó là những chậu cảnh tươi tắn, duyên dáng giúp bạn cảm thấy tự tin và hứng thú.



Thăm xong Phật Quang Bảo Tháp, chúng ta thăm tiếp một công trình đặc sắc. Đó là nơi đặt vườn Lộc uyển. Công trình làm bằng đá xanh được các nghệ nhân tỉ mỉ khăc, tạc rất tinh tế. Nó có hai tầng. Tầng 1 thông thoáng, chính giữa đặt bức tượng Bồ Tát Quan Âm với tư thế ngồi ung dung, thoát tục. Trước bức tượng đá trang nghiêm là một hòn non bộ xinh xắn đem lại cảm giác thanh bình. Phía sau bức tượng treo một bức tranh thêu hoa sen, cá chép tượng trưng cho sức mạnh, nghị lực của con người và tấm lòng thanh tịnh của người con Phật, gần bùn mà chẳng chút bợn nhơ. Tầng hai mô phỏng hình ảnh vườn Lộc Uyển, nơi Đức phật thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như. Một trong những bài pháp Đức Phật dạy cho năm vị Tỳ kheo đầu tiên là kinh Vô Ngã tướng. Đó là lời dạy phải quán sát ngay thân này, quán sát sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều luôn luôn biến đổi, vô thường. " Này các Tỳ kheo, đối với tất cả sắc thân dù ở quá khứ, hiện tại hay vị lai, dù ở trong hay ở ngoài, thô hay tế, thấp hay cao, xa hay gần, các thầy đều nên nhận thức đúng với thực thể của nó: Thân này không phải của tôi...nhận thức được như vậy sẽ nhàm chán sắc thân, thọ, tưởng, hành, thức, xa lìa năm uẩn nhơ nhớp và được giải thoát khỏi mọi ràng buộc"
Phật dạy xong bài kinh này, năm vị Kiều Trần Như đều được mắt nhãn thanh tịnh, thấy rõ thật tướng và đắc quả A la hán. Từ trước đến giờ các vị tu khổ hạnh quên quán chiếu thân mình. Xuyên suốt trong giáo lý, Đức Phật nhắc nhở, kêu gọi đệ tử hãy quay lại nhìn mình, quán sát thật sâu xa để tìm ra chân lý. Khi biết rõ mê lầm, con người sẽ tỉnh ngộ và sám hối các căn để trở lại thanh lương, tốt đẹp. Họ sẽ được thức tỉnh, biết rõ nguyên nhân mọi ngóc nghách phiền não. Từ đó họ sẽ rũ bỏ được mọi dính mắc, phiền não sẽ tan nhanh. Mây mù không còn che phủ, mặt trời trí tuệ trở nên chói lọi, rạng ngời... Những bức tượng rất có hồn, thăm quan xong công trình vườn Lộc uyển, tâm hồn chúng ta trở nên nhẹ nhàng, mọi ưu phiền dường như không còn chút nào vướng lại trong tâm trí...
Ngôi Đại Hùng Bửu Điện trang nghiêm, tráng lệ ở vị trí trung tâm nhất của khuôn viên:
“Trầm đốt hương thơm bay ngọt ngào,
Thôn trên xóm dưới dạ nao nao
Dân làng tắm gội lên chùa lễ,
Mười bốn, ba mươi mỗi tối nào”
Ngôi Tam Bảo ở đây về cơ bản cũng trang trí, sắp đặt giống nhiều ngôi chùa khác của miền Bắc nhưng khi bước chân vào chánh điện ta lại có cảm giác rất linh thiêng, huyền bí. Cách bài trí, sắp đặt vị trí các tượng Phật và đồ thờ thật trang nghiêm, tố hảo. Nơi đây Đại đức trụ trì thường tổ chức tụng kinh, niệm Phật, thuyết Pháp giáo hoá chúng sinh.
Sân trước ngôi Tam Bảo đặt bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá. Ngài đứng đó như để cảm thấu những nỗi đau khổ của chúng sinh và tìm các phương tiện để cứu vớt chúng sinh ra khỏi nỗi đau,oan trái.
Bên phải Tam Bảo là ngôi nhà khách tổng hợp. Đây là một căn nhà hai tầng rộng rãi. Tầng hai có mười phòng nghỉ để chư tăng và khách thập phương ở xa về có nơi tĩnh dưỡng. Tầng một có hội trường rộng rãi, đây là nơi tuỳ theo sự kiện mà uyển chuyển sử dụng sao cho phù hợp. 
Rời ngôi nhà khách tổng hợp, chúng ta cùng vào nhà Tổ. Đây là một công trình nhỏ nhắn nhưng rất tĩnh lặng, uy nghiêm. Ngôi nhà này đặt tượng tổ Bồ Đề Đạt Ma và ảnh chư vị Hoà thượng, những bậc tôn túc trong các thời kỳ của giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vãng sinh. Bên trái đặt bài vị, hình ảnh của những hương linh được sắp xếp gọn gàng, trang trọng. Chúng ta đến nơi đây để thắp hương tưởng nhớ chư vị Tổ sư, chư Tiên linh, ông bà, cha mẹ quá khứ nhiều đời nhiều kiếp đã quá vãng của chúng ta với lòng thành kính vô biên. Trong khói thơm hương trầm quyện toả, tâm linh con người như được gội rửa bằng những giọt nước từ bi trong trẻo, dường như ta càng thấu hiểu hơn sự vô thường của kiếp nhân sinh.
Để thực hành giáo lí của đức Phật, đại đức Thích Thiện Hạnh thường tổ chức những hoạt động từ thiện xã hội. Từ ngày về chùa đến nay, Thầy đã tổ chức rất nhiều chuyến đi từ thiện trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và tín đồ phật tử.



Trong tỉnh Bắc Ninh, đoàn từ thiện thường đến thăm hỏi, chia sẻ một vài địa chỉ như: thương binh, bệnh binh Huyện Lương Tài ( nơi nuôi dưỡng, chăm sóc các thương binh, bệnh binh nặng của đất nước); Trại tình thương Hương La ( nơi nuôi dưỡng các cháu bé bị bỏ rơi hoặc lang thang, cơ nhỡ); Trường trẻ em khuyết tật tỉnh Bắc Ninh; Trại phong Quả Cảm... Khi đến chia sẻ, đoàn từ thiện do Thầy Thiện Hạnh tổ chức thường trao quà tặng như: nhà tình nghĩa, xe lăn, mì, gạo, đường sữa, tiền mặt…cho các hộ khó khăn không có nơi trú ngụ và thương binh, bệnh binh, trẻ em mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn, bệnh nhân hiểm nghèo, phong hủi…đem lại nguồn sống, niềm tin và hi vọng cho bao nhiêu cuộc đời, số phận bất hạnh.
Việc từ thiện do thầy dẫn dắt không đơn thuần chỉ là sự san sẻ vật chất đến những người khó khăn mà đó còn là sự san sẻ tình yêu thương bằng cách quan tâm trìu mến qua ánh mắt, nụ cười, qua những lời hỏi han, động viên, an ủi...Hơn thế, Thầy còn động viên và giúp họ hiểu hơn giá trị quý báu của cuộc sống con người để họ sống tốt, có nghị lực hơn.
Không chỉ vậy, dưới sự dẫn dắt của Thầy, đoàn từ thiện còn vượt núi băng sông, lên đường cứu trợ cho những đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng lũ…cuộc sống của họ mong manh, có lúc tưởng chừng “ngàn cân treo sợi tóc”. Những chuyến đi từ thiện để lại trong lòng người cho và người nhận ấn tượng rất sâu sắc về đạo lý “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”…của dân tộc Việt Nam, là minh chứng không thể tốt đẹp hơn cho tinh thần từ bi, nhân ái theo đúng phương châm của Giáo hội: " Đạo pháp, dân tộc, Xã hội chủ nghĩa".
Khi đến chùa Quan Độ những buổi đầu, một số Phật tử thường chưa hiểu biết gì về đạo Phật. Họ mua trái cây và thật nhiều vàng mã dâng lên tất cả các bàn thờ. Họ nghĩ, cứ dâng lên các thánh thần thật nhiều thì các ngài sẽ ban cho nhiều phúc đức. Họ xin tất cả mọi vấn đề với thái độ van lơn. Xin các ngài rủ lòng thương, chứng giám lòng thành, mong các ngài ban cho cha mẹ, chồng con, anh chị em và mọi người trong gia đình được mạnh khoẻ, vạn sự như ý, làm ăn thuận lợi, buôn một bán mười, gia đình giàu có, điều lành mang đến, điều dữ mang đi...Nhưng có ai hỏi: ngày Phật Đản là gì, ban thờ này thờ ai...thì họ chỉ cười trừ. Khi có nhân duyên đến chùa như vậy, nhờ sự giáo hoá của Thầy, họ dần dần thay đổi nhận thức của mình. Họ được Thầy giảng dạy để thấy rõ con đường chánh pháp, không lạc lối sang mê tín dị đoan. Thầy đã giúp họ thấy được đạo Phật trong sáng, hướng thiện với tấm lòng đại từ bi, đại trí tuệ. Người Phật tử đã nhận biết rằng: giàu sang hay nghèo khó, hạnh phúc hay khổ đau...trong kiếp sống này đều do bản thân mình trong quá khứ đã gây tạo. Hãy làm việc thiện, từ lời nói đến việc làm đều tốt đẹp thì cuộc sống hiện tại và tương lai sẽ được an vui, hạnh phúc. Phật pháp có năng lực cứu độ chúng sinh, dẫn lối cho người Phật tử đến bến bờ giải thoát. Chân lý của đạo Phật không ở đâu xa lạ, đạo và đời tuy là hai phạm trù nhưng cốt tuỷ chỉ là một mà thôi. Phật chính là mình, tức là trong mỗi con người đều có Phật tánh, có sẵn một vị Phật. 



Chùa Vinh Phúc dần trở thành chốn tụ hội của những Phật tử thuần thành. Họ muốn xây dựng cho mình một đời sống tâm linh trong sáng, trí tuệ theo dấu Đấng Từ Phụ Thích Ca, giải trừ những cấu uế trong tâm. Họ cảm nhận được sự an lạc, tươi mới, vững vàng ngay trong đời sống đầy bất trắc của hiện tại
“Mỗi tối dân quê đón gió lành,
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh…
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi dân hiền mọi mái tranh”...




Đầu năm 2015, chùa Vinh Phúc chính thức được Unesco công nhận danh hiệu "Việt Nam linh thiêng cổ tự". Công sức gây dựng vô cùng gian lao, vất vả để khơi dậy và tiếp nối những giá trị truyền thống xa xưa của Thầy đã đem lại dấu ấn thiêng liêng cho người dân Quan Độ và Phật tử gần xa trên mảnh đất Bắc Ninh một điểm đến tâm linh. Những rung động của mỗi con người khi đến nơi này không thể diễn tả bằng lời, hãy đặt chân đến chùa để bạn có thể tự mình cảm nhận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner